Năm Khuyết Điểm của Hội Thánh

2,673 views

201904 Bài Giảng Trong Năm 2019
Năm Khuyết Điểm của Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzU4MjAyMTBf/201904_NamKhuyetDiemCuaHoiThanh.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201904-namkhuyetdiemcuahoithanh
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/pqqmin3c22nqji2/201904_NamKhuyetDiemCuaHoiThanh.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Vào ngày Sa-bát đầu tiên của năm 2019, chúng ta đã cùng nhau học về 12 ưu điểm và cũng là phẩm chất tốt đẹp của Hội Thánh, do chính Đức Chúa Jesus Christ nhận định và khen ngợi. Các ưu điểm ấy đã được liệt kê trong bảy lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho bảy Hội Thánh địa phương trong vùng Tiểu Á, vào cuối thế kỷ thứ nhất, do Sứ Đồ Giăng ghi lại trong Khải Huyền 2 và 3. Tiếc thay, bên cạnh những ưu điểm thì năm trong số bảy Hội Thánh địa phương tại Tiểu Á cũng có những khuyết điểm. Chỉ có Hội Thánh tại Si-miệc-nơ và tại Phi-la-đen-phi là không có khuyết điểm.

Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về năm khuyết điểm của Hội Thánh, cũng do chính Đức Chúa Jesus Christ nêu ra.

Khuyết Điểm Thứ Nhất: Bỏ Tình Yêu Ban Đầu

“Nhưng Ta có điều nghịch lại ngươi. Vì ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu của ngươi.” (Khải Huyền 2:4).

Hội Thánh tại Ê-phê-sô được Chúa khen là: biết chịu đựng sự khó nhọc và biết nhẫn nại trong nếp sống mới; không dung túng những kẻ ác; biết thử nghiệm và tìm ra những sứ đồ giả; vững vàng và nhẫn nại trong đức tin; lao nhọc trong sự hầu việc Chúa mà không mòn mỏi (Khải Huyền 2:2-3). Thế nhưng, trải qua khoảng thời gian gần 70 năm, thì tình yêu đối với Chúa của Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã không còn nữa. Họ vẫn vững vàng trong sự thông hiểu Lời Chúa, vẫn nhẫn nại hầu việc Ngài, vẫn chịu khổ vì danh Ngài, nhưng động cơ không còn là vì tình yêu nồng thắm dành cho Chúa, như thuở ban đầu, khi họ mới đến với Chúa; mà chỉ là gắng sức làm cho xong việc, hoàn tất bổn phận.

Đây cũng chính là tình trạng thuộc linh chung của hầu hết con dân Chúa. Buổi ban đầu mới đến với Chúa, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, được dự phần trong Hội Thánh của Ngài, ai nấy đều vui mừng, lòng rộn rã, biết ơn Chúa, và yêu quý Ngài. Nhưng theo thời gian, dần dần sự nồng thắm của họ đối với Chúa không còn nữa! Họ vẫn tin Chúa, vẫn sống theo Lời Chúa, vẫn hầu việc Chúa, nhưng không còn tương giao mật thiết mỗi ngày với Chúa, không còn tha thiết muốn được đối diện, trò chuyện cách riêng tư với Ngài. Mọi sinh hoạt đức tin của họ không còn xuất phát từ tình yêu của họ dành cho Chúa.

Sự nguội lạnh trong tình yêu đối với Chúa trong khi vẫn tích cực hầu việc Chúa xuất phát từ lòng ưa thích sự hầu việc Chúa hơn là ưa thích được tương giao với Chúa. Điều này hoàn toàn khác xa với sự nguội lạnh trong tình yêu đối với Chúa vì yêu những sự thuộc về thế gian hơn là yêu Chúa. Trong khi sự yêu những sự thuộc về thế gian hơn yêu Chúa khiến cho một người phạm các điều răn của Chúa và mất sự cứu rỗi, thì lòng yêu thích sự hầu việc Chúa hơn là ưa thích được tương giao với Chúa khiến cho một người không nhận được phần thưởng trong đời sau về sự hầu việc Chúa của mình. Người ấy vẫn ở trong sự cứu rỗi vì không quay lại sống trong sự vi phạm các điều răn của Chúa. Người ấy vẫn nhận được phần thưởng trong đời này cho sự hầu việc Chúa của mình, như được Chúa tiếp trợ các nhu cầu và phương tiện, như được vui thỏa khi nhìn thấy kết quả sự hầu việc Chúa của mình. Nhưng vì sự hầu việc Chúa của người ấy không xuất phát từ tình yêu dành cho Chúa, nên người ấy không có phần thưởng trong đời sau. Sự hầu việc Chúa của người ấy được ví như sự dùng các vật liệu không có giá trị lâu dài trong công tác xây dựng:

I Cô-rinh-tô 3:10-15

10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng, mà người khác xây cất lên trên. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất lên trên nền đó như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm giá trị công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai mà người ấy đã xây cất cứ còn lại, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị tổn thất mà người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Dù mọi công trình xây dựng bằng bất cứ vật liệu nào cũng đều mang lại ích lợi; nhưng khi trải qua lửa thì những gỗ, cỏ khô, và rơm rạ đều bị thiêu hủy, chỉ có vàng, bạc, và những đá quý (tức là các loại ngọc) là còn lại. Chúng ta có thể hiểu:

  • Vàng, bạc, và những đá quý là các vật liệu có giá trị cao và có tính tồn tại lâu dài; tiêu biểu cho sự hầu việc Chúa với tấm lòng tha thiết yêu Chúa và biết ơn Chúa, muốn làm ra những điều đẹp lòng Chúa.

