Nước Trời (06): Sự tuyển chọn

2,789 views

Nhấp vào nút play ►để nghe


Ngụ ngôn đánh cá

Điểm đặc biệt cần chú ý trong ngụ ngôn đánh cá, là: Mục đích của người đánh cá khi thả tay lưới xuống biển là để bắt cá, nhưng sau khi kéo lưới lên bờ thì lại ngồi mà lựa lấy cá tốt, còn cá xấu thì ném đi. Hình ảnh đó nói lên sự tuyển chọn theo một tiêu chuẩn đã được định trước. Sự tuyển chọn này dựa trên phẩm chất.

Tương tự như người đánh cá lựa chọn cá đã bắt được trong lưới, trong ngày sau rốt Đức Chúa Jesus cũng sẽ sai các thiên sứ của Ngài lựa chọn những người đã tuyên xưng đức tin của mình vào sự cứu rỗi của Đấng Christ. Sự lựa chọn này cũng được thực hiện dựa trên phẩm chất. Những người có phẩm chất tốt thì được chọn vào Nước Trời, những người có phẩm chất xấu thì bị ném vào hỏa ngục. Sự giám định phẩm chất tốt hay xấu, công bình hay gian ác trong sự tuyển chọn công dân của Nước Trời không theo tiêu chuẩn của loài người mà là theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Như vậy, không phải hễ bất kỳ ai mở miệng tuyên xưng mình là người tin Chúa, tin vào sự cứu rỗi của Ngài thì đều được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thật lòng tin nhận và làm theo lời dạy của Chúa:

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21)

Sự lựa chọn là cần thiết và chắc chắn sẽ xảy ra trong ngày sau rốt, vì Chúa là công chính, không ai có thể dối gạt được Ngài và Ngài cũng không vị nể ai:

“Đương lúc Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem để giữ lễ Vượt Qua, có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm, thì tin danh Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự thấu mọi điều trong lòng người ta.” (Giăng 2:22, 23)

“Vì trước mặt Đức Chúa Trời, chẳng vị nể ai đâu.” (Rô-ma 2:11)

“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7)

Có hai phẩm chất được Chúa nói đến trong sự lựa chọn người vào Nước Trời, đó là: phẩm chất ác và phẩm chất công bình. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hai phẩm chất này.

Kẻ ác

Thánh Kinh luôn luôn dùng từ ngữ kẻ ác hoặc kẻ dữ để nói về những người không thuộc về Chúa. Vì không thuộc về Chúa cho nên họ không vâng theo lời dạy của Chúa và cũng không có năng lực Chúa ban để có thểnsống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Những người không thuộc về Chúa đương nhiên là những người chống nghịch Chúa (Ma-thi-ơ 12:30).

Chữ kẻ ác trong ngụ ngôn đánh cá bao gồm nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, có nghĩa là người bị bệnh nan y, hoặc bị mù mắt. Theo nghĩa bóng, có nghĩa là người độc ác, hung dữ, không có đạo đức, không có sự nhận thức về Đức Chúa Trời và tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài.

Một người có thể độc ác, hung dữ, vô đạo đức một cách ngấm ngầm cho nên nhìn vào bề ngoài chúng ta không thể biết được thực chất ở trong lòng một người. Trong ngụ ngôn lựa cá, người đánh cá không lựa cá theo tiêu chuẩn lớn hay nhỏ, bắt mắt hay không bắt mắt, mà là lựa theo tiêu chuẩn tốt hay xấu. Tốt có nghĩa là loại cá thịt ngon, có giá trị, bán được nhiều tiền và xấu là loại cá không ai chịu mua. Như vậy, dù lớn hay nhỏ, dù bề ngoài nhìn có hấp dẫn hay không, không thành vấn đề, miễn là cá tốt thì được thu vào rổ, còn cá xấu thì bị ném bỏ, dù đã lọt vào lưới.

