Bài Giảng Trong Năm 2023: Một Ít Men

729 views

YouTube: https://youtu.be/sMOnfOSuMJI

202308 Bài Giảng Trong Năm 2023
Một Ít Men

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Chúng ta thật sự đang sống trong những ngày cuối cùng, trước khi Đức Chúa Trời đoán phạt toàn thế gian bằng Kỳ Tận Thế. Và trước khi Kỳ Tận Thế xảy ra thì Đấng Christ sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Vì sao chúng ta biết như vậy? Vì Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh đã tiên tri như vậy. Và lời tiên tri ấy đến trực tiếp từ Đức Chúa Jesus Christ. Không phải là một sự ngẫu nhiên, khi sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng trong Thánh Kinh, là lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ về những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử nhân loại.

Đối với những ai không tin nhận Đấng Christ thì họ chẳng cần phải quan tâm đến lời tiên tri của Ngài. Nhưng đối với những ai xưng nhận mình là người tin nhận Đấng Christ mà lại không suy ngẫm, không tìm hiểu lời tiên tri của Ngài thì e rằng, những người ấy không phải là những người thật lòng tin nhận Đấng Christ. Họ hướng đến những sự thuộc về đời này hơn là hướng đến hy vọng phước hạnh Đấng Christ ban cho họ. Có lẽ họ nghĩ rằng, chỉ cần họ tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là đủ; nhưng họ không hiểu rằng, Lời Chúa dạy, mỗi người phải xây dựng đời sống của mình trên Đấng Christ.

I Cô-rinh-tô 3:10-15

10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng mà người khác xây cất trên đó. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất trên đó như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Mà để một người có thể xây dựng đời sống trên Đấng Christ một cách đầy kết quả, đẹp lòng Ngài thì người ấy phải luôn hướng về sự đến của Ngài, lấy đó làm mục đích của đời sống. Có như vậy, mọi việc người ấy làm ra trong những ngày còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại sẽ là vàng, bạc, và đá quý, còn lại cho tới đời đời. Có như vậy, con dân Chúa mới có thể bước vào thiên đàng với sự ban thưởng của Đấng Christ.

Về sự đến của Đấng Christ dành riêng cho Hội Thánh, Thánh Kinh đã giúp chúng ta hiểu rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào. Vì các dấu hiệu hay các điềm về sự đến của Ngài đã xảy ra trong thế kỷ 20.

Dấu hiệu thứ nhất là Thế Giới Đại Chiến I (28/07/1914 – 11/11/1918) và Thế Giới Đại Chiến II (01/09/1939 – 02/09/1945). Dấu hiệu thứ nhì là sự tái lập quốc của dân I-sơ-ra-ên. Sau hơn 2.500 năm bị mất nước, mất chủ quyền trên vùng Đất Hứa Ca-na-an, vì liên tiếp phạm tội trọng, nghịch lại Thiên Chúa, dân I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời tái lập quốc trên Đất Hứa, vào ngày 14/05/1948. Dấu hiệu thứ ba là sự dân I-sơ-ra-ên đã chiếm quyền làm chủ trên thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967.

Vào ngày 06/12/2017, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo Hoa Kỳ công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của quốc gia I-sơ-ra-ên. Sự kiện đó có thể được xem như là dấu hiệu I-sơ-ra-ên đã sẵn sàng cho sự tái sinh thuộc linh, như đã được tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 37:10. Đồng thời cũng là dấu hiệu đã đến thời điểm I-sơ-ra-ên xây dựng lại Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Đó sẽ là Đền Thờ thứ ba và AntiChrist sẽ vào ngồi trong đó, xưng mình là Đức Chúa Trời vào giữa Kỳ Tận Thế (Đa-ni-ên 9:27; Ma-thi-ơ 24:15; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Hiện nay, tổ chức “Viện Đền Thờ” (Temple Institute) [1], [2], [3] tại I-sơ-ra-ên đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa. Họ đã có đủ mọi vật liệu xây dựng trong tay. Họ đã tạo ra đủ các khí cụ dùng trong Đền Thờ. Họ cũng đã và đang huấn luyện những người Lê-vi và các thầy tế lễ phục vụ trong Đền Thờ. Công trình xây dựng Đền Thờ có thể được hoàn tất trong bảy tháng.

