Ăn Năn

3,409 views

Ăn Năn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive:https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

I. Ý nghĩa của sự ăn năn

Chúng ta đã biết Thánh Kinh Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp. Chữ ăn năn trong Cựu Ước có nghĩa là: “quay khỏi sự dữ và quay về cùng Đức Chúa Trời” [1]. Chữ ăn năn trong Tân Ước có nghĩa là: “thay đổi tư tưởng,” là “hồi tâm chuyển ý, hướng đến sự tốt lành” [2]. Nói một cách ngắn gọn, ăn năn có nghĩa là quay lại và quay lại ở đây có nghĩa là không tiếp tục sống trong tội, đi vào sự hư mất mà trở về với ơn tha thứ, ơn thánh hóa của Đức Chúa Trời, và đón nhận sự sống đời đời của Ngài. Thánh Kinh giải thích ý nghĩa của sự ăn năn như sau:

1. Từ bỏ thần tượng:

“…Hãy trở lại, xây bỏ thần tượng các ngươi, xây mặt khỏi mọi sự gớm ghiếc của các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 14:6).

2. Từ bỏ sự vi phạm luật pháp của Chúa, là những sự gian ác:

“…Hãy trở lại và xây bỏ mọi sự phạm pháp của các ngươi; vậy thì sự gian ác không trở nên cớ hư nát cho các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 18:30)

3. Từ bỏ nếp sống xấu (evil ways):

“Hãy nói cùng chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán: Thật như Ta hằng sống, Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?” (Ê-xê-chi-ên 33:11).

Ăn năn là thật lòng hối tiếc, quyết tâm từ bỏ những việc làm sai trái với tiêu chuẩn đạo đức mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lương tâm của chúng ta, đã phán dạy qua các tiên tri và sứ đồ của Ngài, đã ghi chép thành văn tự trong Thánh kinh, và nhắc nhở trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh. Như vậy, ăn năn là từ bỏ ý muốn phạm tội và từ bỏ những hành vi tội lỗi. Hơn thế nữa, ăn năn còn là quyết tâm làm những điều tốt lành đúng theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Một người có thể tạm ngưng những hành vi tội lỗi vì sợ bị luật pháp chế tài nhưng trong lòng thì luôn nuôi dưỡng ý muốn phạm tội. Như thế, khi có cơ hội phạm tội mà có thể không bị luật pháp chế tài, lập tức ý muốn phạm tội sẽ biến thành hành vi phạm tội.

Ê-sai 1:16, 17 ghi lại lời phán của Đức Chúa Trời như sau:

“Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt Ta. Đừng làm dữ nữa. Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa.”

Gia-cơ 4:8-10 ghi lại sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh như sau:

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.”

II. Đối tượng của sự ăn năn

Đối tượng của sự ăn năn là loài người tội lỗi đang đi vào sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Trong khi chúng ta lầm lỗi và chết mất trong tội ác của mình thì Đức Chúa Trời đã vì lòng thương xót mà ban cho chúng ta một biện pháp cứu rỗi (Rô-ma 5:8; Ê-phê-sô 2:1). Để có thể nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thoát ra khỏi hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chúng ta phải vâng theo mệnh lệnh: “Hãy ăn năn!” của Đức Chúa Trời.

Như vậy, hễ ai muốn được cứu rỗi, cần phải ăn năn. Sự ăn năn đó là sự ăn năn của người chưa được cứu, dẫn người ấy đến sự cứu rỗi.

Sau khi được cứu rỗi, được ban cho quyền phép để trở nên con cái của Đức Chúa Trời, một người vẫn còn khả năng phạm tội và vẫn có thể phạm tội vì yếu đuối trước cám dỗ (dùng sức riêng của mình chống cự cám dỗ thay vì dùng Danh Chúa, Lời Chúa, và sức Chúa), vì thiếu sự thông biết Lời Chúa (không cẩn thận tra cứu Thánh Kinh nên tin theo những dấu kỳ, phép lạ và những sự giảng dạy nghịch lại Thánh Kinh), vì không ý thức điều mình làm là tội (như Vua Đa-vít đã từng xưng nhận với Chúa trong Thi Thiên 19:12). Vì thế, người đã được cứu rỗi rồi, khi phạm tội vẫn cần phải ăn năn để được Đức Chúa Trời thành tín và công bình tha tội và làm cho người ấy được sạch tội (I Giăng 1:9).

III. Đặc tính của sự ăn năn

Ngày xưa, vào thời Tiên Tri Ê-sai, dân Y-sơ-ra-ên sống trong tội lỗi từ vua quan cho đến thứ dân nhưng cứ đến kỳ dâng lễ chuộc tội thì họ lại đem của lễ chuộc tội dâng hiến cho Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng khi dâng hiến tế lễ chuộc tội thì mọi tội lỗi của họ sẽ được Đức Chúa Trời tha thứ nhưng Đức Chúa Trời ghê tởm và chán ngán những sự ăn năn giả dối bằng hình thức bên ngoài của họ:

“Đức Giê-hô-va phán: Muôn vàn của lễ các ngươi nào có can hệ gì đến ta? Ta đã chán chê của lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu. Khi các ngươi đến chầu trước mặt ta, ai khiến các ngươi giày đạp hành lang ta? Thôi, đừng dâng của lễ chay vô ích cho ta nữa! Ta gớm ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày sa-bát cùng sự rao nhóm hội; ta chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể. Thật, lòng ta ghét những ngày trăng mới và kỳ lễ các ngươi, là nặng nề cho ta, ta lấy làm mệt mà gánh lấy. Vậy nên, khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu nguyện rườn rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu.” (Ê-sai 1:11-15)