  • Những loại gỗ có giá trị cao hơn và tồn tại lâu dài hơn khi so với cỏ khô và rơm rạ, nhưng không bằng vàng, bạc, và những đá quý; tiêu biểu cho sự hầu việc Chúa vì bổn phận chứ không vì lòng yêu Chúa.

  • Cỏ khô và rơm rạ có giá trị rất thấp và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; tiêu biểu cho sự hầu việc Chúa để tìm kiếm sự khen ngợi của loài người.

Áp dụng vào thực tế:

  • Nếu chúng ta dâng hiến vào các mục vụ trong Hội Thánh để được khen mình là người biết đóng góp vào các mục vụ trong Hội Thánh, thì sự dâng hiến ấy vẫn giúp được cho các nhu cầu trong các mục vụ của Hội Thánh. Chúa vẫn sẽ ban lại cho chúng ta các ơn phước trong đời này; nhưng trong đời sau, chúng ta sẽ không nhận được sự ban thưởng của Chúa cho sự dâng hiến ấy. Sự dâng hiến ấy giống như chúng ta dùng cỏ khô và rơm rạ xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đức tin của chúng ta.

  • Nếu chúng ta dâng hiến vào các mục vụ trong Hội Thánh không phải để được khen ngợi nhưng vì chúng ta biết rằng, đó là bổn phận của chúng ta, chúng ta không muốn phạm tội vì không vâng theo các lời dạy của Chúa, thì sự dâng hiến của chúng ta giúp được cho các nhu cầu trong các mục vụ của Hội Thánh. Chúa vẫn sẽ ban lại cho chúng ta các ơn phước trong đời này; nhưng trong đời sau, chúng ta sẽ không nhận được sự ban thưởng của Chúa cho sự dâng hiến ấy. Sự dâng hiến ấy giống như chúng ta dùng những loại gỗ xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đức tin của chúng ta.

  • Nếu chúng ta dâng hiến vào các mục vụ trong Hội Thánh vì chúng ta yêu Chúa và tha thiết muốn được dự phần trong sự gây dựng Hội Thánh để làm Chúa vui lòng, thì sự dâng hiến của chúng ta vừa giúp được cho các nhu cầu trong các mục vụ của Hội Thánh, vừa là của lễ có mùi thơm dâng lên Chúa. Chúa sẽ ban lại cho chúng ta các ơn phước trong đời này; và trong đời sau, Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta vì tấm lòng của chúng ta đối với Chúa trong sự dâng hiến. Sự dâng hiến ấy giống như chúng ta dùng vàng, bạc, và những đá quý xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đức tin của chúng ta.

Khi một người đã không còn tha thiết yêu Chúa thì đương nhiên, người ấy cũng sẽ không còn tha thiết yêu các anh chị em cùng Cha của mình. Người ấy có thể vẫn cứu giúp, cầu thay cho các anh chị em trong Hội Thánh; nhưng trong lòng không có sự yêu thương, đồng cảm.

Như vậy, chúng ta hãy cẩn thận xét mình. Tránh sự hầu việc Chúa để tìm kiếm tiếng khen của loài người. Tránh sự hầu việc Chúa để chỉ làm cho xong bổn phận, để không phạm tội. Nhưng hãy giữ sao cho mỗi sự hầu việc Chúa của chúng ta đều chỉ vì chúng ta tha thiết yêu Chúa, muốn được hầu việc Chúa, muốn được làm ra những điều Chúa vui lòng. Để có thể được như vậy thì chúng ta phải có sự tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày.

Chúng ta tương giao mật thiết với Chúa khi chúng ta khao khát đọc và suy ngẫm Lời Chúa, rồi trò chuyện, tâm sự với Chúa. Sự chúng ta cầu nguyện, tôn vinh, cảm tạ Chúa và dâng trình các nhu cầu, nan đề của chúng ta lên Chúa, cầu thay cho anh chị em của chúng ta, chưa đủ để chúng ta có sự tương giao mật thiết với Chúa. Chúng ta cần phải có những giây phút riêng tư với Chúa trong sự suy ngẫm Lời Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Chúa; và những giây phút chúng ta trò chuyện, tâm sự với Chúa như con trò chuyện, tâm sự với cha.

Khuyết Điểm Thứ Nhì: Dung Túng Tà Giáo

“Nhưng Ta có vài điều nghịch lại ngươi. Vì tại đó, ngươi có những kẻ nắm giữ giáo lý của Ba-la-am, hắn đã dạy Ba-lác ném cớ vấp phạm trước con cái I-sơ-ra-ên, khiến chúng nó ăn thịt cúng thần tượng và phạm tà dâm. Ngươi cũng có những kẻ nắm giữ giáo lý của bọn Ni-cô-la, là điều mà Ta ghét.” (Khải Huyền 2:14-15).

Hội Thánh tại Bẹt-găm là nơi mà con dân Chúa vào thời của Sứ Đồ Giăng đã chịu sự bách hại mãnh liệt. Một trong những thánh đồ tử Đạo tại đó được ghi tên trong Thánh Kinh, là An-ti-ba. Đức Chúa Jesus Christ đã gọi Bẹt-găm là nơi ở của Sa-tan. Có lẽ vào thời buổi ấy, Sa-tan đã chọn Bẹt-găm làm nơi ngự trị.

