Nước Trời (02): Thực chất và đặc tính

2,971 views

Nhấp vào nút play ► để nghe



Sự công bố về Nước Trời và sự đến của Nước Trời 

Khi Đức Chúa Jesus bắt đầu chức vụ, Ngài rao giảng Nước Trời đã gần, đồng thời truyền cho các môn đồ của Ngài cũng rao giảng giống như vậy (Ma-thi-ơ 4:17; 10:7). Trong bài cầu nguyện Chúa dạy cho các môn đồ, Ngài dạy họ cầu xin: “Nước Cha mau đến!” Tất cả những điều đó cho chúng ta biết: vào thời điểm Chúa bắt đầu chức vụ thì Nước Trời chưa đến. Tuy nhiên, một thời gian sau, chính Đức Chúa Jesus tuyên bố với những người Pha-ri-si:

“Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỷ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.” (Ma-thi-ơ 12:28)

“Nhưng nếu ta cậy ngón tay Đức Chúa Trời mà trừ quỷ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi.” (Lu-ca 11:20)

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, tiếp theo giai đoạn công bố về Nước Trời, Đức Chúa Jesus đã chính thức mang Nước Trời vào thế gian qua hành động rao giảng Tin Lành và trói buộc quyền lực của Satan trong thế gian.

Sự thể hiện của Nước Trời

Trong lòng người: Danh từ Nước Trời hay Nước của Đức Chúa Trời, trước hết, được Thánh Kinh dùng để gọi sự tể trị của Đức Chúa Trời trong lòng những ai tin nhận Ngài:

“Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jêsus, nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” (Lu-ca 17:20, 21)

Nước Trời ở trong một người, có nghĩa là người đó hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời: tôn xưng Ngài là Vua, vâng phục mọi mạng lệnh của Ngài. Đức Chúa Jesus khẳng định chỉ những ai vâng phục Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, mới được vào Nước Trời:

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21)

Người làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là người vâng theo lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus: ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, và sống theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Chính vì Nước Trời bắt đầu với tấm lòng của mỗi người cho nên Nước Trời không đến cách rõ ràng. Thế gian có thể nhận biết Nước Trời đã đến qua sự thay đổi của những người đã tin nhận Đấng Christ, nhưng thế gian không thể nhận biết biên giới của Nước Trời. Trong suốt gần hai ngàn năm qua, Nước Trời vẫn phát triển trong lòng của nhân loại. Giai đoạn này sẽ kéo dài cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ trở lại để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Khi ấy, toàn thế gian sẽ trở thành Nước Trời. Dựa vào các lời tiên tri trong Thánh Kinh, chúng ta có thể tin rằng giai đoạn này không còn bao lâu nữa sẽ hiện thực. Một trong những dấu hiệu quan trọng cho biết ngày Chúa trở lại đã gần, đó là lời tiên tri về sự tái lập quốc của dân Israel. Sau hơn 2500 năm bị tan lạc khắp nơi trên thế giới, dân Israel đã tái lập quốc chỉ trong một ngày (Ê-sai 66:8), vào ngày Sa-bát, 14 tháng 5, năm 1948.

Trong thể chế chính trị: Thánh Kinh cho biết rằng, đến một ngày kia, Đức Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm để thiết lập Vương Quốc của Ngài trên thế gian và chính Ngài với danh hiệu “Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa” sẽ cai trị trong một ngàn năm (Khải Huyền 19:15, 16; 20:4, 6). Khi đó, Ngài sẽ tiêu diệt mọi tội nhân không ăn năn, không tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; Ngài sẽ tiêu diệt mọi thế lực của Satan và cầm tù Satan suốt một ngàn năm. Khi đó, Ngài sẽ phục sinh những thánh đồ của Ngài, tức là những người tin nhận Đức Chúa Trời đã qua đời trong mọi thời đại, và ban cho họ quyền cai trị trong một ngàn năm (Khải Huyền 20:6). Giai đoạn này được mô tả trong Ê-sai 11, 54, và Ê-xê-chi-ên từ chương 40 đến chương 48.

Trong trời mới, đất mới: Giai đoạn thứ ba của Nước Trời là sự vững lập đời đời của Nước Trời trong trời mới đất mới. Giai đoạn này được mô tả trong Khải Huyền 21 và 22. Mỗi công dân của Nước Trời sẽ được thấy mặt Chúa và Danh của Chúa sẽ ở trên trán của họ. Họ sẽ được ban cho quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.