Vào đầu tháng Bảy năm nay, đã có ba con bò cái sắc hoe được đưa từ Hoa Kỳ sang I-sơ-ra-ên để nuôi tại I-sơ-ra-ên, sẵn sàng cho việc dâng tế lễ cung hiến Đền Thờ, khi Đền Thờ được xây xong [4].

Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng hình ảnh cây vả đâm chồi, nứt lộc, báo hiệu mùa hạ đang đến để tiêu biểu cho sự kiện dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967, báo hiệu sự đến của Ngài và Kỳ Tận Thế. Đức Chúa Jesus Christ phán rằng, dòng dõi chứng kiến sự kiện ấy, tức sự kiện dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem, sẽ không qua đi, trước khi Kỳ Tận Thế kết thúc.

Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết rằng, mùa hạ gần đến. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho tới khi mọi điều ấy được ứng nghiệm!” (Ma-thi-ơ 24:32-34).

Một thế hệ tức là một đời người. Theo Thi Thiên 90:10 thì một đời người khoảng chừng 70 năm hoặc 80 năm. Lấy năm 1967 cộng cho 70 hoặc 80 chúng ta có năm 2037 hoặc năm 2047. Trừ đi thời gian bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế chúng ta có năm 2030 hoặc năm 2040. Đó là một trong hai thời điểm muộn nhất để Đấng Christ đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng ta đang ở trong năm 2023. Như vậy, chúng ta sẽ còn nhiều lắm là từ bảy cho tới 17 năm, sống trong thân xác này, trước khi Đấng Christ đến.

Nhưng nếu lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 được áp dụng cho sự Đức Chúa Trời phục hồi dân I-sơ-ra-ên phần thuộc linh và bắt đầu Kỳ Tận Thế, thì Kỳ Tận Thế có thể xảy ra vào năm 2027. Dân I-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đấng Christ, khiến Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá vào năm 27, nên Đức Chúa Trời đánh phạt họ trong hai ngày mà mỗi ngày tương ứng 1.000 năm. Sau hai ngày, tức 2.000 năm, dân I-sơ-ra-ên bị đánh phạt thì Đức Chúa Trời sẽ phục hồi họ. Như vậy, có thể Đức Chúa Trời sẽ phục hồi dân I-sơ-ra-ên phần thuộc linh sau Lễ Vượt Qua của năm 2027, là lúc tròn 2.000 năm dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ.

Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.” (Ô-sê 6:1-2).

Nếu Đức Chúa Trời phục hồi phần thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên và bắt đầu Kỳ Tận Thế vào năm 2027 thì trước đó, Đấng Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Như vậy, Đấng Christ sẽ đến đón Hội Thánh bất kỳ lúc nào, trước ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027. Và như vậy, thời gian chúng ta còn sống trong thân xác này sẽ không đầy bốn năm.

Chúng tôi tin rằng, Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào và chúng tôi hy vọng Ngài sẽ đến trước ngày Lễ Vượt Qua năm 2027. Tuy nhiên, chúng tôi cũng buồn lòng khi gần đây, trong Hội Thánh lộ ra sự kiện có một số người vẫn sống trong tội. Dù biết rằng, trong Hội Thánh lúc nào cũng có những người không hết lòng với Chúa, nhưng chúng tôi thấy tiếc cho những người đã được tiếp cận lẽ thật của Lời Chúa rất nhiều mà vẫn ham thích sống theo ý riêng. Nhất là khi ngày Đấng Christ đến đã quá gần.

Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với quý ông bà anh chị em ý nghĩa và sự áp dụng Ga-la-ti 5:9:

Một ít men làm cho dậy cả đống bột.”

Chúng tôi mong rằng, bài chia sẻ này sẽ giúp tỉnh thức những ai chưa hết lòng với Chúa.

