Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 05 (f)

1,515 views

Youtube: https://youtu.be/ZTXpeGUqzQE

MP3 OpenDrive:
https://od.lk/d/MV8xOTgzMzc1NDdf/HoaHueGiuaChongGai_05f.mp3

MP3 SoundCloud:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/hoahuegiuachonggai-05f

Tải xuống bài viết, mp3, và video tại đây:
https://od.lk/fl/MV8yMDkxNzgyNF8

Anh Hùng Đức Tin
Hoa Huệ Giữa Chông Gai

Nguyên tác: Danyun
Chuyển ngữ: Vô Danh

Người Công Dân Thiên Quốc – Phần 6

Chương 20: Chạy Trốn Khỏi Trung Quốc

Vài ngày sau, có một người chăn thân quen đến thăm Yun trong chỗ anh đang ẩn náu. Khi họ cùng trò chuyện, cầu nguyện, và cởi mở nói về việc Yun sẽ làm gì bước tiếp theo. Người chăn ấy nói cho Yun biết là ông tin chắc rằng, Đức Chúa Trời dùng anh để đem Tin Lành và kinh nghiệm về Hội Thánh tư gia ở Trung Quốc đến phần còn lại trên thế giới. Đúng là có nhiều phép lạ xảy ra trong đời sống của Yun, nhưng anh làm sao có thể chạy trốn khỏi Trung Quốc? Theo cách nhìn của loài người thì một người đang bị truy nã như anh không thể nào chạy khỏi đất nước được. Nhưng sự vượt ngục của Yun, đầu tiên cũng giống như là không thể được. Yun nhớ lại rằng, khi anh còn là một thanh niên, Chúa đã nói rằng, Ngài sẽ dùng anh về sự phục vụ làm tiên tri ở nhiều nước. Nên anh đã hỏi Đức Chúa Jesus: “Có phải đó là sự thật không, hay Ngài muốn con trở thành một kẻ ngu dại?” Nhưng Đức Chúa Jesus trả lời: “Đúng như vậy, Ta không thay đổi ý định”.

Vậy là có một vé máy bay của hãng Lufthansa được mua cho Yun, từ Bắc Kinh đến Đức. Nhưng vẫn còn sự cản trở lớn: Hộ chiếu của Yun. Anh không có gì. Anh đã bị mất hết giấy tờ tùy thân, từ những năm tháng trước đây bị bắt. Tình hình còn trở nên khó khăn hơn, đó là Yun là một trong những kẻ bị truy nã số một ở Trung Quốc. Nhưng điều bất ngờ là người ta có thể tìm cho Yun một hộ chiếu. Khi anh nhìn hộ chiếu, đáng lẽ phải có ảnh của anh, nhưng đó lại là ảnh của một người khác, mang tên người khác. Tất cả những gì anh có thể làm đó là cầu nguyện Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài.

