Hỏi & Đáp về Hình Thập Tự Giá

2,086 views

Hỏi & Đáp về Hình Thập Tự Giá

HỎI:

Cháu nghĩ rằng:

1. “Sự việc thập tự giá” – Chúa Jesus bị đóng đinh lên thập tự giá thì cháu cho rằng chúng ta luôn luôn phải nhớ đến, phải biết đến sự hi sinh của Chúa. Và đặc biệt chỉ khi chúng ta tin “sự chết “của Chúa trên thập tự giá, một người vô tội mà lại phải chết trên thập tự giá mới có thể cứu sống chúng ta; đồng thời chúng ta phải vác thập tự giá mỗi ngày theo như lời của sứ đồ Phao-lô đã nói (cháu hiểu câu này ý muốn nói là mỗi ngày chúng ta cũng phải chấp nhận chịu bắt bớ những khổ cực)

2. “Sự vật thập tự giá” – Thực sự khi nhìn thấy thập tự giá ở trong nhà thờ thì trong đầu cháu hiện lên 3 suy nghĩ tiêu cực vì:

  • Vào thời trước ai chỉ cần nghe đến chữ thập tự giá thôi thì cũng rùng mình khiếp sợ vì cái tính man rợ của nó. Những người bị đóng đinh trên thập tự giá họ không thể chết liền được mà phải sau từ 7-10 ngày mới chết được một cái chết cực kì đau đớn và khủng khiếp đến tận cùng. Thậm chí đến nỗi chính những người lãnh đạo La-mã cũng thấy nó vô cùng man rợ nên đã hủy bỏ hình phạt này. (Trong Thánh Kinh có chép rằng: “Ngươi chớ mang vật gì vào đền thờ mà làm kinh hãi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Nên cháu nghĩ thập tự giá thật đáng kinh hãi.)

  • Thập tự giá đã vào trong nhà thờ trong thời kì đen tối nhất của lịch sử Tin Lành của Chúa, và do những người Công Giáo cho vào chứ không phải đã xuất hiện từ thời kì huy hoàng. Và đặc biệt còn là vật thánh, là biểu tượng của Thiên Chúa Giáo, được đặt ở mọi nơi trong nhà thờ Thiên Chúa giáo… (Chỗ này cháu cho rằng: “Vật đến từ bóng tối, do họ nghĩ ra trước, vào thời kì tối tăm, và đã là biểu tượng của người Thiên Chúa Giao, nên cháu không muốn thấy nó.)

  • Thực sự thì có nhiều phim Công Giáo được trình chiếu và các diễn viên trong phim đã có hành động quỳ lạy thập tự giá. Cháu đã thử khảo sát rồi có nhiều người mới tin Chúa mà chưa được giảng dạy kĩ lưỡng thì chắc chắn họ sẽ quỳ lạy thập tự giá. Và việc đó khiến cháu thực sự cảm thấy rất buồn và nảy sinh lòng nghi ngờ.

Kết luận: Cháu vẫn tôn trọng quyền tự do của mỗi người, nhưng trong lòng thực sự thấy bất an khi nhìn thấy “sự vật”. Mong bác có thể giải thích thêm cho cháu hiểu hơn. Cảm tạ Chúa. Cảm ơn bác!

ĐÁP:

Chú hiểu cách suy nghĩ của cháu và chú tôn trọng cách suy nghĩ của cháu.

