Bức Thư của Thiên Chúa

2,710 views

BỨC THƯ CỦA THIÊN CHÚA

Kính thưa Hội Thánh, con vui mừng dâng lời cảm tạ ơn Thiên Chúa đã thương xót con cũng như Hội Thánh của Ngài qua những lần đánh phá khốc liệt của ma quỷ. Hôm nay con lại vui mừng chia sẻ cùng Hội Thánh những điều Chúa dạy dỗ con khi con đọc và suy ngẫm lời Chúa. Hôm nay con xin chia sẻ những điều Chúa dạy dỗ cho con, với lòng ước ao có ích lợi gây dựng cho Hội Thánh Chúa. Bức thư được chép trong Khải Huyền 3:14-16:

14. Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Lao-đi-xê rằng: Này là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật, Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời:

15. Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay!

16. Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.

Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu thư là gì: Thư hay là bức thư hoặc lá thư hay thư từ, cánh thư… là một hình thức trao đổi thông tin gián tiếp bằng chữ viết giữa người viết thư và người nhận thư. Hình thức trao đổi thông tin cổ điển là bằng văn bản giấy.

Đây là một trong bảy bức thư được ông Giăng, một môn đồ của Đức Chúa Jesus, được Đức Thánh Linh thần cảm viết gửi cho bảy Hội Thánh của Chúa, trong đó có Hội Thánh Lao-đi-xê.

Tuy bức thư được chính bàn tay của ông Giăng viết nên nhưng mở đầu bức thư cho biết rõ ai là người gửi bức thư này.

“Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Lao-đi-xê rằng: Này là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật, Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời.” (Khải Huyền 3:14).

Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu danh xưng mà Thiên Chúa đã phán với Hội Thánh có ý nghĩ như thế nào. Trong bài giảng của người chăn có giải nghĩa như sau:

Đấng A-men: Chúng ta đã biết, từ ngữ “a-men” khi được dùng ở đầu câu có nghĩa là “Đúng như vậy! Thật như vậy!” Còn khi được dùng ở cuối câu thì có nghĩa là: “Mong cho được đúng như vậy! Đồng ý như vậy!” Trong câu này, chúng ta thấy từ ngữ “a-men” được dùng làm danh hiệu của Đức Chúa Jesus Christ. Đấng A-men có nghĩa là Đấng Chân Thật! Ngài chân thật về bản thể Thiên Chúa của Ngài, Ngài chân thật về mọi thần tính của Thiên Chúa, Ngài chân thật với mọi điều Ngài phán ra. Và như vậy, Ngài chân thật với mọi lời hứa và mọi lời cảnh cáo của Ngài.

Chứng Nhân Thành Tín và Chân Thật: Chúa tự định nghĩa danh xưng Đấng Chân Thật của Ngài. Ngài xưng là Đấng chân thật vì Ngài là chứng nhân của Đức Chúa Trời, đã rao truyền một cách trọn vẹn tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn phán truyền cho loài người chúng ta. Ngài đã thành tín, tức là không thiếu sót bất cứ một phương diện nào, trong công tác rao truyền thánh ý của Đức Chúa Cha. Ngài đã rao truyền một cách chân thật thánh ý của Đức Chúa Cha, không thêm, không bớt! [Hết trích]

Chúng ta cùng nhau suy ngẫm nội dung trong bức thư mà Thiên Chúa đã dùng ông Giăng viết gửi cho Hội Thánh của Ngài

“Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay!” (Khải Huyền 3:15).

Đọc qua câu thứ nhất mà Thiên Chúa gửi đến Hội Thánh, chúng ta cảm nhận được có sự buồn lòng, than thở của Thiên Chúa,  nhưng kèm theo sự buồn lòng đó chứa đựng sự yêu thương, mềm mại. Thiên Chúa có đủ mọi thẩm quyền hủy diệt chúng ta khi chúng ta làm buồn lòng Ngài, sống bội nghịch lại với luật pháp của Ngài, nhưng Chúa lại dùng từ “ước gì” với chúng ta, một câu phán đầy sự nhu mì, khiêm nhường đó là bản tính của Thiên Chúa mà trong Ma-thi-ơ 11:27 Đức Chúa Jesus đã khẳng định:

“Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”

Thiên Chúa đã buồn lòng về điều gì? Đó là về tình trạng thuộc linh của con dân Chúa tại Hội Thánh Lao-đi-xê. “Vì ngươi hâm hẩm, ngươi không lạnh cũng không nóng.” Vậy, người hâm hẩm, không lạnh cũng không nóng là người như thế nào?

