Nhiệm Vụ của Môn Đồ Đấng Christ – Phần 2

3,037 views

Nhấp vào nút play ►để nghe

Làm phép báp-tem cho họ trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh

1. Khi nào làm báp-tem?

Sau khi giảng đạo có người tin nhận đạo (tín đồ) thì bước kế tiếp là làm phép báp-tem cho họ trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Thánh Kinh cho thấy một người tin nhận đạo liền được làm báp-tem ngay:

  • Khoảng 3000 người tin nhận đạo trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41): “Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.”
  • Dân thành Sa-ma-ri và cựu thuật sĩ Si-môn (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:12): “Nhưng khi chúng đã tin Phi-líp, là người rao giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jêsus Christ cho mình, thì cả đờn ông, đờn bà đều chịu phép báp-tem.”
  • Hoạn quan người Ê-thi-ô-bi (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:36, 38): “Hai người đương đi dọc đường, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói rằng: Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng? Phi-líp nói: Nếu ông hết lòng tin, điều đó có thể được. Hoạn quan trả lời rằng: Tôi tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời. Người biểu dừng xe lại; rồi cả hai đều xuống nước, và Phi-líp làm phép báp-tem cho hoạn quan.”
  • Sau-lơ, tức Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17, 18): “A-na-nia bèn đi, vào nhà, rồi đặt tay trên mình Sau-lơ mà nói rằng: Hỡi anh Sau-lơ, Chúa là Jêsus nầy, đã hiện ra cùng anh trên con đường anh đi tới đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Thánh Linh. Tức thì có cái chi như cái vảy từ mắt người rớt xuống, thì người được sáng mắt; rồi chờ dậy và chịu phép báp-tem.”
  • Gia đình Đội Trưởng Cọt-nây (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:47, 48): “Bấy giờ Phi-e-rơ lại cất tiếng nói rằng: Người ta có thể từ chối nước về phép báp-tem cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng? Người lại truyền làm phép báp-tem cho họ nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ. Họ bèn nài người ở lại với mình một vài ngày.”
  • Gia đình người Đề Lao (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:33): “Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem.”

Ngày nay, nhiều Hội Thánh địa phương theo truyền thống của giáo hội kéo dài thời gian chờ đợi làm báp-tem cho người mới tin Chúa, buộc họ phải học “giáo lý” và thi đậu các bài khảo hạch rồi mới làm báp-tem cho họ. Việc làm này hoàn toàn theo ý riêng của loài người và nghịch lại mệnh lệnh của Đấng Christ. Chính Đức Chúa Jesus phán rằng phải làm báp-tem cho người tin nhận đạo rồi mới dạy đạo cho họ. Nhiều lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho việc nghịch lại mệnh lệnh của Chúa. Chúng ta không cần phải nghe biết những lý lẽ đó. Chúng ta cần phải cẩn thận làm theo mọi điều đã được chép trong Thánh Kinh. Mặt khác, nếu bắt một người phải học giáo lý xong mới làm báp-tem cho họ là chúng ta cản trở phước hạnh Chúa đã sắm sẵn cho họ và làm gương xấu về sự chống nghịch lời Chúa cho họ rồi.

2. Ai làm báp-tem cho người mới tin Chúa, làm ở đâu, và làm như thế nào?

Ngày nay, nhiều giáo hội chỉ cho phép người chăn hoặc các trưởng lão làm báp-tem cho người mới tin Chúa. Đó cũng là một điều sai lầm. Trong Thánh Kinh không hề quy định chỉ có người chăn hay trưởng lão mới được làm báp-tem cho người mới tin Chúa. Nếu một môn đồ đã có thể đưa dắt người khác đến với sự cứu rỗi, được tái sinh thì sao lại không có tư cách để làm phép báp-tem cho người ấy? Chúng ta nên nhớ, Thánh Kinh khẳng định mỗi người thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ thì trở nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6). Ai dám nói rằng thầy tế lễ của Đức Chúa Trời không thể làm phép báp-tem cho người mới tin Chúa? Như vậy, bất kỳ một môn đồ nào của Chúa cũng có thể làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa.

“Khi Chúa đã hay rằng người Pha-ri-si có nghe đồn Ngài gọi và làm phép báp tem được nhiều môn đồ hơn Giăng, kỳ thiệt không phải chính Đức Chúa Jêsus làm phép báp tem, nhưng là môn đồ Ngài.” (Giăng 4:1, 2)

Lễ báp-tem có thể cử hành ở bất cứ nơi nào thuận tiện. Khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép, chúng ta nên làm báp-tem theo hình thức dìm toàn người vào trong nước cho sát với ý nghĩa đồng chết, đồng chôn, và đồng được sống lại với Đấng Christ:

“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.” (Rô-ma 6:4)

“Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” (Cô-lô-se 2:12).