Nước Trời và Hội Thánh

Nước Trời không phải là Hội Thánh mặc dù Nước Trời và Hội Thánh được Đức Chúa Jesus thiết lập cùng một lúc. Nước Trời đến trong lòng bất kỳ người nào tin nhận Đấng Christ, và bất kỳ người nào tin nhận Đấng Christ thì thuộc về Hội Thánh của Ngài. Nhưng đến khi Nước Trời được thể hiện trong thể chế chính trị, trong Vương Quốc Ngàn Năm, thì Nước Trời bao gồm: Hội Thánh của Đấng Christ, các Thánh Đồ thời Cựu Ước, các Thánh Đồ thời Đại Nạn, và những Thánh Đồ trong thời đại Ngàn Năm Bình An.

Các Thánh Đồ thời Cựu Ước không thuộc về Hội Thánh, vì Hội Thánh chỉ được thành lập sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Các Thánh Đồ thời Đại Nạn và các Thánh Đồ trong thời Vương Quốc Ngàn Năm cũng không thuộc về Hội Thánh, vì Hội Thánh sẽ được Chúa cất lên không trung trước thời Đại Nạn để kết hợp vói Đấng Christ trong Tiệc Cưới của Chiên Con (Khải Huyền 19:6-9). Chúng ta có thể hiểu rằng, trong Tiệc Cưới của Chiên Con: Đấng Christ là Tân Lang, Hội Thánh là Tân Nương, và các Thánh Đồ thời Cựu Ước, các Thánh Đồ tử đạo thời Đại Nạn là khách được mời đến dự tiệc cưới.

Khi đọc các ngụ ngôn về Nước Trời, chúng ta cần phải nhớ rõ sự khác biệt giữa Nước Trời và Hội Thánh. Chúng ta không thể áp dụng một số điều Chúa dạy về Nước Trời vào Hội Thánh, điển hình là ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng. Ruộng trong ngụ ngôn là chỉ về thế gian chứ không chỉ về Hội Thánh, vì vậy, không có chuyện chấp chứa kẻ gian ác trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế, mà ngược lại, Hội Thánh cần phải cư xử với những kẻ giả hình và những người không chịu ăn năn tội như phường thu thuế và người ngoại, có trách nhiệm phải trừ kẻ gian ác ra khỏi Hội Thánh (Ma-thi-ơ 18:17; I Cô-rinh-tô 5:13).

Điều kiện để được vào Nước Trời 

Thánh Kinh ghi rõ điều kiện để một người được vào Nước Trời là người ấy phải được sinh lại bởi nước và Thánh Linh:

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:5)

Có nhiều người cho rằng “nước” trong Giăng 3:5 là chỉ về “lời của Đức Chúa Trời” nhưng không chỗ nào trong Thánh Kinh dùng nước làm biểu tượng cho “lời của Đức Chúa Trời.” Ê-phê-sô 5:26 cho biết Đấng Christ dùng “nước” để rửa Hội Thánh:

“That he might sanctify and cleanse it with the washing of water by the word…” (Bản Anh ngữ King James)

“mà Ngài đã thánh hóa và làm cho Hội được tinh sạch với sự rửa bởi nước theo như lời…” (Dịch sát nghĩa)

“để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch…” (Bản Việt Ngữ Phan Khôi)

Nước ở đây là nước của lễ báp-tem và lời ở đây là mệnh lệnh của Chúa về việc làm báp-tem cho người tin Chúa trong Ma-thi-ơ 28:19. Tất cả các giáo phụ của Hội Thánh thuở ban đầu đều giải thích chữ “nước” trong Giăng 3:5 là nước của lễ báp-tem. Mác 16:16 nhấn mạnh vai trò quan trọng của lễ báp-tem:

“Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.”