Tuy nhiên, việc treo hình thập giá trong nhà riêng hay trong nơi nhóm hiệp thờ phượng Chúa, hoặc đeo trên thân thể không có gì sai. Cháu hãy đọc lại các câu Thánh Kinh sau đây và thay đổi cách nhìn của mình về hình ảnh của thập tự giá:

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ rằng, thân thể tội lỗi của chúng ta cũng đã bị đóng đinh vào đó với Đấng Christ: Rô-ma 6:6 “Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không bị nô lệ cho tội lỗi nữa.”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ đến những Lời về lẽ thật của thập tự giá: I Cô-rinh-tô 1:18 “Bởi vì Lời về thập tự giá những kẻ bị hư mất cho là ngu dại, nhưng đối với chúng ta, là những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ rằng, chúng ta không còn vì chính mình mà sống, nhưng sống vì Đấng Christ: Ga-la-ti 2:20 “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự {sống} ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ rằng chúng ta đã thuộc về Đấng Christ, và đã chết đi tình cảm cùng mọi ham muốn của xác thịt: Ga-la-ti 5:24 “Những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt với tình cảm và sự tham muốn trên thập tự giá rồi.”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ khoe về thập tự giá của Đấng Christ: Ga-la-ti 6:14 “Còn như tôi, tôi sẽ chẳng khoe mình, ngoại trừ {khoe} về thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi {thập tự giá} ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ rằng, dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại đã được hiệp một trong Đấng Christ bởi thập tự giá: Ê-phê-sô 2:16 “Bởi thập tự giá Ngài đã phục hòa cả hai với Đức Chúa Trời trong một thân thể, qua đó, tiêu diệt sự thù nghịch…”

  • Chúng ta nhìn vào thập tự giá thì nhớ rằng, đừng bao giờ sống nếp sống thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ: Phi-líp 3:18 “Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.”

Sự chết là KẺ THÙ (I Cô-rinh-tô 15:26) nhưng Chúa vẫn dạy chúng ta hãy nhớ đến sự chết của Ngài. Cũng vậy, thập tự giá tiêu biểu cho tội lỗi, đau đớn và sỉ nhục nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn vào hình ảnh thập tự giá để nhớ đến lẽ thật từ bảy câu Thánh Kinh chú đã trích dẫn trên đây.

Ngoài ra, theo bộ “Bách Khoa Từ Điển Do-thái” (Jewish Encyclopedia) thì ngay từ thế kỷ thứ nhì (năm 101 đến năm 200, cũng hãy nhớ, sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 95), con dân Chúa đã dùng hình thập tự giá như một dấu hiệu hoặc dấu ấn, chứng tỏ họ thuộc về Đức Chúa Jesus Christ. Nguyên văn trong tiếng Anh: “The cross as a Christian symbol or ‘seal’ came into use at least as early as the second century” [1]. Dịch sang tiếng Việt: “Thập tự giá như là dấu hiệu hoặc ‘dấu ấn’ của Cơ-đốc nhân đã được dùng đến rất sớm, ít nhất là vào thế kỷ thứ nhì.” Trong khi đó, mãi đến thế kỷ thứ tư thì Công Giáo mới hình thành (qua Công Đồng Nai-xi-a Lần Thứ Nhất vào năm 325 [2], và chính thức áp đặt giáo quyền trên toàn đế quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380 [3]). Vì thế, không thể nói là Giáo Hội Công Giáo đem hình thập tự giá vào Hội Thánh.

Dĩ nhiên, làm ra thập tự giá với tượng của một người bị đóng đinh trên đó là phạm tội đúc, chạm hình tượng. Nhưng nếu chỉ là hình dáng của một thập tự giá thì không vi phạm điều răn của Chúa [4]. Con dân chân thật của Chúa thì biết rằng không thể quỳ lạy hình thập tự giá, hình gọi là “hình Chúa” [5], hay cuốn Thánh Kinh.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa bao phủ cháu.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
22/11/2017

Ghi Chú

Tải xuống PDF bài này tại đây: https://od.lk/f/MV8xNjAyMjU1NTJf

[1] http://jewishencyclopedia.com/articles/4776-cross

[2] http://www.newadvent.org/cathen/11044a.htm

[3] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[4] Xin đọc bài này: https://www.timhieutinlanh.com/sach-cac-dieu-ran-cua-thien-chua-7/

[5] Xin đọc bài này: https://www.timhieutinlanh.com/05_hinh-va-tuong-trong-hoi-thanh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.