Vào thời ấy, Bẹt-găm là trung tâm tôn giáo và nghệ thuật của vùng Tiểu Á. Tại Bẹt-găm có rất nhiều đền thờ các tà thần trong thần thoại Hy-lạp cùng với đền thờ các hoàng đế La-mã. Nổi bật nhất là đền thờ tà thần Du (Zeus), theo thần thoại Hy-lạp, tà thần Du là thần tể trị mọi thần linh. Đền thờ tà thần Du được xây cất nguy nga, cao hơn 13 mét, và được liệt vào một trong bảy kỳ quan của thế giới thời bấy giờ. Kế đến là đền thờ tà thần Ếch-kiêu-lây-bút (Aesculapius), được dân Hy-lạp xem là thần của ngành y dược, và xưng là “Cứu Chúa.” Thời bấy giờ, dân chúng bị đủ thứ tật bệnh khắp nơi trên thế giới đã đổ xô về Bẹt-găm, nằm chờ được trị bệnh trong đền thờ của tà thần Ếch-kiêu-lây-bút. Cây gậy trong tay của tà thần có một con rắn quấn chung quanh đã trở thành biểu tượng của ngành y dược tây phương ngày nay.

Có thể nói, đối với dân Hy-lạp thời bấy giờ, tà thần Du là Đức Chúa Trời và tà thần Ếch-kiêu-lây-bút là Đấng Cứu Thế. Với hai đền thờ tà thần lớn nhất thế giới vào thời ấy tại Bẹt-găm, đương nhiên Sa-tan thường xuyên hiện diện tại Bẹt-găm để đón nhận sự tôn vinh của loài người. Có lẽ vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã gọi Bẹt-găm là ngai của Sa-tan.

Hội Thánh tại Bẹt-găm đã có những kẻ nắm giữ giáo lý của Ba-la-am. Động từ “nắm giữ” được dùng trong câu này có nghĩa là: Nắm chắc trong tay; chiếm làm vật sở hữu; cẩn thận và trung tín giữ lấy. Giáo lý của Ba-la-am tức là sự dạy dỗ của Ba-la-am; ý kiến, mưu kế của Ba-la-am; lời cố vấn, lời khuyên của Ba-la-am… Ba-la-am là người đã bày ra mưu kế cho Ba-lác, xui khiến cho dân I-sơ-ra-ên ăn các thức ăn đã cúng cho thần tượng và phạm tà dâm. Câu chuyện về Ba-la-am và Ba-lác được ghi lại trong Dân Số Ký từ đoạn 22 đến đoạn 25 và đoạn 31. Dưới đây là phần tóm lược:

Khi dân I-sơ-ra-ên đến bên bờ sông Giô-đanh, đối diện với thành Giê-ri-cô, thì dừng lại đóng trại. Họ chuẩn bị tiến vào vùng đất Ca-na-an (Palestine ngày nay) mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ từ hơn 400 năm trước đó. Ba-lác, vua của dân Ma-đi-an, nhìn thấy dân I-sơ-ra-ên tiêu diệt dân A-mô-rít, là dân trước kia đánh thắng dân Ma-đi-an và chiếm lấy nhiều phần lãnh thổ của dân Ma-đi-an, thì hoảng sợ. Ba-lác cho mời Ba-la-am, một tiên tri của ngoại giáo, đến để rủa sả, tức là chúc dữ, dân I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã không cho phép Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên; trái lại, Ngài dùng chính môi miệng của ông ta để chúc phước và tiên tri những điều phước hạnh cho dân I-sơ-ra-ên. Thậm chí, Đức Chúa Trời đã dùng môi miệng của Ba-la-am để tiên tri về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, vào cuối của Thời Đại Nạn (Dân Số Ký 24:17-19).

Ba-lác bực tức trước sự Ba-la-am đã ba lần chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên thay vì rủa sả, nên đuổi Ba-la-am về. Trước khi ra về, Ba-la-am đã nói lời tiên tri về sự vinh quang trong tương lai của dân I-sơ-ra-ên. Thánh Kinh không nói rõ lúc nào thì Ba-la-am đã bày kế cho Ba-lác làm hại dân I-sơ-ra-ên. Nhưng Lời Chúa chép như thế này:

Kìa, chúng nó khiến cho con cái của I-sơ-ra-ên bởi việc của Ba-la-am mà bị giao vào sự nghịch lại Đấng Tự Hữu Hằng Hữu về việc Phê-ô; và xảy ra một tai vạ giữa hội chúng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Dân Số Ký 31:16).

Qua Khải Huyền 2:14 mà chúng ta biết: Sự thờ thần tượng qua việc ăn đồ cúng thần tượng và sự phạm tà dâm của dân I-sơ-ra-ên, như được chép trong Dân Số Ký 25, là kết quả của sự Ba-lác đã làm theo mưu kế của Ba-la-am:

“I-sơ-ra-ên ở tại Si-tim, và dân chúng bắt đầu phạm tà dâm với những con gái của dân Mô-áp. Chúng nó mời dân chúng {ăn} những sinh tế của các thần của chúng nó. Dân chúng đã ăn và đã sấp mình {trước} các thần của chúng nó. I-sơ-ra-ên tự buộc mình với Ba-anh Phê-ô. Cơn giận của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nổi lên với I-sơ-ra-ên.” (Dân Số Ký 25:1-3).