Lạnh là một người biết Chúa tin Chúa nhưng hoàn toàn sống cho bản thân mình, sống theo ý riêng không tìm kiếm Chúa, không kính sợ Thiên Chúa, không ham mến Lời Chúa. Nóng là một người đã biết và tin Chúa, hết lòng sống cho Chúa, từ bỏ con người cũ, hết lòng làm theo Lời Chúa và sốt sắng  gây dựng Hội Thánh. Còn người hâm hẩm là người không chối bỏ Chúa, vẫn làm theo Lời Chúa vẫn tìm kiếm Chúa nhưng tìm kiếm không hết lòng, không làm theo cách hết lòng, không sốt sắng gây dựng Hội Thánh

Những người như vậy Thiên Chúa sẽ như thế nào với họ?

“Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”

Mửa ra là đã bị Thiên Chúa từ bỏ, bị xa cách mặt Ngài, Thiên Chúa không còn nghe tiếng họ kêu cầu nữa. Mửa ra: Chúng ta ai cũng hiểu nghĩa của từ này, là từ được dùng để nói đến phản ứng của cơ thể khi chúng ta ăn thức ăn không hợp khẩu vị hoặc không thể tiêu hóa được. Thiên Chúa đã dùng chính nghĩa đen của từ ngữ “mửa ra” để nói về một người hâm hẩm đã bị Thiên Chúa từ bỏ, vì người ấy đã không làm theo điều răn, lời phán dạy của Ngài mà có rất nhiều câu Thánh Kinh đã chép:

“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Đây là điều răn thứ nhất.” (Mác 12:30).

“Vậy, hỡi I-sơ-ra-ên, bây giờ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi muốn nơi ngươi điều gì? Ngài muốn ngươi kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa ngươi, đi theo mọi đường lối của Ngài, hết lòng hết ý yêu kính và phụng sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi .” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12).

“Nhưng phải cẩn thận làm theo điều răn và luật pháp mà Môi-se, tôi tớ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đã truyền cho các ngươi, tức là thương yêu Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, đi theo đường lối Ngài, giữ các điều răn Ngài, gắn bó với Ngài, và hết lòng hết ý phụng sự Ngài.” (Giô-suê 22:5).

 “Không có đức tin, thì không thể nào ở cho đẹp ý Ngài; vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Ngày nay có biết bao nhiêu người xưng nhận là Cơ-đốc nhân, là con dân chân thật của Thiên Chúa nhưng đời sống thuộc linh đã và đang trong tình trạng hâm hẩm như vậy. Các giáo hội ngày nay vẫn có những người thật lòng tin nhận Chúa nhưng bởi sự tìm kiếm Chúa không hết lòng nên bị tà giáo dẫn dắt đi sai lạc Lẽ Thật, thậm chí chính những con dân Chúa trong Hội Thánh chân thật của Chúa vì không hết lòng, hết trí, hết sức tìm kiếm hầu việc Chúa nên bị những địa vị, danh vọng, thú vui của cải, tình cảm của đời này làm họ nguội lạnh với Thiên Chúa mặc dù họ vẫn tin và không chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng, những sự hầu việc và thờ phượng của họ không xuất phát từ lòng ham mến, yêu thích và kính sợ Thiên Chúa. Những người như vậy Thiên Chúa cũng sẽ mửa ra khỏi miệng Ngài.

Một người có đời sống hâm hẩm sẽ không thật sự hết lòng tìm cầu Chúa, không hết lòng thờ phượng, hầu việc Chúa, thì người đó sẽ không nhận được ơn phước từ nơi Chúa ban cho, thiếu sự tri thức hiểu biết về luật pháp của Thiên Chúa, người như vậy sớm muộn cũng sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc. Thánh Kinh trong Ô-sê 4:6 đã khẳng định:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.”

Để được sự cứu rỗi từ Thiên Chúa và ở trên bước đường đi về Thiên Quốc chỉ có hai con đường, SỐNG và CHẾT chứ không có con đường thứ ba. Một người tin nhận Chúa chỉ có hai con đường để lựa chọn, NÓNG hoặc LẠNH chứ không thể nào HÂM HẨM được vì nếu hâm hẩm thì người đó rồi cũng sẽ hư mất, vì Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ như lời Ngài đã cảnh cáo con dân Ngài.

