Hỏi & Đáp: Nói “Tiếng Lạ”

3,736 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Anh Tim Huỳnh kính,

… Bài chia xẻ “Tiếng Lạ” của anh, tôi không thoả lòng chút nào cả. Riêng hai bài làm chứng của hai tín hữu, thì tôi có nhận xét như sau: Những người này họ nói tiếng lạ, chỉ là “nhân linh” nói (khác với tiếng lạ của Thánh Linh, theo như những gì tôi nghe họ làm chứng); tiếng lạ của tà linh thì con người không kiểm soát tâm trí mình được, cũng không tỉnh táo nữa.

Gậy của Arôn hoá rắn, gậy của các thuật sĩ Pharaôn cũng hoá rắn, nhưng Rắn của Arôn nuốt chửng rắn của các thuật sĩ…

Ngôn ngữ tiếng lạ; trong đó có ngôn ngữ loài người, ngôn ngữ ‘thiên sứ’ (I Cor 13); ngôn ngữ tâm linh (I Cor 14:14). Tôi không dám biện luận với anh trong vấn đề này, nhưng những gì tôi nhận được từ Thánh Linh qua ngôn ngữ tiếng lạ, thì tôi kinh nghiệm được điều này, biện biệt được điều này, phân biệt được điều này. Câu Kinh Thánh anh chứng minh trong II Cor 11:13, nếu đọc thượng văn và hạ văn, thì hoàn toàn không có “ăn nhập” gì với vấn đề “tiếng lạ” cả. Chưa hoàn toàn khách quan lắm.

Ít hàng bày tỏ với anh.

Đáp:

Thưa anh,

Trước hết, xin xác định: tôi là người tin nhận ân tứ nói ngoại ngữ như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Tôi từng kinh nghiệm ơn thông giải ngoại ngữ. Vợ chồng tôi cũng từng bị thúc giục “nói tiếng lạ” trong khi cầu nguyện nhưng vì chúng tôi đã biết trước “tiếng lạ” không đến từ Chúa nên đã lập tức nhân danh Chúa xua đuổi tà linh đang thúc giục mình.

Kế đến, xin trình bày thêm với anh những điều sau đây: Thánh Kinh không hề đề cập đến “tiếng lạ” hay là “ngôn ngữ lạ.” Thánh Kinh chỉ đề cập đến “tiếng ngoại quốc” hay là “ngoại ngữ,” “tiếng thiên sứ,” “tiếng thiêng liêng,” và “tiếng mới.”

1. Tiếng mới là tiếng mẹ đẻ đã đổi mới của mỗi người đã được tái sinh. Con người mới nói tiếng mới. Người đã được tái sinh thì ngôn ngữ cũng đổi mới, là ngôn ngữ bày tỏ những đặc tính như liệt kê trong Ga-la-ti 5:32 và Phi-líp 4:8.

2. Tiếng thiên sứ là tiếng của thiên sứ. Thánh Kinh không hề nói loài người được ban cho nói tiếng của thiên sứ. I Cô-rinh-tô 13:1 chỉ là một sự giả định: dầu cho, nếu như, kể cả khi… nghĩa là sự kiện một người biết nói hết thảy các ngôn ngữ của loài người và thiên sứ là điều không có thực hay không thể được; nhưng dầu cho điều đó có xảy ra thì cũng vô ích, nếu người đó không có tình yêu thương. Tương tự như vậy, câu nói: “Dầu cho tôi có hái được sao trên trời hay múc được trăng trong nước thì cũng không sao hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi,” không có nghĩa là sự kiện hái sao trên trời hoặc múc trăng trong nước là điều khả dĩ.

3. Tiếng thiêng liêng là tiếng của Đức Thánh Linh giải bày Lời Chúa cho con dân Chúa, mà các nhà thần học gọi là “rhema.” Tôi kinh nghiệm được tiếng này.