Khi anh đến sân bay để kiểm tra hộ chiếu, người công an cửa hải quan nhìn kỹ anh và nói: “Đây không phải là ảnh của anh.” Yun chỉ cười, vì Chúa đã nói cho anh là không nói gì cả, chỉ cứ im lặng. Người hải quan kiểm tra lại một lần nữa tấm ảnh, vì thật sự là con người trước ông ta và người trong tấm ảnh, không hề giống nhau. Yun vẫn im lặng và nhìn ông ta tỏ vẻ ngây thơ – vẫn giữ một nụ cười. Sau đó, người nhân viên kiểm tra lại trong máy computer xem tên này có trong lệnh truy nã không. Tất nhiên, anh là một trong những kẻ bị truy nã số một ở Trung Quốc. Ảnh của anh và những thông tin khác đều có trong mỗi tài liệu lưu trữ, kể cả ở sân bay. Giờ chỉ còn là việc trong khoảnh khắc, Yun sẽ bị bắt và không thể rời khỏi Trung Quốc được. Bởi vì sự kéo dài quá lâu khi kiểm tra hộ chiếu của Yun, nên những hành khách phía sau càng trở nên nóng ruột hơn. Người hải quan nhận thấy sự sốt ruột của họ nên nói với Yun hãy đứng sang một bên, để giải quyết cho những hành khách khác. Một lúc sau, người nhân viên nói với Yun: “Cho dù nếu tôi để cho ông đi qua, thì ở Đức họ sẽ không cho ông vào. Họ sẽ gởi ông quay trở lại.” Và sau đó, ông ta lấy con dấu, đóng cho Yun được ra khỏi đất nước. Sự chú ý của ông nói lên rằng, con người hay mỉm cười này không có hộ chiếu hợp pháp. Nhưng tại sao và bằng cách nào mà ông ta lại để cho Yun đi qua? Câu trả lời không phù hợp với sự giải thích của lý trí. Trước khi Yun lên máy bay, anh lại phải trình hộ chiếu và giấy tờ một lần nữa. Người nhân viên nhìn Yun. Ông ta đã gọi điện thoại, để kiểm tra một lần nữa xem có hợp lệ không. Yun không biết nói năng làm sao, nhưng anh vẫn bình tâm và tươi cười. Anh biết rằng, cho đến chừng nào anh vâng lời và làm theo những gì Đức Thánh Linh nói, thì không có vấn đề gì. Cuối cùng, anh đã qua cửa khẩu được và lên máy bay, sang Đức. Hàng giờ đồng hồ sau đó anh sang đến Đức, ở đó lại bị kiểm tra hộ chiếu. Cảnh như cũ lại tái diễn. Những nhân viên nhìn đăm đăm vào hộ chiếu của anh. Họ kiểm tra lại tấm ảnh hộ chiếu nhiều lần, và đưa mắt nhìn qua Yun để đối chiếu. Một lúc lâu, nhưng cuối cùng, những nhân viên cũng hài lòng và để cho anh đi qua. Người hải quan của Trung Quốc đã nhầm, vì anh không bị trả lại. Cuối cùng, thì anh đã đặt chân đến Châu Âu. Tuy hôm nay Châu Âu là một trung tâm của chủ nghĩa vật chất và ích kỷ, nhưng dẫu sao, trước đó nhiều năm, từ đây đã có nhiều giáo sĩ đem Tin Lành và Thánh Kinh đến quê hương anh. Bây giờ, anh đến đây như một người, mà sự từng trải trong những năm qua là một bằng chứng sống nói lên rằng, anh không đến đây bằng sự hợp lý theo kiểu suy nghĩ của loài người, mà bằng và chỉ bằng đức tin mà thôi. Anh đã giữ gìn những gì các giáo sĩ đã giao phó cho dân tộc anh. Một vài tháng sau đó, vợ và con anh cũng đã rời khỏi Trung Quốc một cách kỳ diệu.

Chương 21: Không Thể Giết Chết Một Giấc Mơ

Đức Chúa Trời nói với Yun: “Giống như Ta đã đưa ngươi ra khỏi nhà tù thế nào, thì Ta cũng đưa một trăm nghìn giáo sĩ từ Trung Quốc ra khỏi đất nước, đến những nước Á Châu.” Sau khi anh đã hồi phục lại sau lần chạy trốn và những cực hình tra tấn trong tù, Yun bắt đầu sự phục vụ của mình ở tây phương. Một trong những nước đầu tiên anh đến thăm là Na-uy. Hai lần anh đến đó, phục vụ ở đó, và nói lời cám ơn những Cơ-đốc nhân địa phương đã gởi biết bao giáo sĩ đến Trung Quốc. Như anh nói, họ đã đem ánh sáng đến cho dân tộc anh. Chuyến đi thăm của anh ở đó, đối với Yun, trên phương diện nào đó giống như một sự trở lại cội nguồn thuộc linh của mình. Mẹ anh đã tin Chúa qua một nữ giáo sĩ người Na-uy. Mặc dù bà có một thời gian xa cách Chúa, nhưng sau đó, bà đã quay trở lại, và cuối cùng đã dẫn con trai mình đến với Chúa. Chúng ta nhớ lại, khi Yun còn là một thanh niên trẻ, Đức Chúa Trời kêu gọi anh đi đến phía tây và sau đó đến phía nam. Nó bắt đầu từ một vài làng mạc và lan rộng ra huyện lỵ. Sau đó, sang đến các tỉnh; và cuối cùng, bây giờ có một đội quân thuộc linh hùng mạnh ở Trung Quốc đã sẵn sàng. Các Hội Thánh ở xứ Skandinavien đã gởi đi biết bao giáo sĩ đến toàn thế giới. Khi Yun nói cho họ biết khải tượng về sự gởi đi một trăm nghìn giáo sĩ, trái tim họ đã bùng cháy. Họ có một ước muốn mãnh liệt được cùng làm việc với Yun và để cho chương trình của Đức Chúa Trời ở Trung Quốc được hoàn tất.

