Sự Từ Ái của Thiên Chúa

567 views

YouTube: https://youtu.be/wRQt246H0TQ

202304 Bài Giảng Trong Năm 2023
Sự Từ Ái của Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu thì có nhiều phương diện, như đã liệt kê trong Rô-ma 12:9-13; 13:10; I Cô-rinh-tô 13:4-8. Sự từ ái là một phương diện trong bản tính yêu thương của Thiên Chúa.

Thi Thiên 136 là một bài ca đặc biệt, tôn vinh Thiên Chúa về sự từ ái của Ngài. Trong 26 câu của bài ca, mỗi câu đều kết thúc bằng câu: Vì sự từ ái của Ngài còn mãi.

Thánh Kinh đã nói rất nhiều về sự từ ái của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là đối với con dân của Ngài. Con dân của Thiên Chúa là những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Cảm tạ Thiên Chúa! Vì Ngài đã ban ơn cứu chuộc chúng ta và cho chúng ta được làm những con trai và những con gái của Ngài, được làm dân thánh thuộc về Ngài (I Phi-e-rơ 2:9). Là con dân của Thiên Chúa chúng ta được ở trong sự từ ái của Ngài. Chúng ta nên học và suy ngẫm về sự từ ái của Thiên Chúa.

Danh từ חֶסֶד /hé-xệt/ (H2617) trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh và danh từ χρηστότης /khray-xtó-têt/ (G5544) đều có nghĩa là: sự yêu thương, tử tế, hiền lành, cư xử dịu dàng và chân thật. Khi được dịch ra tiếng Hán Việt thì nên dịch là “sự từ ái” thay vì dịch là “sự nhân từ”. Vì sự nhân từ không bao gồm sự yêu thương.

  • Từ” là hiền lành, tử tế, dịu dàng, chân thật.

  • Ái” là yêu thương.

  • Nhân” là loài người hoặc thuộc về loài người.

  • Sự từ ái” là sự yêu thương, tử tế, hiền lành, cư xử dịu dàng, chân thật.

  • Sự nhân từ” là sự tử tế, hiền lành, cư xử dịu dàng, chân thật của loài người.

Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm một số câu Thánh Kinh nói về sự từ ái của Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên của chúng ta vì Ngài chăn dắt chúng ta. Chúng ta là bầy chiên của đồng cỏ Ngài (Thi Thiên 23:1; 100:3). Thiên Chúa chăn dắt chúng ta có nghĩa là Ngài bảo vệ chúng ta, chu cấp mọi nhu cầu cho chúng ta để chúng ta được sống hạnh phúc với Ngài. Thiên Chúa chăn dắt chúng ta không chỉ trong đời này mà là mãi mãi. Thi Thiên 23 đã tóm gọn ý nghĩa của sự Thiên Chúa chăn dắt chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định, Ngài là người chăn của chúng ta, và là một người chăn ngay lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống của Ngài vì chúng ta (Giăng 10).

Sự từ ái của Thiên Chúa bao phủ con dân của Ngài, trong khi Ngài dẫn dắt họ: “Trong sự từ ái của Ngài, Ngài đã dìu dắt dân mà Ngài đã chuộc lại. Trong sức mạnh của Ngài, Ngài đã đưa chúng vào trong nơi ở thánh của Ngài.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:13). Cảm tạ Thiên Chúa! Trên suốt linh trình về tận nhà thật của chúng ta, là thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Christ chăn dắt chúng ta trong sự từ ái của Ngài.

2. Sự từ ái của Thiên Chúa chẳng những được tỏ ra cho những ai yêu Ngài và giữ các điều răn của Ngài, mà còn được tỏ ra cho nhiều đời con cháu của họ: “Và tỏ ra sự từ ái đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ta và giữ các điều răn của Ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6). Còn gì hạnh phúc hơn khi biết rằng, nếu chúng ta yêu kính Chúa và vâng giữ các điều răn của Ngài thì Ngài sẽ tỏ ra sự từ ái của Ngài không những cho chúng ta mà còn cho nhiều đời con cháu của chúng ta. Ngay chính sự Thiên Chúa ban cho chúng ta các điều răn của Ngài cũng chính là sự Ngài tỏ ra sự từ ái của Ngài đối với chúng ta. Vì các điều răn của Thiên Chúa dẫn chúng ta vào trong sự yêu thương, sự thánh khiết, sự công chính, và sự sống đời đời. Sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa chẳng phải là gánh nặng. Lời Chúa dạy: “Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

