Hỏi & Đáp: Có Nên Tập Thể Dục Theo Yoga Hay Không?

4,006 views

Có Nên Tập Thể Dục Theo Yoga Hay Không?
http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/bible

Con Dân Chúa:

Cháu hôm nay có một chút thắc mắc muốn chú giải đáp. Cháu và bác T. đã từng nghe một bài giảng của chú về việc tập Yoga. Cháu hoàn toàn đồng ý với chú về bài giảng đó. Nhưng cháu có một thắc mắc như sau:

Đúng là môn Yoga có xuất xứ từ Ấn Độ, và thuở ban đầu nó được coi như là một “khoa học cổ đại” theo như cách nói của người đời, và nó không đơn thuần chỉ là cách tập luyện dưỡng sinh như bây giờ, nó bao hàm nhiều vấn đề như triết học, tôn giáo, khí công… và thường hướng con người tới một cái đích hơi giống như Phật Giáo.

Trải qua thời gian, đến nay Yoga không còn mang nhiều ý niệm như thế nữa. Nhiều người chỉ biết đến Yoga như một môn thể thao giống như Khí công, thể dục để rèn luyện sức khỏe. Nhiều người tập Yoga chỉ với mục đích nâng cao sức khỏe, và chỉ bằng vài động tác hít thở, cúi người… họ không hề có ý niệm tập thiền hay cái gì cao siêu cả.

Vậy cháu muốn hỏi, một người chỉ tập Yoga vài động tác như thể dục bình thường mà không hề có ý niệm tôn giáo, tâm linh hay hướng đến cái gì đó cao siêu. Đơn giản là tôi bị đau lưng và làm vài động tác vận động kèm hít thở cho nó đỡ đau. Vậy như thế có được phép không? Cũng chả giấu gì chú, cháu là một người đã tập Yoga từ khi lên 10 tuổi và bây giờ vẫn tập. Cháu tự tập theo sách thể dục thể thao “Yoga chữa bệnh” và phương pháp tập của cháu cũng rất đơn giản, chỉ nằm ngửa rồi đưa chân lên cao hít thở, hoặc đứng lên, cúi xuống cúi lên như thể dục thông thường thôi. Cháu chưa bao giờ có ý niệm là sẽ phải ngồi thiền hay suy nghĩ đến đấng nào cả. Vậy việc đó có sao không? Việc tập luyện này không hề làm ảnh hưởng đến việc cháu tin Chúa cho dù cháu đã tập luyện từ hơn 20 năm nay. Chúa vẫn dẫn dắt cháu tin nhận Ngài.

Theo ý kiến của bác T. thì cho rằng: Chúa cấm tập Yoga, và cũng không cần tập cả thể dục nữa. Vì thân thể thuộc thể chỉ tồn tại vài chục năm thì đâu cần tập thể dục làm gì. Theo ý kiến của cháu thì: tập thể dục, khí công, Yoga với mục đích rèn luyện sức khỏe đơn thuần không có gì sai. Vì thân thể mình là “Đền thờ thánh” của Đức Chúa Trời. Vậy, mình tập thể thao cho khỏe người thì đâu có sao? Bác T. thì lại cho rằng “đền thờ thánh” mà còn cần đến rèn luyện, bảo dưỡng thì đâu còn gọi là đền thờ nữa?

Cháu đồng ý là thân thể thuộc thể chỉ là thân thể tạm thời. Nhưng tập luyện cho thân thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật thì đâu có sao. Vấn đề là mình không tập cái gì mà có ý niệm hướng đến lĩnh vực tâm linh nào cả. Ví dụ: ở Việt Nam có môn võ dân gian gọi là “Thất sơn Thần quyền” hay còn gọi là “Quyền thề”, người tập môn này phải đeo một cái lá bùa và theo quan niệm của họ, thần nào đó sẽ nhập vào họ để họ múa võ chứ không phải là do họ có quá trình tập luyện. Hoặc như môn Pháp Luân Công hiện nay, cũng là dưỡng sinh nhưng lại có ý hướng đến mục đích tâm linh kiểu như Phật giáo… Cháu nghĩ những môn này thì mới không được tập.

Còn nếu lý luận Yoga không được tập theo kiểu bác T. thì những môn như khí công dưỡng sinh, võ thuật khác… đều sẽ không được tập luôn. Vì xét cho cùng, các môn võ đều có nguồn gốc từ các nhà sư từ bên Ấn độ đem sang Trung Quốc (Thiếu Lâm Tự) rồi phát triển cho đến ngày nay. Như thế thì cũng có nguồn gốc liên quan đến Ấn Độ Giáo và Phật giáo. Nhưng thực tế bây giờ, nhiều người tập võ để rèn luyện sức khỏe như môn thể thao mà không hề có ý niệm gì về tôn giáo hay tâm linh cả.

Xin chú giải đáp thắc mắc này dùm cháu. Cháu cảm ơn chú nhiều.

Tim Huỳnh:

1. Chú đồng ý với cháu là việc làm các động tác vận động thân thể để tập thể dục không có gì sai, miễn là đừng tốn quá nhiều thời gian cho nó, đừng cầu kỳ, và đừng theo các phong trào pha lẫn các tín ngưỡng tâm linh trong các động tác thể dục.

2. Là con dân Chúa, chúng ta không nên tập theo những động tác thể dục đã bị đồng hóa với các phong trào và tín ngưỡng nghịch Thánh Kinh. Có thể sẽ làm gương xấu cho người khác, tạo cơ hội cho họ làm quen với các phong trào tà giáo và ngoại giáo.

3. Các động tác cơ bản như: chạy bộ, nhảy dây, hít đất, bơi lội, cử tạ, đu xà… quá đủ để chúng ta vận động thân thể dưỡng sinh.

4. Trong khi tập thể dục nghe thánh ca, Thánh Kinh, hoặc bài giảng là tuyệt vời.

5. Chính Thánh Kinh cũng nói (I Ti-mô-thê 4:8) “Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa,” cho nên, bác T. cũng có lý phần nào. Dầu vậy, chính trong câu đó cũng cho thấy là sự tập tành thân thể cũng có ích, dù là không nhiều.

6. Thân thể của chúng ta là đền thờ của Chúa nhưng vì nó là vật chất nên cũng cần bảo dưỡng. Sự bảo dưỡng bao gồm các chế độ: ăn uống, làm việc, thể dục, ngủ nghỉ hợp lý. Đôi khi có những thứ tật bệnh Chúa cho phép ở lại trong thân thể chúng ta thì chúng ta cảm tạ Chúa và nhờ ơn Ngài mà chịu đựng, đồng thời cũng dùng thuốc men. Phao-lô không cầu nguyện chữa chứng yếu tì vị cho Ti-mô-thê (hoặc ông có cầu nguyện nhưng Chúa không chữa) nhưng khuyên Ti-mô-thê thỉnh thoảng uống chút rượu:“Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì vị con, và con hay khó ở” (I Ti-mô-thê 5:23).