Vương Quốc Trời – Nội Tại

905 views

YouTube: https://youtu.be/VHpxU03sJGY

202210 Bài Giảng Trong Năm 2022
Vương Quốc Trời
Vương Quốc Nội Tại

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Vương Quốc Trời tức là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Hai danh từ này chỉ được dùng trong Tân Ước và có thể được dùng thay thế lẫn nhau.

Vương Quốc Trời có nghĩa là quốc gia được cai trị bởi vua và thuộc về trên trời, tức là thuộc về Thiên Chúa. Vương Quốc của Đức Chúa Trời có nghĩa là quốc gia được cai trị bởi vua và thuộc về Thiên Chúa, được tiêu biểu bởi thân vị Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, là Chúa tể ở trên trời, nghĩa là Đấng Siêu Nhiên ở trên trời cầm quyền tuyệt đối trên muôn loài, vì muôn loài được dựng nên bởi Ngài.

Vương Quốc Trời được thể hiện trong ba thời kỳ:

  • Thời kỳ trong lòng loài người, bắt đầu từ khi Tin Lành được rao giảng bởi Đấng Christ từ năm 25, cho tới khi Tin Lành được rao giảng bởi một thiên sứ trong Kỳ Tận Thế. Giai đoạn ấy kéo dài khoảng hai ngàn năm, có thể gọi là thời kỳ Vương Quốc Nội Tại. “Nội tại” là từ Hán Việt. Nội có nghĩa là bên trong; tại có nghĩa là ở. Vương Quốc Nội Tại là Vương Quốc Trời ở trong lòng những người tin nhận Tin Lành.

  • Thời kỳ trên đất với hệ thống vương quyền trong trời cũ đất cũ đã được đổi mới, kéo dài một ngàn năm, còn gọi là thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

  • Thời kỳ trên đất với hệ thống vương quyền trong trời mới đất mới được hoàn toàn dựng nên mới, kéo dài không dứt, còn gọi là thời kỳ Vương Quốc Đời Đời.

Hệ thống vương quyền là hệ thống cai trị một vương quốc với nhiều thẩm quyền hàng dọc, đứng đầu bởi một vua. Trong thời kỳ Vương Quốc Nội Tại, Đấng Christ là vua và mỗi con dân Chúa đồng cai trị chính mình với Ngài. Trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời, Đấng Christ là vua, Hội Thánh cùng với một số thánh đồ thời Cựu Ước, như Vua Đa-vít, và một số con dân Chúa trong Kỳ Tận Thế sẽ đồng trị với Đấng Christ. Danh hiệu vua của Đấng Christ là: “Vua Đời Đời” và “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”.

Vương Quốc Nội Tại

Như chúng ta đã biết, khi Giăng Báp-tít xuất hiện, làm người dọn đường cho Đấng Christ, thì lời rao giảng của Giăng Báp-tít cho dân I-sơ-ra-ên là: “Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Trời đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:2). Khi Đức Chúa Jesus bắt đầu chức vụ rao giảng Tin Lành thì Ngài cũng giảng cho dân I-sơ-ra-ên: “Các ngươi hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17). Và khi Đức Chúa Jesus truyền lệnh cho mười hai sứ đồ của Ngài đi khắp những nơi cư trú của dân I-sơ-ra-ên để rao giảng Tin Lành thì Ngài đã phán:

Khi các ngươi đi đường, hãy rao giảng rằng: Vương Quốc Trời đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 10:7).

Động từ “đã đến gần” (G1448) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng với thì quá khứ hoàn thành. Có nghĩa là Vương Quốc Trời đã hoàn toàn ở sát bên mỗi người được nghe giảng Tin Lành, để cho ai muốn thì có thể vào. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus cũng đã phán:

Nhưng, từ những ngày của Giăng Báp-tít cho tới nay, Vương Quốc Trời bị xâm chiếm, và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó.” (Ma-thi-ơ 11:12).

Động từ “xâm chiếm” (G971) có nghĩa là dùng sức mạnh để làm một điều gì; dùng sức mạnh để tràn tới, xông vào; dùng sức chen lấn nhau để giành lấy điều gì. Khi dùng trong thể thụ động (như trong Ma-thi-ơ 11:12) thì có nghĩa là bị xâm chiếm.

Từ những ngày của Giăng Báp-tít cho tới nay” là kể từ khi Giăng Báp-tít rao giảng về sự ăn năn cho tới thời điểm Đức Chúa Jesus đang phán.