3. Mọi ý định và việc làm của Thiên Chúa là sự từ ái và sự chân thật đối với những ai vâng giữ Lời Ngài: “Các đường lối của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là sự từ ái và sự chân thật, cho những ai giữ gìn giao ước và các chứng cớ của Ngài.” (Thi Thiên 25:10). Đường lối của Thiên Chúa chính là ý định và việc làm của Ngài. Giao ước của Thiên Chúa là lời hứa của Ngài. Các chứng cớ của Thiên Chúa là các điều răn của Ngài, làm chứng về ý muốn của Ngài. Tất cả đều được ghi chép trong Thánh Kinh. Thánh Kinh đã chép: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11). Sự trông cậy cuối cùng chính là sự mong chờ được sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Mọi ý định và việc làm của Thiên Chúa đều tích cực hoàn thành sự trông đợi cuối cùng của con dân Ngài. Vì thế, đó là sự từ ái và chân thật của Thiên Chúa đối với những ai vâng giữ Lời Ngài.

4. Con dân chân thật của Thiên Chúa luôn nhìn thấy sự từ ái của Ngài: “Vì sự từ ái của Ngài ở trước mắt tôi. Tôi đã bước đi trong lẽ thật của Ngài.” (Thi Thiên 26:3). Người xưng mình là con dân của Thiên Chúa mà không nhận biết sự từ ái của Ngài thì người ấy không đang đi trong lẽ thật của Ngài; tức là không sống theo Lời Chúa. Con dân chân thật của Chúa nhìn thấy sự từ ái của Thiên Chúa ngay cả khi đang ở trong những sự thử thách, cám dỗ, hoạn nạn. Vì họ vững tin Lời Chúa và sống theo Lời Chúa. Họ luôn cảm tạ Chúa trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Hành động khôn sáng và đem lại phước hạnh cho chúng ta là lập tức tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, khi hoạn nạn xảy đến cho chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta vẫn nhìn thấy sự từ ái của Ngài và giữ cho chúng ta vẫn bước đi trong lẽ thật của Ngài.

5. Trong cơn hoạn nạn, con dân Chúa vẫn vui mừng trong sự từ ái của Thiên Chúa, vì biết rằng, Ngài đã nhìn đến sự hoạn nạn của họ, biết sự sầu khổ của họ. Có nghĩa là Ngài sẽ an ủi, thêm sức, và giải cứu họ: “Tôi sẽ hân hoan và vui mừng trong sự từ ái của Ngài. Vì Ngài đã nhìn đến sự hoạn nạn của tôi. Ngài đã biết linh hồn của tôi đang ở trong những sự sầu khổ.” (Thi Thiên 31:7). Lời Chúa đã khẳng định: “Thật, nếu Ngài làm cho lo buồn thì Ngài sẽ thương xót theo sự từ ái dư dật của Ngài.” (Ca Thương 3:32). “Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13). Và Lời Chúa cũng dạy cho con dân của Ngài: “Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6). Nếp sống của con dân Chúa là nếp sống luôn vui mừng trong Chúa, trong mọi cảnh ngộ: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng!” (Phi-líp 4:4).

6. Người có đức tin nơi Thiên Chúa sẽ được sự từ ái của Thiên Chúa bao phủ: “Nhiều sự đau đớn đến với kẻ ác nhưng người nào tin cậy nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì sự từ ái sẽ bao phủ người ấy.” (Thi Thiên 32:10). Ngay cả khi Thiên Chúa cho phép sự đau đớn xảy đến cho con dân của Ngài thì sự từ ái của Ngài vẫn bao phủ họ. Hãy nhớ đến gương chịu khổ của Giô-sép, Gióp, và Sứ Đồ Phao-lô. Khi Thiên Chúa dùng những sự đau đớn để rèn luyện chúng ta, để chúng ta có cơ hội thể hiện lòng kính yêu Thiên Chúa và đức tin vững chắc của chúng ta nơi Thiên Chúa, thì Ngài vẫn đang bao phủ chúng ta bằng sự từ ái của Ngài.

7. Khắp đất đầy dẫy sự từ ái của Thiên Chúa. Có nghĩa là sự từ ái của Ngài bao phủ trên muôn loài thọ tạo. Thiên Chúa cư xử với muôn loài bằng sự từ ái của Ngài. Vì Ngài là công chính và thẳng thắn: “Ngài yêu sự công chính và sự ngay thẳng. Đất đầy dẫy sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi Thiên 33:5). “Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Đất được đầy dẫy sự từ ái của Ngài. Xin dạy tôi các luật lệ của Ngài.” (Thi Thiên 119:64).