Tuy nhiên, khi hoàn cảnh hoặc điều kiện không cho phép, như: người tin Chúa bị bệnh nặng, hoặc hấp hối, hoặc đang ở trong nhà tù mà chính quyền không cho phép làm báp-tem… thì có thể làm báp-tem bằng hình thức rưới nước. Cựu Trung Tướng Nguyễn Hữu Có của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được làm báp-tem trong trại tù của cộng sản bằng cách đổ nước từ bình bi-đông lên đầu. Trong sự kiện Phi-e-rơ làm báp-tem cho gia đình Đội Trưởng Cọt-nây hay Phao-lô và Si-la làm báp-tem cho gia đình người đề lao vào lúc giữa đêm dường như không cho phép chúng ta nghĩ rằng hai gia đình này đã được dìm mình vào trong nước. Thuở ấy, chỉ những nhà quyền quý, giàu có mới có bồn tắm tại nhà, giới trung lưu thì tắm ở các nhà tắm công cộng, còn phần lớn dân chúng tắm giặt ở ao nước hoặc bờ sông.

Khi làm lễ báp-tem thì người làm lễ chỉ cần nói: “Nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh tôi làm báp-tem cho (ông, bà, anh, chị, em).” Sau đó, người làm lễ và người nhận báp-tem nên cầu nguyện cảm tạ Chúa.

3. Có nên làm báp-tem cho trẻ con hay không?

Một điều quan trọng cần ghi nhận về việc làm lễ báp-tem. Đó là: lễ báp-tem Chúa truyền chỉ làm cho những người đã ăn năn tội và đầu phục Chúa cho nên trẻ con chưa có ý thức về tội lỗi không cần làm lễ báp-tem. Những câu Thánh Kinh sau đây cho biết, lễ báp-tem theo sau sự ăn năn tội và tin nhận Chúa:

“Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.” (Mác 16:16)

“Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38)

“Nhưng khi chúng đã tin Phi-líp, là người rao giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jêsus Christ cho mình, thì cả đờn ông, đờn bà đều chịu phép báp-tem.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:12) Không thấy đề cập trẻ con ở đây!

Nhiều tín đồ muốn cho con còn bé của mình được làm báp-tem vì e rằng nếu nó chết trước khi chịu báp-tem thì sẽ không được vào thiên đàng. Tuy nhiên, dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus chúng ta có thể vững tin rằng: trẻ con khi chưa có ý thức về tội lỗi nếu qua đời sẽ được vào thiên đàng:

“Song Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Ma-thi-ơ 19:14, tương tự: Mác 10:14, Lu-ca 18:16)

“Đức Chúa Jêsus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.” (Ma-thi-ơ 18:2, 3)

Trẻ con khi chưa có ý thức phạm tội thì tự chúng nó là vô tội. Riêng mầm tội nhiễm từ tổ phụ thì đã được tha thứ bởi sự đổ huyết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Khi đứa trẻ bắt đầu phạm tội có ý thức thì chính nó phải xưng tội và tin nhận Đấng Christ, mới được cứu rỗi. Chúng ta có thể làm báp-tem cho những đứa bé như vậy. Không có một tiêu chuẩn nhất định nào về tuổi tác bắt đầu có ý thức phạm tội của trẻ con. Là bậc cha mẹ, chúng ta phải ưu tiên một trong sự dạy dỗ con cái về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài. Chúng ta phải sống một nếp sống gương mẫu để con cái noi theo. Khi con cái có lỗi, chúng ta tập cho chúng nó trước hết là xưng tội với Chúa rồi sau đó mới xin lỗi chúng ta. Tin Lành phải được giảng cho con cái chúng ta ngay từ khi chúng nó tập nghe, tập nói. Thánh Kinh chép:

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6)

4. Về việc “hướng dẫn cầu nguyện tin nhận Chúa”

Nhân tiện đây, chúng ta cũng nên bàn qua về việc hướng dẫn người mới tin Chúa cầu nguyện để tiếp nhận Chúa. Xưa nay, chúng ta rất quen thuộc với sự kiện yêu cầu người mới tin Chúa: “nhắm mắt, cúi đầu, lập lại theo tôi…” lời “cầu nguyện tiếp nhận Chúa.” Thật ra, Thánh Kinh cũng không hề dạy điều này. Qua các sự kiện tin nhận Chúa và chịu báp-tem được liệt kê trên đây trong Thánh Kinh, không có lần nào người tin Chúa được hướng dẫn: “nhắm mắt, cúi đầu, lập lại theo tôi…” lời “cầu nguyện tiếp nhận Chúa.”

