Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (09)

3,850 views

Điển Hình Về Sự Con Dân Chúa

Lấy Danh Chúa Làm Chơi

“Đừng làm ô danh thánh Ta, thì Ta sẽ được tôn thánh giữa dân I-sơ-ra-ên: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho các ngươi nên thánh.” (Lê-vi Ký 22:32).

Đức Chúa Jesus Christ dạy chúng ta rằng, mỗi khi cầu nguyện hãy nhân danh Ngài thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được nhậm:

“Các ngươi nhân danh Ta mà cầu xin điều gì mặc dầu, Ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh Ta xin điều gì, Ta sẽ làm cho.” (Giăng 14:13-14).

Ngài cũng ban cho chúng ta quyền dùng danh Ngài để trừ quỷ:

Và những dấu hiệu này sẽ theo những người tin: Trong danh Ta họ sẽ trừ những quỷ, họ sẽ nói những thứ tiếng mới…” (Mác 16:17).

Sứ đồ Phao-lô cũng dạy rằng hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu:

Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.” (Rôma 10:13).

Đối với những người chưa tin nhận Chúa, được cứu là được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi và hình phạt đời đời trong hoả ngục, khi họ thật lòng ăn năn tội và kêu cầu danh Chúa. Còn đối với những người đã tin nhận Chúa, được cứu là được cứu khỏi sự đe dọa tính mạng, khỏi bệnh tật, khỏi sự cám dỗ và tấn công của ma quỷ, v.v.. Danh Chúa là sức mạnh thuộc linh của chúng ta, để giải cứu chúng ta và giúp chúng ta chống cự mọi thế lực của loài người và ma quỷ. Cầu nguyện trong danh Chúa tức là kêu cầu chính Thiên Chúa Ngôi Hai để Ngài đứng trong vị trí của chúng ta mà cầu thay cho chúng ta với Đức Chúa Cha. Vì thế, con dân Chúa thường chấm dứt lời cầu nguyện của mình bằng câu: “Nhân danh (hoặc trong danh) Đức Chúa Jesus Christ. Amen.”

Lấy danh Chúa làm chơi là phạm vào điều răn thứ ba trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Có nhiều hình thức lấy danh Chúa làm chơi, như: gọi danh Ngài trong khi rủa sả hoặc chửi mắng, hoặc vì quen miệng gọi danh Ngài mà không có mục đích gì hết. Chúng tôi liệt kê dưới đây vài hình thức gọi danh Chúa làm chơi:

1. Trời ơi! (Oh my God!)

2. Chúa ơi!

3. Lạy Chúa!

4. Jesus! (Giê-su! Người Công giáo hay gọi “Giê-su ma”)

5. Christ!

6. Jesus Christ!

7. Gosh! (Đây là cách nói trại từ “God”)

8. Jeez! (Đây là cách nói trại từ “Jesus”)

Có một hình thức tinh tế hơn nữa để xúc phạm danh Chúa là dùng danh của Chúa, chân lý về Chúa, thuộc tính của Chúa, Hội Thánh, chức vụ thánh, địa vị tín đồ, v.v. trong các truyện hài hước.

Cười là món quà Chúa ban cho loài người để đem lại một vài phút thư giãn về tinh thần và tâm lý. Hài hước có thể giúp cho người ta nhìn thấy được lẽ thật của một vấn đề. Hài hước là môi trường tốt đem lại sự cảm thông, xóa tan đi những ngăn cách vì xa lạ giữa con người với nhau, v.v.. Tuy nhiên, như bất cứ một sự ban cho nào khác của Thiên Chúa, nếu lạm dụng hoặc sử dụng một cách vô ý thức, hài hước trở thành tội lỗi. Hình thức xúc phạm tinh tế đó điển hình trong sự kiện sau đây:

Có một lần, chúng tôi nhận được ấn bản “Tin & Sống, Bộ Mới – Số 1 – Năm 2004 do “Liên Hữu Hội Thánh Báp-tít Việt Nam” ấn hành tại Hoa Kỳ. Ấn bản này có chủ đề: “Môn Đồ Hóa Tại Hội Thánh Địa Phương.” Phần lớn những bài được đăng trong số “Tin & Sống” này là những bài bồi dưỡng tâm linh cho con dân Chúa hoặc huấn luyện công tác phát triển Hội Thánh. Nhưng khi xem đến trang 55 và 56 chúng tôi đọc thấy có ba mẩu “chuyện vui” dưới chủ đề “Phút Thư Giãn.” Trong ba mẩu “chuyện vui” đó, có hai mẩu là chắc chắn đã lấy danh Chúa ra làm chơi.

Mẩu chuyện thứ nhất và thứ nhì đã lấy danh Chúa và những điều căn bản nhất của đức tin con dân Chúa ra diễu cợt để mua vui. Mẩu chuyện thứ ba có thể đã lấy chức vụ chăn bầy thiêng liêng ra để châm biếm. Có thể chủ tâm của người kể và người đăng là cống hiến cho độc giả những “phút thư giãn” tinh thần sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhưng nội dung của những mẩu chuyện đó khiến cho các thánh đồ phải rùng mình kinh sợ và đau lòng. Kinh sợ vì sự phạm thượng nghiêm trọng của câu chuyện và đau lòng vì những sự phạm thượng này không do người thế gian làm ra, mà là do chính những “anh em cùng đức tin” gây ra, với sự đồng thuận vô tình hay hữu ý của những người lãnh đạo trong Ban Biên Tập “Tin & Sống.”

