Khúc tình ca đau thương

2,670 views

1. Tiếng gọi của tình yêu (5:2)

"Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức. Ấy là tiếng của lương nhơn tôi gõ cửa, mà rằng: Hỡi em gái ta, bạn tình ta, chim bò câu ta, kẻ toàn hảo của ta ơi, hãy mở cửa cho ta! Vì đầu ta đầy sương móc, lọn tóc ta thấm giọt ban đêm."

Ngủ là nhu cầu của thể xác. Cô gái đang ngủ nhưng lòng cô tỉnh thức vì lòng cô luôn hướng về người mình yêu; vì thế, khi nghe tiếng gỏ cửa của người yêu và lời kêu gọi của người yêu, cô liền nhận biết.

Trong cuộc sống của tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải giải quyết những nhu cầu vật chất, nhưng lòng chúng ta luôn hướng về Đấng Christ. Mặc dù các nhu cầu của thể xác cần phải được giải quyết nhưng điều đó không trở ngại đến tình cảm trong linh hồn của chúng ta. Lời Chúa dạy chúng ta, dù sống giữa thế gian, dùng của thế gian, nhưng nên như kẻ chẳng dùng vậy, vì hình trạng thế gian nầy qua đi (1 Cô-rinh-tô 7:31). Chúa dạy chúng ta "hãy tỉnh thức" (Ma-thi-ơ 24:42) có nghĩa là hãy tỉnh thức trong linh hồn của chúng ta, đừng để cho những nhu cầu vật chất khiến cho chúng ta xao lãng mối tương giao giữa chúng ta với Chúa. Nhờ lòng tỉnh thức mà chúng ta nhận ra tiếng gỏ cửa của Chúa, nhận ra Chúa đang muốn tương giao với chúng ta, và nghe được những lời êm dịu của Ngài.

 

2. Lòng vị kỷ (5:3)

"Tôi đã cổi áo ngoài rồi, làm sao mặc nó lại? Tôi đã rửa chơn rồi, lẽ nào làm lấm lại?"

Nàng Sa-lu-mít trong Nhã Ca được người yêu đến thăm, trong một thời điểm bất ngờ và bất tiện. Có lẽ người yêu của nàng từ xa trở về, và đã nôn nóng đi suốt đêm trong gió sương… Đêm đã khuya, nàng đã rửa chân, đã cởi áo ngoài, đang ngủ… Bây giờ nghe tiếng gọi cửa của người yêu nàng chần chừ.

Chúa luôn luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn của chúng ta. Ngài muốn tương giao với chúng ta, Ngài muốn ban phước cho chúng ta, nhưng chúng ta phải chủ động trong sự đón nhận Chúa và mọi ơn phước của Ngài. Bình thường, chúng ta dễ dàng bày tỏ lòng yêu kính Chúa nhưng khi phải trả giá để xác chứng tình yêu của mình, chúng ta thường thất bại. Bởi vì, thực tế phủ phàng cho thấy phần lớn trong chúng ta yêu chính mình hơn là yêu Chúa! Không phải chúng ta không yêu Chúa, nhưng là chúng ta không yêu Chúa đủ, chúng ta không yêu Chúa hơn yêu chính mình.

Khi Chúa hỏi Phi-e-rơ: "Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?" Phi-e-rơ đã trả lời rằng: "Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa." Trong câu trả lời của Phi-e-rơ, ông đã xác nhận ông yêu Chúa hơn tất cả mọi sự và ông tin rằng Chúa biết tình yêu ông dành cho Chúa. Câu Chúa hỏi Phi-e-rơ cũng là câu Chúa hỏi mỗi một người muốn đi theo Chúa. Mác 8:34 chép như sau: "Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta." Lời phán của Chúa không dành riêng cho một thành phần nào. Lời phán của Chúa dành cho bất kỳ ai muốn đi theo Chúa. Chúng ta chỉ có thể hoặc là không yêu Chúa, hoặc là hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà yêu Chúa hơn tất cả mọi sự, yêu Chúa hơn cả chính mạng sống của mình. Chúa không chấp nhận sự hâm hẫm, không nóng mà cũng không lạnh.

Đã bao nhiêu lần chúng ta chần chừ trước tiếng gọi yêu thương của Chúa? Đã bao nhiêu lần chúng ta bỏ qua sự nhóm lại thờ phượng Chúa, bỏ qua cơ hội tương giao với Chúa, bỏ qua cơ hội hầu việc Chúa? Đã bao nhiêu lần chúng ta phụ bạc tình yêu của Chúa? Chúa là trên hết trong đời sống của chúng ta hay là tiện nghi vật chất, hay là thú vui của đời này, hay là công ăn việc làm, hay là tình cảm của những người thân là trên hết trong đời sống chúng ta?

 

3. Cơ hội đã qua (5:4-6)

"4 Lương nhơn tôi thò tay vào lỗ cửa, lòng dạ tôi cảm động vì cớ người. 5 Tôi bèn chổi dậy đặng mở cửa cho lương nhơn tôi; Tay tôi nhỏ giọt một dược, và ngón tay tôi chảy một dược ròng trên nạm chốt cửa. 6 Tôi mở cửa cho lương nhơn tôi, nhưng người đã lánh đi khỏi rồi. Đương khi người nói lòng tôi mất vía. Tôi tìm kiếm người, nhưng không có gặp; Tôi gọi người, song người chẳng đáp."

