NYTTN: Hình Phạt Bị Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá

5,685 views

Hình Phạt Bị Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá

Huỳnh Christian Timothy

Theo bộ Bách Khoa Từ Điển Anh thì thập tự giá là một hình cụ được dùng để xử tử phạm nhân từ thời xa xưa. Vào khoảng năm 519 TCN, Vua Đa-ri-út Đệ Nhất của Đế Quốc Phe-rơ-sơ đã ra lệnh đóng đinh 3,000 người không cùng chung quan điểm về chính trị với ông vào thập tự giá tại Ba-by-lôn.

Cách xử tử này được lưu truyền đến Đế Quốc Hy-lạp, rồi Đế Quốc La-mã. Đến cuối thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, thì hình phạt bị đóng đinh trên thập tự giá trong Đế Quốc La-mã chỉ dành riêng cho những nô lệ và những tội nhân không có quốc tịch La-mã, trừ khi là tội phản quốc.

Vào thời điểm này thì thập tự giá bao gồm một thanh đứng và một thanh ngang. Thanh đứng được chôn sẵn tại pháp trường (nơi thi hành án). Thanh ngang được lưu trữ tại pháp đình (nơi xử án). Sau khi bản án được tuyên bố thì tội nhân bị đánh đòn, rồi thanh ngang của thập tự giá được đặt ngang trên hai vai của tội nhân, hai cánh tay của tội nhân bị trói vào đó, và tội nhân bị quân lính áp giải từ pháp đình ra pháp trường.

Tại pháp trường, thanh ngang của thập tự giá được đặt nằm trên mặt đất, tội nhân bị lột hết quần áo, hai tay bị căng ra và hai cổ tay bị cột vào thanh ngang. Sau đó, mỗi bàn tay bị đóng vào thanh ngang bằng một mũi đinh lớn. Thanh ngang của thập tự giá cùng với thân hình của tội nhân được kéo lên trên thanh đứng của thập tự giá bằng một hệ thống ròng rọc [1]. Khi thanh ngang đã được kéo lên, khớp vào chỗ đã định trên thanh đứng, thì dây kéo được cột vào khoen móc có sẵn trên thanh đứng, và hai bàn chân của tội nhân bị đóng đinh vào thanh đứng. Một số các hình minh họa vẽ hình hai bàn chân của tội nhân bị chồng lên nhau và bị đóng vào thanh đứng của thập tự giá bằng một mũi đinh. Tuy nhiên, minh họa như vậy là không đúng; theo luật La-mã thì tử tội phải bị đóng đinh vào thập tự giá với bốn mũi đinh nơi hai bàn tay hoặc hai cổ tay và hai bàn chân. Sau cùng là một tấm bảng ghi tên và tội của tội nhân được đóng vào thanh đứng, phía trên đầu của tội nhân.

Khi Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá theo lệnh của Bôn-xơ Phi-lát, Tổng Đốc La-mã của xứ Giu-đê, thì Phi-lát đã cho ghi tên của Ngài là “Jesus người Na-xa-rét” và tội danh của Ngài là “Vua dân Giu-đa.” Vì lúc bấy giờ Đế Quốc La-mã đang cai trị dân Do-thái qua vua bù nhìn [2] là Hê-rốt, cho nên, hễ ai ngoài Hê-rốt xưng là vua của dân Do-thái thì lập tức bị can tội phiến loạn. Phi-lát làm như vậy để hợp pháp hóa bản án của Chúa, là bản án mà ông buộc phải thi hành bởi áp lực của dân Do-thái, trong khi chính ông đã tuyên bố ông không tìm thấy Ngài có tội chi hết!

Lý luận cho rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh trên một trụ gỗ đứng (lý luận của Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân) chứ không phải trên thập tự giá là không đúng với các tài liệu lịch sử và khảo cổ.