Khi những người lãnh đạo của Hội Thánh tư gia tại Trung Quốc họp lại vào năm 2000, họ đã nói lên một vài điều lệ căn bản, để theo đó mà họ thực hiện mục vụ cho thế kỷ 21. Một trong những điều lệ đó là: “Chúng ta hứa nguyện sẽ đặt một điểm chính yếu vào sự truyền giảng Tin Lành và vào sự làm ứng nghiệm đại mạng lệnh truyền giáo bằng quyền phép của Đức Thánh Linh”. Nếu họ đề cập về điều họ gọi là sự “ngược về Giê-ru-sa-lem” thì họ đã có một mục tiêu rõ ràng trước mắt. Trước hết, điều đó chỉ ra một phương hướng nhất định để họ bước đi; và đó là tây tiến. Dự định đó không phải là một cuộc chạy đua, và cũng không phải là gởi một trăm nghìn giáo sĩ Trung Quốc đến một đại hội tại thủ đô của I-sơ-ra-ên.

Trên đường đi đến đó, có nhiều chi tộc sinh sống chưa được nghe về Tin Lành, và Hội Thánh cần phải được thành lập. Đó sẽ là “một chuyến công tác truyền giảng Tin Lành” kéo dài nhiều năm. Bây giờ, không ai biết cần bao nhiêu năm để đạt đến những chi tộc nằm trên đường họ đến Giê-ru-sa-lem. Những giáo sĩ đầu tiên đã lên đường và bây giờ họ đang ở ngoài biên giới Trung Quốc. Hơn ba mươi giáo sĩ sẽ đi vào cuối Tháng Ba, năm 2000; và nhiều người sẽ đi sau họ. Trong các Hội Thánh tư gia có hơn một triệu người chăn và giáo sĩ. Khoảng mười phần trăm trong số họ có một sự kêu gọi truyền giáo cho bản thân. Nên người ta có thể dễ dàng tính ra, đúng là có một trăm nghìn người đang sẵn sàng lên đường.

Yun là một nhân vật then chốt trong công tác này, nhưng anh không đứng một mình. Những Cơ-đốc nhân Trung Quốc nhấn mạnh rằng, điều Thánh Kinh nói về Hội Thánh – là một thân thể, một cơ chế sống. Mỗi một người có những nhiệm vụ khác nhau và những ân tứ khác nhau, nhưng nếu muốn cho thân thể hoạt động cân đối, và cũng giống như để cho một đội quân chiến thắng trong trận đánh, thì đồng thời tất cả họ phải phụ thuộc vào nhau. Thật là cuốn hút, khi tiếp cận với khải tượng này trong việc sai phái hàng nghìn giáo sĩ đi đến những nước Á Châu. Có một điều chắc chắn là khải tượng này được nhiều người chia sẻ và không phải là mới, hay là một kiểu thời trang mới. Trước đó nửa thế kỷ, trước khi Yun sinh ra, Đức Chúa Trời đã đặt giấc mơ đó vào trong lòng nhiều Cơ-đốc nhân Trung Quốc. Thời đó, họ bị coi là “những người nằm mơ”. Nhưng cho đến thập niên 1920 vừa qua, họ đã nhóm lại tại vùng tây bắc. Mục đích của họ là Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ đi không được xa lắm. Cho đến thời điểm đó, họ còn thậm chí chưa ra khỏi Trung Quốc.

Những Cơ-đốc nhân này đã đọc về đại mạng lệnh truyền giáo và hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ: “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta.” Họ đã hiểu trong tâm trí và phạm vi tổng thể của họ, về những lời Đức Chúa Jesus nói cho các môn đồ của Ngài. Đó là một mạng lệnh đối với tất cả các Cơ-đốc nhân, không phân biệt chủng tộc và văn hoá. Họ không bao giờ nghi ngờ rằng, đất nước rộng lớn nhất thế giới này lại không có phần trong nhiệm vụ đó.

Tin Lành đặt tất cả mọi người trên một nền tảng giống nhau. Sự truyền giáo không chỉ là nhiệm vụ của những người da trắng, thậm chí của nhiều tổ chức ở tây phương có thái độ xem như đó là nhiệm vụ và cánh đồng của duy nhất một mình họ. Vào thập niên 1940, một thế hệ mới đã tiếp nhận sự kêu gọi và khải tượng được ban cho. Yun đã được gặp Tào Si-môn (Simon Tsao), một người chăn lão thành và đáng kính vào cuối thập niên 1980.