Men dùng làm bánh là một vi sinh vật thuộc loài nấm. Khi men được trộn vào bột, chúng tiêu hóa đường trong bột và sản xuất thán khí, tức là khí carbonic (CO2) làm bột phồng lên. Điều này giúp tạo ra khí bên trong bột, làm cho bánh nở và nhẹ hơn trong quá trình hấp, nướng. Men làm bánh thường được sử dụng để làm bánh mì, bánh bao, và nhiều loại bánh khác. Đặc tính của men là làm thay đổi tính chất của bột và làm cho bột trương lớn hơn. Thánh Kinh sử dụng đặc tính men làm biến đổi tính chất của bột để ám chỉ sự tội lỗi làm hư hỏng bản tính của loài người. Đức Chúa Jesus gọi giáo lý sai trái Thánh Kinh cùng sự giả hình của những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là men; và Ngài cảnh báo các môn đồ của Ngài phải đề phòng (Ma-thi-ơ 16:6, 11-12; Lu-ca 12:1). Đức Chúa Jesus cũng dùng đặc tính men làm trương phồng bột cách nhanh chóng để chỉ tính chất phát triển của Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 13:33; Lu-ca 13:20-21). Như vậy, men có thể dùng tiêu biểu cho sự xấu mà cũng có thể dùng tiêu biểu cho sự tốt. Tương tự như vậy là sự sư tử được dùng để tiêu biểu cho Ma Quỷ (I Phi-e-rơ 5:8) nhưng cũng được dùng để tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus (Khải Huyền 5:5).

Một ít men làm cho dậy cả đống bột như thế nào thì một ít tội lỗi cũng làm cho hư hỏng trọn đời sống của một người như thế ấy. Có bốn loại tội thường gặp trong đời sống của con dân Chúa: kiêu ngạo; tự ái không đúng; tham lam tiền bạc, của cải; và ham muốn sự tà dâm.

Sự kiêu ngạo đứng hàng đầu trong các loại tội và cũng là nguồn gốc phát sinh ra đủ các loại tội khác. Lu-xi-phe, một trong các thiên sứ của Thiên Chúa, đã vì kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa nên đã phạm tội mà trở thành Sa-tan (Ê-sai 14:12-15; Ê-xê-chi-ên 28:11-19). Loài người đã vì kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa nên đã phạm tội và bị hư mất đời đời (Sáng Thế Ký 3:5-6). Sự kiêu ngạo là tội lỗi vì kẻ kiêu ngạo tự đánh giá mình cao quá mức, cho rằng, mình tốt hơn, hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, quan trọng hơn, đáng được ngưỡng mộ và tôn phục hơn những người khác. Sự kiêu ngạo có nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Nhưng đặc tính chung của sự kiêu ngạo là xem mình có giá trị hơn người khác và tìm kiếm sự khen ngợi, thán phục của người khác. Tức là tìm kiếm sự vinh quang cho bản thân, trong khi tất cả những gì tốt lành một người có được đều là sự ban cho của Thiên Chúa. Ngay cả sự thực hữu của người ấy là sự ban cho lớn nhất của Thiên Chúa. Vì thế tất cả đều phải quy sự vinh quang và lời cảm tạ đến Thiên Chúa.

Một người có thể trung thực khẳng định khả năng, sự hiểu biết, và tất cả những sự tốt lành khác của mình; nhưng không phải để khoe khoang kiêu ngạo mà để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa; đồng thời để người khác biết mình có thể giúp được gì cho xã hội. Chỉ cần mục đích của sự khẳng định là để tìm kiếm sự khen ngợi, thán phục của người khác thì đó là sự khoe mình trong kiêu ngạo.

Trong Hội Thánh, kẻ kiêu ngạo cho rằng, mình hiểu biết Lời Chúa hơn người khác nên không tiếp nhận lời khuyên hoặc ý kiến của người khác. Kẻ ấy không hiểu hoặc không chấp nhận mệnh lệnh của Đức Thánh Linh là:

Hãy kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục nhau.” (Ê-phê-sô 5:21).

Một số người ở trong chức vụ chăn bầy hoặc trưởng lão có sự kiêu ngạo, muốn các anh chị em trong Hội Thánh phải tỏ thái độ cung kính đối với mình, dù mình nhỏ tuổi hơn họ. Những người ấy không hiểu hoặc không chấp nhận mệnh lệnh của Đức Thánh Linh:

Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

Người hầu việc Chúa trong các chức vụ đáng được tôn trọng nhưng không thể đòi hỏi các anh chị em lớn tuổi hơn mình phải có thái độ cung kính đối với mình.

Sự kiêu ngạo cũng khiến cho một người làm sai không nhận mình sai nhưng tìm cách ngụy biện để chứng tỏ mình đúng, hoặc đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Sự kiêu ngạo nhiều khi rất tinh vi, khiến người kiêu ngạo và những người khác cũng không nhìn thấy, mà chỉ có Thiên Chúa biết. Một người thể hiện bên ngoài rất là khiêm nhường nhưng bên trong có thể có lòng mong muốn người khác khen mình là khiêm nhường.

