Phụng Sự Chúa (2): Sự Thờ Phượng

2,352 views

 

YouTube: https://youtu.be/lKpxQuzh0f0

Bài Giảng Trong Năm 2020
Phụng Sự Chúa – Phần 2

Sự Thờ Phượng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

“Nhưng giờ đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.” (Giăng 4:23).

Thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa là hai phương diện khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau như hai bề mặt của một đồng tiền. Thờ phượng Chúa chính là hầu việc Chúa và hầu việc Chúa cũng chính là thờ phượng Chúa. Vì con dân Chúa làm gì cũng vì sự vinh quang của Chúa nên đời sống của con dân Chúa lúc nào cũng là một đời sống thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa.

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của sự thờ phượng.

Động từ “thờ phượng” trong Thánh Kinh, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là שׁחה /sa-kha/ (H7812) và trong nguyên ngữ Hy-lạp là προσκυνέω /prós-ku-neo/ (G4352). Cả hai từ ngữ đều được dùng để chỉ hành động hạ thân hình xuống thấp, bằng cách quỳ mọp trên đất hoặc nằm dài ra trên đất, trán chạm đất để tỏ lòng tôn kính và vâng phục. Một người có thể làm ra hành động này trước ông bà, cha mẹ, làm ra trước bậc có thẩm quyền, làm ra trước các tà thần mà người ấy tôn thờ, hoặc làm ra trước Thiên Chúa. Cả hai từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là “sấp mình” hoặc “thờ phượng”. Nếu là hành động để tỏ lòng tôn kính, vâng phục bậc sinh thành, hoặc bậc có thẩm quyền thì gọi là sấp mình. Nếu là hành động để tôn đối tượng thành một thần linh có quyền ban ơn và giáng họa, hoặc làm ra đối với Thiên Chúa thì gọi là thờ phượng. Một người có thể chọn thờ phượng người khác, thờ phượng người chết, thờ phượng hình tượng tà thần và ma quỷ, hoặc chọn thờ phượng Thiên Chúa.

Hầu hết dân các nước Á Đông có tục mê tín thờ phượng cha mẹ, ông bà đã qua đời, xem những người đã chết đó như những thần linh có thể ban phước và giáng họa cho họ. Hầu hết dân các nước Á Đông cũng có tục mê tín thờ phượng tà linh, thú vật, và thậm chí thờ phượng cả những vật vô tri vô giác, như: ống bình vôi, hòn đá, gốc cây, và hình tượng của những tà thần…

Sự sấp mình trước bàn thờ những người đã chết, trước những hình tượng, trước những loài thú vật, trước những vật được cho là linh thiêng, v.v., để cầu phước đều là hành động thờ phượng tà thần. “Tà thần” có nghĩa là bất cứ ai hay bất cứ vật gì, bất cứ sự gì, ngoại trừ Thiên Chúa, được tôn thờ như một thần linh có quyền ban phước và giáng họa. Trong tiếng Việt còn có động từ “thờ lạy” và “quỳ lạy” cùng nghĩa với động từ thờ phượng. Chữ “lạy” là một động từ chỉ việc chấp hai bàn tay với nhau trong khi cúi đầu hoặc khom mình. Ngoài ra còn có chữ “xá” cùng nghĩa với chữ “vái” để chỉ hành động chấp tay, đưa lên đưa xuống trong khi cầu xin.

Các động tác: cúi đầu, chấp tay, xá, quỳ gối, quỳ và sấp mình cho trán chạm đất, hoặc nằm dài ra trên đất cho trán chạm đất, cùng với những lời tôn vinh và kêu cầu đều là hình thức bên ngoài để thể hiện tấm lòng tôn kính, vâng phục, và trông cậy trong sự thờ phượng. Nhưng một người có thể tỏ ra rất mực cung kính bên ngoài mà bên trong thì không thật sự có lòng tôn kính. Không ai, ngay cả các thần linh được tạo dựng là thiên sứ hoặc ma quỷ, có thể biết được tấm lòng, tức sự cảm xúc và suy nghĩ của một người, ngoại trừ Thiên Chúa.

Trong sự thờ phượng Thiên Chúa, dù một người có đặc ân và đặc quyền để thờ phượng Thiên Chúa, người ấy cũng có thể thờ phượng Thiên Chúa một cách chiếu lệ với hình thức bên ngoài. Đó là điều dân I-sơ-ra-ên đã làm; và Chúa đã lên án họ:

“Chúa phán: Vì dân này tới gần với miệng của nó. Với môi của nó chúng tôn kính Ta mà lòng của nó thì cách xa Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta được dạy bởi điều răn của loài người.” (Ê-sai 29:13).

Lời phán trên đây đã được Đức Chúa Jesus lập lại, như đã chép trong Ma-thi-ơ 15:8-9 và Mác 7:6-7.

Chỉ Thiên Chúa là Đấng biết được mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, mọi ý định trong lòng người. Và Chúa phán xét mọi sự cả bên trong lẫn bên ngoài:

“Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 17:10).