Hơn bốn mươi năm trước, vào thời gian trước khi người cộng sản sắp sửa lên nắm quyền, thì Tào Si-môn và vợ mình đã lên đường tây tiến; họ đi về Lan Châu. Nhiều người đã nối theo họ, và Đức Chúa Trời đã ban cho họ nhiều bài hát, nói về sự truyền giáo về hướng tây. Điều kỳ lạ là Tào Si-môn vừa mới viết những bài hát mà Yun và các Cơ-đốc nhân khác đã hát nhiều năm nay. Lúc đó, Yun và các anh chị em chưa hề biết điều đó. Một trong những bài hát bắt đầu bằng câu: “Hãy nhướng mắt về hướng tây”. Tào Si-môn và những bạn đồng hành đã đi đến vùng giáp ranh với Tân Cương ở miền tây Trung Quốc. Ở đó, họ bị người cộng sản bắt giam. Tào Si-môn bị cầm tù hơn bốn mươi năm. Nhưng những Cơ-đốc nhân khác đã giữ vững khải tượng này và tiếp tục truyền đạt lại, cả trong những năm khó khăn bị sự bắt bớ dữ dội. Một trong những bài hát mà họ thường hát kết thúc bằng câu:

“Chúng ta đều có cùng sự khao khát và sự mong mỏi về con đường Si-ôn.

Chúng ta cùng nhịp bước về Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta đã hiến dâng tấm lòng cho Chúa.

Quyền năng của Ngài đã đắc thắng tất cả mọi dân tộc.

Ôi, Đức Chúa Jesus Christ, có ai mà không muốn theo Ngài chăng?”

Đối với họ, sự đi ngược về Giê-ru-sa-lem có một ý nghĩa tượng trưng. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày đi với Chúa về lại Giê-ru-sa-lem và mỗi ngày rao giảng Tin Lành. Nhưng trong ánh sáng của lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng, sự kêu gọi đem Tin Lành từ Trung Quốc trên đường ngược về Giê-ru-sa-lem là một khải tượng sống và quyền năng trong vòng những Cơ-đốc nhân Trung Hoa, kể từ một trăm năm trở lại đây. Sau khi Đức Chúa Trời ban cho Yun nhiệm vụ hiệp nhất các Hội Thánh tư gia lại, thì đây là lần đầu tiên, Yun được gặp Tào Si-môn. Bậc đàn anh lão thành kể cho anh rằng, sự kêu gọi của ông đặc biệt dành cho những nước Hồi Giáo ở phía tây Trung Quốc. Trong cuộc nói chuyện đó, người lớn tuổi hơn cảm nhận, bây giờ mình có thể giao lại tấm áo choàng cho người trẻ hơn, là người sẽ kế tiếp mình. Vậy là cuối cùng, ông đã gặp ai đó cũng có một sự kêu gọi đi về phía tây. Trong khi ông ôm chầm lấy Yun, ông đã khóc vì sung sướng.

Cuộc cách mạng văn hoá và giai đoạn bắt bớ dữ dội kèm theo không giết chết được giấc mơ. Giấc mơ này bây giờ lại nổi lên trên bề mặt và được những người trẻ tuổi tiếp nhận lấy một cách mới mẻ. Chẳng bao lâu, đã thấy rõ ràng là Đức Chúa Trời điều khiển và phối hợp khải tượng này, vì mỗi Hội Thánh tư gia độc lập với nhau đều có cùng khải tượng. Nó đã bắt đầu từ hơn bốn mươi năm trước ở Hà Nam, một tỉnh ở chính giữa Trung Quốc. Từ đó, khải tượng đã trào dâng không mệt mỏi, như những đợt sóng về phía tây và về phía nam. Ở Trung Quốc có những sự cố gắng lớn lao được đầu tư, để truyền giáo cho nhân dân, trong số đó, có nhiều nhóm sắc tộc trong địa phận Trung Quốc. Nhiều sắc tộc đó có một thái độ thù hận đối với người Trung Quốc. Nhưng những người truyền giảng Tin Lành Trung Quốc đã đột phá được hàng rào này và đã đến được với họ. Đức Chúa Trời đã sử dụng lòng trung dũng của họ cùng với quyền phép Tin Lành để làm sự hoà giải với những sắc tộc này, và để vượt qua những sự ngăn trở.

