Tuổi Dậy Thì 01: Tâm Lý, Tâm Lý Học, và Lời Chúa

2,014 views

Tuổi Dậy Thì:
01 Tâm Lý, Tâm Lý Học, và Lời Chúa

Huỳnh Christian Timothy

“Vì Ngài đã sở hữu tâm thần của tôi. Ngài đã dệt nên tôi trong lòng mẹ tôi.
Tôi sẽ tôn vinh Ngài, vì tôi đã được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.
Công việc của Ngài là siêu việt, linh hồn tôi biết rõ lắm.”
(Thi Thiên 139:13-14)

[Sở hữu là làm chủ; siêu việt là vượt lên trên những sự thông thường.]

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzA5MzU5MDJf/TDT_01_TamLyTamLyHocVaLoiChua.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/tdt_01_tam-ly-tam-ly-hoc-va-loi-chua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/e1osrinw0btru45/TDT_01_TamLyTamLyHocVaLoiChua.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Hôm nay, bác Tim bắt đầu giảng dạy cho các cháu về những vấn đề thuộc về tâm lý của tuổi dậy thì. Bác Tim mong rằng, loạt bài giảng này sẽ giúp cho các cháu hiểu biết về chính mình, về những điều kỳ diệu Thiên Chúa làm ra trong thân thể của các cháu, trong đời sống của các cháu, và các cháu sẽ có những quyết định, những lựa chọn đẹp ý Chúa trong đời sống của các cháu.

Các cháu đã biết “tuổi dậy thì” là gì, qua loạt bài giảng “Thiếu Nhi Tìm Hiểu Tính Dục và Tình Dục”, nhưng bác Tim cũng muốn nhắc lại nơi đây: Dậy là nổi lên, lớn lên. Thì là thời gian. Dậy thì có nghĩa là khoảng thời gian thân thể của một thiếu nhi lớn lên, phát triển thành thanh niên. Tuổi dậy thì là khoảng tuổi mà thân thể của các bé trai và bé gái bắt đầu tăng trưởng để chuẩn bị cho việc kết hiệp làm vợ chồng, sinh con cái, lưu truyền dòng giống của loài người theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Đây là giai đoạn cơ thể loài người chuẩn bị cho việc kết hôn và sinh con theo ý Chúa, nhưng không phải là thời điểm để quan hệ tình dục và sinh con. Sau khi giai đoạn dậy thì đã hoàn tất và hoàn cảnh cuộc sống thích hợp, thì nam nữ mới kết hôn làm vợ chồng. Chỉ trong quan hệ vợ chồng thì nam nữ mới được tự do quan hệ tình dục với chồng hoặc vợ của mình, và thực hiện việc sinh con theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Tất cả những sự quan hệ tình dục giữa những người không phải là vợ chồng với nhau, đều là phạm tội tà dâm.

Tuổi dậy thì của con trai vào khoảng từ 12 đến 16 tuổi, và tuổi dậy thì của con gái vào khoảng từ 10 đến 14 tuổi. Nhưng cũng có những trường hợp sự dậy thì xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn, gọi là dậy thì sớm và dậy thì muộn. Các trường hợp dậy thì sớm và dậy thì muộn đều cần đi khám sức khoẻ để biết rõ nguyên nhân và chữa trị, nếu cần.

Khi các cháu đến tuổi dậy thì, ngoài những thay đổi rõ ràng về phần thân thể xác thịt thì phần tâm lý cũng thay đổi rất nhiều. Chính những sự thay đổi tâm lý đó làm cho các cháu trở nên hoang mang, lo lắng, vì không hiểu được chính mình và những cảm xúc mới lạ trong lòng mình.

Tâm lý là một danh từ Hán Việt, có nghĩa là lý lẽ trong lòng, được dùng để gọi chung những hoạt động về nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ, ý thích… là những sự tạo nên bản tính của một người. Bản tính được thể hiện qua thái độ, cử chỉ, và hành vi. Thái độ là sự thể hiện qua nét mặt; cử chỉ là sự thể hiện qua dáng điệu; hành vi là sự thể hiện qua việc làm.

Thế gian có bộ môn tâm lý học, là môn học về tâm lý và hành vi của loài người. Tâm lý học giúp cho loài người quan sát và tìm hiểu các hoạt động tâm lý, nhưng tâm lý học hoàn toàn vô dụng trong sự giúp ích về thuộc linh. Tâm lý học không tin có ma quỷ nên phủ nhận sự tác động của ma quỷ vào tâm lý của loài người, phủ nhận các hiện tượng bị quỷ nhập. Tâm lý học cũng không tin sự thực hữu của Thiên Chúa, mặc dù công nhận rằng, đức tin của một người về Thiên Chúa hay bất cứ sự gì đều có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người ấy. Tâm lý học cho rằng, với những phương pháp tâm lý trị liệu, kèm theo sự sử dụng các loại thuốc an thần có thể giúp cho một người có vấn đề tâm lý được trở nên bình thường.