8. Con dân Chúa nên rao truyền sự công chính, sự thành tín, sự cứu rỗi, sự từ ái, và lẽ thật của Ngài cho muôn dân: “Tôi đã chẳng giấu sự công chính của Ngài trong lòng tôi; tôi đã truyền ra sự thành tín và sự cứu rỗi của Ngài. Tôi đã chẳng giấu sự từ ái và lẽ thật của Ngài khỏi hội chúng đông đảo.” (Thi Thiên 40:10). Đó chính là hành động khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Đấng Christ và dạy họ giữ mọi điều đã được Ngài phán truyền (Ma-thi-ơ 28:19-20). Muốn rao truyền sự từ ái của Thiên Chúa thì trước hết, chúng ta phải nhận thức rõ, Ngài đã có lòng từ ái đối với chúng ta như thế nào.

9. Con dân Chúa luôn suy ngẫm về sự từ ái của Thiên Chúa: “Hỡi Thiên Chúa! Giữa Đền Thờ của Ngài, chúng tôi suy ngẫm sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 48:9). Nhờ suy ngẫm về sự từ ái của Thiên Chúa mà chúng ta hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, đức tin càng thêm lên, sự vui thỏa trong Chúa không ngừng nghỉ. Ngày nay, thân thể xác thịt của chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa. Chúng ta không cần đi đến bất cứ một nơi nào nhưng có thể suy ngẫm về sự từ ái của Thiên Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc.

10. Con dân Chúa nên bắt đầu mỗi ngày bằng sự tôn vinh sự từ ái của Thiên Chúa, tôn vinh năng lực của Ngài. Vì Ngài là nơi che chở cho con dân của Ngài khỏi mọi nguy khốn trong cuộc sống: “Nhưng tôi sẽ hát về năng lực của Ngài. Phải, tôi sẽ hát lớn tiếng về sự từ ái của Ngài trong buổi sáng. Vì Ngài là nơi ẩn náu cao của tôi và nơi nương náu trong ngày gian truân của tôi.” (Thi Thiên 59:16). Con dân Chúa nên mãi ca hát về sự từ ái của Thiên Chúa, rao truyền về Thiên Chúa cho mọi thế hệ: “Tôi sẽ mãi ca hát về sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Với miệng của tôi, tôi sẽ khiến từ thế hệ đến thế hệ biết sự thành tín của Ngài.” (Thi Thiên 89:1). Con dân Chúa nên cầu xin mỗi sáng sớm, được Thiên Chúa ban cho sự từ ái của Ngài. Vì sự từ ái của Thiên Chúa khiến cho họ được thỏa lòng, những ngày trong đời sống của họ được vui vẻ, mừng rỡ: “Xin cho chúng con buổi sáng sớm được thỏa lòng với sự từ ái của Ngài, để chúng con reo mừng và vui vẻ trọn những ngày của chúng con.” (Thi Thiên 90:14). “Buổi sáng tỏ ra sự từ ái của Ngài. Ban đêm truyền ra sự thành tín của Ngài.” (Thi Thiên 92:2). “Buổi sáng, xin cho tôi nghe sự từ ái của Ngài. Vì tôi trông cậy nơi Ngài. Xin cho tôi biết con đường mà tôi phải đi. Vì tôi nâng cao linh hồn tôi đến Ngài.” (Thi Thiên 143:8).

11. Con dân Chúa phải hiểu rằng, sự từ ái của Thiên Chúa còn lớn hơn sự sống. Sự sống bao gồm mạng sống của một người và đời sống của người ấy: “Vì sự từ ái của Ngài tốt hơn sự sống, môi của tôi sẽ tôn vinh Ngài.” (Thi Thiên 63:3). Bởi sự từ ái của Thiên Chúa mà Ngài ban cho chúng ta được thực hữu, là những linh hồn sống cao trọng hơn tất cả mọi loài linh hồn sống, kể cả cao trọng hơn tất cả các thiên sứ. Bởi sự từ ái của Thiên Chúa mà Ngài ban cho chúng ta mọi nhu cầu trong cuộc sống. Bởi sự từ ái của Thiên Chúa mà Ngài ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Bởi sự từ ái của Thiên Chúa mà Ngài ban cho chúng ta được làm những con trai và những con gái của Ngài, cùng với Đấng Christ cai trị Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Nếu chúng ta không có sự từ ái của Thiên Chúa thì mạng sống bị mất của chúng ta, vì sự phạm tội của chúng ta, sẽ không thể lấy lại được. Nếu chúng ta không có sự từ ái của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không có đủ mọi nhu cầu trong đời sống. Môi miệng của chúng ta nên luôn nói lời cảm tạ Thiên Chúa và tôn vinh Ngài về sự từ ái của Ngài.

