Tuổi Dậy Thì 05: Sự Vâng Phục Các Quyền

1,562 views

Tuổi Dậy Thì:
05 Sự Vâng Phục Các Quyền

Huỳnh Christian Timothy

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn {mình}; vì chẳng có quyền nào mà chẳng {đến} bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” (Rô-ma 13:1) 

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzIxOTk5ODhf/TDT_05_VangPhucCacQuyen.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/tdt_05_vangphuccacquyen
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/gzjuzenus511104/TDT_05_VangPhucCacQuyen.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về các quyền mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên chúng ta, mà bổn phận của chúng ta là phải hết lòng vâng phục các quyền ấy.

Vâng phục có nghĩa là đồng ý và sẵn lòng làm theo ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh của người có quyền trên mình. Ngược lại với sự vâng phục là sự bội nghịch. Bội nghịch có nghĩa là làm trái lại ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh của người có quyền trên mình, để tỏ lòng chống đối. Thánh Kinh lên án sự bội nghịch ngang hàng với tội dùng tà thuật (dùng bùa chú, phù phép, bói toán).

Vì sự bội nghịch {cũng như} tội dùng tà thuật. Sự cố chấp {cũng như} tội ác và sự thờ lạy thần tượng.” (I Sa-mu-ên 15:23a).

Tội lỗi đầu tiên của loài người là tội không vâng phục Thiên Chúa, tức là bội nghịch Thiên Chúa. Thay vì đồng ý và sẵn lòng làm theo ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh của Thiên Chúa thì tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã cùng nhau làm trái lại. Sự không vâng phục Thiên Chúa của A-đam và Ê-va đã đem tội lỗi và hậu quả của tội lỗi vào trong thế gian. Tội lỗi lưu truyền trong dòng dõi của loài người. Hậu quả của tội lỗi là loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, cứ tiếp tục làm ra tội, gây ra đau khổ cho chính mình, cho người khác, thân thể xác thịt bị già yếu, bệnh tật, rồi chết. Cuối cùng, mỗi người sẽ bị hình phạt xứng đáng với mỗi tội lỗi đã làm ra, đời đời chịu khổ trong hỏa ngục, không được sống hạnh phúc trong vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 20:11-15).

Tội bội nghịch lưu truyền trong dòng dõi của loài người, nên toàn thể loài người ra từ A-đam đều mang bản tính bội nghịch. Ngoại trừ Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, nên Ngài không bị lưu truyền bản tính tội từ A-đam. Chúng ta có thể nhận thấy rõ, một đứa bé khi vừa bắt đầu biết nhận thức thì nó đã phạm tội bội nghịch cha mẹ, bằng cách không vâng lời cha mẹ. Nếu cha mẹ không nghiêm khắc trách phạt thì đứa bé sẽ ngày càng bội nghịch càng hơn. Nếu cha mẹ nghiêm khắc trách phạt thì đứa bé không dám công khai bội nghịch, nhưng vẫn ngấm ngầm bội nghịch. Chỉ khi đứa bé được nghe biết về Tin Lành, thật lòng tin nhận Tin Lành, thì nó mới có thể thoát khỏi bản tính bội nghịch. Vì khi đó, Đức Chúa Trời tái sinh đứa bé, dựng mới con người bên trong của nó, ban cho nó năng lực của Thiên Chúa, gọi là thánh linh, để nó có thể thắng được tội lỗi và thắng được sự cám dỗ phạm tội.

Tội bội nghịch là tội đầu tiên mà mỗi người đều phạm. Tội bội nghịch dẫn đến tất cả các tội lỗi khác trong đời sống của một người. Tội bội nghịch bắt đầu từ trong gia đình bằng sự không vâng phục ông bà, cha mẹ, anh chị, đến trong trường học bằng sự không vâng phục thầy cô, rồi lan rộng trong xã hội bằng sự không vâng phục cấp trên trong nơi làm việc và không vâng phục luật pháp của quốc gia. Đối với một người đã tin nhận Chúa, bao nhiêu tội lỗi xưa cũ đã được Chúa tha thứ, thì tội bội nghịch bắt đầu với sự không vâng phục Lời Chúa. Lời Chúa là Thánh Kinh. Không vâng phục Lời Chúa là không vâng phục ý muốn, lời dạy, và mệnh lệnh của Chúa đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Vì thế, nếu có cháu nào không vâng phục cha mẹ thì trước hết, cháu ấy đã bội nghịch Chúa, không vâng phục điều răn của Chúa.