Hậu quả là: Dân Ma-đi-an bị diệt chủng; Ba-la-am bị giết; và hai mươi bốn ngàn người I-sơ-ra-ên thờ lạy tà thần đều bị xử tử.

Sự tà dâm thuộc thể và sự tà dâm thuộc linh, tức là sự thờ lạy thần khác thay vì thờ lạy Đức Chúa Trời, luôn luôn đi chung với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Hễ phạm tà dâm thuộc thể thì đương nhiên đã phạm tà dâm thuộc linh; vì khi xem thú vui tội lỗi của xác thịt lớn hơn điều răn của Đức Chúa Trời, thì đã biến thú vui tội lỗi đó và chính bản thân mình thành thần tượng. Hễ phạm tà dâm thuộc linh, tức thờ lạy thần tượng, thì sớm hay muộn gì cũng phạm tà dâm thuộc thể.

Bọn Ni-cô-la là những người đi theo Ni-cô-la. Từ ngữ Ni-cô-la trong nguyên ngữ Hy-lạp là một danh từ ghép, gồm chữ “Ni-cô” có nghĩa là đắc thắng và “lao” có nghĩa là dân chúng. Ni-cô-la có nghĩa là: Kẻ đắc thắng dân chúng; kẻ chiếm được lòng dân. Chúng ta không có một chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để biết Ni-cô-la là tên riêng của một người hay là tên gọi của một phong trào. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ thứ nhất, trong Hội Thánh của Chúa đã có mặt những người được gọi là “Bọn Ni-cô-la” hoặc “Những kẻ theo Ni-cô-la.” Một số nhà giải kinh, dựa trên các chi tiết lịch sử ngoài Thánh Kinh, đưa ra các giải thích như sau:

1. Có thể Ni-cô-la là một trong bảy chấp sự đầu tiên của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5). Nếu thật vậy, thì có lẽ về sau, chấp sự Ni-cô-la đã phổ biến tà giáo trong Hội Thánh và có một số người tin theo ông. Những người ấy đã mang tà giáo của ông đi truyền bá trong các Hội Thánh địa phương khác.

2. Có thể những người theo Ni-cô-la là những người tạo ra một giai cấp giáo phẩm trong Hội Thánh, nắm quyền cai trị Hội Thánh theo phong cách của thế gian.

3. Có thể những người theo Ni-cô-la là những người cho rằng, thân thể xác thịt là ô uế, sẽ qua đi, nên việc thân thể xác thịt làm ra tội lỗi không liên quan gì đến phần thuộc linh của con dân Chúa. Dẫn đến kết luận: Con dân Chúa có thể sống trong tội.

4. Có thể những người theo Ni-cô-la là những người cho rằng, con dân Chúa cần phải phạm tội để hiểu biết tội lỗi và đánh giá đúng ân điển của Chúa.

Dù cho những người theo Ni-cô-la là như thế nào, thì việc làm của họ là không đúng với Thánh Kinh. Hội Thánh tại Ê-phê-sô ghét việc làm của họ và chính Chúa cũng ghét.

Tà là không đúng. Giáo là sự dạy dỗ. Tà giáo là sự dạy dỗ không đúng với lẽ thật. Tất cả những giáo lý không đúng với Thánh Kinh đều là tà giáo. Nếu Hội Thánh chấp nhận cho tà giáo được giảng dạy và làm theo trong Hội Thánh thì Hội Thánh đã tự làm hại chính mình. Hội Thánh tại Bẹt-găm đã từng cho phép tà giáo Ba-la-am và tà giáo Ni-cô-la được giảng dạy trong Hội Thánh, dẫn đến sự phạm tội trong Hội Thánh. Ngày nay, con dân Chúa cũng ưa thích chạy theo những ý kiến, những phong trào, những lời khuyên, những bí quyết… của thế gian là những điều nghịch lại Thánh Kinh. Nhiều Hội Thánh đã đem tâm lý liệu pháp, thôi miên liệu pháp, hoặc sự tập luyện Yoga vào trong Hội Thánh. Các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa ngày nay đều có giai cấp giáo phẩm trong tổ chức tôn giáo của họ. Dù các điều đó có thể không cùng đặc tính như giáo lý của Ba-la-am hay của Ni-cô-la, nhưng chúng sẽ khiến cho con dân Chúa bị ô uế vì những sự thuộc về ngoại giáo.

Ba tà giáo có mức tác hại trầm trọng nhất đang được giảng dạy rộng khắp trong các giáo hội xưng là Hội Thánh của Chúa là:

  • Đổi ngày Sa-bát của Chúa từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật [1].

  • Đem thần thoại của ngoại giáo vào trong Hội Thánh qua Lễ Christmas và Lễ Easter [2], [3], [4], [5].

  • Phân rẽ thân thể của Chúa là Hội Thánh qua sự thành lập các giáo hội và các giáo phái [6].

Con dân Chúa cần hiểu và ghi nhớ điều này: Bất cứ ai thật lòng ăn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh, thì người ấy là con dân chân thật của Chúa và đương nhiên ở trong Hội Thánh của Chúa. Người ấy không cần tham dự bất cứ một giáo hội hay giáo phái nào. Những ai biết đến Chúa và tin Chúa qua các giáo hội, giáo phái hãy lập tức ra khỏi đó, theo lời kêu gọi của Chúa, như đã được ghi lại trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Vì tất cả các giáo hội và giáo phái hiện nay đều giảng dạy tà giáo.