Những người sẵn sàng từ bỏ định kiến về đức tin Cơ-đốc và nếu biết đánh giá nó một cách khách quan, thì họ sẽ nhận thấy ngay rằng, ở đâu Tin Lành được hành động, thì ở đó có sự hòa giải và an bình – không những giữa những cá nhân mà còn giữa các sắc tộc.

Nếu chúng ta nhìn vào cửa sổ mười bốn mươi (tính theo đường vĩ tuyến), trải rộng từ tây Phi đến đông Á, từ vĩ tuyến mười đến vĩ tuyến bốn mươi phía bắc xích đạo thì có khoảng bốn tỷ người sống trong phạm vi này. Hơn một nửa dân số thế giới. Trung Quốc và Ấn-độ có hơn hai tỷ người nằm trong cửa sổ chiến lược này. Trong phạm vi này có chín mươi phần trăm dân số thế giới sinh sống chưa hề nghe đến Tin Lành. Nếu đại mạng lệnh truyền giáo được thực hiện, thì chắc chắn vùng Châu Á này phải được đạt đến. Ở miền đông xa xôi, ở Trung Quốc, Đức Chúa Trời đã để cho một Hội Thánh sống, dấy lên mạnh mẽ, được trưởng thành, và kêu gọi họ quan tâm đến những con chiên lạc. Hội Thánh này được tẩy sạch qua nhiều sự gian truân. Bây giờ, trái tim đó đang bùng cháy bởi một sự khao khát, đem Tin Lành rao giảng trên đoạn đường cuối cùng, trước ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại. Đối với họ, cánh đồng truyền giáo nằm ở phía tây.

Chương 22: Ba Tuyến Đường – Về Hướng Tây và Hướng Nam

Phong trào “Ngược về Giê-ru-sa-lem” đã đặt ra ba tuyến đường, để đem Tin Lành vượt qua những biên giới, đến những đất nước ít được truyền giáo nhất trên thế giới.

Tuyến đường thứ nhất, ở phía bắc và tương ứng với con đường quen thuộc xưa kia giữa Trung Quốc và Trung Á là con đường tơ lụa. Nó đã được sử dụng trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh. Marco Polo đã đi trên những con đường này. Nó đi qua thành phố Kascar ở phía tây của Tân Cương, chạy qua những nước cộng hòa vùng Trung Á của nước Liên Xô cũ, và cuối cùng, chạy qua I-răn (Iran) đến Địa Trung Hải.

Tuyến đường giữa, được gọi là con đường Hy-mã-lai. Nó bắt đầu từ Tây Tạng và sẽ đưa những giáo sĩ qua Bu-tan (Bhutan) và Nê-pan (Nepal) đến A-phú-hãn (Afghanistan), Pa-kít-tan (Pakistan), I-răn, Trung Á, và sau đó, về I-sơ-ra-ên.

Hai tuyến đường này chủ yếu đi qua những nước Hồi Giáo.

Tuyến đường thứ ba, bắt đầu từ Việt Nam, đầu tiên đi xuống miền nam và sau đó đến miền tây. Ở Việt Nam có nhiều Hội Thánh tư gia được thành lập. Những người Trung Hoa có sự liên hệ chặt chẽ với họ. Nếu người ta đi về hướng tây, thì sẽ đi qua những nước như Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan, Miến-điện và Ấn-độ. Mục đích của tuyến đường này là truyền giảng Tin Lành ở trung tâm của Phật Giáo và Ấn Giáo. Không một địa phận nào ở trong những vùng này, mà những giáo sĩ có thể đi lại mà không có sự nguy hiểm. Trái lại, sự xuất hiện của họ sẽ thách thức những thế lực và quyền bính của những vùng này! Những giáo sĩ Trung Quốc biết rằng, nếu họ phải đi qua những nước đó, là những nước hoàn toàn chống lại Tin Lành, nhiều người trong số họ sẽ phải chịu tử Đạo.