4. Mục đích đầu tiên của ơn nói ngoại ngữ như ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ là để xác chứng quyền năng đang tuôn đổ trên các môn đồ của Chúa là Thánh Linh; vì họ nói được các thứ ngoại ngữ thông dụng thời bấy giờ mà những người ngoại quốc hiểu được. Mục đích về sau là để gây dựng riêng cho người được ơn. Nội dung của lời được nói trong ngoại ngữ là tôn vinh Đức Chúa Trời. Ơn nói ngoại ngữ đó được sự ấn chứng của những người chung quanh rằng đó là một ngôn ngữ của loài người mà người khác hiểu được. Ơn nói ngoại ngữ luôn gồm đủ ba phương diện: mục đích, nội dung, ấn chứng. Mục đích được thể hiện qua nội dung và nội dung ấn chứng sự nói ngoại ngữ đó chính thật là ân tứ đến từ Đức Thánh Linh. Nói cách khác, ân tứ nói ngoại ngữ luôn được ấn chứng bởi nội dung của các câu nói còn sự “nói tiếng lạ” thì không thể ấn chứng. Chúng chỉ giống như cách dân ngoại giáo đọc thần chú, một sự lấp ba, lấp bấp những âm thanh vô nghĩa mà các nhà ngôn ngữ học đã xác quyết không phải là một thứ ngôn ngữ.

5. Một người được ơn nói ngoại ngữ thì cũng chỉ được nói trong buổi nhóm họp của Hội Thánh khi có người thông giải.

6. II Cô-rinh-tô 11:13 là câu tổng quát chỉ chung những kẻ thuộc về ma quỷ mạo danh tôi tớ Chúa để trục lợi con dân Chúa. Câu 12 trước đó nói đến “những sự họ lấy mà khoe mình” bao gồm luôn sự họ “khoe” họ biết “nói tiếng lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ.” Thánh Kinh cho biết, trong những ngày sau rốt những kẻ giả mạo đó sẽ làm ra nhiều dấu kỳ, phép lạ đến nỗi có thể gạt được cả con dân Chúa (Ma-thi-ơ 24:24; Khải Huyền 13:13; đối chiếu Ma-thi-ơ 7:22, 23).

7. Tôi chân thành hoan nghênh những anh chị em nào thật sự được ơn nói ngoại ngữ nhưng tôi cương quyết bác bỏ sự “nói tiếng lạ” là điều mà Chúa đã bày tỏ cho tôi biết nó đến từ Sa-tan và Ngài đã ấn chứng cho vợ chồng tôi trong lần vợ chồng tôi bị thúc giục “nói tiếng lạ” trong khi cầu nguyện trừ quỷ.

Trong văn phạm Hy-lạp, từ ngữ “nói các thứ tiếng” được kết hợp bởi động từ “nói” (λαλέωG2980) và danh từ “tiếng” với hình thức số nhiều (γλωσσαιςG1100), và luôn có nghĩa rộng là “nói các thứ ngôn ngữ của loài người,” nghĩa hẹp là “nói tiếng ngoại quốc.” Khi cần diễn tả một cách chi tiết thì sẽ kèm theo tính từ, như tính từ “mới” (καινός G2537) hoặc tính từ “khác” (ἕτερος G2087)

Dưới đây là bảng đối chiếu Việt – Hy-lạp các danh từ liên quan đến “tiếng.” Các câu Thánh Kinh được trích từ Bản Hiệu Đính 2011 Phan Khôi (http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/bible):

1) Nói (λαλέωG2980)các thứ tiếng (γλωσσαιςG1100) mới (καινός G2537)

  • “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng những tiếng mới mà nói” (Mác 16:17).

2) Nói (λαλέωG2980) các thứ tiếng (γλωσσαιςG1100) khác (ἕτερος G2087)

  • “Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đấng Thần Linh cho mình nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4).