Như đã định nghĩa trên đây, bội nghịch có nghĩa là làm trái lại ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh của người có quyền trên mình, để tỏ lòng chống đối. Những ai có quyền trên chúng ta và quyền ấy do ai đặt để? Vì sao chúng ta không nên bội nghịch các quyền đã đặt để trên mình? Thánh Kinh dạy rõ:

Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn {mình}; vì chẳng có quyền nào mà chẳng {đến} bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Như vậy: Đức Chúa Trời là Đấng chỉ định các quyền ở trong thế gian. Thứ nhất là quyền tự do của mỗi người. Mỗi một người có quyền tự do làm theo ý mình. Thứ nhì là quyền dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô. Cha mẹ và thầy cô có quyền dạy cho con cái, học sinh biết cách dùng quyền tự do sao cho không nghịch lại quyền tự do của người khác. Thứ ba là quyền điều hành của cấp trên trong nơi làm việc. Cấp trên có quyền điều hành việc làm của nhân viên trong chỗ làm việc. Thứ tư là quyền cai trị của chính phủ. Chính phủ có quyền cai trị công dân trong một nước bằng cách thi hành luật pháp của quốc gia. Đối với những người thuộc về Chúa thì Đức Chúa Trời còn chỉ định quyền của người chăn và trưởng lão trong Hội Thánh, để dạy cho con dân Chúa biết sống nếp sống đẹp lòng Chúa, biết cách dùng quyền tự do của mình sao cho không nghịch lại các quyền cao hơn mình.

Từ ngữ “mọi linh hồn” trong Rô-ma 13:1 bao gồm tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai. Mọi linh hồn phải vâng phục có nghĩa là mọi người phải vâng phục từ trong bản ngã của mình, chứ không phải chỉ vâng phục theo hình thức bên ngoài. Sự vâng phục được nói đến ở đây là sự vâng phục tự nguyện, không cần phải có sự kiểm soát hay ép buộc. Nói theo cách thường nói trong dân gian là “tâm phục khẩu phục”, nghĩa là sự vâng phục từ trong tấm lòng được thể hiện thành lời nói qua môi miệng, và đương nhiên phải được xác định bằng hành động.

“Các quyền cao hơn mình” là các quyền mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên chúng ta, như: quyền của cha mẹ trong gia đình, quyền của thầy cô trong trường học, quyền của cấp trên trong nơi làm việc, và quyền của chính phủ trong một nước. Đối với con dân Chúa còn có quyền của người chăn và trưởng lão trong Hội Thánh. Ngoài ra, trong gia đình còn có quyền của ông bà, anh chị… hoặc những người có trách nhiệm nuôi dạy mình, nếu họ nói đúng thì chúng ta phải vâng phục.

Vì các quyền đều là bởi Đức Chúa Trời chỉ định, cho nên, khi chúng ta không vâng phục bất cứ một quyền nào là chúng ta cũng không vâng phục Đức Chúa Trời. Không vâng phục Đức Chúa Trời là phạm một tội mà Đức Chúa Trời rất gớm ghiếc, như Ngài gớm ghiếc những kẻ dùng tà thuật, là những kẻ dùng bùa phép, phù chú, bói toán. Cứ tiếp tục không vâng phục các quyền trên mình là phạm thêm tội cố chấp, tức là cứng lòng, không ăn năn, cứ cố tình phạm tội. Tội cố chấp ngang hàng với tất cả các tội ác khác, như: tà dâm, giết người… và Đức Chúa Trời gớm ghiếc kẻ cố chấp như Ngài gớm ghiếc những kẻ thờ lạy thần tượng. Thực tế, người cố chấp chính là người thờ lạy bản thân mình, chỉ làm theo ý muốn của mình thay vì làm theo ý muốn của Chúa. Sự không vâng phục các quyền cao hơn mình sẽ đem lại hình phạt từ loài người và từ chính Đức Chúa Trời cho kẻ phạm tội.

Tuy nhiên, khi những người được Đức Chúa Trời chỉ định cầm quyền trên chúng ta bảo chúng ta làm những việc nghịch lại Thánh Kinh, thì họ đã lạm dụng quyền Đức Chúa Trời ban cho họ, họ đã phạm tội nghịch lại Chúa. Chúng ta không nên vâng phục những ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh nào không đúng với Lời Chúa. Thí dụ: Cha mẹ xúi giục chúng ta nói dối, trộm cắp, hoặc không cho chúng ta tin Chúa… Chính quyền ngăn cấm chúng ta tin Chúa, thờ phượng Chúa, giảng Tin Lành cho người khác.