Sự ăn năn chân thành phát xuất từ trong lòng chứ không phải là những hình thức, lễ nghi bên ngoài và những lời nói đầu môi, chót lưỡi. Thánh Kinh dạy rõ về cách thức ăn năn như sau:

“Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi…” (Giô-ên 2:13)

Sự ăn năn thật bao gồm những đặc tính sau đây:

1. Tội nhân chân thành nhận tội và xưng tội:

“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhơn từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, và được thanh sạch khi Chúa xét đoán.” (Thi Thiên 51:1-4)

“Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” (Lu-ca 18:13)

“Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:8-10)

2. Tội nhân quyết tâm lìa bỏ tội:

“Nếu tay hay là chơn ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, hãy chặt và ném nó cho xa ngươi đi; vì thà ngươi què chơn hay là cụt tay mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chơn mà bị quăng vào lửa đời đời. Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục.” (Ma-thi-ơ 18:8, 9)

“Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.” (Rô-ma 6:12, 13)

3. Tội nhân tiếp nhận sự thánh hóa từ Đức Chúa Trời:

“Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch; Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết… Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” (Thi Thiên 51:7, 10).

“Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:2).

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

4. Người đã ăn năn kết quả xứng đáng với sự ăn năn:

Sự ăn năn chân thật luôn luôn được thể hiện bằng những hành động tích cực phát xuất từ đáy lòng. Trong Ma-thi-ơ 3:8 và Lu-ca 3:8 ghi lại lời khuyên của Giăng Báp-tít đối với những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến cùng ông để chịu báp-tem bày tỏ lòng ăn năn tội:

“Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn!”

Trong Lu-ca 19:8 ghi lại hành động tích cực của Xa-chê, bày tỏ lòng ăn năn chân thật của ông:

“Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.”

Trong sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô, ông luôn kêu gọi người ta ăn năn và “làm công việc xứng đáng với sự ăn năn:”

“Nhưng đầu hết tôi khuyên dỗ người thành Đa-mách, kế đến người thành Giê-ru-sa-lem và cả xứ Giu-đê, rồi đến các dân ngoại rằng phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công việc xứng đáng với sự ăn năn.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:20).

5. Người đã ăn năn nhìn biết lẽ thật:

Khi những người có tội thật lòng ăn năn quay về cùng Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ tha thứ tội cho họ, làm cho họ được sạch tội và ban cho họ được hiểu biết lẽ thật, khiến họ tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi lưới của ma quỷ:

“Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó.” (II Ti-mô-thê 2:24-26).

Hiểu biết lẽ thật chính là hiểu biết Đấng Christ vì:

– Đấng Christ là: “Đường đi, Lẽ thật, và Sự sống” (Giăng 14:6).

– Đấng Christ là Ngôi Lời (Giăng 1:1) mà “Lời Cha là Lẽ thật” (Giăng 17:17)

Hiểu biết lẽ thật còn là hiểu biết Đức Thánh Linh và những gì Ngài dạy dỗ về tương lai, về Đấng Christ, bởi vì Đức Thánh Linh chính là Thần Lẽ Thật có nhiệm vụ dẫn con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật:

“Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (Giăng 16:13, 14)

Nhờ thật lòng ăn năn, dẫn đến sự hiểu biết lẽ thật mà chúng ta sống một đời sống đắc thắng trong Chúa, được Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi sức mạnh của tội lỗi, hậu quả của tội lỗi, và quyền lực của Satan, đồng thời Chúa cũng buông tha chúng ta ra khỏi hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Đó là điều Đức Chúa Jesus đã hứa với những ai tin nhận Ngài:

“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32)

Kết luận

“Hãy ăn năn!” là một mệnh lệnh mà Đức Chúa Jesus đã truyền cho tất cả mọi người. Đối với những ai chưa biết Chúa, chưa có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đang đi vào trong sự chết đời đời nơi hỏa ngục thì đây là mệnh lệnh dẫn họ đến với sự cứu rỗi nếu họ hết lòng thi hành. Đối với những ai đã tin nhận Chúa nhưng vẫn còn vấn vương với tội lỗi thì đây là mệnh lệnh dẫn họ đến với sự thánh hóa trọn vẹn nếu họ hết lòng thi hành.

Ngoài sự ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ không hề có một con đường nào khác để một người có thể thoát khỏi hình phạt đời đời nơi hỏa ngục mà vào trong cõi phước hạnh đời đời trong thiên đàng. Đức Chúa Trời khẳng định trong Thánh Kinh:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12)

Sự ăn năn chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đến với ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời vì Ngài đã hứa chắc trong Thánh Kinh:

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I GIăng 1:9)

Chúng ta hãy xin Chúa tra xét lòng mình, nhờ Đức Thánh Linh chỉ dẫn tất cả những tội lỗi còn dấu kín trong tâm tư để chúng ta khai trình trước Chúa và nhờ Ngài giúp sức để chúng ta từ bỏ. Không những chúng ta ăn năn về những điều xấu xa, gian ác chúng ta đã tư tưởng và làm ra mà chúng ta còn phải ăn năn vì đã không làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta làm. Khi ấy, những lời hứa của Đức Chúa Trời trong Ê-sai 58:8, 9 sẽ hiện thực trên chúng ta:

“Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ sau ngươi. Bấy giờ ngươi cầu, Đức Giê-hô-va sẽ ứng; ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây! ” (Ê-sai 58:8, 9)

A-men!

Ghi chú và tham khảo

[1] Ăn năn trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ (Hebrew) là שׁוּב (shûb) /shoob/ dịch ra Anh ngữ là “repent.”

[2] Ăn năn trong nguyên ngữ Hy-lạp (Greek) là μετανοέω (metanoeō) /met-an-o-eh’-o/ dịch ra Anh ngữ là “repent.”

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/01/2008