Là con dân Chúa, chúng ta không nên đến với các phương pháp trị liệu tâm lý, mà chỉ nên đến với Chúa qua sự cầu nguyện và giải quyết mọi nan đề, từ thuộc thể đến thuộc linh của chúng ta, qua sự đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Được thịnh vượng trong đường lối mình có nghĩa là được đầy đủ và vui thỏa trong cuộc sống của mình. Lời Chúa là Thánh Kinh. Loài người chỉ cần Thánh Kinh mà không cần tâm lý học để giải quyết mọi nan đề, kể cả các nan đề trong tâm trí, của mình. Một người chỉ cần tin Chúa, sống theo Lời Chúa, thì không khó khăn, thử thách nào người ấy không thể vượt qua. Vì chính Thiên Chúa Toàn Năng là Đấng giữ gìn, tiếp trợ, và giải cứu người ấy.

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Chỉ cần một người kính sợ Thiên Chúa thì người ấy sẽ không có bất cứ vấn đề tâm lý nào mà còn có sự tri thức:

Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự tri thức…” (Châm Ngôn 1:7a).

Chúng ta có thể học tâm lý học để có sự hiểu biết tổng quát về các hoạt động tâm lý của loài người, nhưng chúng ta không chấp nhận các giải pháp do tâm lý học đưa ra, để giải quyết bất cứ một nan đề nào trong cuộc sống. Mọi nan đề trong cuộc sống của loài người chỉ có thể giải quyết bằng sự thật lòng tin cậy Thiên Chúa, đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa.

Sự thay đổi tâm lý lớn nhất trong đời người là sự thay đổi diễn ra trong khoảng thời gian của tuổi dậy thì.

  • Khi ấy, chúng ta vừa đối diện với những thay đổi về ngoại hình, vừa đối diện với những sự thay đổi về nhận thức, cảm xúc, cách suy nghĩ… và vô số điều mới lạ trước cuộc sống đang mở ra trước mặt, mà không bao lâu nữa, chúng ta là một thành viên độc lập trong xã hội. Là một thành viên độc lập trong xã hội có nghĩa là một người tự chăm sóc mình và tự quyết định mọi sự liên quan đến mình trong cuộc sống.

  • Khi ấy, chúng ta vừa cảm thấy lo lắng, sợ hãi, vì không biết phải phản ứng như thế nào; vừa cảm thấy bị cuốn hút vào sự thử nghiệm những điều mới lạ.

  • Khi ấy, lần đầu tiên chúng ta cảm thấy có những lúc lòng mình trống vắng, buồn bã, bâng khuâng mà không biết vì sao.

  • Khi ấy, chúng ta không chắc chắn về những cảm xúc của mình, mà cũng không chắc chắn về sự người khác nghĩ gì về mình, cảm nhận như thế nào về mình.

  • Khi ấy, chúng ta mơ hồ, không biết chỗ đứng và hướng đi của mình trong cuộc đời này; không biết chắc mình là ai, sẽ như thế nào.

  • Khi ấy, chúng ta vừa sợ người khác không chấp nhận mình, lại vừa muốn rằng mình là một người nổi bật.

  • Khi ấy, tâm trạng của chúng ta trở nên buồn vui bất thường, rất nhạy cảm, dễ cáu giận, dễ cho rằng người khác không hiểu mình, xúc phạm mình, hoặc xem thường mình.

  • Khi ấy, chúng ta dễ dàng chống lại thẩm quyền vì cho rằng không ai có quyền trên mình, buộc mình phải làm những điều mình không thích.

  • Khi ấy, chúng ta dễ dàng nói dối, cư xử, hành động ngược lại lòng mình để che giấu những cảm xúc của mình,

  • Khi ấy, chúng ta rất dễ bị áp lực của bạn bè mà làm theo đám đông, để được số đông chấp nhận mình, dù có khi bản thân chúng ta không thích làm những việc ấy.

  • Khi ấy, chúng ta vừa bối rối, vừa thích thú với những cảm xúc về tình dục. Chúng ta bắt đầu chú ý đến những người khác phái và bị thu hút bởi họ, dễ phạm tà dâm qua sự xem các tài liệu khiêu dâm, và thủ dâm; hoặc chúng ta tìm cách tránh né họ vì sợ mình sẽ bị từ chối, mà tìm kiếm sự chấp nhận của những người cùng phái tính, dẫn đến sự đồng tính luyến ái.