Khuyết Điểm Thứ Ba: Dung Túng Phụ Nữ Chuyên Quyền Trong Hội Thánh

“Nhưng Ta có vài điều nghịch lại ngươi. Vì ngươi đã để cho người đàn bà Giê-sa-bên, kẻ tự xưng mình là nữ tiên tri, giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ của Ta phạm tà dâm cùng ăn thịt cúng thần tượng.” (Khải Huyền 2:20).

Dù Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ sốt sắng và siêng năng trong sự hầu việc Chúa, trong đức tin, trong tình yêu; nhưng họ đã để cho một người đàn bà giảng dạy tà giáo trong Hội Thánh và cám dỗ con dân Chúa phạm tội.

Người đàn bà Giê-sa-bên: Có phải đây là tên thật của một người đàn bà trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ hay không, chúng ta không biết chắc. Có thể thật có một người đàn bà tên là Giê-sa-bên trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ; mà cũng có thể, Chúa dùng tên Giê-sa-bên để gọi người đàn bà giảng dạy tà giáo trong Hội Thánh, vì việc làm của bà ta tương tự như việc làm của Hoàng Hậu Giê-sa-bên trong Cựu Ước.

I Các Vua 16-21 và II Các Vua 9 ghi lại các việc làm và cái chết của Hoàng hậu Giê-sa-bên. Bà là con gái của Ết-ba-anh, vua Si-đôn, được Vua A-háp của vương quốc I-sơ-ra-ên cưới về làm hoàng hậu. Tên “Ết-ba-anh” có nghĩa là “Ba-anh ở cùng hắn.” Tên “Giê-sa-bên” có nghĩa là “Ba-anh được tôn cao.” Vua Ết-ba-anh vốn là một thầy tế lễ của tà thần Ba-anh tại xứ Si-đôn (Sidon). Vào khoảng năm 940 TCN, ông ta giết chết Vua Phê-lê (Pheles) của Ti-rơ (Tyre) và đoạt ngôi, cai trị Si-đôn và Ti-rơ được 32 năm. Si-đôn và Ti-rơ thuộc Lê-ba-non (Lebanon) ngày nay.

Vua A-háp vốn là một người gian ác, dung dưỡng Hoàng hậu Giê-sa-bên. Hoàng Hậu Giê-sa-bên là một người thờ lạy tà thần Ba-anh và có nhiều tham vọng. Bà đã ra lệnh giết hết các tiên tri của Đức Chúa Trời; nuôi dưỡng 450 tiên tri của tà thần Ba-anh và 400 tiên tri của tà thần Át-tạt-tê. Khi tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-li giết hết 850 tiên tri của Ba-anh và Át-tạt-tê; thì Hoàng Hậu Giê-sa-bên ra lệnh truy giết Tiên Tri Ê-li, khiến cho ông phải chạy suốt 40 ngày đêm vào đồng vắng, để lánh nạn. Khi Vua A-háp tham muốn vườn nho xinh tốt của Na-bốt thì Hoàng Hậu Giê-sa-bên đã bày mưu cho các trưởng lão I-sơ-ra-ên làm chứng dối, cáo gian Na-bốt đã rủa sả Thiên Chúa và vua, khiến cho Na-bốt bị ném đá chết; và vườn nho của Na-bốt rơi vào tay của Vua A-háp. Đức Chúa Trời hình phạt Hoàng hậu Giê-sa-bên bằng cách khiến cho bà bị các hoạn quan ném từ trên đầu của tường thành xuống đất, bị ngựa đạp chết, và bị chó ăn xác.

Hoàng Hậu Giê-sa-bên thuộc một trong bảy dân tộc của xứ Ca-na-an, là các dân tộc thờ lạy các tà thần, sống trong tội lỗi. Bà đã đem ngoại giáo vào vương quốc I-sơ-ra-ên và tiêu diệt gần hết các tiên tri của Đức Chúa Trời. Nhưng người đàn bà được gọi là Giê-sa-bên tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ là một thành viên trong Hội Thánh. Thậm chí, bà còn tự xưng là nữ tiên tri. Sự giảng dạy của Giê-sa-bên khiến cho một số con dân Chúa tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ phạm tội tà dâm và ăn thịt cúng thần ; nhưng ý thức phạm tội của họ khác với ý thức phạm tội của con dân Chúa tại Hội Thánh Bẹt-găm.

Trong khi Hội Thánh tại Bẹt-găm thỏa hiệp với ngoại giáo, có nghĩa là con dân Chúa tại đó quan hệ, sinh hoạt với những người ngoại giáo, và cùng phạm tội với họ; thì Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ lại dung túng sự giảng dạy tà giáo của Giê-sa-bên. Điều đó có nghĩa là: Giê-sa-bên nhân danh Chúa để dạy cho con dân Chúa phạm tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng, mà không xem đó là sự phạm tội.

Khi thoả hiệp với ngoại giáo thì con dân Chúa vẫn ý thức các hành động tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng như dân ngoại giáo là tội lỗi. Nhưng khi sự tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng được giảng dạy trong Hội Thánh, thì con dân Chúa xem chúng không còn là tội lỗi nữa, mà xem là việc họ được phép làm.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng, người đàn bà Giê-sa-bên tại Thi-a-ti-rơ đã dạy cho con dân Chúa tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ một giáo lý không có trong Thánh Kinh. Đó là: Con dân Chúa có thể tham dự vào các hiệp hội thương buôn do những người ngoại giáo tổ chức. Con dân Chúa có thể tham dự những bữa tiệc ký kết hợp đồng mua bán được tổ chức trong các đền thờ tà thần; được ăn uống các thức ăn đã được cúng tế cho thần tượng; và thậm chí được quan hệ tình dục với những nam tế sư và những nữ tế sư (những nam nữ thầy tế lễ của ngoại giáo) trong các đền thờ tà thần, mà không bị kể là phạm tội, vì các sự quan hệ đó nhằm đem lại sự thành công trong thương trường, thu được nhiều lợi nhuận để dâng hiến vào các công việc của Hội Thánh.