Vì thế, người thờ phượng Chúa phải thờ phượng Ngài bằng tấm lòng chân thật tôn kính Ngài. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời tìm kiếm là sự thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật, như lời Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy:

“Nhưng giờ đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.” (Giăng 4:23).

“Giờ đến” là thời điểm bắt đầu của một sự gì đó. Ở đây là thời điểm bắt đầu của sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách chân thật. Thời điểm đó đã đến khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để giãi bày về Thiên Chúa cho loài người, khiến loài người hiểu biết lẽ thật về Thiên Chúa:

“Chẳng có ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa. [“Ở trong lòng” là một thành ngữ, có nghĩa: rất gần gũi, thân mật. Xem Lu-ca 16:22-23.]” (Giăng 1:18).

“Những người thờ phượng thật” là những người thật lòng tin cậy và tôn kính Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Trời cách chân thật, từ trong tấm lòng cho đến hình thức bên ngoài.

Thờ phượng “trong thần trí” là thờ phượng theo sự hiểu biết trong tâm thần về Thiên Chúa. Sự hiểu biết này vừa là do chính Đức Chúa Trời mạc khải trong tâm thần của người thật lòng tin kính Ngài, vừa là do nghe những lời giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ, của các sứ đồ, của những trưởng lão trong Hội Thánh; vừa là do đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. Thần trí giúp cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai; biết Ngài đã và đang làm gì cho chúng ta; biết Ngài muốn gì nơi chúng ta; biết phải thờ phượng và hầu việc Chúa như thế nào.

Trong thần trí, người thờ phượng Chúa nhận biết:

  • Chúa có thật. Ngài tự có và có mãi. Ngài là Đấng Tạo Hóa, tạo dựng muôn loài và cầm quyền cai trị tuyệt đối trên muôn loài.
  • Chúa là yêu thương, Ngài giàu lòng thương xót. Chúa là thánh khiết, Ngài không bao giờ chấp nhận tội lỗi. Chúa là công chính, Ngài luôn thưởng phạt phân minh và tương xứng với việc làm của mỗi người.
  • Chúa ban sự cứu rỗi cho loài người, Ngài cứu loài người ra khỏi hình phạt của sự phản nghịch Chúa, là sự loài người vi phạm các điều răn của Ngài.
  • Những người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa trở thành những thầy tế lễ phụng sự Chúa, được Chúa ban cho đặc ân và đặc quyền thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa.
  • Những người phụng sự Chúa phải thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa trong sự hiểu biết Chúa đã ban cho họ và trong lẽ thật đã được giãi bày trong Thánh Kinh.
  • Chúa không bao giờ chấp nhận những sự thờ phượng Chúa chỉ có hình thức bên ngoài, không bởi tấm lòng tin kính Chúa cách chân thật.
  • Chúa không chấp nhận sự thờ phượng Chúa theo ý riêng.

Thờ phượng “trong lẽ thật” là thờ phượng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời Chúa và Lời Chúa là lẽ thật (Giăng 17:17).

Thánh Kinh dạy chúng ta thờ phượng Chúa bằng cách dâng thân thể của mình làm của lễ sống lên Đức Chúa Trời:

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, {ấy là} sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Động từ “khuyên” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có các nghĩa: khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, nài nỉ, van xin, chỉ dẫn… Động từ này được dùng ở đây giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự kiện chúng ta dâng thân thể của mình lên Chúa là một việc làm có ích lợi cho chúng ta, đẹp lòng Chúa, nhưng Chúa không buộc chúng ta phải làm. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự do, chọn dâng thân thể của mình lên Chúa hoặc chọn không dâng thân thể của mình lên Chúa.

Từ ngữ “thân thể” được nói đến trong câu này là chỉ về thân thể xác thịt của chúng ta. Nếu chúng ta chọn dâng thân thể xác thịt của mình lên Chúa thì chúng ta dâng hiến bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời. Những sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với một người là nhiều vô cùng, bao gồm trong ba phương diện: được tha tội, được làm cho sạch tội, và được dựng nên mới.

  • Ơn thương xót của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được tha tội. Đó là ơn tha thứ.
  • Ơn thương xót của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được rửa sạch bản tính tội lỗi bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là ơn thánh hóa.
  • Ơn thương xót của Đức Chúa Trời dựng chúng ta nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh khiết chân thật. Đó là ơn tái sinh.

Nhờ đó mà thân thể xác thịt của chúng ta mới có thể trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa và là công cụ để làm ra những việc lành, thể hiện sự công bình của Đức Chúa Trời.

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao? Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).

“Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó. Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:12-13).

Vì thế, chỉ những ai đã nhận được những sự thương xót của Đức Chúa Trời thì mới có thể dâng thân thể của mình lên Đức Chúa Trời. Nếu không, thì thân thể của một người chỉ là vật ô uế, đáng diệt trong hỏa ngục.