Những giáo sĩ đầu tiên đã lên đường. Nhiều người bây giờ đang chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn và sẽ nối theo họ. Họ học ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Ả-rập và tiếng Anh. Họ được huấn luyện, để hiểu những phong tục và văn hoá của những nước họ được sai đến. Những Cơ-đốc nhân Trung Quốc đã truyền giảng Tin Lành cho những người Hồi Giáo ở miền tây Trung Quốc. Một vài người Hồi Giáo đã tin Chúa. Những xuất xứ về Hồi Giáo của họ sẽ rất có lợi thế, nếu họ tiếp tục đi đến những vùng Hồi Giáo khác. Những sư sãi ở Tây Tạng cương quyết chống lại người Trung Quốc, vì đã chiếm đất của họ. Một vài người trong số đó đã tiếp nhận Đức Chúa Jesus và đang được huấn luyện để rao truyền Tin Lành cho dân tộc mình. Ở những nước láng giềng, đã có những sự phấn hưng rộng lớn, ví dụ như ở Nê-pan và một vài vùng ở Việt Nam và Ấn-độ. Ở nhiều vùng đã có Hội Thánh, làm một cơ sở cho sự phát triển Hội Thánh tiếp tục. Những người Trung Quốc biết rằng, đến với những đất nước này mà chỉ bằng lời nói sẽ không làm được gì. Những lời nói cần phải có quyền phép kèm theo, quyền phép của Tin Lành, bằng những dấu kỳ và phép lạ để nói cho mọi người biết rằng, có một Đức Chúa Trời Hằng Sống và có thật mà họ có thể thờ phượng.

Yun đóng một vai trò quan trọng vào đó, để tổ chức huấn luyện và sai phái những người này. Trong vòng năm đến mười năm tới sẽ có hơn một trăm nghìn giáo sĩ Trung Quốc lên đường rời khỏi Trung Quốc, đi về phía tây. Yun được tôn trọng và có uy quyền trong vòng những người lãnh đạo Hội Thánh tư gia Trung Quốc. Anh là một trong số những người lãnh đạo được nhiều người cần những ý kiến và lời khuyên. Mặc dù anh có một vai trò cốt yếu, nhưng anh nhấn mạnh rằng, mỗi người phải làm trọn nhiệm vụ của mình và không có sự lãnh đạo của Đức Thánh Linh, không có sự liên hệ mật thiết hàng ngày với Đấng Christ, thì sự phục vụ của họ sẽ không có kết quả. Họ và chúng ta, tất cả đều cần có một thái độ hạ mình, cần sự cầu nguyện, cần ân điển và sự khôn sáng từ Đức Chúa Trời.

Những Cơ-đốc nhân đã tham gia vào những phong trào không được đăng ký đều phải đi một con đường khó khăn và gian khổ. Họ phải trả một giá đắt, để bảo tồn sự tự do của các Hội Thánh trước sự kiểm soát của hệ thống tôn giáo. Ví dụ như sự tự do được sai phái những giáo sĩ ra đi, kể cả ở trong Trung Quốc và nước ngoài. Trong nhiệm vụ này, Hội Thánh Ba Tự Túc chân tay đều bị trói.

Những Cơ-đốc nhân thường vẫn tìm đến những nơi mà trước đây đã có các giáo sĩ bị tử đạo, để tưởng nhớ họ bằng một buổi thờ phượng tưởng niệm. Yun thường nhắc đi nhắc lại rằng, cũng như các giáo sĩ đã xả thân vì cớ Tin Lành, thì ngày nay, anh chị em Trung Quốc chúng ta cũng phải sẵn sàng đem ánh sáng đến cho hàng triệu người đang sống trong vùng Á Châu tăm tối.

Nhân đây, cũng cần phải nói rằng, những Cơ-đốc nhân Trung Quốc hoàn toàn không đồng ý với tất cả những sáng kiến của các tổ chức tây phương. Đó là một sự thật đáng buồn, rằng có một vài công trình đã ra đời chỉ vì một tổ chức hay Hội Thánh có nhu cầu gây sự chú ý của mọi người. Điều đó không ích lợi cho Hội Thánh tư gia Trung Quốc. Trái lại, theo lời của nhiều lãnh đạo Hội Thánh tư gia, những công trình như vậy còn đem lại những sự thiệt hại và thất bại.

Một ví dụ về một trong những công trình như vậy mà Hội Thánh tư gia không hề được hưởng, đó là quyên góp tiền để in Thánh Kinh ở trong Trung Quốc dưới sự kiểm soát của Hội Thánh Ba Tự Túc. Những tổ chức tây phương cho rằng, những Hội Thánh tư gia sẽ nhận được một phần xứng đáng trong số đó. Điều họ không biết đó là trong thực tế, công an bộ nội vụ kiểm soát ngặt nghèo sự phân phối Thánh Kinh. Họ đã đánh dấu ở đâu và những ai đã đặt mua. Bằng cách đó, họ có thể lần tìm dấu vết những người đã đặt mua những quyển Thánh Kinh, và tìm ra Hội Thánh tư gia dễ dàng. Một phần của số tiền quyên góp in Thánh Kinh thậm chí được dùng để tài trợ cho Hội Thánh Ba Tự Túc. Đáng buồn là đôi khi chúng được dùng để kiểm soát và đàn áp Hội Thánh tư gia.