  • Khi ấy, chúng ta bị những áp lực về tâm lý, không biết phải hành xử như thế nào cho đúng, nên dễ dàng rơi vào những thói xấu, dùng các thói xấu để giải tỏa những áp lực tâm lý.

Các cháu thiếu nhi thân mến, thật ra, những thay đổi tâm lý của tuổi dậy thì là các dấu hiệu báo cho chúng ta biết rằng:

  • Chúng ta đã đến tuổi tự mình trả lời trước Chúa về đức tin của chúng ta. Chúng ta sẽ chọn tin cậy Ngài để bước vào cuộc đời đang mở ra trước mặt chúng ta, như xưa kia, Giô-suê chuẩn bị dẫn dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa; hay là chúng ta sống theo ý riêng của mình, xem mình là Đức Chúa Trời của chính mình.

  • Chúng ta sẽ tự trang bị mình bằng Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh, với mọi vũ khí Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, mà trở thành muối của đất, ánh sáng của thế gian; hay chúng ta bắt chước theo thế gian, vui thú những điều thuộc về thế gian, là những điều đem lại sự vui thích cho chúng ta, nhưng không ích lợi, không gây dựng, không làm tôn vinh danh Chúa.

Lời Chúa trong Thi Thiên 139:13-14 mà chúng ta đã cùng nhau học thuộc trong tuần này, giúp cho chúng ta hiểu rằng, mỗi một chúng ta đây đều thuộc về Thiên Chúa:

“Vì Ngài đã sở hữu tâm thần của tôi. Ngài đã dệt nên tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi sẽ tôn vinh Ngài, vì tôi đã được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc của Ngài là siêu việt, linh hồn tôi biết rõ lắm.”

Mỗi một người là một linh hồn, được dựng nên trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và trong một thân thể vật chất là xác thịt. Tất cả mọi vấn đề tâm lý đều thuộc về con người bên trong của chúng ta, là tâm thần. Thiên Chúa là Đấng ban tâm thần cho chúng ta (Truyền Đạo 12:7), và dựng nên thân thể vật chất của chúng ta trong lòng mẹ của chúng ta. Ngài đã dựng nên chúng ta cách đáng sợ lạ lùng bởi sự khôn sáng và sức toàn năng của Ngài. Vì thế, chúng ta thuộc về Ngài và Ngài hiểu biết chúng ta cách tường tận. Ngài hiểu biết từ trong sâu thẳm đáy lòng của chúng ta cho đến mọi sinh hoạt của chúng ta trong thân thể xác thịt. Vua Đa-vít đã kêu lên rằng:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi! Ngài biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài nhận biết những ý tưởng của tôi. Chúa xét nét nẻo đường và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi đường lối của tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết trọn hết rồi!” (Thi Thiên 139:1-4).

Nếu chúng ta hết lòng tin cậy nơi Thiên Chúa, vâng phục Ngài, sống theo sự dạy dỗ của Ngài trong Thánh Kinh thì chúng ta sẽ là những con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống; đời sống của chúng ta sẽ ngập tràn phước hạnh cho chính mình và đem lại ơn phước của Chúa cho những người chung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ bước đi giữa cuộc đời này trong tư cách là những hoàng tử, những công chúa của Vua Trên Trời; thay vì trở nên những kẻ chạy theo và bắt chước những người tội lỗi trong thế gian.

Bác Tim mong rằng, bởi sự thương xót của Chúa, qua loạt bài giảng về tâm lý của tuổi dậy thì, các cháu sẽ hiểu rõ hơn về những biến đổi tâm lý trong các cháu; và biết cách đối phó với những nan đề tâm lý, dựa trên Lời Chúa; để các cháu sẽ trở thành những thanh niên thiếu nữ thánh khiết trong Chúa, vững vàng trong đức tin và trong sự hiểu biết Lời Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
01/09/2018

Câu Hỏi

Các cháu hãy trả lời một cách ngắn gọn, theo sự hiểu biết của mình, chứ không lập lại nguyên văn lời của bác Tim:

1. Tâm lý là gì?

2. Tâm lý học là gì?

3. Con dân Chúa có thể học tâm lý học hay không?

4. Tâm lý học có thể giúp ích gì trong việc giải quyết các nan đề tâm lý hay không? Tại sao?

5. Những thay đổi tâm lý của tuổi dậy thì báo hiệu điều gì?

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.