Mười Điều Suy Ngẫm về Sự Phán Xét Chung Cuộc

526 views

YouTube: https://youtu.be/Cow1WvQXwho

202311 Bài Giảng Trong Năm 2023
Mười Điều Suy Ngẫm về Sự Phán Xét Chung Cuộc

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Sự phán xét bởi Đức Chúa Trời được nói đến trong Thánh Kinh là sự Đức Chúa Trời phán xét những kẻ có tội. Những kẻ có tội là những kẻ vi phạm các điều răn của Ngài. Đức Chúa Trời phán xét từng cá nhân, từng gia đình, từng thành phố, từng quốc gia, từng dân tộc, và toàn thế gian.

Sự phán xét cá nhân lần đầu tiên là sự phán xét A-đam và Ê-va, như đã ghi lại trong Sáng Thế Ký 3:16-19. Sự phán xét toàn thế gian lần đầu tiên được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 7. Đức Chúa Trời đã dùng một cơn nước lụt toàn cầu để hủy diệt mọi sinh vật trên đất, ngoại trừ gia đình Nô-ê, gồm tám người, được cứu nhờ Nô-ê vâng lời Chúa đóng sẵn một chiếc tàu lớn, và các loài sinh vật được ông mang vào trong tàu. Sự phán xét thành phố lần đầu tiên được ghi lại trong Sáng Thế Ký 19:12-25 là sự thành Sô-đôm và thành Gô-mô-rơ bị hủy diệt bằng lửa. Sự phán xét quốc gia và dân tộc lần đầu tiên là sự phán xét nước Ê-díp-tô và dân Ê-díp-tô, bao gồm mười tai vạ, được ghi trong Xuất Ê-díp-tô Ký 7:14-12:33.

Sắp tới là sự phán xét toàn thế gian lần thứ nhì bằng bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 6:1-19:21. Và sau cùng là sự phán xét chung cuộc, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15:

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.

Sự phán xét chung cuộc sẽ xảy ra sau khi thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc. Trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị em mấy điều chúng tôi suy ngẫm về sự phán xét chung cuộc.

Chúng tôi xin nói rõ, đây là sự suy ngẫm và sự hiểu của chúng tôi, dựa trên một số chi tiết trong Lời Chúa, không phải là giáo lý trong Thánh Kinh. Đây là sự dựa trên Lời Chúa để suy luận một số vấn đề liên quan đến lời tiên tri trong Thánh Kinh. Dù quý ông bà anh chị em tiếp nhận hoặc không tiếp nhận những gì chúng tôi chia sẻ trong bài này cũng không ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi của mỗi người.

Điều suy ngẫm thứ nhất của chúng tôi là về sự biến hóa thân thể xác thịt của những công dân Vương Quốc Ngàn Năm. Đây là nói về những người mà thân thể xác thịt của họ chưa được biến hóa. Chúng tôi nghĩ rằng, ngay sau khi Đức Chúa Jesus Christ tiêu diệt tất cả những kẻ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa, vào cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, và ném Sa-tan vào hỏa ngục, thì tất cả những người thân thể xác thịt chưa biến hóa sẽ được biến hóa và được đem vào thiên đàng. Đây là lần đầu tiên họ được kinh nghiệm thiên đàng và có lẽ Đấng Christ sẽ ban thưởng cho mỗi người, tùy theo mỗi việc làm của họ. Đó cũng là lúc mà tất cả thánh đồ của Chúa, từ thời A-đam cho tới giây phút Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc, đều có mặt trong thiên đàng và sẽ cùng nhau chứng kiến trời cũ đất cũ của thế giới vật chất nổ tung, rồi bốc cháy, như lời Sứ Đồ Phi-e-rơ đã tiên tri:

Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả. Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!” (II Phi-e-rơ 3:10-12).