Chúng tôi có nhận xét về mẩu chuyện thứ nhất, “Con Ngựa Của Nhà Truyền Giáo,” như sau :

Mẩu chuyện kể rằng, có một nhà truyền giáo dùng câu “Cảm tạ Chúa!” để ra lệnh cho con ngựa chạy tới và dùng chữ “A-men!” để ra lệnh cho con ngựa ngừng lại. Đây là những từ thiêng liêng được con dân Chúa dùng trong khi tương giao với Chúa, thế mà lại bị đem ra làm khẩu lệnh để điều khiển ngựa.

Chuyện kể tiếp, một hôm, khi nhà truyền giáo thấy con ngựa mình đang cưỡi phóng thẳng đến bờ vực thẳm thì ông ta đã cầu nguyện xin Chúa giải cứu. Nhờ ông kết thúc lời cầu nguyện bằng tiếng “A-men!” mà con ngựa đã kịp thời ngừng lại cách bờ vực vài phân. Ông vui mừng quá thốt lên câu: “Cảm tạ Chúa!” Thì con ngựa phóng tới, đưa ông xuống vực thẳm. Vì thế, lời cảm tạ Chúa đã đưa ông đến sự chết.

Mẩu chuyện ngụ ý: nếu không nói “Cảm tạ Chúa!” thì được sống (không rớt xuống vực thẳm). Đây là sự lừa dối tinh vi của ma quỷ muốn lôi kéo con người xa khỏi Chúa. Cảm tạ Chúa và tôn vinh Chúa là vũ khí và sức mạnh của con dân Chúa để chống lại mọi thế lực của ma quỷ. Cho dù trong một nghịch cảnh nào đó, khi chúng ta không còn sức lực của con người để thốt ra lời cảm tạ Chúa, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa trong tâm thần. Đức Thánh Linh sẽ nghe thấy tiếng thổn thức của lòng chúng ta mà cầu thay cho chúng ta:

Cũng một lẽ ấy, Đấng Thần Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin để cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đấng Thần Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Đấng Thần Linh là thế nào, vì ấy là theo ý Thiên Chúa mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.” (Rôma 8:26-27).

Mẩu chuyện hàm ý sự bác bỏ và chống lại sự thiêng liêng trong mối thông công giữa con dân Chúa với Chúa; xem người truyền giáo là người khờ dại. Thế mà những người mang danh là con dân Chúa trong một giáo phái lớn, phụ trách giảng dạy cho con dân Chúa, lại thản nhiên cho đăng trên tờ báo của giáo phái, để mua vui. Một ngày kia, họ sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về việc làm tắc trách này.

Chúng tôi có nhận xét về mẩu chuyện thứ nhì, “Chớ bỏ qua sự nhóm lại,” như sau:

Mẩu chuyện kể rằng, có một người chăn bỏ nhóm hiệp với Hội Thánh để đi săn và đã giảng Tin Lành cho một con gấu.

Người chăn bị đem ra giễu cợt vì: (1) bỏ sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa để đi săn bắn; (2) không hiểu rằng, sự cứu rỗi linh hồn là chỉ dành cho loài người chứ không bao gồm cả loài thú. Ngoài ra, mẩu chuyện còn: (1) Hàm ý hạ loài người xuống ngang hàng với loài thú pha trộn tín lý của Phật Giáo vào lẽ thật của Thánh Kinh khi cho rằng sự giác ngộ chân lý bao gồm cả loài thú. (2) Phạm thượng công vụ cảm hóa tội nhân của Đức Thánh Linh. (3) Đem danh thánh của Đức Chúa Jesus Christ ra làm trò cười qua lời cầu nguyện của con gấu.

Còn trong mẩu chuyện thứ ba, “Những cái trứng hư,” thì chức vụ chăn bầy đã bị đem ra diễu cợt như là một chức vụ không kết quả. Mẩu chuyện hàm ý: Hoặc là Chúa đã không biết chọn người để giao cho chức vụ chăn bầy, hoặc là Chúa không có đủ quyền năng để ban ơn cho người Chúa giao cho chức vụ. Và, chính vì những người chăn bầy suốt mấy chục năm không có kết quả nên Hội Thánh của Chúa cũng không kết quả.

Nếu mẩu chuyện này được dùng để nói đến thực trạng của những “mục sư” trong các giáo hội do loài người lập ra, không phải do Chúa lập ra, thì nó không phạm vào tội lấy danh Chúa ra làm chơi. Nhưng nếu người đặt chuyện cố ý chế diễu chức vụ chăn bầy trong Hội Thánh của Chúa thì người ấy đã phạm tội.

Lấy danh Chúa làm chơi là một tội lỗi vô cùng nghiêm trọng trong Hội Thánh. Con dân Chúa phải cẩn thận giữ mình để không vấp phạm và phải tích cực lên tiếng khi thấy có người vấp phạm.