Dĩ nhiên, chúng ta được cứu rỗi là nhờ ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà chúng ta được cứu (Ê-phê-sô 2:8). Tuy nhiên, hành động vâng lời Chúa chịu báp-tem chứng tỏ chúng ta thật lòng ăn năn tội, bằng lòng chết đi con người cũ tội lỗi để được tái sinh thành một con người mới trong Chúa. Lễ báp-tem không cứu chúng ta nhưng chứng tỏ tấm lòng ăn năn thuận phục của chúng ta, như I Phi-e-rơ 3:4 chép:

“Phép báp-tem bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ…”

Như thế, ý nghĩa của câu: “một người nhờ nước và Thánh Linh mà sanh,” là: Một người thật lòng ăn năn tội, bằng lòng chết đi con người cũ, thể hiện qua lễ báp-tem bằng nước, và được dựng nên mới bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Nếu một người không thật lòng ăn năn tội, nghĩa là không thật lòng muốn từ bỏ tội lỗi, thì dù có chịu báp-tem bằng nước cũng không dẫn đến sự được tái sinh bởi Thánh Linh. Người được tái sinh là người được dựng nên mới, không còn sống trong tội lỗi. Người được tái sinh là người ở trong Đấng Christ, trở thành chi thể của Ngài, sống bằng sức sống của Đấng Christ. Thánh Kinh chép:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17)

Sự tái sinh được tiến hành trong hai bước. Bước thứ nhất là sự tái sinh thuộc linh: tâm thần và linh hồn của một người lập tức được tái sinh khi người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ. Bước thứ hai là sự tái sinh thuộc thể: thân xác vật chất của người thuộc về Chúa sẽ được tái sinh hoặc biến hóa thành một thân thể bất tử trong ngày Chúa trở lại.

Dù chúng ta là con dân Chúa, đã được tái sinh, nhưng ngày nào còn sống trong thân xác đang chết này, chúng ta vẫn còn khả năng phạm tội và có thể phạm tội vì yếu đuối trước sự cám dỗ hoặc vì thiếu sự thông biết. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết ăn năn và xưng tội thì Chúa là Đấng thành tín và công bình sẽ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta được sạch tội (I Giăng 1:9). Một người cố gắng gìn giữ hết sức nhưng lầm lỡ phạm tội khác với một người chìu theo tư dục, chạy theo tội, ưa thích tội, sống trong tội. Sự tái sinh bắt đầu với lòng ăn năn chân thành, dẫn đến sự giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Một người chưa chịu từ bỏ tội lỗi (tức chưa ăn năn) là một người chưa được tái sinh. Nếu một người không nhở nước và Thánh Linh để được tái sinh, thì không được vào Nước Trời.

Kết luận

Nước Trời thể hiện qua ba thời kỳ: (1) Sự tể trị của Đức Chúa Trời trong những ai ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, còn được gọi là thời đại Hội Thánh; (2) Vương Quốc Ngàn Năm sẽ được thiết lập và cai trị bởi Đấng Christ trong tương lai, còn được gọi là thời đại Ngàn Năm Bình An; và (3) cõi trời mới đất mới cho đến đời đời.

Công dân của Nước Trời trong thời hiện tại, là: Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, là những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trong thời khoảng từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian. Công dân của Nước Trời trong thời Ngàn Năm Bình An bao gồm: (1) Hội Thánh, (2) các Thánh Đồ thời Cựu Ước là những người hết lòng tin cậy và tôn thờ chỉ một Đức Chúa Trời, (3) các Thánh Đồ thời Đại Nạn là những người tin nhận Đấng Christ sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, và (4) các Thánh Đồ thời Vương Quốc Ngàn Năm là những người tin nhận Đấng Christ trong thời đại ngàn năm bình an dưới quyền cai trị của chính Ngài; trong đó, Hội Thánh được kết hợp với Đấng Christ và giữ vai trò đồng trị với Ngài, đồng ngồi với Ngài trong các nơi ở trên trời (I Cô-rinh-tô 6:17; II Ti-mô-thê 2:12; Ê-phê-sô 2:6).

Dù có nhiều thành phần khác nhau trong Nước Trời nhưng tất cả đều nhờ đức tin mà được tha tội bởi sự đổ huyết của Đấng Christ trên thập tự giá, được tái sinh bởi Đức Chúa Trời, và được ban cho quyền cai trị cơ nghiệp đời đời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta hãy cùng nhau vững lòng, bền đổ trong đức tin, trung tín với Chúa cho đến chết, vì: phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22).

Huỳnh Christian Timothy
14/10/2007