Chúng tôi nghĩ rằng, đó là sự mở đầu cho sự phán xét chung cuộc. Tiếp theo đó là sự phán xét tất cả những người không ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, từ thời A-đam cho tới trận chiến cuối cùng trong Vương Quốc Ngàn Năm, là trận chiến được tiên tri trong Khải Huyền:

Khải Huyền 20:7-10

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu huỳnh, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Điều suy ngẫm thứ nhì của chúng tôi là về sự trời cũ đất cũ của thế giới vật chất bị nổ tung và cháy tan. Chúng tôi nghĩ rằng, sẽ có một sự nổ nguyên tử trong toàn vũ trụ. Theo các nhà khoa học thì vũ trụ vật chất đang giãn nở. Nghĩa là mọi thiên hà trong vũ trụ đang càng ngày càng cách xa nhau. Cũng theo các nhà khoa học, cứ mỗi khoảng cách tương đương 3,26 triệu năm ánh sáng (one megaparsec) thì các thiên hà di chuyển cách xa nhau với vận tốc 67,4 km/giây, bởi sự giãn nở của vũ trụ. Sự giãn nở của vũ trụ là sự giãn nở của chính không gian, toàn bộ và đồng bộ. Sự giãn nở đang ngày càng gia tăng tốc độ và đến một lúc nào đó thì sự giãn nở quá nhanh khiến cho toàn vũ trụ bị nổ tung, ngay cả các nguyên tử cũng có thể bị nổ tung.

Dĩ nhiên, bởi một lời phán của Thiên Chúa trời đất đã được hình thành thì cũng bởi một lời phán của Thiên Chúa trời đất sẽ tan biến, bất kỳ lúc nào Ngài muốn. Khi đó, mọi vật thể sẽ bị cháy tan thành các nguyên tố hóa học mà chúng tôi gọi là những hạt vật chất. Vì chúng là nguyên liệu tạo nên thế giới vật chất. Hiện nay, loài người phân biệt được 118 nguyên tố hóa học. Các nguyên tử đó có kích thước vô cùng nhỏ. Chúng nhỏ đến nỗi, trung bình, mỗi giọt nước có thể chứa đến ba mươi ngàn tỉ tỉ (30.000.000.000.000.000.000.000) nguyên tử. Trong số đó sẽ có những nguyên tử từng hợp thành thân thể xác thịt của những người đã chết.

Trong suốt dòng lịch sử sự chết của nhân loại, có những người thân xác bị tan rã trong biển, có những người thân xác bị tan rã trên mặt đất hay trong lòng đất. Từ ngữ “âm phủ” mang hai nghĩa: nghĩa thuộc thể là mồ mả chôn cất xác chết, nghĩa thuộc linh là nơi tạm giam linh hồn của những người chết không có sự cứu rỗi. Vào ngày phán xét chung cuộc, lòng biển, mặt đất, và lòng đất đã nổ tung thành các hạt vật chất, nhưng những nguyên tố hóa học đã tạo nên thân thể của những người đã chết sẽ được phục hồi một cách siêu nhiên. Câu “Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng”, là nói về âm phủ thuộc thể, tức mồ mả, nơi chôn cất xác chết, trao ra những nguyên tố hóa học tạo thành thân xác của những người ấy. Sự chết là sự phân rẽ linh hồn khỏi thân thể xác thịt. Sự chết trao ra những kẻ chết có nghĩa là sự chết không còn quyền phân rẽ linh hồn của những người ấy khỏi xác thịt của họ, nên họ được phục sinh.

Điều suy ngẫm thứ ba của chúng tôi là về thân thể phục sinh của những người đã chết mà không có sự cứu rỗi. Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi người sẽ có một thân thể xác thịt phục sinh siêu nhiên, khi sự chết không còn quyền trên xác thịt của họ. Chúng tôi nghĩ, thân thể xác thịt phục sinh của họ sẽ xinh đẹp như Đức Chúa Trời đã định cho họ từ lúc ban đầu, ít ra cũng xinh đẹp, khỏe mạnh như A-đam và Ê-va, lúc chưa phạm tội. Đó là để cho họ hiểu rằng, Đức Chúa Trời yêu họ và định sẵn sự tốt lành cho họ như thế nào, nếu họ tin cậy và vâng phục Ngài, như lời Ngài đã phán:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).

