TMCN: Sanh Linh

2,462 views

Tản Mạn Chữ Nghĩa

Trong Thánh Kinh Việt ngữ bản dịch Phan Khôi, Sáng Thế Ký 2:7 được dịch như sau:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”

“Sanh linh” là một từ ghép trong tiếng Hán Việt, có nghĩa là “hồn sống” là hồn ở trong một thân xác làm cho thân xác ấy được sống động đối nghĩa với “vong linh” có nghĩa là “hồn chết” là hồn đã rời khỏi một thân xác làm cho thân xác ấy không còn sống động. Chữ được Phan Khôi dịch là “sanh linh” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là: “chay” và “nephesh.” Theo Brown-Driver-Briggs’ Hebrew Definitions thì:

– chay = sống, sống động, sự sống… (trong Anh ngữ = alive, living, life…)

– nephesh =  hồn, bản ngã, tạo vật, vật sống có hơi thở… (trong Anh ngữ = soul, self, creature, living thing which breathes…)

Xem các định nghĩa trên đây thì phải công nhận rằng Phan Khôi đã dịch rất sát nghĩa và xưa nay con dân Chúa người Việt khi đọc Sáng Thế Ký 2:7 đều hiểu rằng: “người là một tạo vật có linh hồn do Đức Chúa Trời dựng nên.” Hiểu như vậy hoàn toàn đúng với sự giải bày của Thánh Kinh. Tuy nhiên, vấn đề là Thánh Kinh dùng cùng một từ ngữ “chay nephesh” (hồn sống – living soul) cho các loài thú vật dẫn đến một sự kiện khác mà ít người chấp nhận, đó là: một số loài thú cũng có “hồn sống” như loài người. Khi tôi chia sẻ chi tiết này với một người hầu việc Chúa, người này đã cực lực phản đối và kết luận là tôi đã “sai lầm chết người” khi tin rằng loài thú cũng có “hồn sống” như loài người. Vấn đề đặt ra ở đây là Lời Chúa nói gì? Khuynh hướng thần học hay đức tin cá nhân phải hoàn toàn dựa trên Lời Chúa, nếu không thì chỉ hoàn toàn vô giá trị. Nếu Lời Chúa dạy rằng một số loài thú có hồn sống cũng như loài người thì tôi tin như vậy. Tất cả những chữ được tô đậm trong các câu Thánh Kinh trích trong Sáng Thế Ký liệt kê dưới đây trong nguyên tác đều là từ ngữ “chay nephesh;” điều đó cho chúng ta thấy Lời Chúa khẳng định một số loài thú (loài có huyết) có hồn sống như loài người, chính vì vậy mà chúng được dùng làm sinh tế chuộc tội cho loài người trong thời Cựu Ước. Thánh Kinh dạy rằng “sự sống của loài xác thịt ở trong huyết” nhờ đó mà “huyết mới chuộc tội được: vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được.” (Lê-vi Ký 17:11)

1. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài chay nephesh(2:7). Đây là câu nền tảng để dẫn đến tín lý loài người có “linh hồn.”

2. “Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các chay nephesh hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.” (Sáng Thế Ký 1:21)

3. “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các chay nephesh tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy.” (1:24)

4. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi chay nephesh, đều thành tên riêng cho nó.” (2:19)

5. “và cùng mọi chay nephesh ở với ngươi, nào loài chim, nào súc vật, nào loài thú ở trên đất, tức là các loài ở trong tàu ra, cho đến các loài vật ở trên đất.” (9:10)

6. “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đây là dấu chỉ về sự giao ước mà ta lập cùng các ngươi, cùng hết thảy chay nephesh ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi.” (9:12)

7. “thì ta sẽ nhớ lại sự giao ước của ta đã lập cùng các ngươi, và cùng các loài xác thịt có chay nephesh, thì nước chẳng bao giờ lại trở nên lụt mà hủy diệt các loài xác thịt nữa.” (9:15)

8. “Vậy, cái mống sẽ ở trên mây, ta nhìn xem nó đặng nhớ lại sự giao ước đời đời của Đức Chúa Trời cùng các loài xác thịt có chay nephesh ở trên đất.” (9:16)

So sánh cách dùng từ ngữ “chay” và “nephesh” trong Thi Thiên 26:9:

“Cầu Chúa chớ cất linh hồn (nephesh) tôi chung với tội nhơn, Cũng đừng trừ mạng sống (chay) tôi với người đổ huyết;”

Như vậy, làm sao có thể chối bỏ sự kiện Thánh Kinh dạy một số loài thú cũng là “sanh linh” tức là có “hồn sống” như loài người?

Về một phương diện khác thì loài người có “tâm thần,” trong tiếng Anh là “spirit” và trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là “ruach” (tiếng Hê-bơ-rơ) và “pneuma” (tiếng Hy-lạp) là phần giúp cho loài người nhận thức và tương giao với thế giới thuộc linh. Chính phần tâm thần đó khiến cho loài người ý thức về Đức Chúa Trời, về ma quỷ, biết tín ngưỡng và thờ phượng:

“Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần (spirit/ruach/pneuma) và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là thần (spirit/ruach/pneuma), nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần (spirit/ruach/pneuma) và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:23, 24)

“Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần (spirit/ruach/pneuma), linh hồn (soul/nephesh/psuche), và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23)

“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn (soul/neephesh/psuche), linh (spirit/ruach/pneuma), cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”(Hê-bơ-rơ 4:12)

Huỳnh Christian Timothy
22/03/2010