Địa vị và nhiệm vụ thầy tế lễ của chúng ta

3,841 views

I. Địa vị thầy tế lễ

Qua lời Chúa, chúng ta biết rằng mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, do chính Đấng Christ kêu gọi, lựa chọn, và phong chức. Ngày xưa, A-rôn nhận địa vị thầy tế lễ sau khi được tắm rửa bằng nước trong, được rưới huyết của sinh tế chuộc tội lên trên mình, và được xức dầu chảy tràn từ trên đầu (Lê-vi Ký 8). Ngày nay chúng ta nhận địa vị thầy tế lễ sau khi chịu lễ báp-tem. Trong lễ báp tem có hình ảnh tắm rửa thân thể bằng nước trong, nói lên lòng ăn năn tội của chúng ta; có hình ảnh được nhúng chìm vào trong sự chết của Đấng Christ, nghĩa là được tưới bằng huyết thánh của Ngài, nói lên sự tha tội và làm cho sạch tội chúng ta có được trong Đấng Christ; có hình ảnh được nhúng chìm vào trong đời sống mới đầy dẫy Thánh Linh, nói lên sự chúng ta được ban cho thẩm quyền và năng lực của Đức Thánh Linh để làm trọn nhiệm vụ được giao phó. Có thể nói, sau khi thật lòng chịu lễ báp-tem thì một người chính thức bước vào địa vị thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.

II. Nhiệm vụ thầy tế lễ

Ba nhiệm vụ chính của thầy tế lễ là: (1) dâng của lễ đời đời lên Đức Chúa Trời mỗi ngày, (2) chúc phước cho dân sự, và (3) cầu thay cho dân sự.

1. Dâng của lễ đời đời: Ngày xưa, mỗi ngày hai bận thầy tế lễ dâng chiên con trong đền thánh, và đó là của lễ đời đời (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42). Ngày nay, chúng ta trong địa vị thầy tế lễ của Đức Chúa Trời cũng cần phải ngày hai bận dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên cho Đức Chúa Trời. Đó là sự thờ phượng phải lẽ, đẹp lòng Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1):

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”

2. Chúc phước cho dân sự:  Dân Số Ký 6:22-27 ghi lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về việc các thầy tế lễ phải chúc phước cho dân sự như sau:

“22 Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: 23 Hãy nói cùng A-rôn và các con trai người mà rằng: Các ngươi phải chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: 24 Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! 25 Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! 26 Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi! 27 Họ phải đặt danh ta trên dân Y-sơ-ra-ên như vầy, thì ta đây sẽ ban phước cho dân đó.”

Đó là mệnh lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời về việc chúc phước cho con dân Chúa. Nếu ngày nay, mỗi chúng ta, trong địa vị thầy tế lễ của Đức Chúa Trời siêng năng chúc phước cho Hội Thánh, cho dân tộc thì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho Hội Thánh và dân tộc Việt Nam. Xin hỏi, có bao nhiêu người trong chúng ta đây đã từng chúc phước cho Hội Thánh và dân tộc Việt Nam theo như mệnh lệnh của Chúa?

Ngày nay, theo sự dạy dỗ và truyền thống của giáo hội, những người chăn bầy thường mượn ý II Cô-rinh-tô 13:13 để chúc phước cho Hội Thánh, đại khái như sau:

“Nguyền xin sự yêu thương của Đức Chúa Cha, ân điển của Đức Chúa Con, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng hết thảy ông bà anh chị em cho đến ngày Đấng Christ tái lâm!”

Lời chúc phước như vậy có điều gì đó không ổn. Tôi nói lên điều này không phải để lên án hay phê bình ai. Cá nhân tôi cũng từng chúc phước như vậy; nhưng nhiều lần trong khi chúc phước như vậy, tôi vẫn tự hỏi trong lòng: Tại sao không là “cho đến đời đời” mà chỉ là “cho đến ngày Đấng Christ tái lâm?” Không lẽ sau khi Đấng Christ tái lâm thì Hội Thánh không cần nhận lãnh tình yêu, ân điển, và sự thông công của Ba Ngôi Đức Chúa Trời hay sao? Theo thiển ý, lời chúc phước của Phao-lô được dùng trong thư tín thì chúng ta hãy bắt chước Phao-lô mà chúc như vậy khi viết thư cho nhau; còn lời chúc phước Đức Chúa Trời truyền cho các thầy tế lễ chúc phước cho con dân của Ngài thì chúng ta hãy vâng theo trong khi làm nhiệm vụ thầy tế lễ.