Tuy nhiên, họ không có tâm thần như những người có sự cứu rỗi. Vì tâm thần là thân thể thiêng liêng để loài người tương giao với Thiên Chúa và các thiên sứ. Họ bị hình phạt đời đời xa cách Thiên Chúa nên họ không cần có thân thể thiêng liêng là tâm thần. Trong khoảnh khắc họ chết thì tâm thần là thân thể thiêng liêng của họ đã trở về cùng Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó:

Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài,” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Chúng tôi nghĩ rằng, cứ mỗi một tội lỗi của họ được công bố và phán xét thì sự xinh đẹp, khỏe mạnh của thân thể xác thịt phục sinh đó sẽ bị giảm đi một ít, cho tới khi tất cả những tội lỗi họ làm ra đã bị phán xét thì thân thể xác thịt của họ trở nên già yếu, xấu xí. Và họ sẽ mang lấy thân thể ấy mà chịu khổ đời đời trong hồ lửa, còn gọi là hỏa ngục.

Điều suy ngẫm thứ tư của chúng tôi là về nơi thi hành sự phán xét chung cuộc. Theo lời tiên tri trong Khải Huyền thì lúc ấy, trời cũ đất cũ đều đã tan biến. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa, các thiên sứ, cùng những con dân của Thiên Chúa đều ở trong thiên đàng. Trong hồ lửa lúc ấy chỉ có Sa-tan, AntiChrist, và Tiên Tri Giả của AntiChrist. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ tất cả những người bị phán xét đều ứng hầu trước Thiên Chúa với thân thể phục sinh, ngay trong âm phủ. Đấng Christ và Hội Thánh từ thiên đàng sẽ phán xét họ. Cũng rất có thể Đấng Christ và Hội Thánh cùng các thiên sứ sẽ giáng xuống khu vực Ba-ra-đi trong âm phủ để phán xét họ. Sau khi sự phán xét kết thúc thì họ bị ném vào hồ lửa, rồi sự chết và âm phủ thuộc linh cũng bị ném vào hồ lửa. Có nghĩa là lúc ấy, hồ lửa sẽ dâng lên, bao trùm mọi chỗ trong âm phủ như xưa kia, Cơn Lụt Lớn khiến cho nước dâng lên, bao trùm khắp đất. Khi đó những người không có sự cứu rỗi sẽ bị báp-tem trong lửa, bị muối bằng lửa:

Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt. Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa. Mỗi của lễ sẽ được muối với muối.” (Mác 9:48-49).

Âm phủ thuộc linh không ở trong lòng đất như nhiều người lầm tưởng. Vì sau khi trái đất tan biến, âm phủ và hồ lửa trong âm phủ vẫn còn.

Điều suy ngẫm thứ năm của chúng tôi là về cấu trúc của âm phủ. Dựa trên lời phán của Đức Chúa Jesus trong Lu-ca 16:19-31, chúng tôi suy ngẫm và hình dung ra cấu trúc của âm phủ như hình minh họa dưới đây.

Minh họa về âm phủ thuộc linh
Người minh họa: Phạm Trịnh Minh Anh
https://timhieutinlanh.com/wp-content/uploads/2023/08/AmPhu-ThuocLinh-1920X1080.jpg

Trong âm phủ, nơi cao nhất có lẽ ở trung tâm, gọi là Ba-ra-đi. Đó là nơi linh hồn của những thánh đồ đã qua đời tạm trú, kể từ A-đam cho đến tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa, được Chúa hứa sẽ cùng Ngài vào trong Ba-ra-đi. Linh hồn các thánh đồ ở đó, trong khi chờ đợi Đấng Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người và phục sinh. Sau khi Đấng Christ phục sinh thì Ngài đã đem các thánh đồ vào thiên đàng. Linh hồn các thánh đồ được tái kết hiệp với tâm thần là thân thể thiêng liêng của họ, trong thiên đàng:

Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. [Thi Thiên 68:18]” (Ê-phê-sô 4:8).

