Video Chân Giả Luận: 53 Bức Tranh của Cuộc Đời

2,792 views

 

 

53 – Bức Tranh của Cuộc Đời

Bạn thân mến, có khi nào bạn dành thời gian để suy tư về thân phận, về đời người? Nếu ví cuộc đời của bạn như là một bức tranh lớn, được vẽ từ trái qua phải, nối tiếp từ ngày này sang ngày khác, một nét đã vẽ lên thì không thể bôi xóa hoặc sửa đổi, thì bạn sẽ “vẽ” bức tranh cuộc đời của bạn như thế nào?

Cho đến giây phút hiện tại, nếu nhìn lại những gì bạn đã vẽ, có bao nhiêu chỗ trên bức tranh bạn ao ước có thể xóa bỏ, hoặc thêm, bớt để nét vẽ được toàn hảo? Cảm giác đó có khiến cho bạn cẩn thận hơn trước khi “vẽ” tiếp cuộc đời của bạn trong ngày hôm nay?

Bao năm tháng trôi qua, bạn đã miệt mài vẽ lên bức tranh của đời mình; nhưng đã bao giờ bạn có định ý sẽ vẽ bức tranh như thế nào? Đề tài bức tranh của bạn là gì? Bạn muốn người khác sẽ nghĩ gì? cảm nhận được gì khi nhìn vào bức tranh đang vẽ hoặc đã hoàn tất của bạn?

Những tư tưởng, lời nói và hành động mỗi ngày của chúng ta, dù vô tình hay cố ý, là những nét vẽ lên bức tranh cuộc đời của chúng ta. Bức tranh này, một ngày kia sẽ được đệ trình lên Đấng Tạo Hóa, là Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật. Chúng ta, mỗi một người, sẽ phải trả lời Đức Chúa Trời về “tác phẩm” của đời mình. Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên chúng ta, ban cho chúng ta quyền tự do chọn lựa lối sống. Chúng ta có thể sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời mà Ngài đã đặt để trong lương tâm của chúng ta, hoặc chúng ta có thể sống chống nghịch luật pháp của Ngài. Luật pháp của Đức Chúa Trời chia làm hai phần, là tín ngưỡng và nhân ái.

Tín ngưỡng là phải tôn kính, thờ phượng Đấng Tạo Hóa, và chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi. Nhân ái là phải yêu thương người khác như chính bản thân mình: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Thánh Kinh, sách Ma-thi-ơ, đoạn 22, câu 37-40). Nếp sống mỗi ngày của chúng ta phải thể hiện sự vâng phục trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời.

Người Việt Nam chúng ta, từ thời xa xưa, trước khi các tôn giáo du nhập vào trong nước, đã biết theo lương tâm mà tôn kính, thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều đó được thể hiện qua “Bàn thờ Thiên,” tức là bàn thờ Trời. Ta có thể nói, tôn giáo chính của người Việt là đạo “Thờ Trời.” Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi có chuyện đau thương, bất trắc, người Việt đều kêu “Trời;” Mỗi khi có chuyện oan ức, bất công, người Việt cũng kêu “Trời;” Mỗi khi có việc vui mừng, lợi lộc, người Việt đều “cám ơn Trời” và nói rằng: đó là do “Trời thương” hoặc “Trời cho.” Khi cầu mong, hy vọng, người Việt xin “lạy Trời.” Khi một việc xảy ra, ngoài khả năng kiềm chế, thay đổi của con người, người Việt nói “ý Trời.” Khi những tai nạn thiên nhiên xảy ra, người Việt nói “tai Trời…” Ý thức về “Trời,” còn gọi là “Hóa Công,” là “Đấng Tạo Hóa,” hoặc nói theo Thánh Kinh là “Đức Chúa Trời” (Đấng Chủ Tể ở trên trời) trong tâm hồn của người Việt là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Chúa Trời đã ghi điều luật “tôn kính, thờ phượng Trời” vào trong lương tâm của mỗi người.

Điều luật thứ hai của Đức Chúa Trời là “yêu thương người khác như chính bản thân mình.” Điều luật này cũng đã thấm nhuần trong tâm hồn của người Việt từ ngàn đời. Ý thức nhân ái của người Việt đã thể hiện qua các câu ca dao, tục ngữ, điệu hò: “Thương người như thể thương thân;” “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”

Với truyền thống, văn hoá thờ Trời và yêu người như vậy, người Việt Nam đã có ý thức sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, mỗi người chúng ta, với bản ngã tội lỗi, dù cố gắng hết sức để thờ Trời và yêu người, vẫn không sao “vẽ” lên được những nét vẽ tuyệt hảo trên bức tranh cuộc đời của chúng ta. Nếu chúng ta thành thật với chính mình, khi ngắm nhìn những gì chúng ta đã và đang vẽ lên trên bức tranh của cuộc đời, chúng ta sẽ rất đau buồn và hổ thẹn. Đối với phần lớn những nét vẽ trên bức tranh ấy, chúng ta ước gì có thể xóa đi, ước gì không một ai sẽ nhìn thấy nó, đừng nói là sẽ đệ trình lên Đức Chúa Trời trong ngày phán xét.

Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ phán xét mỗi một người, tùy theo công việc họ làm: “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy” (Thánh Kinh, sách Khải Huyền, đoạn 20, câu12).

Trong một quốc gia, luật pháp được làm ra để bảo vệ chủ quyền, sự vẹn toàn lãnh thổ, an ninh công cộng, và phúc lợi của quốc gia cùng mọi người dân của quốc gia đó. Nếu người nào sống trong quốc gia đó mà không tuân giữ luật pháp, thì sẽ bị trừng phạt theo quy định của luật pháp. Đối với Đức Chúa Trời, người nào không giữ trọn luật pháp của Ngài, người đó là tội nhân. Sau khi kết thúc mọi thời đại, Đức Chúa Trời sẽ gọi người đó sống lại và ứng hầu trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Thánh Kinh, sách Hê-bơ-rơ, đoạn 9, câu 27). Khi ấy, tội nhân sẽ cúi đầu nhận tội một cách tâm phục, khẩu phục. Số phận của tội nhân là sự chết lần thứ hai: “Họ sẽ bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục, vĩnh viễn xa cách mặt Chúa không còn thấy vinh quang và quyền năng Ngài” (Thánh Kinh, sách II Tê-sa-lô-ni-ca, đoạn 1, câu 9).

Tội lỗi có thể phân biệt ra năm loại như sau:

1. Phạm tội vì cố tình vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời: Là tội của người biết điều phải mà vẫn làm điều quấy, biết luật pháp mà vẫn vi phạm. Bản năng thứ nhất của con người là bản năng làm điều mình thích, bởi thế, có những lúc người ta muốn đạp đổ truyền thống, thách thức luật pháp và làm những điều cấm kỵ.

2. Phạm tội vì vô tình vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời: Ví như người vô ý trượt chân. Trượt chân trên một đường trơn, không do cố ý như hành động cố tình bước ngang qua lằn ranh của sự phải trái, thiện ác. Nhiều lần chúng ta buột miệng lỡ lời. Nhiều lần chúng ta bị lôi cuốn bởi một thôi thúc hay đam mê nào đó; chúng đã chiếm quyền kiểm soát, đoạt mất sự tự chủ của chúng ta trong một phút giây. Người tốt nhất trong chúng ta cũng sa vào tội nếu chúng ta không cẩn thận đề phòng.

3. Phạm tội vì không biết đó là tội: Có những lúc chúng ta phạm những tội mà chúng ta không biết rằng đó là tội. Ví như những người lính La-mã đóng đinh Chúa vào thập tự giá năm xưa, dù biết hay không biết, hành động đó vẫn là hành động giết một người vô tội.

4. Phạm tội vì không sống đúng với tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời: Ví như một người bắn cung mà bắn không trúng mục tiêu, người sống không đúng với tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời là người sống trật mục tiêu mà Chúa đã đặt ra khi tạo dựng nên người. Bởi vậy, tội lỗi là trật mục tiêu, là không sống giống như mình đáng phải sống. Khi chúng ta nhận ra rằng: tội lỗi có nghĩa là không đánh trúng mục tiêu, không đạo đức như mình đáng phải đạo đức, thì rõ ràng mỗi chúng ta đều là tội nhân.

5. Phạm tội vì biết làm điều lành mà không làm: Thánh Kinh dạy rằng: “Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Thánh Kinh, sách Gia cơ, đoạn 4, câu 17). Làm điều ác là phạm tội đã đành nhưng nếu biết điều lành mà không làm thì cũng là phạm tội.

Có hai hình thức phạm tội:

1. Phạm tội qua ngôn ngữ, hành động: Việc phạm tội qua ngôn ngữ, hoặc hành động là điều cụ thể, có thể chứng minh để định tội.

2. Phạm tội trong tư tưởng: Việc phạm tội trong tư tưởng rất khó chứng minh theo quan điểm của loài người. Tuy nhiên, với Đức Chúa Trời là Đấng dò xét trong lòng người thì sự nuôi dưỡng ý tưởng tội lỗi, nghĩa là suy nghĩ, tư tưởng về những điều tội lỗi, cũng là đã phạm tội.

