Hỏi & Đáp: Thời Gian

1,879 views

Hỏi:

Chú Tim ơi, thời gian được xem như là đại lượng bất biến duy nhất còn tồn tại song hành với tình yêu, tình yêu Thiên Chúa, với Chúa, có phải vậy không thưa chú, và cho con hỏi là: Con vẫn chưa hiểu về thời gian, cách tính lịch âm dương, ngày tháng năm, tuần, rồi năm trước công nguyên, sau công nguyên,…được hiểu thật đúng theo Thánh Kinh là như thế nào. Tạo sao lại có 12 tháng, con số 12 có ý nghĩa gì theo Thánh Kinh, rồi 1 tháng lại có 30 ngày, rồi lại còn có lịch Do Thái, lịch Thánh Kinh nghĩa là sao ạ, rồi phân 4 mùa, mỗi mùa lại có 3 tháng, những con số 4, 3 này nghĩa là sao ạ, chúng có liên quan gì đến Thánh Kinh không ạ, rồi lại một năm có 365 ngày, mỗi ngày 24 giờ, mỗi giờ 60 phút, mỗi phút 60 giây,..mỗi 7 ngày một tuần thì con rõ rồi,…còn các con số kia có liên quan gì đến Thánh Kinh không ạ,…Tại sao người ta gọi mồng một tháng một là tết, căn cứ đâu mà xác định chúng là 1 ngày đầu tiên và cuối cùng của năm, căn cứ đâu mà xác định năm nhất,…2017,..Tất cả này đều đến bởi Chúa hay có cả do con người tự ý quy định thưa chú.

Dạ, con xin chú giải thích kỹ cho con hiểu đúng Lẽ Thật về chúng. Con tạ ơn Chúa và con cảm ơn chú ạ.

Trong danh Đức Chúa Jesus.

Đáp:

Để có thể giải đáp các câu hỏi của con một cách đầy đủ thì cần phải viết thành một cuốn sách. Nhưng điều quan trọng là chú không biết đủ để trả lời cho con.

Hiện nay, loài người vẫn chưa có sự hiểu biết trọn vẹn về Thiên Chúa, ánh sáng, không gian, thời gian, sự sống…

Chú chỉ hiểu một cách rất giới hạn như sau:

1. Thời gian xuất hiện cùng một lúc trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và gắn bó với không gian và vật chất. Trước sự sáng tạo, không có thời gian, không gian, và vật chất như chúng ta đang kinh nghiệm. Vật chất xuất hiện và chuyển động, tạo ra không gian và thời gian. Không có vật chất và sự chuyển động của vật chất thì không có thời gian lẫn không gian.

2. Lịch là phương pháp đếm và ghi nhận thời gian chuyển động của các hành tinh. Âm Lịch đếm và ghi nhận thời gian chuyển động của mặt trăng chung quanh địa cầu. Dương Lịch đếm và ghi nhận thời gian chuyển động của trái đất chung quanh mặt trời. Âm Dương Lịch phối hiệp cách đếm của Âm Lịch lẫn Dương Lịch, còn gọi là Nông Lịch (lịch gieo trồng của nhà nông) thường bị gọi nhầm là Âm Lịch.

3. Mùa là sự thay đổi về khí hậu trong một năm. Trái đất xoay chung quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục và tự xoay chung quanh nó trên một trục nghiêng tưởng tượng. Khi một khu vực trên mặt đất tương đối gần mặt trời thì là mùa xuân; khi quá gần thì là mùa hạ; khi hơi xa thì là mùa thu; và khi quá xa thì là mùa đông. Vì thế chúng ta có bốn mùa. Thời gian của mỗi mùa trung bình là 3 tháng. Mỗi mùa, từ trái đất nhìn vào mặt trời sẽ thấy như mặt trời đang đi ngang qua một chòm sao trong mười hai chòm sao bao chung quanh thái dương hệ.

4. Một tuần lễ có bảy ngày là do Thiên Chúa quy định. Một tháng Âm Lịch có khoảng 27 ngày 7 giờ 43 phút là vì đó là khoảng thời gian trung bình mặt trăng xoay chung quanh trái đất giáp một vòng. Một tháng Dương Lịch là khoảng thời gian trung bình trái đất xoay chung quanh mặt trời giáp một vòng chia đều cho 12. Vì thế, một năm theo Dương Lịch có 12 tháng, còn một năm theo Âm Lịch có khi là 13 tháng.

5. Một năm có 12 tháng là vì đó là khoảng thời gian trung bình (365 1/4 ngày) trái đất xoay chung quanh mặt trời giáp một vòng, hoàn tất một chu kỳ bốn mùa.

6. Tết được nói trại từ “Tiết” trong tiếng Hán, còn gọi là “Tết (Tiết) Nguyên Đán”. Tiết là: một khoảng thời gian hoặc ngày lễ, ngày hội; Nguyên là: sự khởi đầu. Đán là: buổi sáng sớm. Vậy, Tết (Tiết) Nguyên Đán là khoảng thời gian sáng sớm bắt đầu một năm mới hoặc ngày lễ đầu một năm mới. Tết được tính theo Nông Lịch (mà chúng ta đã quen gọi nhầm là Âm Lịch).

7. Ngày đầu của một năm mới theo Nông Lịch là ngày mà mặt trời bắt đầu đi vào cung Nam Dương (còn gọi là Ma Kết), một trong mười hai cung Hoàng Đạo, và cũng là khoảng thời gian trái đất tiến đến gần mặt trời, tức là khoảng thời gian đánh dấu mùa xuân. Văn hóa Trung Quốc (được nhiều nước Á Đông tiếp nhận) dùng ngày bắt đầu của mùa xuân làm ngày đầu một năm mới. Dương Lịch dùng ngày 1 tháng 1 làm ngày đầu của một năm mới theo lệnh của Hoàng Đế La-mã. Hoàng Đạo là đường đi tưởng tượng của mặt trời ngang qua mười hai chòm sao được dùng để phân định mùa, ngày, năm (Sáng Thế Ký 1:14). Thực tế mặt trời không đi ngang qua mười hai chòm sao, nhưng từ vị trí của trái đất nhìn vào mặt trời thì có cảm tưởng như mặt trời đang di chuyển. Tương tự như khi chúng ta ngồi trên xe, nhìn ra hai bên đường thì có cảm giác là cảnh vật bên ngoài xe đang di chuyển lui về phía sau xe. Tùy vị trí của trái đất ở về phía nào của mặt trời mà chúng ta nhìn thấy chòm sao nào ở phía sau mặt trời. Cách nói “mặt trời đi vào cung Nam Dương” là nói đến khoảng thời gian từ trái đất nhìn vào mặt trời thì phía sau mặt trời là chòm sao Nam Dương. Xin xem hình minh họa dưới đây và đọc giải thích (English) tại đây [1].

8. Lịch Thánh Kinh là do chú đề nghị dùng ngày Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên làm ngày đầu của một năm (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2). Xem phần mở đầu và tiết mục Năm Do-thái 2315 của bài: “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người” [2], đó là năm bắt đầu của Lịch Thánh Kinh.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
27/01/2017

Ghi chú

[1] http://earthsky.org/space/can-i-find-a-list-of-zodiacal-constellations-with-degrees

[2] http://kytanthe.net/?p=40