Mặt khác, cũng có một số nhà giải kinh cho rằng, Giê-sa-bên đã dạy triết lý “tri thức luận” (gnosticism) trong Hội Thánh. Tri thức luận cho rằng thế giới vật chất do một ác thần, tức là Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, tạo nên và ác thần đó đã giam hãm loài người vào trong thân thể xác thịt, vật chất. Đức Chúa Jesus Christ là thần linh cao cấp hơn Đức Chúa Trời của Cựu Ước, và Ngài bày tỏ cho loài người về một Đức Chúa Trời yêu thương, khác với Đức Chúa Trời ác độc trong thời Cựu Ước.

Ban đầu, phái tri thức luận cho rằng, con người cần đạt tới sự thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm để được cứu rỗi. Muốn đạt đến sự thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm thì phải tiết dục, tức là phải hạn chế các nhu cầu của thân thể xác thịt. Đây chính là triết lý diệt dục của Phật Giáo. Tư tưởng của phái tri thức luận thâm nhập vào trong Hội Thánh và tạo ra một trường phái khắc kỷ trong Hội Thánh. Khắc kỷ có nghĩa là nghiêm khắc với bản thân trong mọi nhu cầu của xác thịt. Phái khắc kỷ ăn uống kham khổ, tự đánh đập thân thể, tránh kết hôn với hy vọng nhờ đó mà được thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm. Về sau, có những người thuộc phái khắc kỷ cho rằng, họ đã thông hiểu được điều sâu nhiệm nhất của cõi thuộc linh. Đó là: chỉ có phần thuộc linh mới quan trọng và sự cứu rỗi là dành cho phần thuộc linh. Còn phần thể xác là ô uế, tội lỗi thì không thể nào sống thánh khiết. Như vậy, loài người cứ để cho thân xác tha hồ sống trong tội lỗi, cho đến khi nó chết đi thì linh hồn sẽ được giải thoát.

Có lẽ giáo lý của phái tri thức luận chính là điều mà Đức Chúa Jesus Christ gọi là “những điều sâu thẳm của Sa-tan”, trong Khải Huyền 2:24. Điều quan trọng chúng ta cần chú ý ở đây là: Khi một tư tưởng triết học hay tín ngưỡng nào của thế gian được biến thành giáo lý trong Hội Thánh, thì đó chính là tà giáo.

Kẻ tự xưng mình là nữ tiên tri: Trong Hội Thánh, chức vụ tiên tri là chức vụ công bố Lời Chúa. Sự kiện người đàn bà Giê-sa-bên tự xưng mình là nữ tiên tri được Chúa nói rõ. Vì thế, chúng ta biết, bà không phải là tiên tri thật bị sa ngã, mà chỉ là một người có thế lực trong xã hội, có thể là chủ của một hiệp hội thương mãi tại Thi-a-ti-rơ, tin nhận Chúa và được sinh hoạt trong Hội Thánh. Thay vì sống thánh khiết theo lẽ thật của Lời Chúa thì bà đã tìm cách giữ các mối làm ăn, bằng cách dám nhân danh Chúa để xúi giục con dân Chúa phạm tội. Để lời nói của bà được chấp nhận, bà đã tự xưng mình là tiên tri của Chúa, tức là xưng nhận mình nhận được sự mạc khải từ nơi Chúa hoặc mệnh lệnh từ nơi Chúa, để công bố giáo lý cho phép con dân Chúa phạm tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng. Trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa ngày nay cũng có biết bao kẻ tự xưng là tiên tri của Chúa, mà xúi giục con dân Chúa sống nếp sống nghịch lại Thánh Kinh.

Giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ của Ta: Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ đã để cho người đàn bà Giê-sa-bên rao giảng tà giáo và tạo cơ hội cho con dân Chúa phạm tội. Một số người cho rằng từ ngữ “các tôi tớ Ta” dành riêng cho những người có chức vụ trong Hội Thánh, như người chăn, các trưởng lão, các chấp sự. Tuy nhiên, theo văn mạch của lá thư, chúng ta có thể hiểu rằng, từ ngữ “các tôi tớ Ta” được Chúa dùng để chỉ chung tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ. Vì Hội Thánh Thi-a-ti-rơ là một Hội Thánh sốt sắng và siêng năng trong sự phục vụ. Mỗi một thành viên đều là tôi tớ phục vụ Chúa đáng khen.

Sự phạm tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng trong khi thiết lập các mối quan hệ làm ăn trong xã hội của con dân Chúa tại Thi-a-ti-rơ đã được người đàn bà Giê-sa-bên nhân danh Chúa xúi giục, và cũng chính bà là người tạo ra các cơ hội cho con dân Chúa phạm tội. Từ ngữ “quyến rũ” có thể hiểu là bà đứng ra tổ chức các buổi ăn uống, liên hoan trong các đền thờ tà thần, có sự phục vụ tình dục của các tế sư tà thần; mà cũng có thể hiểu là, chính bà quyến rũ con dân Chúa trong Hội Thánh phạm tà dâm với bà. Dường như Khải Huyền 2:22 cho phép chúng ta hiểu như vậy, khi câu này dùng từ ngữ “ngoại tình.”