Vương Quốc Trời bị xâm chiếm” là Vương Quốc Trời bị nhiều người dùng sức mạnh, chen lấn nhau để vào.

Và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó” là những người sốt sắng, gắng sức tìm vào Vương Quốc Trời thì đã vào được.

Đức Chúa Jesus chọn dùng động từ “bị xâm chiếm” gợi ra hình ảnh Vương Quốc Trời bị một đám đông người gắng hết sức, tìm đủ mọi cách để xâm nhập. Họ muốn được vào trong Vương Quốc Trời để hưởng những sự tốt lành trong vương quốc.

Trong một dịp khác, Đức Chúa Jesus đã phán:

Luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng. Kể từ đó, Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng, và ai nấy gắng sức vào đó.” (Lu-ca 16:16).

Động từ “gắng sức” cũng chính là động từ được dịch là “xâm chiếm” (G971) trong Ma-thi-ơ 11:12. Mệnh đề “ai nấy gắng sức vào đó” có thể diễn ý như sau: ai nấy đều cố gắng hết sức mình, tràn tới, chen lấn nhau, xông vào đó để xâm chiếm.

Và như vậy, Vương Quốc Trời đã đến gần là do Tin Lành được rao giảng. Nhờ tin và làm theo sự giảng dạy ấy mà người ta vào được Vương Quốc Trời. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định:

Mà nếu Ta cậy thần quyền của Thiên Chúa để trừ quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.” (Ma-thi-ơ 12:28).

Để đáp lại câu hỏi của những người Pha-ri-si: Khi nào Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến? Đức Chúa Jesus đã phán với họ:

…Vương Quốc của Đức Chúa Trời không đến với sự quan sát. Người ta cũng sẽ không nói: Kìa, ở đây! Hay là: Kìa, ở đó! Vì này, Vương Quốc của Đức Chúa Trời ở bên trong các ngươi.” (Lu-ca 17:20-21).

Vương Quốc của Đức Chúa Trời không đến với sự quan sát” có nghĩa là không phải bởi sự quan sát của con mắt xác thịt mà người ta nhận biết sự đến của Vương Quốc Trời. Vì trong thời kỳ bấy giờ và kéo dài cho đến cuối Kỳ Tận Thế, vương quyền của Vương Quốc Trời chỉ thể hiện trong lòng những ai tin nhận Tin Lành. Vương quyền ấy không thể hiện bên ngoài trên các sinh hoạt của muôn loài như trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời. Chúng ta có thể gọi đây là thời kỳ Vương Quốc Nội Tại.

Trong thời kỳ Vương Quốc Nội Tại, Đấng Christ là vua. Ngài cầm quyền cai trị tuyệt đối trong đời sống của những ai tin nhận Tin Lành và trong Hội Thánh, là tập thể bao gồm bất cứ ai tin nhận Tin Lành. Nhưng mỗi con dân Chúa được đồng trị với Đấng Christ trên chính mình. Nghĩa là mỗi con dân Chúa dự phần cai trị thân thể xác thịt của mình bằng thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa, để nó không còn phạm tội nữa, mà trở thành công cụ làm ra những sự công chính của Đức Chúa Trời.

Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó. Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công chính cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công chính cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:12-13).

…nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Trong Hội Thánh, một số con dân Chúa được Chúa kêu gọi vào chức vụ trưởng lão để cùng Đấng Christ cai trị Hội Thánh của Ngài.

Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý.” (I Ti-mô-thê 5:17).

Chúng ta là những người có phước nhất trong tất cả những con dân của Chúa, kể từ thời A-đam cho tới cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Vì chúng ta được có mặt và dự phần ngay trong thời kỳ đầu tiên của Vương Quốc Trời; được thuộc về Hội Thánh, là tập thể của những vua đồng trị Vương Quốc Trời với Đấng Christ (Khải Huyền 1:6; II Ti-mô-thê 2:12). Nếu chúng ta trung tín cho đến chết hoặc cho tới khi Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì chúng ta cũng sẽ đồng trị với Ngài trong Vương Quốc Ngàn Năm và trong Vương Quốc Đời Đời.

Hiện nay, trong thời kỳ Vương Quốc Nội Tại, mỗi con dân Chúa có các bổn phận chung sau đây:

  • Nuôi mình bằng Lời Chúa và hành xử theo Lời Chúa qua sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo.

Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Cuốn Sách Luật Pháp này” vào thời điểm Chúa phán với Giô-suê là năm sách đầu của Thánh Kinh. Và khi đó, Thánh Kinh chỉ mới vừa được ghi chép từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký. Còn hiện nay, “cuốn Sách Luật Pháp” là toàn bộ Thánh Kinh, bao gồm Cựu Ước và Tân Ước. Vì Lời Chúa chính là luật pháp và các điều răn của Chúa.

Nhưng Ngài đã phán, đã trả lời: Đã được chép rằng, loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3]” (Ma-thi-ơ 4:4; Lu-ca 4:4).

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm]” (II Ti-mô-thê 3:16).

Sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo giúp cho chúng ta được thánh hóa bởi Lời Chúa (Giăng 17:17); được hiểu biết Lời Chúa ngày càng hơn và càng thêm sự khôn sáng. Các sự đó là cần thiết cho sự đồng trị của chúng ta với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời. Lời Chúa cũng là nền tảng và năng lực cho mọi việc làm của chúng ta từ trong đời này cho tới đời sau. Chắc chắn chức vụ và thẩm quyền của chúng ta trong Vương Quốc Trời sẽ tùy thuộc vào sự chúng ta đọc, suy ngẫm, và sống theo Lời Chúa trong cuộc đời này.

  • Cùng nhau chịu khổ vì danh Chúa như một người lính giỏi của Đấng Christ:

Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Chịu khổ vì danh Đấng Christ là không vì quyền lợi, thú vui, sự tự do, phương tiện sống, nhu cầu trong cuộc sống, hay mạng sống mà làm ra bất cứ điều gì khiến danh Chúa bị sỉ nhục hoặc chối bỏ danh Chúa.

  • Rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi cho nhiều người, khiến cho họ trở nên những môn đồ của Đấng Christ:

Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Ngài phán với họ: Hãy đi đến khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người!” (Mác 16:15).

Rao giảng Tin Lành bằng chính nếp sống yêu thương, thánh khiết, công chính theo Lời Chúa, và bằng lời nói, bằng mọi phương tiện truyền thông Chúa ban cho, như các trang mạng xã hội.

Ngoài ra, mỗi con dân Chúa được Chúa ban cho những bổn phận riêng, như:

  • Bổn phận làm ông bà, cha mẹ.

  • Bổn phận làm vợ hoặc chồng.

  • Bổn phận làm con cháu.

  • Bổn phận làm chủ hoặc tớ.

  • Bổn phận làm cấp trên hoặc cấp dưới trong nơi làm việc.

  • Bổn phận làm thầy cô hoặc học trò trong học đường.

  • Bổn phận công dân đối với quốc gia.

  • Bổn phận đối với những người lân cận.

  • Bổn phận đối với các quyền được trao vào tay mình.

  • Và trên hết là bổn phận đối với những anh chị em cùng Cha.

Điều quan trọng là mỗi con dân Chúa phải nhận biết vị trí Chúa đặt để cho mình, chớ tự tôn cao mình hơn vị trí Chúa đã định cho mình trong từng thời điểm. Giô-sép có lúc bị bán làm nô lệ, có lúc được làm quản gia trong một nhà quyền thế, có lúc bị tù oan, và có lúc được làm tể tướng của một đế quốc. Trong mỗi một vị trí và thời điểm Chúa định cho Giô-sép, ông đều sống nếp sống làm tôn vinh danh Chúa và được đầy ơn của Ngài.

Vậy, nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong các anh chị em, chớ có ai suy nghĩ về mình cao hơn như đáng phải nghĩ, nhưng phải suy nghĩ cách sáng suốt, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phân chia cho từng người.” (Rô-ma 12:3).

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Mỗi người được gọi ở trong chỗ nào thì cứ ở trong chỗ ấy với Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 7:24).

Hiện nay, mỗi một con dân Chúa đang ở trong môi trường được huấn luyện cho các chức vụ, mà Đấng Christ sẽ giao cho mỗi người trong Vương Quốc Ngàn Năm và trong Vương Quốc Đời Đời. Lời Chúa phán:

Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ thì cũng bất nghĩa trong việc lớn.” (Lu-ca 16:10).

Trung tín có nghĩa là làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người, khiến thân thể xác thịt của mình trong đời này làm ra các việc ích lợi cho Vương Quốc Trời.

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó. Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công chính cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công chính cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:12-13).

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em. Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:1-2).

Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Mọi bổn phận của chúng ta trong đời này, từ bổn phận đối với những người trong thế gian cho đến bổn phận đối với các anh chị em trong Chúa, đều là bổn phận đối với Chúa. Vì đó là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Chính vì thế mà Lời Chúa dạy rằng:

Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, là Đấng Christ.” (Cô-lô-se 3:23-24).