Tuổi dậy thì là tuổi dễ bội nghịch nhất, vì đó là thời điểm chúng ta bắt đầu phát triển cá tính để trở thành một người độc lập (tự mình chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình), cùng lúc chúng ta nhận ra cha mẹ, thầy cô… không phải là những người trọn vẹn. Những gương xấu từ những người lớn khiến cho chúng ta không còn tin cậy họ, không còn kính trọng họ, và khiến cho chúng ta dễ trở nên không vâng phục họ. Ngoài ra, sự khủng hoảng tâm lý vì không biết rõ mình là ai, như bác Tim đã trình bày trong bài “Tuổi Dậy Thì: Hiện Tại và Tương Lai” [1] cũng góp phần trong sự bội nghịch của tuổi dậy thì. Sự lo lắng, sợ hãi vì không biết rõ mình là ai, không biết rõ chỗ đứng của mình trong xã hội khiến cho chúng ta sẵn sàng buông mình vào những cám dỗ phạm tội, để hoặc là tự chứng tỏ mình có bản lĩnh, gan dạ, có một giá trị… hoặc là tìm cảm giác mạnh để giải tỏa áp lực tâm lý.

Đối với các cháu đã thật lòng tin nhận Chúa, biết vâng phục Chúa để sống thánh khiết theo Lời Chúa, thì các cháu có thể hoàn toàn làm chủ tâm trạng của mình. Các cháu biết kêu cầu danh Chúa, xin Chúa cứu mình ra khỏi những sự cám dỗ, những khó khăn trong đời sống. Các cháu biết nhân danh Chúa để truyền cho những cảm xúc không hợp lý và những sự cám dỗ phải lui ra khỏi các cháu. Đối với các cháu chưa thật lòng tin Chúa, chưa thật lòng muốn sống thánh khiết theo Lời Chúa, thì các cháu sẽ không có sự cứu giúp của Chúa, và các cháu sẽ không thắng được bản tính bội nghịch của mình.

Sự vâng phục bắt đầu từ trong gia đình, qua sự chúng ta vâng phục ông bà, cha mẹ, anh chị, hoặc những người có trách nhiệm nuôi dạy chúng ta. Những người trong gia đình có quyền trên chúng ta không phải là những người trọn vẹn, kể cả những người đã tin Chúa. Họ có những thiếu sót, lỗi lầm của họ. Chúng ta có thể nhẹ nhàng chỉ ra những sự thiếu sót, lỗi lầm của họ, giúp họ khắc phục; nhưng chúng ta có bổn phận vâng phục họ, khi ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh của họ dành cho chúng ta không nghịch lại các điều răn của Chúa. Thánh Kinh dạy chúng ta về bổn phận của con cái đối với cha mẹ như sau:

Hỡi con của ta! Hãy nghe lời khuyên dạy của cha con, chớ bỏ qua luật pháp của mẹ con!” (Châm Ngôn 1:8).

Hãy vâng lời cha con, người đã sinh ra con! Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già!” (Châm Ngôn 23:22).

Trong trường hợp các cháu có cha mẹ không tin Chúa, các cháu vẫn có bổn phận vâng phục những ý muốn, lời dạy, mệnh lệnh nào của họ không nghịch lại Lời Chúa. Nếu có điều gì nghịch lại Lời Chúa thì các cháu nói rõ với họ là các cháu không thể vâng theo, vì đó là tội lỗi. Thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29). Các cháu có thể bị cha mẹ đánh đập, mắng chửi khi các cháu không vâng theo những điều sai trái, nhưng Chúa sẽ ban phước cho các cháu (Ma-thi-ơ 5:10-12).

Bác Tim chúc các cháu luôn đứng vững trong đức tin nơi Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa mà vượt qua mọi áp lực tâm lý trong lứa tuổi dậy thì.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
29/09/2018

Ghi Chú

[1] http://www.thieunhi.timhieuthanhkinh.net/tdt_03-hien-tai-va-tuong-lai/

Câu Hỏi

Các cháu hãy làm bài giải đáp các câu hỏi dưới đây, rồi email cho bác Tim trước 9 giờ tối Thứ Hai. Các cháu nên đọc lại và nghe lại bài giảng trước khi làm bài. Các cháu cũng nên cầu nguyện, xin Chúa ban cho các cháu sự thông sáng, hiểu rõ câu hỏi và biết câu trả lời trong khi làm bài. Nếu các cháu có thắc mắc gì thì hãy email cho bác Tim:

timhuynh@timhieuthanhkinh.net

Các cháu hãy trả lời một cách ngắn gọn, theo sự hiểu biết của mình, tránh không lập lại nguyên văn lời của bác Tim:

1. Hãy định nghĩa “sự vâng phục” và “sự bội nghịch”.

2. Quyền của chúng ta là gì? Các quyền nào là các quyền cao hơn chúng ta?

3. Thế nào là vâng phục ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô?

4. Thế nào là vâng phục người chăn và trưởng lão trong Hội Thánh?

5. Khi nào thì chúng ta có thể không vâng phục các quyền cao hơn mình?

Tải xuống bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzIyMDE1NDBf/TDT-05-SuVangPhucCacQuyen.pdf

Tải xuống mp3 bài giảng này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzIxOTk5ODhf/TDT_05_VangPhucCacQuyen.mp3

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.