Hỏi & Đáp: Ngụ Ngôn Hột Cải

3,660 views
Con Dân Chúa:
Chú Tim kính mến
Chú có thể giải thích thêm về phân đoạn Kinh Thánh này được không?
“Ngài lấy ví dụ khác mà phán rằng: Nước thiên đàng giống như một hột cải mà người kia lấy gieo trong ruộng mình; hột ấy thật nhỏ hơn cả các giống khác, song khi đã mọc lên, thì lớn hơn các thứ rau, và trở nên cây cối, cho đến nỗi chim trời tới làm ổ trên nhành nó được.” (Ma-thi-ơ 13: 31-32)
Về ý nghĩa ban đầu của đoạn Kinh Thánh thì cháu hiểu. Nhưng bây giờ cháu thấy đã có người giải Kinh một cách khác. Họ cho rằng Hội Thánh địa phương là hột cải, sau khi lớn trở thành cây thì ám chỉ Giáo Hội, và khi đã là Giáo Hội rồi thì Chim sẽ đến làm tổ, mà Chim ám chỉ Ma quỷ, Khi Hội Thánh trở thành Giáo Hội thì sẽ là chỗ cho Ma quỷ đến trú ngụ. Liệu như thế có đúng không?
Vấn đề là ở chỗ: Cây cải ở đây có đúng là cây rau cải không? Cháu tra trên internet thì được biết Mustard là một trong nhiều loại cây thuộc họ Cải. Mà xem hình ảnh chụp ở trên internet thì Cây này có loại thành bụi rậm lớn có thể làm tổ cho chim được, chứ không phải là rau cải mình vẫn ăn hay muối dưa.
Cảm ơn chú nhiều.
Tim Huỳnh:

Ngay trong lập luận “Hội Thánh địa phương là hột cải” là đã hoàn toàn sai trật với lời phán của Chúa rồi. Hột cải là hình ảnh làm tiêu biểu cho “Vương Quốc của Đức Chúa Trời,” tức Hội Thánh chung. Sự phát triển của hột cải tiêu biểu cho sự phát triển của “Vương Quốc của Đức Chúa Trời.”

Mặc dù chim từng được dùng tiêu biểu cho ma quỷ như trong ngụ ngôn Người Gieo Giống nhưng không phải lúc nào chim cũng tiêu biểu cho ma quỷ. Chúng ta thấy Thánh Kinh dùng sư tử tiêu biểu cho cả Đức Chúa Jesus và Sa-tan. Hình ảnh chim trời đến trú ngụ trên cây cải nói lên sự vững chắc và um tùm của cây cải so với hình thể vô cùng bé nhỏ ban đầu khi còn là hột giống hoàn toàn không liên quan gì đến việc ma quỷ đến cư ngụ trong Hội Thánh. Vả lại, ma quỷ có thể đánh phá Hội Thánh chứ không thể cư ngụ trong Hội Thánh, vì nếu là Hội Thánh thật của Chúa thì không ai chấp nhận cho ma quỷ trú ngụ.

Những tổ chức giáo hội chính là cỏ lùng ma quỷ gieo vào trong thế gian để giả làm Hội Thánh của Chúa. Chú có thể nói một cách chắc chắn là ngày nay tât cả các tổ chức giáo hội đều thuộc về ma quỷ, làm ra những sự ô uế nghịch lại Lời Chúa. Chính Chúa đã kêu gọi con dân Chúa thoát ra khỏi các giáo hội (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

Ý nghĩa của ngụ ngôn chỉ nhằm nói đến sức phát triển mạnh mẽ vượt bực của Hội Thánh ngoài ra không hàm ý gì khác hết. Câu cho đến nỗi chim trời tới trú ngụ trên nhành nó được”  (Bản Phan Khôi Hiệu Đính 2011) là nói nhánh cải vững chắc đến nỗi chim có thể đậu lên.

Trong Ma-thi-ơ 13 Chúa dùng bảy ngụ ngôn để nói đến các đặc tính của “Vương Quốc của Đức Chúa Trời:”

  • Ngụ ngôn người gieo giống nói đến việc Đạo Chúa chỉ thích hợp với những tấm lòng chân thật khao khát chân lý và bằng lòng trả mọi giá để sống theo chân lý.
  • Ngụ ngôn lúa mì và cỏ lùng nói đến việc Sa-tan lập ra các giáo hội giả làm Đạo Chúa.
  • Ngụ ngôn hột cải nói đến sự phát triển mạnh mẽ vượt bực của Đạo.
  • Ngụ ngôn men trộn trong bột nói đến sự ảnh hưởng ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ của Đạo làm thay đổi bản tính của người nhận Đạo.
  • Ngụ ngôn của báu nói đến người vô tình nghe biết Đạo Chúa nhận thức được giá trị của Đạo Chúa nên sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được Đạo Chúa.
  • Ngụ ngôn lái buôn châu ngọc nói đến người khao khát và chuyên tâm tìm kiếm chân lý nghe biết Đạo Chúa nhận thức được giá trị của Đạo Chúa nên sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được Đạo Chúa.
  • Ngụ ngôn lưới cá nói đến việc Chúa loại bỏ những người tin theo Đạo Chúa mà không sống theo Đạo Chúa, không đáp ứng tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài.

Hột cải trong ngụ ngôn là một loại mù-tạc (mustard), lá non dùng để ăn như các loại rau khác còn hột thì được xay ra để làm chất mù-tạc hoặc được ép để lấy dầu làm dầu nấu ăn. Theo một số tài liệu giải kinh thì cây mù-tạc tại Trung Đông có thể cao lớn và vững chắc đến nổi người lớn có thể leo lên thân cây và các nhánh có thể được đốn xuống để làm cọc dựng lều.