NYTTN: Của Cải Xứ Ai-cập và Xứ Ca-na-an

3,032 views

Của cải Xứ Ai-cập và Xứ Ca-na-an

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập và vào trong đất hứa Ca-na-an thì Thánh Kinh có ghi chép hai chi tiết quan trọng như sau:

“Vả, dân I-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân I-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35-36).

“Ngày sau lễ Vượt qua, chánh ngày đó, dân sự ăn thổ sản của xứ, bánh không men, và hột rang. Ngày mà chúng đã ăn lúa mì của xứ, thì đến sáng mai ma-na hết; vậy, dân I-sơ-ra-ên không có ma-na nữa, nhưng trong năm đó ăn những thổ sản của Ca-na-an.” (Giô-suê 1:5:11-12).

Chúng ta có thể hiểu và áp dụng hai chi tiết trên đây trong Lời Chúa vào nếp sống Đạo của chúng ta. Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và quyết tâm sống theo Lời Chúa, thì chúng ta được: “ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9), như dân I-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ của dân Ai-cập, vào nơi đất đượm sửa và mật Ca-na-an.

Trước khi chúng ta được cứu, chúng ta đã sở đắc các “của cải trong thế gian,” như: tiền bạc, địa vị, quyền thế, học thức, vv… Tất cả những điều đó có thể ví như những “bạc vàng và áo xống” mà dân I-sơ-ra-ên lột trần người Ai-cập. Sau khi chúng ta được cứu, chúng ta bởi ơn của Chúa vẫn tiếp tục sở đắc các “của cải trong thế gian,” là những thứ có thể ví như “thổ sản của xứ Ca-na-an.” Tất cả những gì chúng ta có được từ trong thế gian được dùng để hầu việc Chúa như dân I-sơ-ra-ên đã dâng hiến cho công việc xây cất đền tạm, và được dùng cho các nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta, như dân I-sơ-ra-ên ăn các thổ sản của xứ Ca-na-an.

Không có gì sai khi chúng ta dùng tiền bạc, địa vị, quyền thế, học thức… có được trong thế gian để hầu việc Chúa và để nuôi sống bản thân cùng gia đình. Nhưng sẽ là vô cùng sai trái khi chúng ta dùng những thứ đó làm thước đo giá trị của mình.

Khi chúng ta dùng những thứ đó làm thước đo giá trị của mình thì chúng ta đã đương nhiên bỏ đi giá trị thật do chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta nên khoe mình về sự giàu có, địa vị, quyền thế, học thức, vv… trong thế gian của chúng ta hay chúng ta nên khoe mình về sự yếu đuối của mình và lòng thương xót của Chúa đã ban cho chúng ta địa vị được làm con của Đức Chúa Trời, địa vị làm vua và thầy tế lễ trong vương quốc của Ngài? Nếu chúng ta khoe mình về địa vị trong Chúa của chúng ta thì tất cả mọi người trong Hội Thánh của Chúa đều ngang nhau; vì mỗi người đều là vua và thầy tế lễ trong vương quốc của Chúa. Sao tôi lại có thể muốn và buộc người khác trong Hội Thánh phải gọi tôi là “bậc đáng tôn kính” (reverend). Sao tôi muốn lấy các bằng cấp hoàn toàn không có trong Hội Thánh ra để buộc người ta phải trọng vọng mình và xem như mình “khôn ngoan, trí thức” hơn các anh chị em khác trong Hội Thánh? Thậm chí, trong một số trường hợp, tôi đòi hỏi Hội Thánh phải “trả lương” cho việc giảng dạy Lời Chúa của tôi trong Hội Thánh sao cho tương xứng với “bằng cấp” của tôi!

Không có gì sai khi chúng ta học tập và thu thập các tri thức trong thế gian, miễn là chúng ta không dùng các sự đó để lên mình kiêu ngạo, khoe khoang, và bắt người khác phải nể phục, tôn kính mình, dựa trên các thành quả mình có được. Thật là buồn cười nếu một gia đình I-sơ-ra-ên nào đó buộc hàng xóm, láng giềng của mình phải tôn trọng mình vì mình đã lột được nhiều của cải của dân Ai-cập hơn họ hoặc vì mình đã thu hoạch được nhiều thổ sản của xứ Ca-na-an hơn họ.

Khi Phao-lô nói: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jesus là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ” (Phi-líp 3:8), ông không có ý nói là ông không còn dùng đến những thứ đó nữa. Rõ ràng, Phao-lô vẫn nói và viết các thứ ngôn ngữ mà ông đã học được từ trước khi tin nhận Chúa, ông vẫn dùng các trí thức về văn chương, lịch sử mà ông đã học được từ trước khi tin nhận Chúa trong khi rao giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28), và ông vẫn dùng quyền công dân La-mã mà ông đã có được từ trước khi tin nhận Chúa để bảo vệ bản thân và đòi hỏi quyền lợi của một công dân (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:25).

