Sự Thông Công và Sự Dứt Thông Công

3,232 views

Nguồn: https://youtu.be/HNjHkx79J7I

Bài Giảng Trong Năm 2019
Sự Thông Công và Sự Dứt Thông Công

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Trong tiếng Hán Việt, chữ “thông” có nghĩa là xuyên suốt, thông qua. Chữ “công” có nghĩa là chung. Thông công là giao hòa với nhau, như hai ao nước thông với nhau qua một con mương.

Danh từ “sự thông công” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự giao kết, quan hệ thân thiết với nhau, cùng chia xẻ mọi sự với nhau, cùng nhau tham dự trong mọi sự. Cũng có thể dịch là “sự giao thông”. Danh từ “sự thông công” trong tiếng Hy-lạp còn được dùng để chỉ sự quan hệ tình dục giữa hai người.

Con dân Chúa được ban cho sự thông công với Chúa:

“Đức Chúa Trời là thành tín, bởi Ngài các anh chị em đã được gọi vào trong sự thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 1:9).

Con dân Chúa có sự thông công của lẽ mầu nhiệm, tức sự thông công với Tin Lành:

“Ân điển ấy đã ban cho tôi, người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, để rao giảng trong các dân ngoại sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ, và chiếu sáng cho tất cả sự thông công của lẽ mầu nhiệm, từ trước vô cùng đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên muôn loài qua Đức Chúa Jesus Christ.” (Ê-phê-sô 3:8-9).

“Vì sự thông công của các anh chị em với Tin Lành từ ngày đầu cho đến nay…” (Phi-líp 1:5).

Con dân Chúa có sự thông công trong sự thương khó của Đức Chúa Jesus Christ, qua sự chịu khổ vì danh Chúa:

“…để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài…” (Phi-líp 3:10).

Bánh không men và nước nho dùng trong Tiệc Thánh có sự thông công với thân thể và máu của Đấng Christ:

“Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là sự thông công với máu của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là sự thông công với thân thể của Đấng Christ sao?” (I Cô-rinh-tô 10:16).

Đức Thánh Linh là Đấng thiết lập và giữ gìn sự thông công giữa con dân Chúa với Chúa và giữa con dân Chúa với nhau:

“Nguyện xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!” (II Cô-rinh-tô 13:14).

Sự thông công giữa con dân Chúa với Chúa là sự con dân Chúa có mối tương giao mật thiết và cá nhân với Ba Ngôi Thiên Chúa. Con dân Chúa mỗi ngày tôn vinh Chúa, tâm tình, trò chuyện với Chúa, phụng sự Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Chúa, đón nhận sức mới từ nơi Chúa, và chịu khổ vì danh Chúa là ở trong sự thông công với Chúa.

Mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh là chúng ta được nhắc nhở rằng, sự sống của chúng ta được thông công với sự sống của Đức Chúa Jesus Christ và thân thể của chúng ta được thông công với thân thể của Đấng Christ. Vì thế chúng ta sống là sống cho Chúa. Vì thế chúng ta giữ gìn, không để cho thân thể của chúng ta làm ra những sự tội lỗi. Mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh, chúng ta cũng được nhắc nhở rằng, Đấng Christ đã chịu nhục, chịu khổ, chịu chết vì chúng ta nên chúng ta cũng hãy chịu nhục, chịu khổ, chịu chết vì Đấng Christ. Chịu nhục, chịu khổ, chịu chết vì Đấng Christ có nghĩa là thà bị nhục, bị khổ, và bị giết hơn là phạm tội.

Sự thông công giữa con dân Chúa với nhau là sự con dân Chúa thường xuyên tâm tình với nhau, chia sẻ với nhau, phục vụ lẫn nhau, gây dựng lẫn nhau.

  • Trong tâm tình, chúng ta nói lên những vui buồn trong cuộc sống, những sự cám dỗ và thử thách, những sự sa ngã và ăn năn… cùng với lời kêu gọi anh chị em trong Hội Thánh cầu thay cho mình.
  • Trong chia sẻ, chúng ta nói cho nhau nghe, viết cho nhau đọc những phước hạnh Chúa ban cho mình, những việc Chúa làm ra cho mình và qua mình, trong đó, bao gồm những sự hiểu biết về Lời Chúa, mà mình nhận được (Thánh Kinh gọi là “lời tỏ sự kín nhiệm!”).
  • Phục vụ lẫn nhau bao gồm sự cầu thay cho nhau, tiếp trợ lẫn nhau, cứu giúp lẫn nhau.
  • Gây dựng lẫn nhau bao gồm sự khuyên bảo lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau, và khi cần thì cáo trách lẫn nhau.