Có nhiều Hội Thánh tây phương, những giáo phái và những tổ chức truyền giáo, theo đuổi mục đích của mình ở Trung Quốc. Yun nói, những mục đích của họ thường không phù hợp với những mục đích ở những Hội Thánh tư gia. Tuy nhiều tổ chức Hội Thánh tây phương cho tiền ủng hộ các Cơ-đốc nhân Trung Quốc, nhưng động cơ kèm theo của họ là những Hội Thánh tại Trung Quốc sau đó phải trở thành “chi nhánh hay là trụ sở” của họ. Với tư cách là một người vì sự hiệp nhất, Yun tuyên bố rõ ràng rằng: “Chúng tôi không mong muốn những giáo phái tây phương và sự không hiệp một của nó.”

Cách đây không lâu, những lãnh đạo Hội Thánh tư gia đã viết kiến nghị lên chính phủ Trung Quốc, xin được công nhận và được tôn trọng. Nhưng nhà cầm quyền đã từ chối. Sự bắt bớ và tra tấn các Cơ-đốc nhân vẫn tiếp tục gay gắt không giảm sút. Thực tế là trong thập niên vừa qua, số Cơ-đốc nhân bị tù nhiều hơn trong thập niên 1980. Trái ngược với sự mong đợi của nhà cầm quyền khi tạo áp lực trên Hội Thánh tư gia, mong rằng, Hội Thánh bị giảm sút, thì hiện nay, Hội Thánh càng tăng lên.

Những người lãnh đạo Hội Thánh tư gia đồng ý để cho tây phương được biết điều này. Tuy nhiên, họ không nhìn nhận đó là một dạng phản đối theo kiểu vi phạm nhân quyền. Thậm chí, họ còn cho rằng sự nhấn mạnh của tây phương về quyền con người và dân chủ đã đánh lạc hướng điều thật sự quan trọng. Họ nói rằng, qua đó, con người càng được đặt làm trung tâm, chứ không phải Đức Chúa Trời. Về nhiều phương diện, Cơ-đốc nhân ở Trung Quốc sống trong một quan hệ hoàn toàn khác với những người tây phương. Họ không muốn để tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo lên kiểm soát Hội Thánh. Vì vậy, họ rất cẩn thận đối với sự hăng say của tây phương đuổi theo vật chất, một mức sống cao hơn, và những hình thức giải trí mới, là những cái chỉ làm đất nuôi dưỡng cho một tôn giáo bằng kinh nghiệm, tìm kiếm những cách diễn đạt mới. Kiểu “tự xoay vòng” này cuối cùng sẽ dẫn đến một sự trống rỗng và sự xơ xác về thuộc linh, dẫn đến tình trạng các Hội Thánh sẽ “ngủ trên những vọng canh của mình”. Yun nói rằng, sẽ có nhiều người Trung Quốc đến Châu Âu và Mỹ để thách thức những Hội Thánh ngủ triền miên.

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu với một chàng thanh niên ở một ngôi làng nhỏ, không tên tuổi, trong thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Từ thời còn thanh thiếu niên, anh đã được sự kêu gọi làm giáo sĩ cho hướng tây và hướng nam. Anh đã vâng lời và không hề thoả hiệp, mặc dù bị tù tội nhiều lần, bị bắt bớ và đau đớn. Kết quả của sự thành tín đó là hôm nay, anh được Đức Chúa Trời kêu gọi cho một công tác rộng lớn hơn trong Vương Quốc Trời. Chúng ta có thể thấy rõ, sự thành tín của Đức Chúa Trời trên đời sống của anh. Điều Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng đã làm.

Những “cánh cổng sắt” đã mở ra, cả ở trong một ý nghĩa rộng hơn, từ cánh này đến cánh khác. Mẹ Yun đã dẫn anh và gia đình đến với Đấng Christ. Cho đến ngày về với Chúa, cuối năm 2000, bà là một “lực sĩ” trong sự cầu nguyện. Chúng ta kết thúc câu chuyện này bằng một lời tường thuật về người phụ nữ, mà đã có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của cậu con trai, và qua đó, đến sự phát triển Hội Thánh tư gia Trung Quốc. Chúng ta có thể nói rằng, bà là một trong những nhân vật then chốt trong sự phấn hưng đã diễn tiến từ hai mươi năm qua. Lời chứng về sự chữa lành sau đây đã làm một ví dụ điển hình về quyền phép của Đức Chúa Trời, lẫn về những phép lạ đã xảy ra ở Trung Quốc ngày nay.