Bên dưới Ba-ra-đi là một vực sâu không đáy, nơi giam giữ các thiên sứ phạm tội. Chúng tôi hiểu, sự không đáy của nó tương tự như sự không đáy của hố đen trong vũ trụ thuộc thể. Có thể hiểu là Ba-ra-đi giống như vườn Ê-đen khi xưa, lơ lửng trên bề mặt của vực sâu không đáy, tiêu biểu cho trái đất được phục hồi, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Chung quanh của vực sâu không đáy là khu vực tạm giam những linh hồn không có sự cứu rỗi, từ thời của A-đam cho tới khi kết thúc thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Chung quanh khu vực tạm giam là hồ lửa mà sức nóng của nó làm khổ các linh hồn bị tạm giam.

Trong lời phán của Đức Chúa Jesus về âm phủ, Ngài cho biết, linh hồn người giàu không tin Chúa ở trong âm phủ, ngước mắt nhìn lên Ba-ra-đi, thấy linh hồn La-xa-rơ và linh hồn Áp-ra-ham. Người giàu xin Áp-ra-ham sai La-xa-rơ nhúng ngón tay vào nước làm cho mát lưỡi của ông. Nhưng Áp-ra-ham đáp:

Ngoài các sự ấy, có một vực sâu rất lớn đã được thiết lập giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó, đến với ngươi sẽ không được, cũng không ai từ đó có thể qua đây, đến với chúng ta.” (Lu-ca 16:26).

Chúng tôi hiểu rằng, âm phủ thuộc linh là một phần trong thế giới thuộc linh, thiên đàng cũng là một phần trong thế giới thuộc linh.

Điều suy ngẫm thứ sáu của chúng tôi là về thế giới thuộc linh mà Thánh Kinh gọi là tầng trời thứ ba. Vì thế giới thuộc linh ấy bao bọc chung quanh vũ trụ thuộc thể với hai tầng trời của chúng ta. Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển chung quanh địa cầu, cách mặt nước biển trung bình là 10.000 km. Hoặc rộng lớn hơn là khoảng không gian thuộc về thái dương hệ của chúng ta, bao gồm mặt trời là trung tâm điểm và tám hành tinh xoay chung quanh nó. Hành tinh xa nhất là Hải Vương Tinh, cách mặt trời gấp 30 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, trung bình là 4.503 tỉ km. Tầng thời thứ nhì là toàn cõi không gian còn lại của vũ trụ thuộc thể. Theo các nhà khoa học thì hiện nay, các viễn vọng kính cực mạnh của loài người chỉ nhìn thấy đến các khu vực trong vũ trụ cách xa trái đất một khoảng cách là 46 tỉ năm ánh sáng. Với tốc độ 360.000 km/giây của ánh sáng thì khoảng cách một năm ánh sáng là 9.460.730.472.580,8 km. Lấy con số đó nhân cho 46 tỉ thì chúng ta sẽ có khoảng cách xa nhất mà hiện nay loài người có thể từ trái đất nhìn thấy được trong vũ trụ.

Minh Họa Tầng Trời Thứ Ba
Người minh họa: Phạm Trịnh Minh Anh
https://timhieutinlanh.com/wp-content/uploads/2023/08/CacTangTroi-1280×720-1.jpg

Chúng tôi nghĩ, thiên đàng ở về phía bắc của địa cầu, được gọi là “trên các tầng trời”, tức là phía trên tầng trời thứ nhất và tầng trời thứ nhì của thế giới thuộc thể. Âm phủ ở về phía nam của địa cầu, được gọi là “bên dưới đất”, tức là bên dưới vị trí của địa cầu chứ không phải là bên dưới mặt đất, nằm trong lòng đất. Thánh Kinh dùng các từ ngữ: trên các tầng trời, trên đất, và bên dưới đất rất rõ ràng:

Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trên các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.” (Phi-líp 2:9-11).

Mọi đầu gối trên các tầng trời là tất cả thiên sứ và con dân Chúa trên thiên đàng. Mọi đầu gối trên đất là tất cả loài người sống trên đất. Mọi đầu gối bên dưới đất là tất cả các linh hồn loài người cùng các thiên sứ phạm tội bị giam trong âm phủ, và sau này, là bị giam trong hồ lửa, tức hỏa ngục.