Ngay từ buổi ban đầu, khi Hội Thánh mới được thành lập thì con dân Chúa đã sống trong sự thông công với nhau và với Chúa:

“Họ bền lòng giữ giáo lý của các sứ đồ, sự thông công, sự bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42).

Sự thông công của con dân Chúa với Chúa và với nhau là sự ban cho của Đức Chúa Trời mà cũng là một đặc quyền. Vì chỉ con dân Chúa mới được Đức Chúa Trời ban cho sự thông công ấy.

Tuy nhiên, nếu con dân Chúa phạm tội mà không ăn năn thì sẽ bị dứt thông công. Đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ và của Đức Thánh Linh:

Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ:

Ma-thi-ơ 18:15-18

15 Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, thì ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình.

16 Nếu người không nghe ngươi, hãy đem thêm với ngươi một hoặc hai người, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15]

17 Nếu người không chịu nghe họ, thì hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế.

18 Thật! Ta nói với các ngươi, bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất, sẽ bị buộc trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất, sẽ được mở trên trời.

Mệnh lệnh của Đức Thánh Linh:

I Cô-rinh-tô 5:9-13

9 Trong thư tôi viết cho các anh chị em, có dặn đừng làm bạn với những đĩ đực,

10 đó tôi chẳng có ý nói chung về những đĩ đực đời này, hay là những kẻ tham lam, những kẻ tống tiền, những kẻ thờ thần tượng, vì nếu vậy thì các anh chị em phải lìa khỏi thế gian.

11 Nhưng tôi viết khuyên các anh chị em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh chị em, mà làm đĩ đực, hoặc tham lam, hoặc thờ thần tượng, hoặc hung bạo, hoặc say sưa, hoặc tống tiền, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.

12 Bởi vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao?

13 Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội họ. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.

Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho Hội Thánh dứt thông công những người có tội với anh chị em trong Hội Thánh mà không chịu ăn năn. Mệnh lệnh của Đức Thánh Linh truyền cho Hội Thánh dứt thông công những người trong Hội Thánh mà phạm các điều răn của Chúa, không sống theo Lời Chúa.

Chúng ta hãy chú ý đến các điểm sau đây:

  • Hội Thánh phải xem người phạm tội nghịch lại anh chị em trong Hội Thánh mà không chịu ăn năn như người ngoại và kẻ thu thuế, tức là dứt thông công người ấy. Hội Thánh phải xem người không sống theo Lời Chúa là kẻ gian ác và trừ bỏ người ấy ra khỏi Hội Thánh, tức là dứt thông công người ấy.
  • Người ngoại là người ở ngoài Hội Thánh, người không tin Chúa. Kẻ thu thuế tiêu biểu cho kẻ gian ác, tội lỗi nhất trong xã hội. Xem một người như người ngoại có nghĩa là con dân Chúa chấm dứt mọi hình thức thông công với người ấy. Xem một người như kẻ thu thuế có nghĩa là con dân Chúa nên tránh xa người ấy. Một người đã biết Chúa mà vì kiêu ngạo hoặc tự ái không đúng mà không nhận lỗi, không ăn năn thì đã biến thành kẻ biết Chúa mà chống nghịch Lời Chúa. Người ấy nặng tội còn hơn là người không tin Chúa.
  • Xem một người như người ngoại và kẻ thu thuế có nghĩa là xem người ấy là một người không tin Chúa và là người thuộc về những kẻ gian ác nhất trong xã hội.
  • Kẻ gian ác là kẻ vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Kẻ gian ác nhất là kẻ đã biết các điều răn của Thiên Chúa mà vẫn cố tình vi phạm.

Người nào đã tin Chúa mà phạm tội, không ăn năn thì người ấy là kẻ “thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ” (Phi-líp 3:18), là kẻ thù nghịch Chúa và thù nghịch Hội Thánh. Người ấy trở thành kẻ gian ác nhất trong những kẻ gian ác. Con dân Chúa phải hoàn toàn cắt đứt sự thông công với người ấy, tránh xa người ấy, trừ khi hoàn cảnh không cho phép. Chúng ta cần phân biệt rõ sự thông công với sự giao tiếp vì bổn phận hay nhu cầu, hoặc sự cứu giúp trong các trường hợp khẩn cấp.