Trước đây một vài năm, khi bà vừa được bảy mươi tuổi, mẹ của Yun bị lâm bệnh tai biến mạch máu não, bà bị liệt một thời gian và không biết gì. Những bác sĩ đã khám nghiệm nhiều lần và đi đến kết luận là tình trạng của bà không còn hy vọng nữa. Theo lời họ nói, thì bà không thể bình phục được và sẽ chết sau một thời gian ngắn. Con trai còn ở trong tù và không thể đến thăm bà được. Mẹ của Yun đã hồi tỉnh lại trong một thời gian ngắn và nói với con gái hãy đem mình về nhà, để bà có thể chết ở đó. Trong một buổi nhóm cầu nguyện tại gia đình bà, bà được mọi người cầu nguyện, Đức Chúa Trời đã đụng chạm bà. Bà đã được chữa lành và tôn vinh Đức Chúa Trời. Bây giờ, bà muốn đến thăm con trong tù. Trong lần đến thăm đó, bà kể cho con trai nghe rằng, nếu Đức Chúa Trời không chữa lành cho bà, thì bà không bao giờ gặp được con trai nữa, vì các bác sĩ đã bó tay. Một vài năm sau, vào năm 1996, đang trong lúc giảng, Yun nhận được một điện tín rằng, mẹ anh lại bị một cơn tai biến não nữa. Hậu quả là một phần thân thể bị liệt, khuôn mặt bà bị méo mó. Yun đã đến thăm bà trong bệnh viện. Mẹ anh mở mắt ra và nói, hãy mặc cho mình bộ đồ trắng, để bà đi gặp Chúa. Trong khi ở đó, Chúa nói với lòng Yun, rằng bệnh này không đến nỗi chết. Anh đã cầu nguyện bằng uy quyền lớn lao cho mẹ mình, và đẩy lui căn bệnh trong danh của Đức Chúa Jesus. Bà cảm thấy thân thể mình có một luồng sức mạnh tuôn chảy, bà đã đứng dậy và bước đi. Khuôn mặt bà hoàn toàn trở lại bình thường.

Cuối cùng, mẹ anh lâm bệnh lần thứ ba, vào năm 1998. Đó là sau khi Yun đã đến Châu Âu. Ai cũng nghĩ rằng, lần này bà sẽ chết. Gia đình không còn hy vọng gì nữa. Thậm chí, người ta đã chuẩn bị cho điều cuối cùng và mặc y phục người chết vào cho bà.

Con trai bà, đã nhiều năm có một mối liên hệ mật thiết với mẹ, lúc đó anh đang giảng ở đất nước Thụy-sĩ xa xôi. Khi Yun được báo tin về bệnh tình của mẹ, anh gọi về nhà bằng điện thoại cầm tay. Khi ở Trung Quốc reo chuông, gia đình đưa điện thoại đến gần tai bà. Yun nói những lời ngắn ngủi: “Mẹ ơi, mẹ có nghe thấy không? Đức Chúa Jesus yêu mẹ và Ngài sẽ chữa lành cho mẹ.” Khi bà nghe thấy câu “Đức Chúa Jesus yêu mẹ”, thì bà liền lập tức đứng dậy, đi lại và nhảy múa vui sướng. Một lần nữa, bà lại chiến thắng trên sự chết và bệnh tật. (Vào Tháng Mười Hai, năm 2000, bà đã được Chúa gọi về nhà).

Những phép lạ xảy ra trong Hội Thánh tư gia Trung Quốc, nhiều vô số như những ngôi sao trên trời. Chúng tôi chỉ nhắc đến một vài trường hợp. Phép lạ lớn nhất, không phải là những người bệnh được chữa lành mà hàng triệu tội nhân đã tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình và đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời Hằng Sống. Trong những ngày sắp tới trước mặt, sẽ có nhiều người trong số họ phục vụ Chúa trên mọi nẻo đường về hướng nam và hướng tây, qua Châu Á đến tận Giê-ru-sa-lem.

Xin đọc: Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 01
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-01/