Người bị đóng đinh trên thập tự giá có thể sống thoi thóp đến vài ngày và bị chim trời rỉa thịt trong lúc còn sống. Theo luật La-mã thì xác chết phải bị lưu lại trên thập tự giá để răn đe người khác đừng phạm pháp như tử tội, cho đến khi có lệnh của nhà cầm quyền cho phép lấy xuống. Những người Do-thái có thể xin phép lấy xác các tử tội Do-thái trước khi mặt trời lặn để tránh sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa: “Khi một người nào phạm tội đáng chết, thì hãy giết nó, và treo lên trụ hình, thây nó chớ để treo trên trụ hình cách đêm, song phải chôn trong nội ngày đó; vì kẻ nào bị treo ắt bị Thiên Chúa rủa sả. Như vậy, ngươi chẳng làm ô uế đất mà Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:23). Trong trường hợp đó, người ta đánh gãy ống xương chân của tử tội để cái chết mau đến.

Cái chết vì bị đóng đinh trên thập tự giá là một cái chết vô cùng đau đớn mà cũng vô cùng nhục nhã, vì tội nhân bị treo trần truồng trước công chúng, tiểu tiện tại chỗ. Đến nỗi, chính quyền La-mã cũng có luật không áp dụng hình phạt bị đóng đinh vào thập tự giá cho công dân của họ. Có tìm hiểu về hình phạt này chúng ta mới thấm thía sự đau đớn và nhục nhã mà Đức Chúa Jesus Christ đã vì sự phạm tội của chúng ta mà gánh chịu trong khi Ngài chính là Thiên Chúa thánh khiết và toàn năng! Khi Chúa phán bảo các môn đồ của Chúa hãy ăn bánh không men và uống nước nho để nhớ đến Chúa, là Ngài muốn họ nhớ rằng, thân thể vô tội của Ngài đã bị vỡ ra và máu thánh khiết của Ngài đã đổ xuống vì tội lỗi của toàn thể nhân loại. Con dân Chúa nhớ đến sự chết của Chúa với lòng biết ơn Ngài vì nhờ đó mà mình được cứu; nhưng cũng là nhớ đến bổn phận phải rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến (I Cô-rinh-tô 11:26), để bao nhiêu người chưa biết Chúa có cơ hội tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Rao truyền sự chết của Chúa không chỉ đơn giản nói rằng Chúa đã bị đóng đinh và chết trên thập tự giá, mà là rao truyền: lý do, mục đích, và ý nghĩa sự chết của Chúa.

  • Lý do sự chết của Chúa: Toàn thể nhân loại phạm tội và bị hình phạt, phải hư mất đời đời, nhưng Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại và muốn cho họ được cứu khỏi sự hư mất đời đời.

  • Mục đích sự chết của Chúa: Để cứu chuộc nhân loại ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, tức là ra khỏi sự hư mất đời đời, để họ có thể nhận được sự sống đời đời bằng cách vâng phục Đức Chúa Trời.

  • Ý Nghĩa sự chết của Chúa: Đức Chúa Trời là thánh khiết, không bao giờ Ngài chấp nhận tội lỗi. Đức Chúa Trời là công chính, Ngài luôn luôn hình phạt tội lỗi. Đức Chúa Trời là yêu thương, Ngài ban cho nhân loại cơ hội được cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá.

Sự hiểu biết và suy ngẫm về hình phạt bị đóng đinh trên thập tự giá còn giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ cái giá phải trả cho mỗi sự phạm tội của chúng ta! Ai luôn nhớ đến sự chết của Chúa thì khó mà phạm tội! Phải chăng, đó cũng chính là sự ngụ ý của Chúa khi Ngài phán với các môn đồ: “Hãy làm điều này để nhớ Ta” (Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:14)?

Lạy Đức Chúa Jesus yêu dấu của chúng con! Chúng con xin nhớ đến Ngài luôn luôn! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
7.5.2013

Ghi Chú

[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/R%C3%B2ng_r%E1%BB%8Dc

[2] http://vi.wiktionary.org/wiki/b%C3%B9_nh%C3%ACn

[3] http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh_ph%E1%BB%A7_b%C3%B9_nh%C3%ACn

Từ Ngữ

(1) Bách Khoa Từ Điển Anh: Encyclopedia Britannica. (2) Đa-ri-út Đệ Nhất: Darius I. (3) Phe-rơ-sơ: Persia. (4) Ba-by-lôn: Babylon. (5) Hy-lạp: Greek. (6) La-mã: Rome. (7) Dân Giu-đa hoặc dân Do-thái có cùng một nghĩa: Jews

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?wa1epadw1ay8y71

Bấm vào đây để đọc các bài “Những Ý Tưởng Trong Ngày” khác:
https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209