Hành động thò tay vào lỗ cửa nói lên sự khắc khoải trong khi chờ đợi. Người yêu của nàng Sa-lu-mít gọi hoài không được nên thò tay vào lỗ cửa như muốn tìm cách để tự mình mở cửa, và cũng có thể là để rưới chất dầu thơm chàng mang đến tặng nàng, để nàng biết rằng chàng đã đến và đã chờ đợi. Hành động ấy khiến cho nàng cảm động và chỗi dậy để mở cửa. Tuy nhiên, cơ hội đã qua, người yêu của nàng Sa-lu-mít đã đi khỏi rồi. Câu "Đương khi người nói lòng tôi mất vía" có thể dịch là: "Đương khi người nói thì tôi không chú tâm."

Đối với rất nhiều con dân Chúa, ngày tháng trôi qua trong cuộc đời của chúng ta, Chúa đứng chờ khắc khoải ngoài cửa với tiếng gỏ và những lời yêu thương êm dịu nhưng chúng ta không chú tâm vì chúng ta có quá nhiều điều khác để bận tâm. Đến khi chúng ta quay lại với Chúa, thì Ngài đã lìa khỏi chúng ta rồi. Chứng tích tình yêu của Chúa vẫn còn lưu lại trong đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không còn tìm thấy Ngài nữa. Chúng ta kêu cầu Chúa, song Ngài chẳng đáp lời!

 

4. Nỗi oan (5:7)

"Kẻ canh tuần quanh thành gặp tôi, đánh tôi, và làm tôi bị thương; Các kẻ canh giữ vách thành cất lấy lúp khỏi tôi."

Trong cơn hối hận và bối rối, nàng Su-la-mít chạy ra đường phố mong bắt kịp người yêu, nhưng lại bị lính tuần tra và lính canh vách thành hiểu lầm nàng là phụ nữ xấu nết, bắt giữ và đánh đập. Theo phong tục của vùng Trung Đông, phụ nữ không thể nửa đêm lang thang một mình trên đường phố. Chỉ những phụ nữ xấu nết mới mạo hiểm vi phạm luật.

Có một lúc trong cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta, khi chúng ta ý thức được Chúa đã ra khỏi đời sống của mình vì mình đã không yêu Chúa đủ để đáp lại tiếng gọi của Ngài, chúng ta sẽ mạo hiểm để tìm lại tình yêu ban đầu. Khi đó có thể chúng ta phải trả một giá rất đắt. Chúng ta sẽ bị hiểu lầm, bị làm nhục, bị mất mát nhiều thứ…

Cái giá phải trả lúc ban đầu để đi theo Chúa khi Chúa mời gọi chúng ta chắc chắn là nhẹ hơn cái giá chúng ta phải trả để tìm lại tình yêu ban đầu với Chúa, khi Ngài đã rời khỏi chúng ta vì tấm lòng hâm hẫm của chúng ta!

 

5. Tương tư (5:8)

"Hỡi các con gái Giê-ru-sa-lem, ta ép nài các ngươi, nếu gặp lương nhơn ta, khá nói với người rằng ta có bịnh vì ái tình."

Trong nỗi nhục nhã, đau thương, nàng Sa-lu-mít van nài các thiếu nữ của thành Giê-ru-sa-lem, nếu gặp được người yêu của nàng, hãy nói cho chàng biết rằng nàng "có bịnh vì ái tình".

Khi Chúa ra khỏi đời sống của chúng ta rồi chúng ta mới ý thức được là chúng ta cần Chúa biết là bao nhiêu. Chúa ra khỏi đời sống của chúng ta là vì chúng ta không hết lòng yêu kính Chúa, là vì chúng ta không đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Khi chúng ta không còn cơ hội để đi nhóm họp thờ phượng Chúa, học lời Chúa, chúng ta mới hối tiếc những lúc chúng ta trể nãi trong sự nhóm lại hoặc bỏ qua sự nhóm lại.

 

Kết luận

Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là một tình yêu tuyệt đối. Ngài đã yêu chúng ta hơn cả chính mình Ngài. Chúa muốn chúng ta đáp ứng Ngài cũng bằng một tình yêu tuyệt đối: "hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí" yêu Chúa (Lu-ca 10:27). Tình yêu tuyệt đối của chúng ta dành cho Chúa được bày tỏ qua sự vâng phục lời Chúa cách trọn vẹn (Giăng 14:21-24; 1 Giăng 5:3). Lý do duy nhất khiến chúng ta không đáp lại những lời kêu gọi của Chúa là vì chúng ta yêu chính mình hơn là yêu Chúa. Nếu chúng ta không hết lòng yêu Chúa, bỏ qua tiếng gọi của Chúa, sẽ đến một lúc chúng ta không còn gặp được Chúa. Khi đó, chúng ta phải trả một giá rất đắt để tìm lại sự tương giao với Ngài.

 

Huỳnh Christian Timothy
22/04/2007