Sự mà Phao-lô xem như rơm rác và đã bỏ đi, hầu cho được Đấng Christ, là sự khoe mình về những thứ đã sở đắc từ thế gian, là sự nương cậy trên những thứ đó để khiến cho người ta trọng vọng mình, chứ không phải là sự sử dụng chúng để hầu việc Chúa và phục vụ cho các nhu cầu trong đời sống của mình và các anh chị em trong Hội Thánh. Dùng các tri thức về Thánh Kinh và thần học để hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, giảng dạy cho các anh chị em của mình trong Chúa, hoàn toàn khác với việc khoe ra các bằng cấp Thánh Kinh hoặc thần học để khiến người ta phải nể phục và tôn kính mình, hoặc để ngồi vào những địa vị cao trọng trong Hội Thánh; tệ hơn nữa là để buộc người khác phải vâng phục mình và “trả lương” mình!

Thực tế, có những người xưng mình là người hầu việc Chúa hàng mấy chục năm, đã quá tuổi 60 hoặc 70 mà vẫn bon chen cắp sách đến trường để đạt cho được mãnh bằng “tiến sĩ” về mục vụ hoặc thần học, để có thể khoe và được gọi là “tiến sĩ!” Không có gì sai khi chúng ta tiếp tục trao dồi trí thức ở tuổi ngoài 60 hoặc 70, nhưng hoàn toàn sai khi mục đích của chúng ta là đi học để có bằng tiến sĩ, hầu có thể ngang bằng với người khác về học vị, để nâng cao giá trị cá nhân, và để khoe!

Thánh Kinh ghi lại Phao-lô mở trường dạy Lời Chúa nhưng không hề nói đến việc cấp bằng cho ai cả. Thánh Kinh cũng không hề dạy rằng phải tốt nghiệp một trường Thánh Kinh hoặc thần học thì mới có thể chăn bầy chiên của Chúa. Thực tế ngày nay, có thể nói hầu hết các trường Thánh Kinh và thần học đều giảng tà giáo. Tôi rất mong được quý con dân Chúa chỉ ra cho tôi biết có một trường Thánh Kinh hoặc thần học nào trong thế gian mà không dạy tà giáo. Tôi đã tìm kiếm lâu nay mà chưa gặp được một trường không dạy tà giáo. Theo sự hiểu biết của tôi về Lời Chúa:

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát vào ngày Thứ Bảy cuối tuần, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, con dân Chúa giữ ngày Sa-bát vào ngày Thứ Bảy cuối tuần nhưng lại tôn vinh một “tiên tri” nào đó, giáo chủ của một giáo phái nào đó, hoặc bác bỏ thần tình của Đức Chúa Jesus Christ (không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa), là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, người đã cầu nguyện tin nhận Chúa thì không thể nào mất sự cứu rỗi, dù cho người đó không từ bỏ đời sống tội lỗi, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, Đức Chúa Trời chỉ chọn để cứu một số người và chọn không cứu một số người, cho dù những người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận Tin Lành của Ngài, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, hiện tượng lấp bấp phát ra những âm thanh vô nghĩa là “ân tứ của Đức Thánh Linh,” là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, Hội Thánh được Đức Chúa Trời lập ra để thay thế cho dân I-sơ-ra-ên, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, Hội Thánh phải trải qua Kỳ Đại Nạn, là đã dạy tà giáo.

  • Tất cả những trường nào dạy rằng, các giáo hội, giáo phái là Hội Thánh của Chúa, là đã dạy tà giáo.

Bản thân tôi mỗi ngày vẫn dành ra nhiều tiếng đồng hồ để học hỏi về lịch sử, xã hội, khoa học… và nghiên cứu các tài liệu giải kinh, thần học, tham khảo các loại từ điển… để thấy được sự mầu nhiệm của Lời Chúa càng hơn trong mỗi thời đại, trong mọi lãnh vực của đời sống, nhất là sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Thánh Kinh, trải qua các thời đại. Dĩ nhiên, không có các thứ đó thì tôi vẫn kinh nghiệm được sự mầu nhiệm của Lời Chúa, vì tôi có đức tin nơi Lời Chúa; nhưng chính qua các nguồn trí thức của thế gian mà tôi được hiểu biết sâu nhiệm càng hơn. Thí dụ, tôi không cần phải giỏi về tiếng Hê-bơ-rơ hay tiếng Hy-lạp để hiểu biết tội lỗi là gì; nhưng nếu qua các bộ từ điển mà tôi hiểu biết được ý nghĩa của danh từ tội lỗi trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp, là nguyên ngữ của Thánh Kinh, thì tôi sẽ hiểu rõ hơn về tội lỗi. Tấm ảnh trắng đen và tấm ảnh mầu của cùng một phong cảnh có những giá trị riêng biệt và bổ sung cho nhau như thế nào, thì sự kinh nghiệm Lời Chúa qua và không qua các tài liệu hổ trợ cho việc học Lời Chúa cũng như vậy. Nguyện những lời chia sẻ này giúp con dân Chúa không hiểu lầm nội dung của bài: “Những Kẻ Thích Rác.” A-men!

Huỳnh Christian Timothy
7.4.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?z91ox6vovzs4nfq