Ăn Năn Tội

4,915 views

Ăn Năn Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tội lỗi là nan đề của nhân loại. Lịch sử của loài người là lịch sử đấu tranh khốc liệt giữa thiện và ác. Loài người bị tội lỗi tấn công, dập vùi dưới những đau khổ và bất công. Bản năng tự vệ khiến cho loài người chống trả tội lỗi để sinh tồn. Loài người chống trả tội lỗi bằng triết lý, tôn giáo, luật pháp, và bằng nỗ lực sống đạo đức, vị tha. Tuy nhiên, thế hệ này qua đi, thế hệ khác tiếp nối, loài người ngày càng lún sâu trong hố đen (black hole) của tội lỗi, bất chấp mọi nỗ lực phấn đấu, bất chấp lòng chân thành tuyệt đối muốn được giải thoát. Một người dầu chân thành đến đâu, dầu nỗ lực đến đâu, vẫn phải ngã gục trước quyền lực của tội lỗi.

Thánh Kinh chỉ dạy cho loài người con đường duy nhất thoát ra khỏi tội lỗi. Con đường đó bắt đầu bằng sự tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa qua Đức Chúa Jesus Christ và sự chân thành ăn năn tội.

I. Định nghĩa ăn năn tội

Từ ngữ “ăn năn” trong Thánh Kinh Việt Ngữ được dùng để dịch hai chữ khác nhau trong Thánh Kinh.

– Chữ thứ nhất, ít khi được dùng là metamellomai (μεταμέλλομαι 3338) [1]. Chữ này có nghĩa là “hối tiếc việc đã làm”, có thể dịch là hối tiếc, hối hận, thống hối. Thánh Kinh dùng chữ này trong trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, (Ma-thi-ơ 27:3).

– Chữ thứ nhì, thường được dùng là metanoeō (μετανοέω 3340) [2]. Chữ này có nghĩa là “quay trở lại”, có thể dịch là ăn năn, hối cải. Sứ điệp của Giăng Báp-tít dùng chữ này kêu gọi người nghe ăn năn để dọn mình, dọn lòng tiếp nhận Đấng Christ. Sứ điệp của Đấng Christ cũng dùng chữ này kêu gọi mọi người ăn năn để được vào Nước Trời.

Ăn năn ở đây là ăn năn về nếp sống tội lỗi. Như vậy, Thánh Kinh cho thấy ăn năn tội không chỉ là cảm giác hổ thẹn, hối tiếc về nếp sống tội lỗi, mà còn là ý muốn kiên quyết từ bỏ tội lỗi, ý muốn dứt khoát quay trở lại, là tấm lòng sẵn sàng chịu sửa đổi.

II. Ăn năn tội và xưng tội

Nhiều người hối tiếc những tội lỗi mình đã làm nhưng không chịu ăn năn cho nên tiếp tục đi trong con đường tội lỗi. Những người này cứ phạm tội, rồi hối tiếc, rồi lại phạm tội. Họ cứ miệt mài đi tới trên con đường một chiều của sự hư mất. Thỉnh thoảng, họ dừng lại than khóc, u sầu trong những trạm đau thương, thống hối bên đường, (là những cơ hội Thiên Chúa ban cho họ để ăn năn, hối cải), nhưng họ không chịu từ bỏ nếp sống tội, để rồi sau đó lại lê bước đi tiếp, cho tới khi đạt đến trạm cuối cùng là sự chết!

Những người khác thì biết hối tiếc khi ý thức mình đã phạm tội, đồng thời muốn có cơ hội để thay đổi tình trạng phạm tội của mình, muốn được tha thứ, muốn sửa đổi, muốn thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, muốn được sống trong thánh khiết và công chính. Những người này bằng lòng trả mọi giá để có được cơ hội quay lại. Thánh Kinh gọi đó là sự ăn năn tội.

Sự ăn năn tội dẫn đến sự xưng tội.

Xưng tội không có nghĩa đơn giản là “nhận tội”. Một người có thể nhận tội, nghĩa là công nhận mình có tội vì đó là một thực tế không thể chối cãi, trong khi không hề có lòng ăn năn. Người nhận tội mà không có lòng ăn năn, mặc dù nhận tội nhưng vẫn tìm cách để biện hộ cho tội lỗi của mình và không thật lòng chấp nhận hình phạt của tội lỗi. Người nhận tội mà không có lòng ăn năn sẵn sàng tái phạm những tội đã phạm khi có cơ hội.

Từ ngữ xưng tội nói lên hành động của một người thừa nhận quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa và công nhận những xúc phạm của mình, (tức là tội lỗi,) đối với bản tính và ý chỉ của Thiên Chúa, cho dù có được tha thứ hay không. Người xưng tội bởi lòng ăn năn sẵn sàng tiếp nhận trách nhiệm, công bố hình phạt của tội lỗi mình đã phạm là công chính (Lu-ca 23:41).

Xưng tội là bổn phận của một tội nhân biết ăn năn, là hành động công chính duy nhất mà một tội nhân biết ăn năn có thể làm được. Xưng tội còn là công nhận sự công chính của Thiên Chúa và bằng lòng tiếp nhận sự phán xét của Ngài. Một người chỉ có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

III. Ân điển của Thiên Chúa dành cho người tin nhận Ngài và ăn năn tội

Cảm tạ Thiên Chúa về sự nhân từ và thương xót đời đời của Ngài. Khi một người tin nhận Thiên Chúa, tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài qua Đức Chúa Jesus Christ, thật lòng ăn năn tội, xưng nhận tội thì Ngài ban cho người ấy ân điển cứu rỗi của Ngài. Sự ăn năn tội, xưng nhận tội đi chung với đức tin vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa khiến cho một người được tha tội, được làm cho sạch tội, và được Thiên Chúa tái sinh, ban cho quyền trở nên con Ngài.