Khi Hội Thánh dung túng sự chuyên quyền của bất cứ một phụ nữ nào thì sớm hay muộn gì, người phụ nữ ấy sẽ lạm dụng quyền hành để giảng dạy tà giáo. Sự trùm đầu của phụ nữ trong Hội Thánh mỗi khi chia sẻ Lời Chúa hoặc cầu nguyện trước Hội Thánh, như được quy định trong I Cô-rinh-tô 11:5-10, là để nhắc nhở toàn thể Hội Thánh, là Hội Thánh được Chúa đặt để dưới sự cai trị của nam trưởng lão. Sự chia sẻ, giảng dạy của các nữ trưởng lão trong Hội Thánh phải luôn ở dưới quyền của một nam trưởng lão trong Hội Thánh. Trong thực tế, nếu vì bất cứ lý do gì, một Hội Thánh địa phương chưa có nam trưởng lão, thì sự cai trị của Hội Thánh địa phương ấy cần phải đặt dưới quyền cai trị của nam trưởng lão từ một Hội Thánh địa phương khác.

Khuyết Điểm Thứ Tư: Hầu Việc Chúa Theo Ý Riêng

Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Sạt-đe. Đấng có Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao phán những lời này: Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi có tiếng là ngươi sống mà ngươi lại chết!” (Khải Huyền 3:1).

Ngươi có tiếng là ngươi sống mà ngươi lại chết: Có lẽ nhìn vào hình thức bên ngoài thì Hội Thánh tại Sạt-đe có nhiều sinh hoạt sống động. Thậm chí, có nhiều người gia nhập Hội Thánh. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động ồn ào, náo nhiệt đó đối với Chúa chỉ là những việc làm chết.

Việc làm sống là việc làm bởi năng lực của Đức Thánh Linh và làm theo thánh ý của Chúa. Việc làm chết là việc làm bởi sức riêng và làm theo ý riêng. Ý riêng của chúng ta nhiều khi không phải là tội lỗi; nhưng nếu ý riêng đó không đúng với ý Chúa mà chúng ta vẫn thực hiện thì việc làm của chúng ta trở thành sự phạm tội. Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta một trường hợp điển hình trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6-7. Mặc dù việc giảng Tin Lành là mệnh lệnh của Chúa và là một việc làm tốt lành, nhưng Đức Thánh Linh đã cấm, không cho Phao-lô và các bạn của ông vào giảng Tin Lành tại vùng Tiểu Á và xứ Bi-thi-ni. Nếu Phao-lô và các bạn của ông vẫn cứ theo ý riêng, đến giảng Tin Lành tại Tiểu Á hay tại Bi-thi-ni, thì việc làm của họ sẽ trở thành việc làm chết, vì là chống nghịch lại Đức Thánh Linh. Đây là điều chúng ta cần để dành nhiều thời gian để suy ngẫm và rút ra bài học cho chính mình.

Ngày nay, trong các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, chúng ta thấy người ta nhân danh Chúa hoạt động rất là ồn ào, náo nhiệt… Nhưng thật ra, có phải những việc làm của họ là những việc làm sống, theo tiêu chuẩn của Chúa? Bất cứ một việc làm tốt nào được làm ra trong danh Chúa nhưng không phải là thánh ý của Chúa, thì đó là việc làm chết, là tội lỗi. Bất cứ một “mục vụ” nào không dựa trên lẽ thật của Lời Chúa cũng đều là tội lỗi và đem đến kết quả chết. Nhìn bằng con mắt của xác thịt thì dường như những “mục vụ” đó mang nhiều kết quả, nhưng những kết quả đó là: khiến cho người gia nhập vào các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa “trở thành con cái của hỏa ngục gấp hai” những người làm “mục vụ” ấy:

“Khốn cho các ngươi, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, là những kẻ giả hình! Vì các ngươi đi khắp biển và đất để làm cho một người vào đạo. Và khi người đã vào đạo, thì các ngươi làm cho người ấy trở nên con cái của hỏa ngục gấp hai các ngươi.” (Ma-thi-ơ 23:15).

Hành động “đi khắp biển và đất” nói lên sự làm việc sốt sắng, tích cực. Nhưng sự làm việc đó chỉ là sự giả hình để lấy tiếng và thu lợi! Chính vì thế mà những người gia nhập các tổ chức tôn giáo giả danh Hội Thánh của Chúa sẽ trở thành giả hình và phạm tội gấp hai những người chiêu dụ họ. Thành ngữ: “con cái của hỏa ngục” được dùng để gọi những người có tội, bị Đức Chúa Trời hình phạt trong hỏa ngục.

Tình trạng “có tiếng sống mà lại chết” đang xảy ra rất nhiều trong Hội Thánh của Chúa khắp nơi. Khi mà người ta dựa vào sức riêng và ý riêng để hầu việc Chúa thay vì dựa vào năng lực của Đức Thánh Linh và ý Chúa. Khi mà mục đích của đời sống là phục vụ cho danh tiếng và quyền lợi bản thân, phe nhóm, giáo phái thay vì là sự thể hiện tình yêu đối với Chúa, đối với người, và sự hầu việc Chúa theo thánh ý của Ngài.