12. Sự từ ái của Thiên Chúa là dư dật cho tất cả những ai kêu cầu Ngài. Có nghĩa là Thiên Chúa đáp lại lời cầu xin của những ai kêu cầu Ngài; vì Ngài dư dật trong sự yêu thương, tử tế, hiền lành, cư xử dịu dàng và chân thật: “Lạy Chúa! Vì Ngài là thiện và sẵn tha thứ, dư dật sự từ ái cho hết thảy những ai kêu cầu Ngài.” (Thi Thiên 86:5). Tội nhân có thể mạnh dạn đến với Thiên Chúa để cầu xin sự tha thứ của Ngài. “Khi tôi nói: Chân tôi trượt! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sự từ ái của Ngài đã nâng đỡ tôi.” (Thi Thiên 94:18). Sự trượt chân là sự lỡ phạm tội. Thưa với Chúa rằng, mình bị trượt chân có nghĩa là xưng tội với Chúa; thì sẽ được Ngài tha thứ và phục hồi. Thiên Chúa là thiện nên Ngài không hề muốn cho bất cứ ai phải chịu đau khổ, hư mất. Nếu có ai bị hư mất, đời đời đau khổ trong hỏa ngục thì đó là sự lựa chọn của người ấy.

13. Sự từ ái là một phương diện trong nhiều phương diện của tình yêu mà Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế, sự từ ái của Thiên Chúa có từ trước vô cùng và còn lại mãi mãi. “Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi và sự thành tín của Ngài còn tới đời đời.” (Thi Thiên 100:5). “Nhưng sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là từ vĩnh hằng cho tới vĩnh hằng trên những người kính sợ Ngài; và sự công chính của Ngài cho những con cái của những con cái của họ.” (Thi Thiên 103:17). Trước khi chúng ta được sinh ra làm người, Thiên Chúa đã biết chúng ta và đã chọn chúng ta. Đó chính là sự từ ái của Thiên Chúa đã ở trên chúng ta từ vĩnh hằng cho tới vĩnh hằng: “Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:3-4).

14. Sự từ ái của Thiên Chúa đối với những ai kính sợ Ngài bao la như toàn thể không gian của vũ trụ: “Vì như các tầng trời cao trên đất thì sự từ ái của Ngài cũng lớn cho những ai kính sợ Ngài.” (Thi Thiên 103:11). Chúng ta đã biết thế giới vật chất của chúng ta bao gồm hai tầng trời. Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao chung quanh trái đất. Tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la trong vũ trụ, vô cùng to lớn, mà hiện nay khoa học vẫn chưa xác định được kích thước. Với viễn vọng kính thiên văn mạnh nhất và mới nhất, khoảng cách xa nhất trong vũ trụ mà loài người có thể quan sát là 46,5 tỉ năm ánh sáng. Khoảng cách một năm ánh sáng tương đương 9,461 ngàn tỉ km, hay con số chính xác là 9.460.730.472.580.800 mét.

15. Thiên Chúa dựng nên loài người và yêu loài người hơn chính Ngài. Loài người có thể báo đáp Thiên Chúa bằng sự thật lòng kính sợ Thiên Chúa và trông đợi sự từ ái của Ngài. Kính sợ Thiên Chúa là không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Trông đợi sự từ ái của Thiên Chúa là trông đợi được Ngài yêu thương, quý mến, đối xử tử tế, hiền lành, dịu dàng, và chân thật; tức là bày tỏ có đức tin nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa thỏa lòng về những người như vậy: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thỏa lòng về những người kính sợ Ngài, về những người trông đợi sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 147:11).

16. Có những lúc sự phạm tội của chúng ta chọc giận Thiên Chúa và Ngài sẽ giấu mặt Ngài khỏi chúng ta trong một lúc. Nhưng nếu chúng ta thật lòng ăn năn thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta và phục hồi sự tương giao với chúng ta. Đó là bởi sự từ ái vô hạn của Ngài đối với chúng ta. “Trong cơn nóng giận tuôn tràn, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi một lúc. Nhưng với sự từ ái vĩnh hằng, Ta sẽ tha thiết yêu ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Cứu Chuộc của ngươi phán như vậy.” (Ê-sai 54:8). “Vì những núi sẽ dời đi và những đồi sẽ bị chuyển, nhưng sự từ ái của Ta sẽ chẳng dời khỏi ngươi, giao ước bình an của Ta cũng sẽ chẳng bị chuyển. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng thương xót ngươi, phán.” (Ê-sai 54:10). Điều quan trọng là chúng ta có lòng ăn năn chân thật hay không; và có kịp thời quay về với Thiên Chúa hay không. “Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng từ ái, nhẫn nại, khoan dung của Ngài, mà không nhận biết lòng từ ái của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao?” (Rô-ma 2:4).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/01/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Mùa Xuân Ơn Phước”
https://karaokethanhca.net/mua-xuan-on-phuoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.