Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần 2013

4,365 views

Kính thưa quý con dân Chúa,

Thứ Ba, ngày 12 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 1 tháng 1 (tháng Nissan) năm 3459 theo Lịch Thánh Kinh (bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày Thứ Hai 11.3.2013). Lịch Thánh Kinh là lịch bắt đầu từ khi Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên như đã ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2. Từ ấy đến nay đã 3458 năm, nếu chúng ta gọi năm ấy là năm 1 thì năm nay là năm 3459 (nhằm năm 5773 theo Lịch Do-thái) [1].

Thứ Hai, ngày 25 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 14 tháng Nissan năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 24.3.2013 đến mặt trời lặn 25.3.2013), là ngày Lễ Vượt Qua. Nếu quý con dân Chúa muốn kỷ niệm sự thương khó của Chúa chúng ta, thì hãy kỷ niệm vào tối Chủ Nhật 24.3.2013 hoặc chiều Thứ Hai 25.3.2013, trước khi mặt trời lặn (sau khi mặt trời lặn thì đã sang ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men).

Thứ Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 15 tháng Nissan năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 25.3.2013 đến mặt trời lặn 26.3.2013), là ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, cũng là ngày Lễ Sa-bát trọng thể.

Thứ Tư, ngày 27 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 16 tháng Nissan năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 26.3.2013 đến mặt trời lặn 27.3.2013), là ngày Lễ Đầu Mùa.

Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 17 tháng Nissan năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 27.3.2013 đến mặt trời lặn 28.3.2013), là ngày thứ ba của Lễ Bánh Không Men. Nếu quý con dân Chúa muốn kỷ niệm sự phục sinh của Chúa chúng ta, thì hãy kỷ niệm vào buổi chiều Thứ Năm 28.3.2013, trước khi mặt trời lặn.

Thứ Hai, ngày 1 tháng 4 năm 2013, nhằm ngày 21 tháng Nissan năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 31.3.2013 đến mặt trời lặn 1.4.2013), là ngày cuối cùng của Lễ Bánh Không Men, cũng là một ngày Lễ Sa-bát.

Thứ Tư, ngày 15 tháng 5 năm 2013, nhằm ngày 6 tháng 3 năm 3459 Lịch Thánh Kinh (từ mặt trời lặn 14.5.2013 đến mặt trời lặn 15.5.2013), là Ngày Lễ Ngũ Tuần cũng là ngày Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh được hình thành.

Về cách tính ngày Lễ Ngũ Tuần thì Thiên Chúa dạy trong Thánh Kinh, như sau:

Lê-vi Ký 23:15-16, “Kể từ ngày sau Lễ sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của tuần thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va.”

Giải thích: “Lễ Sa-bát” là Lễ Sa-bát nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, tức là ngày 15 tháng Nissan. “Kể từ ngày sau Lễ Sa-bát” là kể từ ngày 16 tháng Nissan, là ngày Lễ Đầu Mùa, đếm cho đến ngày thứ 50, là ngày theo sau của tuần lễ thứ bảy (có 49 ngày trong bảy tuần), lấy ngày thứ 50 làm ngày Lễ Ngũ Tuần. Tháng 1 có 30 ngày, tháng 2 có 29 ngày và tháng 3 có 30 ngày, vì thế Lễ Ngũ Tuần luôn luôn rơi vào ngày 6 tháng 3, bất kể là ngày thứ mấy trong tuần.

Chủ Nhật đầu tiên sau tiết xuân phân được các giáo hội gọi là Chủ Nhật Easter, thật ra là Chủ Nhật kỷ niệm sự phục sinh của Nữ Thần sinh sản của ngoại giáo, tên là Nữ Thần Easter, với hình ảnh tiêu biểu là quả trứng và con thỏ. Thỏ tượng trưng cho sự sinh sản dồi dào và trứng tượng trưng cho sự sống mới.

Dưới đây là minh họa về cách tính ngày Lễ Ngũ Tuần:

Kính chúc quý con dân Chúa một năm mới theo Lịch Thánh Kinh tràn đầy ân điển và năng lực từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Huỳnh Christian Timothy
8.3.2012

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49