Như vậy, ai trong chúng ta là người có thể thoát khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời? Câu trả lời là: Không một ai cả! Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và Công Chính nên mọi tội nhân phải bị trừng trị theo pháp luật. Theo pháp luật của Đức Chúa Trời, mọi tội nhân phải bị giam đời đời trong hỏa ngục, vĩnh viễn xa cách mặt Ngài, không còn thấy vinh quang và quyền năng của Ngài. Người Việt chúng ta có câu: “Kêu trời không thấu.” Điều đó cũng giống như trong xã hội, những kẻ phạm pháp đều bị chính quyền giam riêng lại một chỗ là nhà tù, để không làm hại và gây ảnh hưởng xấu đến những người dân tuân thủ pháp luật; chỉ khác một điều, luật pháp của Đức Chúa Trời tuyên án “chung thân” cho tất cả tội nhân. Mỗi tội nhân sẽ bị giam “đời đời” trong hỏa ngục.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Tình Yêu. Ngài yêu thương mỗi một người, không muốn cho bất kỳ ai phải bị giam giữ đời đời nơi hỏa ngục. Thế nên, Ngài đã thi hành một kế hoạch chuộc tội cho nhân loại. Theo kế hoạch đó, Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-xu, tức Đức Chúa Trời Ngôi Hai, nhập thế làm người để chết trên thập tự giá như một tội nhân, đền tội cho nhân loại. Tội lỗi phải bị trừng phạt trong xác thịt nên Con Đức Chúa Trời đã phải nhập thế làm người để gánh chịu sự trừng phạt ấy. Chỉ có Con của Đức Chúa Trời là Đấng vô tội mới có thể hội đủ điều kiện đền tội thay cho tội nhân. Thánh Kinh chép: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ (danh hiệu của Đức Chúa Giê-xu) đã vì chúng ta mà chịu chết” (Thánh Kinh, sách Rô-ma, đoạn 5, câu 8).

Kế hoạch chuộc tội cho nhân loại đã hoàn thành cách đây gần 2000 năm. Bất kỳ tội nhân nào có lòng ăn năn thống hối về tội lỗi của mình, tin vào kế hoạch chuộc tội của Đức Chúa Trời, chấp nhận sự tha thứ của Ngài, thì tội nhân ấy sẽ được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi. Sau khi được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, người ấy được trắng án. Nếu người ấy chịu quay về đầu phục Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho quyền trở nên con của Ngài, và Đức Thánh Linh của Ngài, là Đức Chúa Trời Ngôi Ba, sẽ ngự vào lòng của người ấy để tái tạo lại một tâm linh mới, thuần khiết, thánh sạch, và giúp cho người ấy sống một đời sống mới, đắc thắng mọi tội lỗi: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài” (Thánh Kinh, sách Giăng, đoạn 1, câu 12). Số phận của những người được Đức Chúa Trời tha tội và nhận làm con của Ngài sẽ là sống đời đời trong hạnh phúc bên Ngài: “Ai tin Con Đức Chúa Trời đều được sự sống vĩnh cửu” (Thánh Kinh, sách Giăng, đoạn 3, câu 36).

Nói theo cách ví von, toàn bộ những nét vẽ trên bức tranh đời người của chúng ta được Đức Chúa Trời xóa sạch. Ngài ban cho chúng ta cơ hội “vẽ” lại, không những thế, Ngài còn ban cho chúng ta khả năng vẽ những nét tuyệt hảo mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Sự cứu chuộc nói trên là “ân phúc” của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta chỉ đem lòng tin mà nhận lấy. Không một nỗ lực nào của chúng ta có thể tự cứu lấy mình. Mọi việc làm để tự cứu của chúng ta đều vô nghĩa. Hãy hình dung cảnh một người sa chân vào vũng lầy, càng cựa quậy để tự cứu, người ấy càng lún sâu… lún sâu… cho đến lúc chìm hẳn dưới lớp sình lầy hôi hám.

Thánh Kinh chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Thánh Kinh, sách Ê-phê-sô, đoạn 2, câu 8-9). Có người nói: “Tội lỗi của tôi quá nhiều, làm sao Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho tôi?” Đức Chúa Trời đáp: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Thánh Kinh, sách Ê-sai, đoạn 1, câu 18).

Bạn thân mến, sự quyết định thuộc về bạn. Đức Chúa Trời không bao giờ cưỡng ép bạn đứng về phía Ngài. Điều quan trọng là bạn chỉ có thể quyết định trong khi còn sống. Một khi bạn chết, mọi sự đã muộn. Nếu bạn quyết định đứng về phía Đức Chúa Trời, làm lại cuộc đời, nếu bạn muốn sống đời đời trong tình yêu của Ngài, bạn hãy thưa với Chúa bằng những lời tương tự như sau:

“Kính lạy Đức Chúa Trời, con là người có tội. Con thật lòng hối tiếc về những tội lỗi con đã phạm trong đời. Con tin rằng Đức Chúa Giê-xu đã giáng thế làm người, chịu chết để đền tội cho con. Con tin rằng Đức Chúa Giê-xu đã sống lại để ban cho con sự sống đời đời. Con xin tiếp nhận sự tha thứ của Chúa. Xin Chúa ngự vào lòng con, làm chủ đời con và ban cho con quyền năng chiến thắng mọi cám dỗ, mọi tội lỗi. Xin Chúa dạy cho con hiểu biết về Chúa càng hơn. Từ nay, con xin sống trong sự yêu thương, dẫn dắt của Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong Danh Đức Chúa Giê-xu. A-men.” (A-men nghĩa là xin cho được như vậy.)

Mời bạn ghé thăm trang web Tìm Hiểu Tin Lành để tìm hiểu thêm về nếp sống mới trong Chúa: https://timhieutinlanh.net