Điều kiện để một người nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là:

(1) Hối cải, nghĩa là có lòng ăn năn, thống hối, quyết tâm từ bỏ tội lỗi.

(2) Tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, nghĩa là tin nhận Ngài là Con của Đức Chúa Trời, Ngài đã chết chuộc tội cho nhân loại, và Ngài đã sống lại để ban cho ai tin nhận Ngài sự sống đời đời. Đức tin đó được thể hiện qua sự chịu báp-tem.

“Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37, 38)

Nhiều người dùng Rô-ma 10:9, 10 để hổ trợ cho việc hướng dẫn người mới tin Chúa “cầu nguyện tiếp nhận Chúa:”

“Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ralòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.”

Thật ra, hai câu Thánh Kinh trên đây không hề dạy cho chúng ta phải “cầu nguyện tin nhận Chúa.” Ý nghĩa của hai câu này rất rõ ràng như sau: Miệng xưng ra điều mình đã tin ở trong lòng về Đức Chúa Jesus Christ, bằng cách tuyên xưng danh “Jesus” (có nghĩa, tuyên xưng Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi) như tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa (Lu-ca 23:42); hoặc như viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi: “Tôi tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là Con Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:37). Xưng ở đây, rõ ràng không phải là cầu nguyện xin Chúa tha tội và ngự vào lòng mình mà là tuyên xưng danh Chúa.

Dĩ nhiên, khi quyết định tin nhận Chúa, một người có thể “cầu nguyện tiếp nhận Chúa” nếu người ấy muốn, nhưng hình thức cầu nguyện đó không phải là điều kiện để nhận được sự cứu rỗi hay để được báp-tem. Chúng ta có thể gợi ý cho người mới tin Chúa cách thức để cầu nguyện xưng tội và cảm tạ Chúa về ơn cứu rỗi của Ngài nhưng không nên biến nó thành một hình thức máy móc hoặc thành một nguyên tắc hay điều kiện.

Đúng với Thánh Kinh là khi chúng ta làm chứng hay truyền giảng mà có người muốn tin nhận Chúa thì chúng ta chỉ cần giúp cho họ hiểu và công nhận rằng:

(1) Họ là tội nhân và họ muốn được tha tội, được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi.

(2) Họ tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Con Đức Chúa Trời đã chết thế cho nhân loại, và Ngài đã sống lại.

(3) Bằng lòng nhận báp-tem để thể hiện đức tin và sự vâng phục Chúa.

Được như thế, chúng ta có thể làm lễ báp-tem cho họ ngay lập tức rồi sau đó tiếp tục dạy cho họ vâng giữ tất cả những điều Chúa đã truyền cho chúng ta trong Thánh Kinh.

Dạy họ giữ tất cả những điều Chúa đã truyền

Giai đoạn cuối cùng của nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân là dạy cho các tân tín đồ vâng giữ tất cả những điều Chúa đã truyền cho chúng ta để họ được chính thức trở thành môn đồ của Ngài. Giai đoạn cuối cùng này thường không được thi hành chu đáo và đúng đắn bởi các nguyên cớ sau đây:

(1) Người làm công tác môn đồ hóa chưa thật sự là môn đồ của Chúa cho nên thay vì khiến cho người mới tin nhận Chúa trở thành môn đồ của Chúa thì lại khiến cho người ấy trở thành môn đồ của mình, vâng phục mình, thần tượng hóa mình, và cung phụng mình!

Đây là trường hợp phổ thông nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy khắp nơi trong thế gian. Chính cái tinh thần kiêu ngạo, khoe khoang, dẫn đến tệ trạng lôi bè kết phái gây ra sự phân hóa trong Hội Thánh. Những người này thường ôm cái túi tham, mong trở thành lảnh tụ của một “mega church.” Có nhiều người mang những chức vụ rất “kêu,” treo trên vách vài ba cái bằng thần học nhưng thực chất thì chính bản thân của họ chưa là môn đồ của Chúa một ngày nào. Vì thế, Chúa dạy cho chúng ta nhìn trái để biết cây, nhìn vào đời sống thuộc linh của một người để nhận biết người ấy có phải là môn đồ của Chúa hay không. Chúa cũng dạy chúng ta là sau vài lần khuyên bảo những người như thế mà họ không ăn năn thì chúng ta hãy tránh xa họ đi:

“Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.” (I Cô-rinh-tô 5:11-13)

(2) Người làm công tác môn đồ hóa chỉ lo dạy những huyền thoại, truyền thống, điều răn vốn không có nguồn gốc từ Thánh Kinh, nhiều khi phản nghịch lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh, do loài người lập ra trong các tổ chức tôn giáo.