Của lễ sống khác với của lễ chết. Của lễ chết là vật sống bị giết chết để dâng lên Đức Chúa Trời. Của lễ sống là thân thể sống động của một người được dâng lên Đức Chúa Trời để thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời. Của lễ thánh là của lễ hoàn toàn được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Khi một người đã dâng thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời thì suốt phần đời còn lại của người ấy, người ấy sống cho Chúa và chết cho Chúa, như Đức Thánh Linh đã dùng Phao-lô mà dạy cho Hội Thánh:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Hành động thờ phượng đầu tiên của một người thờ phượng Chúa phải là dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời. Sự dâng hiến thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời là một sự đẹp lòng Đức Chúa Trời; và là sự thờ phượng phải lẽ của con dân Chúa. Từ ngữ “phải lẽ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: hợp lý, đúng cách.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42 ghi lại lệnh truyền của Thiên Chúa dành cho dân I-sơ-ra-ên về việc mỗi ngày hai buổi, vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối, mỗi buổi họ phải dâng lên cho Thiên Chúa một của lễ thiêu là một con chiên con tròn một tuổi. Đó là sự dâng hiến đời đời. Ngày nay, con dân Chúa trong Hội Thánh cũng ngày hai buổi, sáng chiều, dâng của lễ đời đời lên Đức Chúa Trời, nhưng không dùng chiên con bị giết, mà dùng chính thân thể sống của mình. Mỗi người trong Hội Thánh là một thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời, như I Phi-e-rơ 2:9 và Khải Huyền 1:6 đã khẳng định.

Ngoài công việc ngày hai buổi dâng chính thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời, chúng ta còn dâng các của lễ chay thuộc linh và các của lễ quán thuộc linh.

Trong thời Cựu Ước, của lễ chay dâng thức ăn và của lễ quán dâng thức uống được các thầy tế lễ dâng lên Chúa mỗi ngày, trong Đền Tạm hoặc Đền Thờ. Của lễ chay là bột mì mịn nhồi với dầu, là một hình thức bánh không men, tiêu biểu cho đời sống đầy dẫy thánh linh, không vướng tội. Của lễ quán là rượu nho, tiêu biểu cho niềm vui của đời sống đầy phước hạnh trong Chúa, niềm vui trong sự tôn vinh danh Chúa, niềm vui trong sự làm ơn cho mọi người, và niềm vui trong sự thông công với anh chị em cùng đức tin:

“Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách xưng danh của Ngài ra một cách tôn kính và cảm tạ những ơn phước mà Ngài đã ban xuống cho chúng ta. Danh của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa, là Chúa, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Cha ở trên trời của chúng ta. Bông trái của môi miệng tức là lời gọi danh Chúa, lời làm chứng, lời tung hô, lời ca, tiếng hát dâng lên Chúa với lời cảm tạ. Mỗi lời tôn vinh của chúng ta phải luôn có lời cảm tạ đi cùng.

Làm lành là làm tất cả những gì Chúa dạy cho chúng ta trong Thánh Kinh, nói cách khác là sống theo Thánh Kinh. Ngoài ra, còn có những việc làm cụ thể Đức Chúa Trời dành riêng cho chúng ta, như Đức Thánh Linh đã dạy:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bước đi trong những việc lành là sống trong những việc lành và làm ra những việc lành.

Sự thông công được dâng làm của lễ lên Chúa chính là sự thông công của Hội Thánh. Tức là sự con dân Chúa thăm viếng lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, tiếp trợ lẫn nhau, cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa, cùng nhau hầu việc Chúa, cùng nhau học Lời Chúa, cùng nhau ăn uống, trò chuyện, vui chơi trong danh Chúa.

Thánh Kinh dạy chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể và trong tâm thần:

“Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:20).

Chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể bằng cách làm việc gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời trong tâm thần bằng cách luôn nghĩ đến những sự đẹp lòng Ngài và luôn suy ngẫm Lời Ngài:

“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi-líp 4:8).

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Như vậy, sự thờ phượng Chúa của chúng ta, những con dân Chúa trong Hội Thánh, những thầy tế lễ phụng sự Thiên Chúa trong thời Tân Ước, là mỗi ngày dâng các của lễ lên Thiên Chúa: dâng chính thân thể mình, dâng những lời tôn vinh danh Chúa, dâng những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm theo, trong đó có sự thông công với các anh chị em cùng đức tin.

Sự thờ phượng Chúa liên kết chặt chẽ với sự hầu việc Chúa, vì trong sự thờ phượng có những việc chúng ta phải làm trong danh Chúa. Những việc ấy dù là chúng ta làm ra với nhau, như sự thông công trong Hội Thánh, nhưng vì được làm theo Lời Chúa, được làm ra trong danh Chúa, được dâng lên Chúa như của lễ nên đó cũng chính là sự thờ phượng Chúa.

Nguyện trọn đời sống của chúng ta là sự thờ phượng Chúa không ngừng nghỉ bởi từng ý nghĩ, ước muốn, lời nói, thái độ, cử chỉ, và việc làm của chúng ta.

Nguyện thánh linh của Chúa luôn tuôn tràn trong mỗi chúng ta để chúng ta luôn bởi năng lực từ Chúa mà thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/01/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Như Là Mùa Xuân”
https://karaokethanhca.net/nhu-la-mua-xuan/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/ .

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/