3) Nói (λαλέωG2980) các thứ tiếng/các ngôn ngữ/các ngoại ngữ/các tiếng ngoại quốc (γλωσσαιςG1100)

  • Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46 Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc và tôn vinh Đức Chúa Trời.
  • Công Vụ Các Sứ Đồ 19:6 Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri.
  • I Cô-rinh-tô 12:30 Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói ngoại ngữ sao? Cả thảy đều thông giải ngoại ngữ sao?
  • I Cô-rinh-tô 13:8 Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói ngoại ngữ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.
  • I Cô-rinh-tô 14:2 Vì người nào nói ngoại ngữ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm);
  • I Cô-rinh-tô 14:4 Kẻ nói ngoại ngữ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh.
  • I Cô-rinh-tô 14:5 Tôi ước ao anh em đều nói ngoại ngữ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói ngoại ngữ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng.
  • I Cô-rinh-tô 14:13 Bởi đó, kẻ nói ngoại ngữ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy.
  • I Cô-rinh-tô 14:18 Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói ngoại ngữ nhiều hơn hết thảy anh em;
  • I Cô-rinh-tô 14:21 Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói ngoại ngữ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta.
  • I Cô-rinh-tô 14:23 Vậy thì cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói ngoại ngữ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?
  • I Cô-rinh-tô 14:26 Hỡi Anh em, nên nói thể nào? Khi Anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói ngoại ngữ, hoặc giải ngoại ngữ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.
  • I Cô-rinh-tô 14:27 Ví bằng có người nói ngoại ngữ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải.
  • I Cô-rinh-tô 14:39 Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói ngoại ngữ.

4) Nói (λαλέωG2980) tiếng (γλῶσσαG1100) thiêng liêng (πνευματικόςG4152), được hiểu ngầm trong câu Thánh Kinh dưới đây và được dịch diễn nghĩa trong Bản Dịch Phan Khôi. Nguyên ngữ Hy-lạp không có nhóm chữ “nói tiếng thiêng liêng” hoặc “tiếng thiêng liêng.”

  • I Cô-rinh-tô 2:13 chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.

5) Nói (λαλέωG2980) tiếng (γλῶσσαG1100) thiên sứ (ἄγγελοςG32). Thánh Kinh không hề dạy rằng loài người được ban cho nói tiếng của thiên sứ nhưng dạy rằng:

  • I Cô-rinh-tô 13:1 Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng.

6) Nói (λαλέωG2980) tiếng (γλῶσσαG1100) lạ (ξένος G3581). Không hề được dùng trong Thánh Kinh. Hiện tượng “nói tiếng lạ” chỉ có trong các ngoại giáo thờ lạy tà thần. Từ ngữ “lạ” (ξένος G3581) chỉ được Thánh Kinh dùng để gọi:

  • khách lạ/người lạ (Ma-thi-ơ 25:35, 38, 43, 44; 27:7; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:21; Ê-phê-sô 2:12, 19; Hê-bơ-rơ 11:13; III Giăng 1:5)
  • thần lạ (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:8)
  • giáo lý lạ (Hê-bơ-rơ 13:9)
  • điều lạ/vật lạ/việc lạ/chuyện lạ (I Phi-e-rơ 4:12)

Định nghĩa củaThayer’s Greek Definitions:”

G1100

γλῶσσα

glōssa

Thayer Definition:

1) the tongue, a member of the body, an organ of speech (cái lưỡi, một chi thể của thân thể, một bộ phận phát ra tiếng nói)

2) a tongue (một ngôn ngữ)

1a) the language or dialect used by a particular people distinct from that of other nations (ngôn ngữ hay là thổ ngữ được dùng bởi một dân khác với những dân tộc khác)

Part of Speech:noun feminine(danh từ giống cái)

Mời anh xem, nghe thêm các bài sau đây:

I Cô-rinh-tô 12: https://timhieutinlanh.com/node/625

Tiếng Mới và Ân Tứ Nói Ngoại Ngữ: https://timhieutinlanh.com/article/tieng-moi-va-tu-noi-ngoai-ngu

Cầu Nguyện Bằng Tiếng Mới?: https://timhieutinlanh.com/article/cau-nguyen-bang-tieng-moi

Thân mến trong Đấng Christ.

Huỳnh Christian Timothy
22.09.2011