Chứng Cớ của Đức Tin

2,939 views

Nhấp vào nút play  ►để nghe

Ðức tin và việc làm

Thánh Kinh định nghĩa:

Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1)

Ðức tin, cũng như tình yêu, là một khái niệm trừu tượng cho nên chúng ta không thể nhìn thấy, sờ mó nhưng chúng ta có thể nhận ra ảnh hưởng và kết quả của tình yêu hoặc đức tin. Chúng ta không thấy được tình yêu của Ðức Chúa Trời nhưng khi nhìn thấy Ðấng Christ treo thân trên thập tự giá thì chúng ta nhận ra: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài!” Chúng ta không nhìn thấy đức tin của Áp-ra-ham nhưng khi chúng ta nhìn thấy cánh tay của ông giơ lên đặng giết chết con mình làm của lễ thiêu dâng lên Ðức Chúa Trời thì chúng ta nhận ra: Áp-ra-ham tin rằng Ðức Chúa Trời có quyền làm cho kẻ chết sống lại (Hê-bơ-rơ 11:19).

Thánh Kinh ghi rõ:

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:8-10)

Nhiều người chỉ trích dẫn câu 8 và câu 9 của Ê-phê-sô đoạn 2 để minh chứng sự cứu rỗi mà chúng ta có được là bởi ân điển và đức tin chứ không phải bởi việc làm của chúng ta nhưng lại bỏ qua câu 10 là chứng cớ của đức tin và của sự tái sinh. Một lẽ thật khác nữa về đức tin được ghi rõ trong Thánh Kinh mà ít người nhắc đến, đó là: đức tin chân thật trong Ðấng Christ nếu không thể hiện thành hành động, tức việc làm, thì tự mình nó sẽ chết, và đức tin chết thì không thể nào dẫn đến sự cứu rỗi:

Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” (Gia-cơ 2:14, 17)

Trong ngụ ngôn gieo giống (Ma-thi-ơ 13), chúng ta thấy rõ có những người thực lòng, vui mừng, tin nhận đạo Chúa và đức tin của họ có lớn lên trong một khoảng thời gian. Về sau, hoặc không chịu nỗi sự cực khổ, bị bắt bớ vì theo đạo hoặc vì quá lo lắng về đời này, vì ham mê của cải mà đức tin trở nên nghẹt ngòi không đem lại kết quả.

Bởi ân điển nghĩa là bởi sự thương xót vô lượng vô biên của Ðức Chúa Trời và bởi đức tin của chúng ta vào trong ân điển của Ngài mà chúng ta được cứu rỗi. Nhưng điều gì chứng minh chúng ta có đức tin và điều gì làm bằng cớ chúng ta đã được cứu rỗi? Ðó chính là những việc lành chúng ta làm sau khi được cứu.

Chúng ta không làm lành để được cứu vì trước khi được cứu chúng ta không thể làm bất cứ một việc lành nào. Chúng ta chỉ có thể làm lành sau khi có đức tin và được cứu vì đó là kết quả của quyền năng Ðức Chúa Trời tuôn đổ trong chúng ta sau khi chúng ta được cứu bởi đức tin. Một người xưng rằng mình tin Chúa và đã được cứu rỗi mà đời sống không thể hiện những việc lành thì chắc chắn người đó chưa thật lòng tin Chúa và chưa hề nhận được sự cứu rỗi, chưa hề được dựng nên, tức được tái sinh, trong Ðấng Christ.

Chứng cớ của đức tin

Áp-ra-ham được Thánh Kinh liệt kê là một trong các anh hùng đức tin nhưng đồng thời ông cũng được Thánh Kinh xem là tổ phụ của những ai tin nhận Ðức Chúa Trời. Ga-la-ti 3:6, 7 chép như sau:

Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham.”

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét chứng cớ đức tin của Áp-ra-ham đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh và đối chiếu với đức tin của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết chắc chúng ta có cùng một đức tin như Áp-ra-ham đã có hay không. Ðức tin của Áp-ra-ham là đức tin đã qua sự thử luyện của Ðức Chúa Trời và đã được Ngài chấp nhận. Nếu đức tin của chúng ta có điều chi khác với đức tin của Áp-ra-ham thì hãy coi chừng, rất có thể chúng ta sẽ “trật phần ân điển” cho chính mình mà còn làm cho ô-uế nhiều người khác trong Hội Thánh, ngăn trở họ tiếp nhận ân điển của Chúa:

Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:15)