Có hai câu Thánh Kinh nói về phương bắc và phương nam, cùng với hướng cực bắc gợi ý cho chúng tôi về phương hướng của thiên đàng và âm phủ, so với trái đất:

Ngài đã sáng tạo phương bắc và phương nam. Tha-bô và Hẹt-môn vui mừng trong danh Ngài.” (Thi Thiên 89:12).

Ngươi vẫn nói trong lòng ngươi: Ta sẽ lên các tầng trời. Ta sẽ nhấc ngai ta trên những ngôi sao của Thiên Chúa. Ta sẽ ngồi trên núi của sự nhóm hiệp về phía cực bắc.” (Ê-sai 14:13).

Tha-bô là ngọn núi ở về hướng tây của xứ Ga-li-lê. Theo truyền thuyết thì Chúa hóa hình trên ngọn núi này. Hẹt-môn là ngọn núi ở về hướng đông. Cả hai đều có phong cảnh rất xinh đẹp. Trong Thi Thiên 89:12, chúng được tiêu biểu cho hướng tây và hướng đông. Nhưng ý nghĩa của sự Thiên Chúa sáng tạo phương bắc và phương nam có lẽ là sự hàm ý Ngài sáng tạo thiên đàng ở phương bắc của địa cầu và sáng tạo âm phủ ở phương nam của địa cầu.

Điều suy ngẫm thứ bảy của chúng tôi là về cách thức sự phán xét sẽ được thi hành. Chúng tôi nghĩ rằng, Thiên Chúa là toàn năng nên Đấng Christ có thể cùng một lúc phán xét tất cả các tội nhân, chứ không chờ phán xét xong người này mới phán xét đến người khác. Điều đó tương tự như cùng một lúc vô số người có thể tương tác cách riêng tư về mọi chủ đề khác nhau với một bộ máy điện toán có trang bị trí tuệ nhân tạo. Con dân Chúa trong Hội Thánh có lẽ sẽ cùng Đấng Christ phán xét những người mang danh là con dân Chúa nhưng không sống theo Lời Chúa. Đồng thời họ cũng sẽ làm chứng nhân về sự phạm tội của những người ấy; làm chứng nhân về sự những người đã nghe họ giảng Tin Lành mà không tin nhận Tin Lành.

Chúng tôi nghĩ rằng, nền tảng để xét xử chung cho mọi người chính là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Riêng đối với những người đã tin nhận Tin Lành nhưng không trung tín, bị mất sự cứu rỗi thì còn bị xét xử dựa trên điều răn mới của Đấng Christ và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh:

Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Mỗi một tội mà người ta phạm, kể từ khi có ý thức phạm tội cho tới khi qua đời, đều sẽ được phán xử cách công chính. Hình phạt nặng nhẹ tùy thuộc vào sự phạm tội gây tác hại đến người khác như thế nào. Có thể hai người phạm cùng một tội nhưng hình phạt khác nhau, vì sự tác hại của sự phạm tội khác nhau.

Thí dụ 1: Cùng phạm tội móc túi, ăn cắp một số tiền giống nhau. Nhưng nếu là ăn cắp tiền của một người giàu có, không gây ra sự thiệt hại nào hơn là sự bực mình của người có tiền thì hình phạt sẽ nhẹ. Còn ăn cắp tiền của một người nghèo, trong khi người ấy định dùng số tiền ấy để mua thuốc trị bệnh cho con; khiến cho người ấy không thể mua thuốc trị bệnh cho con. Đứa con chết vì bệnh. Người bị mất cắp đau buồn, tự tử, chết theo con. Hình phạt dành cho kẻ ăn cắp sẽ rất nặng, vì liên quan đến hai mạng người.

Thí dụ 2: Sự phạm tội giết người tác hại đến gia đình người bị giết, và có thể di hại đến con cháu nhiều đời của người bị giết. Và như vậy, kẻ giết người phải chịu hình phạt tương xứng với sự tác hại kẻ ấy đã gây ra cho người khác.