Mọi việc làm của chúng ta phải xuất phát từ tấm lòng yêu kính Chúa, biết ơn Chúa, và yêu người khác chứ không phải để được loài người khen ngợi, không phải chỉ để thu lợi cho chính mình, cũng không phải để làm cho xong việc vì bổn phận. Có như vậy, chúng ta mới có động lực chính đáng để sống và làm việc; được vui thỏa trong Chúa, có năng lực vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, làm tôn vinh danh Chúa.

I Cô-rinh-tô 3:11-15

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Chúng tôi xin trích lại phần chú giải năm câu Thánh Kinh trên trong bài giảng “Chú Giải I Cô-rinh-tô 03:09-15 Khái Niệm Sai Lầm về Môn Đồ của Đấng Christ – Phần 1”, như sau:

[Trích:]

Vàng, bạc, và đá quý là các loại vật liệu quý giá, bền chắc. Gỗ, cỏ khô, rơm rạ là các loại vật liệu rẻ tiền, không bền chắc. Mỗi thứ đều có công dụng riêng trong việc xây dựng. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dùng hình ảnh các loại vật liệu dùng trong xây dựng, để so sánh với phẩm chất và giá trị những công việc do con dân Chúa làm ra trong cuộc đời này.

Là con dân Chúa, chúng ta vừa là những người lính chiến, vừa là những công nhân xây dựng. Ê-phê-sô 6:10-18 dạy chúng ta trang bị và tận dụng các khí giới của Đức Chúa Trời để chiến đấu. I Cô-rinh-tô 3:9-15 dạy chúng ta về sự lựa chọn các loại vật liệu trong công tác xây dựng thuộc linh để gây dựng bản thân và Hội Thánh. Sự lựa chọn các loại vật liệu trong công việc xây dựng đời sống đức tin trong Đấng Christ và trên Đấng Christ là sự lựa chọn phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em cùng đức tin với mục đích gì, với thái độ như thế nào. Cùng một việc làm mà giá trị và sự còn lại lâu dài của việc ấy có thể là vàng, bạc, đá quý, hoặc là gỗ, cỏ khô, hay rơm rạ. Vàng, bạc, và đá quý là những việc làm có ích, có gây dựng, làm tôn vinh danh Chúa và được chúng ta hết lòng mà làm (Cô-lô-se 3:23). Gỗ, cỏ khô, và rơm rạ cũng là những việc làm có ích, có gây dựng, làm tôn vinh danh Chúa nhưng không được chúng ta hết lòng mà làm, chỉ làm cho có làm, hoặc chỉ làm để tìm kiếm vinh quang cho chính mình, hoặc lầm bầm, than thở, không vui trong khi làm.

Công tác xây dựng Hội Thánh đòi hỏi con dân Chúa hy sinh bản thân về nhiều phương diện, dâng hiến thì giờ, tiền bạc, khả năng, công sức. Giá trị của sự hy sinh, dâng hiến không tùy thuộc vào mức độ hay số lượng, mà tùy thuộc vào tấm lòng: lòng yêu Chúa, yêu người, thuận phục, hiến dâng, và gắng hết sức trong mọi việc.

Người đàn bà góa nghèo khổ, chỉ dâng hiến lên Chúa có hai đồng tiền bằng một phần tư xu, nhưng giá trị của hai đồng tiền ấy là toàn bộ tài sản của bà.

[Hết trích.]

Thời kỳ Vương Quốc Nội Tại đã sắp kết thúc. Thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sắp sửa mở ra. Vậy, mỗi chúng ta hãy hết sức trung tín để ai nấy sẽ được bước vào Vương Quốc Ngàn Năm.

Chúng tôi rất đau lòng khi thấy trong Hội Thánh có nhiều người vẫn sợ khổ vì danh Chúa; có nhiều người vẫn ham mê những thú vui, những tiện ích, những xa hoa, giàu có của thế gian; có nhiều người đang hầu việc chính mình thay vì hầu việc Chúa; có nhiều người hầu việc Chúa nhưng chỉ là cho có lệ, không sốt sắng bởi tình yêu và sự biết ơn dành cho Chúa. Nguyện những người ấy sớm ăn năn kịp lúc.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/02/2022

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Lời Nguyện Đầu Xuân”
https://karaokethanhca.net/loi-nguyen-dau-xuan/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/