Giới Pha-ri-si thời Đức Chúa Jesus là những nhà lãnh đạo tôn giáo, bao gồm các thầy tế lễ, các trưởng lão của dân Israel… và tự hào họ là thành phần sùng tín, ngoan đạo, vâng giữ chi tiết các giới luật nhưng chính Đức Chúa Jesus phán về họ như sau:

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 23:27, 28)

Những người Pha-ri-si và thầy thông giáo (các nhà sao chép Thánh Kinh và dạy Thánh Kinh) thời Đức Chúa Jesus chính là những hình ảnh tiêu biểu cho kẻ ác.

Số phận của kẻ ác được Thánh Kinh nhắc đến rất nhiều, nhưng tất cả có thể tóm gọn trong hai câu:

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9)

“Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8) 

Người công bình

Danh từ công bình hay công chính cũng mang hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất nói đến đặc tính không thiên vị và không áp bức của Đức Chúa Trời. Nghĩa thứ hai nói đến những người bắt chước Chúa. Vì là bắt chước cho nên chưa được toàn hảo như Đức Chúa Trời, tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn gọi những người hết lòng, gắng sức sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài là những người công bình. Chúa xét tấm lòng chân thật của họ chứ Ngài không xét theo năng lực hay kết quả của họ. Cho dù họ có thể vẫn còn phạm tội nhưng sự phạm tội của họ không phải là cố ý vui thú trong tội như những kẻ ác, là những kẻ:

“Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” (Rô-ma 1:32)

Sự phạm tội của những người công bình là vì vô tình không biết hoặc vì yếu đuối nhất thời trước sự cám dỗ, và ngay sau khi được Chúa cáo trách họ thật lòng ăn năn thống hối như Đa-vít đã bày tỏ trong Thi Thiên 51:

“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhơn từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.” (Thi Thiên 51:1-3)

Người công bình còn là người được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi và kể họ là vô tội. Thánh kinh gọi đó là sự được xưng công bình hay được xưng nghĩa (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:39; Rô-ma 3:24, 26, 28, 30; 4:25; 5:1, 9, 16, 18; 8:33; Ga-la-ti 2:16, 17; 3:11, 24; 5:4; Tít 3:7; Hê-bơ-rơ 11:4; Gia-cơ 2:21, 24, 25).

Người thật lòng tin nhận Chúa, luôn khao khát vâng theo lời Chúa, được lời hứa vững chắc của Chúa như sau:

“Vì người công bình dầu sa ngã bảy lần, cũng chổi dậy; Còn kẻ hung ác bị tai vạ đánh đổ.” (Châm Ngôn 24:16)

Số phận của người công bình có thể tóm gọn trong những câu Thánh Kinh sau đây:

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” (Thi Thiên 1:1-3)

“Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, 17)

“Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:3, 4)

Kết luận 

Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô và Ba-na-ba để khuyên bảo các môn đồ của Chúa “phải bền đổ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22).

Chính Đức Chúa Jesus cũng báo trước là con đường vào Nước Trời rất nhỏ hẹp, khó đi, và ít người vào (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Cái phẩm chất để được kể là người công bình, được vào trong nước sáng láng đời đời của Đức Chúa Trời có thể tóm gọn lại như sau:

1. Ăn năn tội và tin nhận sự chuộc tội của Đấng Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; Rô-ma 10:9-13).

2. Nghe và làm theo lời Chúa (Ma-thi-ơ 7:21; Gia-cơ 2:26).

3. Chịu khổ vì danh Chúa, trung tín cho đến chết (II Ti-mô-thê 2:3; Khải Huyền 2:10).

Nếu chúng ta có đủ phẩm chất nói trên thì chúng ta là những con cá tốt trong lưới và sẽ được Đức Chúa Trời bỏ vào trong rổ của Ngài. Chúng ta là những người công bình mà “Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành” (Hê-bơ-rơ 11:16).

Huỳnh Christian Timothy
11/11/2007