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu có người nào từng thật lòng làm ra điều lành, không phải vì bị ép buộc, không phải để tìm tiếng khen, mà chỉ vì muốn giúp ích cho người khác thì việc làm đó của họ sẽ được khen thưởng. Sự khen thưởng đó có thể là sự giảm đi phần nào nỗi đau khổ, trong khi họ chịu phạt vì các sự phạm tội của họ.

Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi tội nhân sẽ được nhìn thấy hình ảnh mình phạm tội, như được xem một cuốn phim ghi lại cuộc đời của mình một cách chi tiết và toàn vẹn. Họ cũng sẽ được ban cho sự nhận thức vi diệu để hiểu rõ sự yêu thương, thánh khiết, và công chính tỏ ra trong mỗi lời phán xét của Đấng Christ. Chính vì thế mà họ sẽ hoàn toàn vâng phục sự phán xét của Ngài và đầu gối của họ quỳ xuống để tôn vinh Ngài.

Điều suy ngẫm thứ tám của chúng tôi là về những người thật lòng tin nhận Tin Lành, rồi sau vấp ngã, trở lại sống trong tội và chết trong sự hư mất. Chúng tôi nghĩ rằng, họ sẽ không bị phán xét những tội họ đã phạm trước khi họ tin nhận Tin Lành. Vì khi họ tin nhận Tin Lành thì mọi tội ấy đã được tha. Họ sẽ chỉ bị phán xét về mỗi tội họ đã làm ra, kể từ khi họ trở lại sống trong tội và mất sự cứu rỗi. Thánh Kinh gọi đó là bị trật phần ân điển:

Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]” (Hê-bơ-rơ 12:15).

Đó sẽ là điều rất đau khổ và hối tiếc cho những người như vậy. Vì họ đã không nắm giữ sự cứu rỗi Chúa ban cho họ.

Con dân Chúa phải chịu khổ để đi theo Chúa. Các câu Thánh Kinh sau đây đáng cho chúng ta phải ghi nhớ và thường suy ngẫm trên hành trình theo Chúa:

Họ đã làm cho vững linh hồn của các môn đồ, khuyên cứ ở lại trong đức tin; và rằng, chúng ta phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22).

Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Điều suy ngẫm thứ chín của chúng tôi là về lửa đời đời của hồ lửa. Cách gọi hồ lửa của Thánh Kinh tương tự như cách nói “biển lửa” của người thế gian. Nghĩa là dùng để chỉ sự kiện lửa cháy lớn đến nỗi có thể bao trùm lên mọi vật thể tại nơi nó cháy. Vì thế mà có cách nói: “chìm trong biển lửa”. Ai đã từng tận mắt chứng kiến hoặc xem video cảnh cháy rừng sẽ thấy ngọn lửa bao phủ mọi vật trên đường đi của nó. Nó vượt cao hơn chiều cao của những ngọn cây. Nó nhấn chìm mọi vật trong sự thiêu đốt của nó. Thánh Kinh cho biết, lửa của hồ lửa có chất lưu huỳnh. Chất lưu huỳnh là một nguyên tố hóa học có thể đốt cháy và dùng để khử trùng. Trong các hình phạt bằng lửa của Đức Chúa Trời đều là lửa và lưu huỳnh. Có lẽ Ngài muốn dùng lưu huỳnh để thể hiện sự cất đi những ô uế do tội lỗi gây ra.

Lửa của hồ lửa sẽ không bao giờ tắt, nói đến sự tồn tại đời đời của những thiên sứ phạm tội và những người phạm tội trong hỏa ngục. Hỏa ngục có nghĩa là nhà tù lửa, rất thích hợp để gọi hồ lửa. Vì trong đó giam giữ những kẻ phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa. Câu sau đây được Đức Chúa Jesus nhắc lại liên tiếp ba lần:

Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt.” (Mác 9:44, 46, 48).