Thí dụ:

  • Người bị dứt thông công là ông bà, cha mẹ, vợ chồng phải sống nhờ vào chúng ta, hoặc là con của chúng ta dưới 20 tuổi, thì chúng ta vẫn làm tròn bổn phận chu cấp, nuôi dưỡng.
  • Người làm cùng chỗ làm với chúng ta (có thể là nhân công như chúng ta, có thể là cấp trên của chúng ta, có thể là cấp dưới của chúng ta) cũng là người bị Hội Thánh dứt thông công thì chúng ta vẫn có bổn phận cùng làm công việc chủ giao cho chúng ta và người đó làm chung, có bổn phận vâng phục trong sự làm việc nếu người đó là cấp trên của chúng ta, có bổn phận phân công cho người ấy làm việc nếu người ấy là cấp dưới của chúng ta.
  • Người bị dứt thông công là người làm việc tính tiền trong siêu thị, hoặc là chủ siêu thị, chúng ta vẫn có thể đi chợ mua sắm tại siêu thị đó, như chúng ta đi mua sắm ở siêu thị của người không tin Chúa. Nhưng nếu có thể tránh được thì chúng ta nên tránh.
  • Chúng ta là người bán hàng và người bị dứt thông công đến mua hàng, chúng ta vẫn bán hàng cho người ấy, nhưng giữ không trò chuyện xã giao với người ấy.
  • Người bị dứt thông công bị bệnh hoặc bị tai nạn nghiêm trọng mà chúng ta là người có mặt, thì chúng ta có thể dự phần trong việc cấp cứu.

Sự giúp đỡ dành cho người bị dứt thông công là sự giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp, liên quan đến sự an nguy của tính mạng, không phải là sự giúp vặt.

Nếu những người đã bị dứt thông công chào chúng ta, chúng ta có thể chào lại, nhưng không trò chuyện gì thêm. Ngoại trừ những người theo tà giáo thì chúng ta không được chào hỏi (II Giăng câu 10-11).

Nếu những người bị dứt thông công gọi điện thoại, nhắn tin, email, bắt chuyện, nhờ vả chúng ta điều gì thì chúng ta từ chối trò chuyện và nói cho người ấy biết, chúng ta chỉ có thể trò chuyện lại với họ khi họ đã ăn năn và được Hội Thánh tiếp nhận trở lại. Nếu họ cứ tiếp tục gọi điện thoại, nhắn tin, email… thì chúng ta không nhận cuộc gọi, xóa bỏ tin nhắn và email của họ.

Trong khi con dân Chúa vẫn có thể làm bạn với người không tin Chúa, vẫn có thể ăn uống chung với người không tin Chúa để có cơ hội rao giảng Tin Lành cho họ, thì đối với người bị dứt thông công, con dân Chúa không kết bạn, không ăn chung. Đó là mệnh lệnh của Chúa (I Cô-rinh-tô 5:11).

Con dân Chúa có thể cầu thay cho người đã bị dứt thông công, nếu được Chúa cảm động. Nhưng con dân Chúa không cần kêu gọi người đã bị dứt thông công ăn năn. Vì trước khi người ấy bị dứt thông công thì đã có sự kêu gọi ăn năn nhiều lần. Sau khi một người đã bị dứt thông công thì sự kêu gọi người ấy ăn năn hoàn toàn thuộc về Đức Thánh Linh. Trừ khi hai người cùng bị dứt thông công, một người ăn năn thì có thể kêu gọi người kia cùng ăn năn với mình.

Người bị dứt thông công là người đã bị phó cho Sa-tan:

“Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, các anh chị em nhóm hiệp cùng tâm thần tôi, với năng lực của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, phó người như thế cho Sa-tan vào trong sự hủy hoại của xác thịt, mong sao tâm thần có thể được cứu trong ngày của Đức Chúa Jesus.” (I Cô-rinh-tô 5:4-5, đối chiếu I Ti-mô-thê 1:20).

Sự dứt thông công là sự bị hoàn toàn cắt đứt ra khỏi Hội Thánh, tức là bị cắt đứt ra khỏi Chúa, và hoàn toàn rơi vào trong tay của Sa-tan. Sa-tan có thể tùy ý làm khổ người đã bị dứt thông công, hoặc lợi dụng người ấy đánh phá Hội Thánh như trong trường hợp những người theo tà giáo.

