Hỏi & Đáp: Lạc Đà Chui Qua Lỗ Kim?

7,738 views

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Ma-thi-ơ 19:24 "Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời."  Vậy hình ảnh "lỗ kim" ở đây là cái lỗ của cây kim khâu hay hay cái cửa lỗ kim nơi cổng thành như một người có giải thích ở đây:http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=6295&page=4
 
Tuy rằng hình ảnh nghĩa đen trong dụ ngôn không phải là điều chính yếu, nhưng sự chuẩn xác trong ngôn từ cũng là điều cần phải có.

Đáp:

Trước đây, trong các bài giảng của tôi, tôi cũng dựa trên những tài liệu giải kinh [1] để giải thích "lỗ kim" là tên gọi của một loại cửa thành. Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu các tài liệu về từ ngữ trong công tác phiên dịch Thánh Kinh (Bản Dịch Ngôi Lời) tôi đã học được những điều sau đây:

1. Cuốn "New Bible Dictionary" cho biết không có chứng cứ lịch sử nào về một loại cửa thành gọi là "cửa lỗ kim."
2. Tiến Sỹ George Lamsa trong cuốn "Gospel Light" giải thích (tạm dịch): "Trong tiếng A-ra-mai chữ "gamla" bao gồm các nghĩa sau đây: con lạc đà, sợi dây thừng, và thanh gỗ. Vì thế, ý nghĩa của từ ngữ được xác định bởi câu văn. Nếu trong câu văn có các từ ngữ như "cỡi" hoặc "gánh nặng" thì "gamla" có nghĩa là "con lạc đà;" nhưng khi nhóm chữ "lỗ kim" xuất hiện trong câu văn thì thì "gamla" phải được hiểu chính xác là "sợi dây thừng." Trong ngôn ngữ hoặc văn chương A-ra-mai không hề có sự kết nối giữa lạc đà và lỗ kim nhưng chắc chắc là có sự kết nối giữa sợi dây thừng và lỗ kim [2].
3.
Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ "kamelos" có nghĩa là "lạc đà" và từ ngữ "kamilos" có nghĩa là "dây thừng." Rất có thể, trong khi sao chép những người sao chép đã viết sai chính tả, biến "dây thừng" thành "lạc đà."
4. Một số các nhà giải kinh khác cho rằng Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh "lạc đà chui qua lỗ kim" để nhấn mạnh một việc không thể xảy ra, cho nên, không hề có sự viết sai chính tả trong tiếng Hy-lạp (viết "kamelos" thay vì viết "kamilos") hoặc dịch sai ý của từ ngữ "gamla" trong tiếng A-ra-mai.

Tôi chọn lối giải thích (2) trên đây vì nó hợp với ngữ pháp đồng thời cũng nói lên ý nghĩa của một sự việc rất khó xảy ra chứ không phải một sự việc không thể xảy ra: Sợi dây thừng (bện bằng lông lạc đà) khó xỏ qua lỗ kim dù là loại kim lớn dùng để may lều trại nhưng vẫn có thể xỏ được. Con lạc đà thì không bao giờ có thể chui qua lỗ kim. Câu nói của Chúa không mang ý nghĩa: "người giàu không thể vào vương quốc của Đức Chúa Trời" mà chỉ có nghĩa "người giàu rất khó vào vương quốc của Đức Chúa Trời." Vì thế, trong công tác hiệu đính Bản Dịch Phan Khôi [3], tôi đã chọn hiệu đính các câu Thánh Kinh liên quan, kèm theo lời ghi chú, như sau:


Ma-thi-ơ 19:24 "Ta lại nói cùng các ngươi, một sợi thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời." [Một số bản dịch ghi là "lạc đà chui qua lỗ kim." Có thể, trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp, chữ "kamilos" nghĩa là "lạc đà" đã bị viết nhầm, thay vì chữ "kamêlos" nghĩa là "dây thừng." Ngoài ra, trong tiếng A-ra-mai, chữ "gamla" vừa có nghĩa là "lạc đà" vừa có nghĩa là "một loại thừng làm bằng lông lạc đà"].


Mác 10:25 "Sợi dây thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc của Đức Chúa Trời." [Một số bản dịch ghi là "lạc đà chui qua lỗ kim." Có thể, trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp, chữ "kamilos" nghĩa là "lạc đà" đã bị viết nhầm, thay vì chữ "kamêlos" nghĩa là "dây thừng." Ngoài ra, trong tiếng A-ra-mai, chữ "gamla" vừa có nghĩa là "lạc đà" vừa có nghĩa là "một loại thừng làm bằng lông lạc đà"].


Lu-ca 18:25 "Sợi dây thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc của Đức Chúa Trời." [Một số bản dịch ghi là "lạc đà chui qua lỗ kim." Có thể, trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp, chữ "kamilos" nghĩa là "lạc đà" đã bị viết nhầm, thay vì chữ "kamêlos" nghĩa là "dây thừng." Ngoài ra, trong tiếng A-ra-mai, chữ "gamla" vừa có nghĩa là "lạc đà" vừa có nghĩa là "một loại thừng làm bằng lông lạc đà"].

Mong rằng những lời giải bày trên đây đem lại ích lợi cho bạn.

Trong Christ.

HuỳnhChristian Timothy
19.09.2011

Chú Thích

[1] Tiêu biểu là: EW Bullinger, Companion Bible và James Freeman, Manners and Customs of the Bible.
[2] Dr. George Lamsa, Gospel Light, trang 197: "The Aramaic word gamla means camel, a large rope and a beam. The meaning of the word is determined by its context. If the word riding or burden occurs then gamla means a camel, but when the eye of a needle is mentioned gamla more correctly means a rope. There is no connection anywhere in Aramaic speech or literature between camel and needle, but there is a definite connection between rope and needle."
[3] http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/