Chúng ta có thể dùng tất cả những câu chúc phước trong Thánh Kinh để chúc phước cho Hội Thánh, chúc phước lẫn nhau nhưng chúng ta cần phải trung thực với lời Chúa. Lời của Chúa đã “được vững lập đời đời trên trời” (Thi Thiên 119:89) cho nên chúng ta hãy cùng nhau bắt chước Môi-se, một người khiêm nhu hơn tất cả mọi người trong thế gian (Dân Số Ký 12:3) mà vâng phục lời Chúa, “cẩn thận làm theo mọi điều” (Giô-suê 1:8), và  làm theo “y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:6).

Trong địa vị thầy tế lễ, chúng ta hãy cùng nhau chúc phước cho con dân Chúa y theo lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn:

Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho Hội Thánh và phù hộ Hội Thánh! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên Hội Thánh, và làm ơn cho Hội Thánh! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem Hội Thánh và ban bình an cho Hội Thánh!

Khi Đức Giê-hô-va ban phước cho Hội Thánh thì Hội Thánh được giàu có thuộc thể lẫn thuộc linh. Khi Đức Giê-hô-va phù hộ Hội Thánh thì Hội Thánh thành đạt trong mọi công việc. Khi Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên Hội Thánh thì Hội Thánh rực rỡ sự vinh hiển của Ngài. Khi Đức Giê-hô-va làm ơn cho Hội Thánh thì không một lầm lỗi nào của Hội Thánh không được tha thứ, không một yếu kém nào của Hội Thánh không được nâng đỡ, không một nhu cầu nào của Hội Thánh không được chu cấp. Khi Đức Giê-hô-va đoái xem Hội Thánh thì sự tương giao giữa Ngài và Hội Thánh không bị gián đoạn. Khi Đức Giê-hô-va ban bình an cho Hội Thánh thì kẻ thù không thể thắng được Hội Thánh, và Hội Thánh vui hưởng ân điển của Ngài.

3. Cầu thay cho dân sự: Nhiệm vụ cầu thay của chúng ta được ghi chép trong Thánh Kinh như sau:

“Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người.(I Ti-mô-thê 2:1)

“Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.(Ê-phê-sô 6:18)

Đấng Christ là thầy tế lễ cả vẫn hằng cầu thay cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:25), lẽ nào chúng ta là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời lại không làm công tác cầu thay cho dân sự của Ngài?

Trong Thánh Kinh, Ê-sai 59:15, 16 có ghi lại một sự kiện rất là độc đáo:

“Đức Giê-hô-va thấy không có sự công bình thì chẳng đẹp lòng, thấy không có người, chẳng ai cầu thay, thì lấy làm lạ lùng.”

Bối cảnh lịch sử của dân Israel lúc bấy giờ là dân Israel hoàn toàn băng hoại vì tội lỗi. Từ hàng ngũ lãnh đạo phạm tội và tắc trách bị Chúa mắng là: “đui mù, không biết chi hết, thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, chiêm bao, nằm sóng sượt, và ham ngủ, lại là chó mê ăn, không biết no, là những kẻ chăn chiên chẳng khôn sáng, theo đường riêng mình, tìm tư lợi mình, người nào cũng vậy…” (Ê-sai 56:9-11) cho đến dân sự: “trở lòng chẳng theo Đức Chúa Trời mình, nói sự bạo ngược và phản loạn, cưu mang những lời giả dối trong lòng và nói ra!  Cho nên sự công bình trở lui lại, sự nhơn nghĩa đứng xa; vì lẽ thật vấp ngã giữa đường phố, và sự ngay thẳng chẳng được vào” (Ê-sai 59:13, 14).

Trong sự hỗn loạn và băng hoại tột cùng nhất của lịch sử Israel đó, Đức Chúa Trời vẫn mong đợi có người cầu thay cho dân Israel; nhưng Đức Chúa Trời đã lấy làm lạ lùng vì không có ai cầu thay. Dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ vốn không có giao ước với Chúa, tội ác lên đến trời còn có Áp-ra-ham cầu thay nhưng dân sự Chúa phạm tội lại không có người cầu thay! Tình cảnh đó, phải chăng ngày nay cũng đang xảy ra cho Hội Thánh của Chúa, đặc biệt là Hội Thánh Việt Nam? Những thầy tế lễ Việt Nam đang ở đâu?

Kết luận

Ngày nay, trong thời đại ân điển, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Mỗi con dân Chúa có nhiệm vụ dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời; chúc phước cho Hội Thánh của Chúa, cho dân tộc của mình; và cầu thay cho Hội Thánh, cho dân tộc của mình.

Địa vị thầy tế lễ của Đức Chúa Trời chúng ta đã đón nhận nhưng chúng ta đã thi hành nhiệm vụ thánh mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ hay chưa?

Huỳnh Christian Timothy
08/06/2007