Người bị dứt thông công đương nhiên trở thành người chẳng còn tin Chúa vì đã không vâng theo Lời Chúa, không tin vào những sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Người ấy đã vì kiêu ngạo, vì tự ái không đúng mà không nhận rằng mình có tội. Người ấy đã trở nên bội nghịch Thiên Chúa, cố chấp, không khác gì những kẻ dùng tà thuật và thờ thần tượng. Người ấy dùng những lời quỷ biện để tôn thờ bản ngã, cái tôi, của chính mình:

“Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:23).

Người bị dứt thông công bị mất quyền làm con cái của Đức Chúa Trời, bị mất quyền làm vua và thầy tế lễ trong Nước Trời. Người ấy trở thành kẻ không công bình, vì không còn ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, không còn nhận được sự tha tội. Con dân Chúa không nên dự phần gì với người ấy:

“Chớ mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Bởi vì sự công bình với sự không công bình có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Người nào trong Hội Thánh vẫn giữ thông công với người đã bị dứt thông công thì người ấy tự chuốc vào mình sự phản nghịch của người đã bị dứt thông công; người ấy trở nên phạm cùng các tội của người đã bị dứt thông công.

Những ai cố tình thông công với người đã bị dứt thông công thì người ấy đã ngang nhiên chống nghịch Lời Chúa, xem thường mệnh lệnh của Chúa. Nếu người ấy không ăn năn thì Hội Thánh cần phải dứt thông công người ấy.

Đối với những người vì bất cứ một lý do gì, tự ý rút lui ra khỏi sự sinh hoạt của Hội Thánh thì họ đã tự ý dứt thông công với Hội Thánh. Hội Thánh không cần phải lên tiếng dứt thông công họ mà đương nhiên xem họ như những người đã bị dứt thông công. Người tự ý dứt thông công với Hội Thánh chỉ có thể là:

  • Đang sống trong tội, không muốn từ bỏ sự phạm tội, nên tự ti mặc cảm mà lánh xa Hội Thánh.
  • Kiêu ngạo, tự ái không đúng khi được Hội Thánh cáo trách về những lỗi, những tội của mình.
  • Bất mãn vì Hội Thánh không chấp nhận quan điểm hoặc nếp sống theo xác thịt của mình.

Những người như vậy chỉ tin Chúa theo lý trí và cảm xúc của xác thịt, xem Hội Thánh như là một đoàn thể xã hội. Họ sống theo con người thuộc thể thay vì sống theo con người thuộc linh. Họ chưa bao giờ có sự kinh nghiệm về sự thông công mật thiết với Chúa và với những anh chị em cùng đức tin. Vì thế họ dễ dàng rút lui khỏi Hội Thánh, mà không ý thức rằng, cùng một lúc họ cũng đã tự ý rút lui ra khỏi Chúa, vì Hội Thánh chính là thân thể của Đấng Christ.

Chúng tôi mong rằng, qua bài giảng này, quý ông bà anh chị em hiểu rõ về sự thông công và sự bị dứt thông công. Đồng thời cũng biết rõ mình phải cư xử như thế nào với những người đã bị dứt thông công. Chúng tôi mong rằng sẽ không có ai trong Hội Thánh, đã nếm biết ân điển cứu chuộc của Chúa mà lại quay về sống trong tội để bị dứt thông công. Dù một người phạm tội cách kín giấu, Hội Thánh không biết để dứt thông công, thì chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa người ấy ra, chính Chúa sẽ dứt thông công người ấy và tỏ cho Hội Thánh biết. Chúng tôi mong rằng, sẽ không ai vì giữ lại lòng kiêu ngạo, lòng tự ái không đúng mà bị dứt thông công. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ bài học vỡ lòng khi mới đến với Đấng Christ. Đó là học lấy sự nhu mì và khiêm nhường của Ngài. Chúng ta hãy thật lòng xem người khác là tôn trọng hơn mình; sẵn sàng tiếp nhận sự cáo trách, góp ý của mọi người. Lời cáo trách, góp ý nào không đúng thì chúng ta từ tốn giải thích. Lời cáo trách, góp ý nào đúng thì chúng ta nhận lỗi và sửa đổi.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/07/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Hân Hoan Theo Bước Chúa Jesus”
https://karaokethanhca.net/long-han-hoan-theo-buoc-chua-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/