Sau khi Áp-ra-ham qua đời, Ðức Chúa Trời hiện đến cùng Y-sác là con của ông để tái lập lời hứa Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham. Sau khi lập lại những điều đã hứa cùng Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời phán cùng Y-sác rằng:

“Vì Áp-ra-ham đã vâng lời Ta và đã giữ điều Ta phán dạy: lịnh, luật và lệ của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5)

Lời phán đó của Chúa đã nói lên chứng cớ đức tin của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham tin Chúa thì Ngài kể ông là công bình nhưng điều gì chứng tỏ rằng ông đã tin Chúa? Ðó là sự kiện ông đã vâng lời Chúa, đã giữ điều Chúa phán dạy, tức là lịnh, luật, và lệ của Ngài. Như vậy, rõ ràng đức tin phải được thể hiện bằng hành động, tức việc làm. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các chứng cớ của đức tin.

  1. Vâng lời Chúa: Trong nguyên tác là vâng theo tiếng phán của Chúa. Trong cuộc đời của Áp-ra-ham ông bắt đầu vâng theo tiếng phán của Chúa ngay lần đầu tiên khi ông được Chúa phán bảo phải rời khỏi quê hương (Sáng Thế Ký 12:1, 4). Lần thứ hai ông vâng theo tiếng phán của Chúa dâng con trai của mình làm của lễ thiêu cho Ðức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 22).

    Ðức tin là khi chúng ta vâng theo tiếng phán của Chúa, đi theo Chúa, hoàn toàn phó thác tương lai của mình vào trong tay Chúa. Ðức tin là khi chúng ta vâng theo tiếng phán của Chúa dâng điều yêu quý nhất của mình lên cho Chúa.

    Tiếng phán chung của Chúa cho tất cả nhân loại ngày nay là: đi theo Chúa và dâng thân thể của mình lên cho Chúa.

    Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Mác 8:34)

    Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” (Rô-ma 12:1)

  2. Giữ điều Chúa phán dạy: Trong nguyên tác là tuân thủ những chỉ thị pháp lý. Những điều Chúa phán dạy chúng ta chính là các chỉ thị pháp lý vì chúng đều liên quan đến mạng lịnh và luật, lệ của Ngài. Ðức Chúa Trời phân biệt những điều Ngài phán dạy chúng ta thành ba hình thức:

    a) Lịnh (commandments) còn gọi là điều răn, là các mạng lịnh của Ðức Chúa Trời về cách thức Ngài muốn cho loài người cư xử với Ngài và với nhau. Lịnh của Ðức Chúa Trời là 10 điều răn được chép trong Cựu Ước (Xuất Ê-díp-tô Ký 20; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5) và được Ðức Chúa Jesus rút gọn lại thành hai điều trong thời Tân Ước:

    Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37-40)

    b) Luật (statutes) là những cách thức thi hành các điều răn của Ðức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước có hàng trăm cách thức thi hành các điều răn của Chúa, trong thời Tân Ước Ðức Chúa Jesus đã tóm gọn lại thành hai điều:

    Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:23, 24)

    Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12)

    c) Lệ (laws) là những cách thức xử lý sự vi phạm các điều răn của Ðức Chúa Trời. Trong Ðức Chúa Jesus Christ chúng ta không còn bị xử lý vì sự vi phạm các điều răn của Ðức Chúa Trời. Ðấng Christ đã gánh trọn hình phạt của tội lỗi thay cho chúng ta.

    Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.” (Rô-ma 8:1-4)

Kết luận

Thánh Kinh cho biết hễ ai tin Chúa thì được cứu nhưng Thánh Kinh cũng cho biết đức tin phải được thể hiện thành hành động, tức việc làm. Việc làm của đức tin là:

  1. Vâng theo tiếng Chúa gọi, chịu khổ đi theo Chúa và dâng thân thể mình lên Chúa, làm đồ dùng của sự công bình (Rô-ma 6:13).

  2. Giữ điều Chúa phán dạy, bằng cách suy gẫm ngày đêm và cẩn thận làm theo những điều đã chép trong Thánh Kinh (Giô-suê 1:8).

    Ðức tin không có việc làm là đức tin chết, không dẫn đến sự cứu rỗi. Ðiều đó không có nghĩa là chúng ta phải làm lành để được cứu mà là: Nếu chúng ta đã được cứu thì việc lành phải thể hiện trong nếp sống của chúng ta. Sự vâng phục Chúa thể hiện qua nếp sống của chúng ta chính là chứng cớ của đức tin, và là chứng cớ của sự tái sinh, chứng cớ của sự cứu rỗi đời đời chúng ta đã nhận được từ Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
11/05/2008