Tự ái là tự mình yêu mình, là đặc tính Chúa ban cho mỗi người. Có tự mình yêu mình thì mới biết tự chăm sóc mình và tự bảo vệ mình. Chính Chúa dạy loài người, hãy yêu người khác như yêu chính mình. Nhưng rất nhiều khi người ta tự ái không đúng. Tự ái không đúng là không chấp nhận cho người khác phê bình, góp ý mình, kể cả những khi mình sai trái. Sự tự ái không đúng cũng chính là một hình thức của sự kiêu ngạo.

Sự tham lam tiền bạc, của cải khiến cho người ta chỉ nghĩ đến việc làm sao kiếm cho được nhiều tiền, làm sao sở hữu được những tiện nghi vật chất. Người tham lam tiền bạc, của cải không hiểu hoặc không chấp nhận mệnh lệnh của Đức Thánh Linh:

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Sự tham lam tiền bạc thể hiện khi một người muốn kiếm tiền nhanh, như: mua vé số, cờ bạc, đầu tư chứng khoán, mua bán tiền ảo. Nhưng bất cứ việc kiếm tiền nào không phải do lao nhọc làm việc, không có sự trả giá cho công sức lao động mà chỉ dựa vào xác suất thành bại thì đều là một hình thức cờ bạc.

Nhiều người nghĩ rằng, họ không tham lam tiền bạc mà chỉ nghĩ cách làm sao cho có tiền để trang trải trong cuộc sống. Nhưng nếu một người luôn nghĩ đến sự kiếm tiền thì tiền bạc đã trở thành thần tượng trong tâm trí của người ấy. Người thật sự có đức tin nơi Thiên Chúa sẽ hướng lòng tìm kiếm Thiên Chúa và vững tin nơi sự quan phòng của Ngài. Vì Đức Chúa Jesus đã dạy rõ, chính Đức Chúa Trời sẽ ban cho những ai có lòng tìm kiếm Vương Quốc Trời tất cả những nhu cầu trong cuộc sống (Ma-thi-ơ 6:33).

Nhu cầu thỏa mãn tình dục là một ơn phước Thiên Chúa ban cho loài người. Nhưng sự thỏa mãn tình dục phải được thực hiện trong quan hệ vợ chồng, giữa một người nam và một người nữ, theo như Thiên Chúa đã quy định. Tất cả những hình thức thỏa mãn tình dục ngoài hôn nhân đều là tà dâm. Người sống trong sự phạm tội tà dâm là người không hiểu hoặc không chấp nhận mệnh lệnh của Đức Thánh Linh:

Hãy tránh xa sự tà dâm! Mỗi một tội mà người ta làm đều ở ngoài thân thể; nhưng kẻ phạm tà dâm thì phạm tội nghịch lại chính thân thể mình. Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:18-20).

Ngày nay, với phương tiện truyền thông đại chúng Liên Mạng Toàn Cầu (Internet) và vô số những khu mạng khêu gợi tà dâm miễn phí, người ta càng dễ bị cám dỗ phạm tội tà dâm hơn lúc nào hết. Tội tà dâm cũng là tội khó từ bỏ hơn hết, nhất là tội tà dâm đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, với lòng ăn năn chân thành và bởi quyền năng của Thiên Chúa, bất cứ tội nào cũng sẽ được chính Thiên Chúa đem ra khỏi một người, và đem xa khỏi người ấy, như phương đông xa cách phương tây (Thi Thiên 103:12).

Ngày Đấng Christ đến đã rất gần, có thể xảy ra ngay khi chúng ta thở hơi kế tiếp. Vậy, chúng ta hãy hết lòng cậy sức toàn năng của Thiên Chúa để sống thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, sẵn sàng được Đấng Christ đem chúng ta vào thiên đàng.

Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, cũng chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/07/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://templeinstitute.org/

[2] https://www.israeltoday.co.il/read/the-third-temple/

[3] https://www.jewishvoice.org/read/article/update-building-third-temple

[4] https://www.israeltoday.co.il/read/israelis-come-to-see-red-heifer-and-discuss-the-temple/

Karaoke Thánh Ca: “Sống Theo Lời Chúa”
https://karaokethanhca.net/song-theo-loi-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.