Sâu bọ của chúng nó” có lẽ nói đến sâu bọ trên thân thể xác thịt của những người bị giam trong hỏa ngục. Bị sâu bọ siêu nhiên không hề chết đục khoét trên thân thể siêu nhiên không hề chết là một phần trong hình phạt nơi hỏa ngục, dành cho những người không có sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

Điều suy ngẫm thứ mười của chúng tôi là về sự con dân Chúa trong Hội Thánh cũng sẽ phán xét các thiên sứ. Trong Thánh Kinh chỉ có một lần đề cập đến sự con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ phán xét các thiên sứ:

Các anh chị em chẳng biết rằng, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ sao? Huống chi những việc đời này?” (I Cô-rinh-tô 6:3).

Chúng tôi nghĩ rằng, Hội Thánh sẽ cùng Đấng Christ phán xét các thiên sứ phạm tội. Vì Hội Thánh cầm quyền đồng trị với Đấng Christ. Có lẽ Sứ Đồ Phao-lô đã được Chúa mạc khải cho sự huyền nhiệm này. Rất tiếc là chúng ta không có chi tiết nào hơn trong Thánh Kinh về sự phán xét các thiên sứ. Rất có thể vào cuối Kỳ Tận Thế thì tất cả các thiên sứ phạm tội đều bị nhốt chung với Sa-tan trong vực sâu không đáy. Đó là nơi các thiên sứ phạm tội vào thời Nô-ê từng bị giam vì dám tự ý nhập vào loài người để làm băng hoại dòng dõi của loài người. Trong Kỳ Tận Thế, chúng sẽ được thả ra khỏi vực sâu không đáy, xuất hiện trong hình thể những con châu chấu, làm hại loài người. Sau đó, có lẽ chúng sẽ phối hiệp với các thiên sứ phạm tội khác, lấy hình thể 200.000.000 kỵ mã tàn sát một phần ba loài người. Khải Huyền đoạn 9 đã tiên tri về hai sự kiện này [1].

Sau khi bị phán xét thì các thiên sứ phạm tội cũng sẽ bị ném vào hỏa ngục. Mục đích của sự Thiên Chúa dựng nên hồ lửa là để làm nơi hình phạt các thiên sứ phạm tội, không phải để hình phạt loài người. Nhưng vì loài người chối bỏ ơn cứu rỗi của Ngài nên mới phải chịu phạt trong hỏa ngục. Lời Đức Chúa Jesus phán về hỏa ngục rất là rõ ràng:

Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.” (Ma-thi-ơ 25:41).

Sa-tan, những thiên sứ theo Sa-tan phạm tội, những người không tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đều bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Hình phạt là đời đời vì họ xúc phạm Đấng Đời Đời.

Chúng tôi tin chắc rằng, không hề có chuyện ma quỷ là những cai ngục, thi hành sự hình phạt loài người trong hỏa ngục. Chính ma quỷ cũng phải chịu bị phạt, có lẽ còn nặng hơn loài người, vì chúng đã phạm nhiều tội hơn và phạm tội nghiêm trọng hơn loài người. Vì thế, tất cả những giấc mơ hay khải tượng nào thấy ma quỷ hành hạ loài người trong hỏa ngục đều không đúng lẽ thật, không đến từ Chúa. Đó chỉ là mưu kế của Sa-tan dùng để hù dọa loài người gia nhập vào các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, do Sa-tan lập nên. Những giáo hội cỏ lùng, khác với Hội Thánh lúa mì của Thiên Chúa. Những giáo hội giảng dạy tà giáo, dung dưỡng tội lỗi, đưa dắt loài người vào sự hư mất.

Chúng tôi mong rằng, bài chia sẻ này đem lại nhiều gợi ý cho quý con dân Chúa trong khi suy ngẫm về sự phán xét chung cuộc. Chúng tôi cầu xin Đức Chúa Trời giữ gìn để sẽ không ai trong chúng ta có mặt trong số những người bị phán xét. Ngày Chúa đến đã rất gần. Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau giữ vững đức tin, sống theo Lời Chúa, sẵn sàng đón mừng Đấng Christ.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/08/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://kytanthe.net/036-chu-giai-sach-khai-huyen-91-21/

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Đến, Ban Sự Sống”
https://karaokethanhca.net/ngai-den-ban-su-song/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.