Việc làm sống của con dân Chúa, trước hết là phải theo đúng mọi lẽ thật trong Lời Chúa, kế tiếp phải là bởi sự cho phép của Chúa. Tất cả những việc làm nào không đúng theo lẽ thật của Lời Chúa, từ sự thờ phượng Chúa đến sự rao giảng Tin Lành, đều là những việc làm chết. Tất cả những việc làm dù đúng theo lẽ thật của Lời Chúa nhưng chưa được sự cho phép của Chúa mà vẫn làm, thì cũng là những việc làm chết.

Việc làm của con dân Chúa bị gọi là “việc làm sắp chết” là việc làm đã khởi đầu theo ý Chúa, bởi năng lực của Chúa, nhưng dần dần dựa vào sức riêng và theo ý riêng.

Khuyết Điểm Thứ Năm: Hâm Hẩm Trong Nếp Sống

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng! Vì ngươi là hâm hẩm, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Khải Huyền 3:15-16).

Đối với Hội Thánh tại Lao-đi-xê, Chúa biết rằng, mọi việc làm của con dân Chúa tại đó chỉ là chăm lo cho đời sống giàu có, danh tiếng, đầy đủ tiện nghi vật chất; chứ họ không yêu Chúa, không quan tâm đến sự hầu việc Chúa.

Ngươi không lạnh cũng không nóng: Thành phố Lao-đi-xê là một thành phố duy nhất tại vùng Tiểu Á không có nguồn nước tại chỗ, mà phải dùng hệ thống dẫn nước để đem nước từ các hồ chứa nước tại thành Cô-lô-se về. Nước tại Cô-lô-se thì mát lạnh, khi theo ống dẫn về đến Lao-đi-xê thì bị sức nóng của mặt trời làm cho mất lạnh, nên nước trở thành hâm hẩm (ấm). Chất nước tại Cô-lô-se có xen lẫn rất nhiều khoáng chất, cho nên, nhiệt độ hâm hẩm của nước làm cho mùi vị của nước trở nên tanh tanh, gây khó chịu trong miệng. Tình trạng hâm hẩm thuộc linh là tình trạng biết Chúa, tin Chúa, nhưng không sống cho Chúa, mà chỉ sống cho chính mình. Lạnh là không biết Chúa, không tin Chúa. Nóng là biết Chúa, tin Chúa, và hết lòng yêu Chúa. Không lạnh cũng không nóng có nghĩa là không chối bỏ Chúa nhưng cũng không sốt sắng với Chúa.

Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng: Lời than này của Chúa nói lên sự kiện Chúa có thể chấp nhận một người không biết Chúa, không yêu Chúa, không sống cho Chúa; vì Ngài có thể khiến cho người ấy kinh nghiệm được Ngài và hết lòng yêu Ngài, sống cho Ngài.

Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta: Đối với những ai đã biết Chúa, đã tin nhận Chúa, mà không hết lòng sống cho Ngài, hầu việc Ngài, thì Ngài sẽ từ bỏ họ. Động từ “mửa” được dùng trong câu này là hoàn toàn đúng với nghĩa đen của sự chịu không nổi mùi vị của một thức ăn hay thức uống bị mất phẩm chất, nên phải mửa ra. Khi một người hay một tập thể đã bị Chúa mửa ra, thì có nghĩa là họ sẽ bị hư mất đời đời, vì họ sẽ không còn cơ hội để ăn năn. Lời Chúa đã cảnh cáo con dân Chúa như sau:

“Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn {mà} bán quyền con trưởng của mình. Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, {thì} người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt.” (Hê-bơ-rơ 12:15-17).

Thiết tưởng, con dân Chúa cũng nên ghi nhớ những lời cảnh cáo nghiêm trọng trong Hê-bơ-rơ 6:4-8 và Hê-bơ-rơ 10:26-31.

Kết Luận

Năm khuyết điểm của Hội Thánh, như đã được chính Đức Chúa Jesus Christ nêu lên trong Khải Huyền 2 và 3, vừa là khuyết điểm chung của Hội Thánh vừa là khuyết điểm riêng của một số người trong Hội Thánh. Vì Hội Thánh là sự hiệp một của tất cả con dân Chúa, nên khuyết điểm của mỗi con dân Chúa đều trở thành khuyết điểm chung của Hội Thánh.

Đối với những cá nhân có khuyết điểm thì họ phải thật lòng cải hối, nương nhờ sức toàn năng của Chúa để không quay lại tái phạm. Đối với các Hội Thánh có khuyết điểm thì với tính cách chung, cả Hội Thánh phải ăn năn, xưng tội với Chúa; rồi có biện pháp nghiêm khắc với những người phạm tội trong Hội Thánh. Hội Thánh không tiếp tục dung túng hay bỏ qua mà phải lập tức kêu gọi những người có tội ăn năn. Nếu người nào không ăn năn thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy ngay.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta luôn vững vàng và mạnh mẽ với đức tin trong Thiên Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/02/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/cac-bai-lien-quan-den-ngay-sa-bat/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/?p=92

[3] https://timhieuthanhkinh.com/?p=47

[4] https://timhieuthanhkinh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[5] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[6] https://timhieutinlanh.com/thac-mac-ve-giao-hoi-giao-phai-he-phai/

Karaoke Thánh Ca: “Mùa Xuân Mới Trong Chúa”:
https://karaokethanhca.net/mua-xuan-moi-trong-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.