Đây là trường hợp phổ thông thứ nhì trong Hội Thánh và thường kết hợp với trường hợp thứ nhất. Muốn nỗi tiếng, muốn có đông người gia nhập Hội Thánh mà không cò lẽ thật của lời Chúa và quyền năng của Đức Thánh Linh thì phải dựa vào các truyền thuyết, các huyền thoại, dựa vào tâm lý học, và những giáo lý huyễn. Nỗi bật nhất là những huyền thoại, truyền thuyết, và tập tục liên quan đến lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh. Riêng, trong khoảng 100 năm gần đây lại dấy lên các Phong Trào Ân Tứ rao giảng nhiều giáo lý không có trong Thánh Kinh, như:

– Giáo lý dạy rằng: Không biết “nói tiếng lạ” (Speak in Tongues) là chưa được báp-tem báp-tem bằng Thánh Linh, là chưa được tái sinh (nghĩa là chưa được cứu rỗi)

– Giáo lý dạy về sự “Say Thánh Linh” (Drunk in the Spirit) qua các hiện tượng “đặt tay té ngã,” tru, hú, gầm, rống… như thú vật!

– Giáo lý “Tin Lành Thịnh Vượng dạy rằng: Là con dân Chúa thì phải giàu có về của cải vật chất (Prosperity Gospel). Giáo lý này cho rằng nghèo và bệnh là sự rủa sả.

– Giáo Lý “Suy Nghĩ Tích Cực” (Positive Thinking) dạy rằng nếu suy nghĩ tích cực thì sẽ đạt được điều mình muốn.

– Giáo lý “Chiều Kích Thứ Tư” (The Fourth Dimension) dạy rằng: hình tượng hóa những điều mình ước muốn thì sẽ nhận được điều đó. Giáo lý này còn dạy rằng chính Đức Chúa Trời xác nhận Phật Tử và những người luyện Yoga làm ra được các phép lạ vì họ biết thám hiểm và phát triển chiều kích thứ tư trong thế giới tâm linh.

– v.v….

Với những người Ân Tứ hoặc Ngũ Tuần chúng ta cần phải cẩn thận dùng lời Chúa để chỉ ra những giáo lý sai lầm của họ. Sau vài lần khuyên bảo mà họ không ăn năn thì chúng ta cũng hãy tránh xa họ đi:

“Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ, vì biết rằng người như thế đã bội nghịch mà cứ phạm tội, thì tự đoán phạt lấy mình.” (Tít 3:9-11)

(3) Người làm công tác môn đồ hóa tự bản thân chưa học biết và vâng giữ tất cả những điều Chúa đã truyền cho nên không thể dạy chu đáo cho người mới tin nhận Chúa.

Đây là trường hợp những người không trộn lẫn các thứ men đời vào trong đạo Chúa như hai trường hợp trên nhưng vì một lý do nào đó mà chưa học biết hoặc chưa vâng giữ hết mọi điều Chúa đã truyền cho, thế nên công tác môn đồ hóa cũng không đạt được hiệu quả cao nhất. Với những người này, chúng ta có thể hiệp tác, giúp đỡ họ như vợ chồng Bê-rít-sin và A-qui-la đã giúp đỡ cho A-bô-lô:

“Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Thánh Kinh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kĩ càng những điều về Đức Chúa Jêsus, dẫu người chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn-dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kĩ lưỡng hơn nữa.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26)

Kết luận

Nhiệm vụ trọng yếu của môn đồ Đấng Christ do chính Ngài phán truyền, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, được Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu biết tường tận. Chúng ta cần phải quay về với lời Chúa, dành ra nhiều thời gian mỗi ngày để chuyên tâm học hỏi, ghi nhớ, và cẩn thận áp dụng vào trong đời sống của chính mình trước khi chúng ta đi ra để môn đồ hóa người khác. Chúng ta cần vứt bỏ hết mọi truyền thống, luật lệ, nghi thức không có trong Thánh Kinh để có thể thờ phượng, hầu việc Chúa bằng tâm thần và lẽ thật chứ không bởi những giáo điều và nghi thức do loài người đặt ra. Chúng ta hãy hết lòng và sốt sắng dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh trong công tác môn đồ hóa muôn dân thay vì dựa vào những phương pháp tâm lý học thực dụng của loài người. Chúng ta cần triệt để bác bỏ mọi hình thức thỏa hiệp hoặc hội nhập Tin Lành với văn hóa của thế tục. Chỉ khi nào chúng ta có thể mạnh dạn nói với người mà chúng ta đang khiến cho trở nên môn đồ của Chúa:

“Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.” (I Cô-rinh-tô 2:2)

và:

“Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1)

thì khi ấy chúng ta mới thật sự xứng đáng đảm nhận vai trò của một người đi ra môn đồ hóa muôn dân!

Huỳnh Christian Timothy
20/01/2008