Ân điển cứu rỗi là lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho người có tội biết ăn năn. Ân điển cứu rỗi bao gồm: ơn tha tội, và ơn làm cho sạch tội (sự chuộc tội bởi Đấng Christ và sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh). Ân điển cứu rỗi dẫn đến ân điển nhận được quyền trở nên con của Thiên Chúa (Giăng 1:12-13). Khi một người được trở nên con của Thiên Chúa, người ấy cùng với Đấng Christ kế tự tất cả những sự giàu có vinh hiển của Thiên Chúa (Rô-ma 8:16-17). Vì là con của Thiên Chúa cho nên chúng ta được nhận lãnh năng lực và quyền phép của Thiên Chúa, tức là thánh linh, ngay khi còn sống trong xác thịt để học biết cách quản trị cơ nghiệp của Thiên Chúa (Giăng 7:38-39). Sự học tập quản trị đó bắt đầu ngay từ giờ phút chúng ta được tái sinh và được thực tập ngay trên xác thịt của chúng ta (Rô-ma 6:12-14, 19; I Cô-rinh-tô 9:27).

IV. Kết quả xứng đáng với sự ăn năn

Sau khi một người tin nhận Thiên Chúa, ăn năn tội, tiếp nhận ân điển cứu rỗi, và ân điển được quyền trở nên con Thiên Chúa, thì ân điển lớn nhất Thiên Chúa ban cho người ấy trong đời này, là ân điển khiến cho muôn dân trở thành môn đồ của Đấng Christ; nói cách văn hoa là ân điển môn đồ hóa muôn dân cho Đấng Christ.

Ma-thi-ơ 28:18-20

18 Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta.

19 Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh,

20 dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men! 

Ân điển này là một vinh dự lớn lao mà chúng ta không thể hiểu tường tận cho đến khi chúng ta gặp mặt Chúa và nhìn thấy tổng kết thành quả của ân điển ấy qua đời sống của chúng ta, được ghi chép và thâu trữ trên thiên đàng. Chính Đức Chúa Jesus phán rằng, linh hồn của một người quý hơn cả thế gian, và, khi một người thật lòng ăn năn tội, thì các thiên sứ ở trên trời cũng vui mừng. Như vậy, khi chúng ta vâng lời Chúa, tiếp nhận ân điển của Ngài để đi ra rao giảng về Chúa cho người khác, dẫn họ đến với sự cứu rỗi và sự sống đời đời trong Chúa; giảng dạy cho họ những lẽ thật của Lời Chúa khiến họ được lớn lên, đứng vững trong đức tin và kết quả xứng đáng, thì chúng ta đã làm công việc cao quý nhất một người có thể làm mà thành quả còn đến đời đời.

Kết luận

Trong Hội Thánh ngày nay có nhiều người hối tiếc cuộc sống tội lỗi của mình, tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ, mong ước được vào thiên đàng, nhưng lại không ăn năn tội, nghĩa là không chịu từ bỏ nếp sống tội lỗi. Với những người như vậy, Phao-lô đã rớt nước mắt mà nói:

“Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.” (Phi-líp 3:18).

Toàn bộ sứ điệp của Tin Lành Cứu Rỗi được tóm gọn vào ba điều sau đây:

1. “Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Trời đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:2);

2. “Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.” (Ma-thi-ơ 3:8); và

3. “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện! Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2b).

Đức tin vào trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, nếu không thể hiện bằng hành động ăn năn, nghĩa là quay lưng lại với tội lỗi, dần dần sẽ trở thành đức tin chết. Đức tin chết không cứu được ai! Đức tin sống là đức tin dẫn đến sự ăn năn tội, dẫn đến sự cứu rỗi, dẫn đến sự tái sinh, dẫn đến địa vị làm con của Thiên Chúa và sống một đời sống kết quả xứng đáng với sự ăn năn! Đức tin sống khiến cho chúng ta được sống và còn dẫn đưa nhiều người khác đến với sự sống.

Đức tin đó, cần phải được bắt đầu ngay hôm nay, qua hành động ăn năn tội!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Giảng tại Hội Thánh Tin Lành Emmanuên
Tucson, Arizona
22/10/2006

Chú thích:

[1] Metamellomai phát âm là “met-am-el’-lom-ahee”

[2] Metanoeō phát âm là “met-an-o-eh’-o”

Tham khảo:

1. Textus Receptus Greek New Testament, (www.e-sword.org).

2. Thayer’s Greek Definitions, (www.e-sword.org).

3. Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, Dictionaries of the Hebrew and Greek Words of the Original, James Strong, (Hendrickson Publishers, ISBN 0-917006-01-1).

4. Dictionary of Theological Terms, Alan Cairns, (Ambassador Emerald International, 2002)

5. Wycliffe Bible Dictionary, Charles F. Pfiffer, Howard F. Vos, John Rea, (Hendrickson Publishers, 2003).

6. Baker Theological Dictionary of the Bible, Edited by Walter A. Elwell, (Baker Books, 1996).