Một người có đời sống thuộc linh hâm hẩm trước đây đã thật sự tin nhận Chúa, từng hết lòng sống cho Chúa, hết lòng tìm kiếm Chúa nhưng nguyên nhân nào khiến họ nguội dần đi, đánh mất tình yêu ban đầu với Thiên Chúa? Có phải vì:​

  • Phạm tội nhưng chưa thật sự ăn năn, hoặc chỉ ăn năn theo lí trí.
  • Bận rộn quá nhiều cho cuộc sống, cho gia đình, cho địa vị danh vọng.
  • Ham mến thế gian, của cải, những sự thuộc về đời này.
  • Tình cảm xác thịt, tư vị, xem xét theo tiêu chuẩn của loài người hơn là tiêu chuẩn của Thiên Chúa…
  • Bị sự che mắt dẫn dụ của kẻ thù mà không hề hay biết.
  • Sự kiêu ngạo, vẫn còn cái tôi quá lớn, tức giận, tự ái không đúng.
  • Hèn nhát sợ mất lòng người khác hơn kính sợ Thiên Chúa, không mạnh mẽ đứng lên chống trả ma quỷ.
  • Lười biếng không quan tâm, sợ liên lụy đến mình.

Có phải tất cả những điều đó đã làm cho chúng ta dần dần xa cách Chúa, không có sự thông công mật thiết với Thiên Chúa, thiếu sự hiểu biết lời Chúa, mà kẻ thù sẽ nhân cơ hội đó giăng những cái bẫy thật tinh vi khiến chúng ta trở nên lầm lạc?

Một người có đời sống thuộc linh hâm hẩm rất dễ nhận biết, vì họ không sốt sắng gây dựng Hội Thánh, không mạnh mẽ bênh vực Lẽ Thật, chống trả những điều không công bình, không làm lợi những ta lâng mà Thiên Chúa đã ban cho, không cùng người chăn gắng sức gây dựng bảo vệ Hội Thánh trước kẻ thù đang đánh phá, thiếu tình yêu thương với anh chị em, tư vị, không quan tâm, cảm thấy mệt mỏi và không biết ơn Chúa trong mọi cảnh ngộ. Họ mất đi sự tương giao mật thiết với Đức Thánh Linh, đánh mất tình yêu ban đầu không có tinh thần sốt sắng như đáng phải có.

Nhưng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài biết hết những việc làm của chúng ta, và Ngài biết từ sâu thẩm trong lòng của mỗi một chúng ta. Ngài thành tín và luôn nhẫn nại với chúng ta, chờ đợi chúng ta mở cửa lòng mình, giật mình tỉnh thức mà mau chóng quay trở lại trước khi Ngài giáng hình phạt trên chúng ta. Trước khi Ngài mửa chúng ta ra, thì Ngài vẫn gõ cửa lòng của chúng ta mỗi ngày, Thánh Kinh đã cho chúng ta biết điều ấy:

“Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và ăn năn.”

“Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta.” (Khải Huyền 3:19,20).

Là Đấng làm đầu cội rễ của cuộc sáng thế Ngài có tất cả mọi quyền phép, thẩm quyền trên thế gian, sự toàn năng của Ngài khi tạo dựng nên thế gian chỉ qua lời phán, vậy mà vẫn ở đó nhẫn nại gõ cửa lòng của mỗi chúng ta. Tình yêu và sự thương xót của Ngài thật quá lớn. Lời hứa của Ngài cho những ai đáp lại:

“Ai thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta, như chính Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai Ngài .” (Khải Huyền 3:21).

Thiên Chúa là Đấng thành tín và chân thật.  Ngài chân thật với mọi điều Ngài phán ra. Và như vậy, Ngài chân thật với mọi lời hứa và mọi lời cảnh cáo của Ngài. Vậy nên chúng ta hãy hạ mình xem xét lại thuộc linh của chúng ta đang ở mức độ nào Chúng ta có thật sự thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa như Ngài muốn hay không? Chúng ta có phải đang là người thiếu tình yêu thương, không quan tâm sốt sắng gây dựng Hội Thánh Chúa hay không? Nếu có thì chúng ta hãy ăn năn, chạy đến với Thiên Chúa, vỡ lòng mình ra để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa đang gõ cửa, cầu xin Thiên Chúa phục hồi lại tình yêu ban đầu mà Ngài đã ban cho những ai thật lòng tin cậy nơi Ngài, trước khi Ngài mửa chúng ta ra, từ bỏ chúng ta khỏi mặt Ngài. Chúa sẽ trở lại bất cứ lúc nào để đem chúng ta về với Ngài, vậy nên…

“Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng!” (Hê-bơ-rơ 4:7b).

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ,

Nguyễn Thị Thùy Linh
Hội Thánh tại Saigon
20/02/2018