Những Bí Ẩn Đàng Sau Hiện Tượng “Đức Mẹ Maria Hiện Ra” – Phần 4

2,795 views

Đặng Vũ Thanh Nguyên

Bấm vào đây để download bài viết này

Những Bí Ẩn Đàng Sau Hiện Tượng “Đức Mẹ Maria Hiện Ra”
Tại Lourdes, La Salette và Fatima

Những giải thi kỳ lạ về hiện tượng chữa bệnh bằng nước thánh!

“Thật không có điều gì kín mà không phải lộ ra, không có điều gì giấu mà chẳng bị biết và tỏ ra.” (Lu-ca 8:17)

Những lời giải thích của tổ chức giám định y khoa của Giáo hội Công giáo về sự mầu nhiệm về nước thánh.

Bác sĩ Francois Leuret, bây giờ đã qua đời, ông từng là giám đốc của tổ chức giám định y khoa của Lourdes cùng với bác sĩ Henry Bon đã cho ra đời một cuốn sách được xuất bản vào năm 1950 có tựa đề là: Les Guérisons miraculeuses modernes (Sự lành bệnh thần diệu trong thời hiện đại. Nhà xuất bản Presses Universitaires, Paris 1950). Trong cuốn sách của họ có đưa ra một thông tin về sự phục hồi “giả” kỳ diệu của bà Biré một người bị bệnh teo võng mạc (Retinal detachment. Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc còn gọi là đáy mắt. Bệnh võng mạc đứng thứ hai, sau cườm thủy tinh thể mắt, trong các loại bệnh gây mù lòa.), hai vị bác sĩ này đã khẳng định bà Biré được chữa lành mắt bởi phép lạ đến từ nước thánh của Lourdes! Hai ông còn nói thêm “chắc chắn trong tương lai, nước thánh của Lourdes sẽ thay thế cho y khoa”!.

Chân dung Biré Marie(Nguồn: viện bảo tàng Lourdes)

Giáo sư Lhermitte sau khi đọc bài viết của hai vị bác sĩ Francois Leuret, Henry Bon và kiểm tra trường hợp bệnh teo võng mạc của bà Biré, Giáo sư Lhermitte không chỉ ghi lời nhận xét của ông về sự kiện một cách đơn thuần mà ông còn ghi chú rất nghiêm khắc, lạnh lùng ý tưởng mà ông cho là kỳ dị của bác sĩ F. Leuret, H. Bon như sau:

– Quí vị hãy tha thứ cho tôi vì tôi không trực tiếp bác bỏ quan điểm của hai tác giả đó. Bởi vì theo thiển ý của tôi thì họ không phải là bác sĩ mà họ là những nhà văn có trí tưởng tượng siêu quần. Những nhà khoa học thực sự, khi đưa ra một vấn đề gì thì họ thường dựa trên nền tảng khoa học để quan sát, thử nghiệm chứ không thể nói mà không có cơ sở! Giả sử như phép lạ có thật đi chăng nữa, trách nhiệm của một vị bác sĩ là phải kiểm tra kết quả của sự trị liệu. Hành động tái khám nghiệm đó không phải là hành động thiếu kém đức tin mà là hành động của lương tâm chức nghiệp. (Nguồn Le Problème des Miracles (Vấn đề của phép lạ) tác giả Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956)

Tiếp theo là câu chuyện trị bệnh bằng nước thánh của một người bị bệnh lao phổi mà theo nhận xét của hai vị bác sĩ khả kính là con bệnh đã không còn ho ra đờm, không bị lên cơn sốt, bắt đầu ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc v.v… Nhưng sáu năm sau bà phải nhập viên vì lên cơn sốt, qua rọi kiếng, bác sĩ và y tá của bệnh viện phát hiện phổi của bà bị thủng và có nhiều vết nám! Khi bị chất vấn, hai vị bác sĩ F. Leuret và H. Bon đã trả lời một cách rất “hồn nhiên” rằng:

– Đó là những dấu vết mà “Đức mẹ thành kính” đã để lại để cho người ta nhớ lại năm xưa con bệnh đã từng được “Đức mẹ” chữa lành bệnh bằng phép lạ của Ngài…

Giáo sư Lhermitte đã cay đắng nhận xét sự kiện đó như sau:

– Nếu dựa theo nguồn tin của hai vị bác sĩ này thì thật là hạnh phúc cho những người bệnh “được” giữ lại những dấu vết thương tích trầm trọng trên thân thể do phép lạ để lại thay vì khuyên họ hãy để cho y khoa chữa trị dứt bệnh tận gốc rể. (Nguồn Le Problème des Miracles (Vấn đề của phép lạ) tác giả Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Khi nhà thần học Công giáo R. P. Bouillard có lời tuyên bố phủ định khả năng của khoa học bằng câu nói: “Không phải bất cứ trường hợp chữa bệnh bằng phép lạ nào cũng đều phải thông qua sự kiểm chứng tỉ mỉ của y học“. Giáo sư Lhermitte cũng hồi đáp lại quan điểm đó như sau:

– Chúng ta không thể nào chẩn đoán hay chữa trị bệnh đau xương mãn tính hoặc bệnh đau khớp xương mà không cần đến rọi X quang. Chúng ta không thể nào chẩn đoán bệnh đau đĩa đốt sương cột sống (Pott disease) nếu chúng ta không thử nghiệm dịch não tuỷ. Chúng ta cũng không thể chẩn đoán các chứng bệnh phổi như: bệnh lao, khối u mà không chụp ảnh phóng xạ và quang tuyến v.v…

– Ngày nay, muốn chứng thực phép lạ thể hiện qua nước thánh có khả năng chữa lành mọi thứ bệnh như những nhà khoa học của tổ chức giám định của Giáo hội từng công bố, phải có ít nhất hai chứng cứ. Một là hồ sơ bệnh án trước và hồ sơ kiểm tra sau khi con bệnh được gọi là lành bệnh hoàn toàn. Không ai có thể phủ định hai điều kiện căn bản đó. Và tôi cảm thấy rất mâu thuẫn khi Giáo hội thành lập một uỷ ban giám định y-khoa để kiểm định những con bệnh được chữa lành bệnh mà họ không những không đưa ra được bằng chứng mà họ lại còn phủ nhận những kiểm chứng của khoa học với lập luận “Không phải bất cứ trường hợp chữa bệnh bằng phép lạ nào cũng đều phải thông qua sự kiểm chứng tỉ mỉ của y học“. (Nguồn Le Problème des Miracles (Vấn đề của phép lạ) tác giả Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Giáo sư Jean Lhermitte cũng trích dẫn một thái độ của Giáo sư R. P. Dubarle với uỷ ban giám định y-khoa Công giáo như sau : “Vì họ muốn bỏ ngoài tai tất cả, nhất là về vấn đề khoa học hoặc họ cố tình hiểu một cách lệch lạc“. (Nguồn L’attitude du savant chrétien en face du fait miraculeux (Thái độ của các học giả Thiên chúa giáo trước hiện tượng phép lạ). Bản tin của Hội thánh lu-ca 1954.)

Từ đó, chúng ta có thể tạm kết luận rằng: Những chuyên gia về khoa học của Giáo hội không cần đến y-khoa chuyên môn để kiểm chứng phép lạ! Do đó
Giáo Sư R. P. Dubarle đã có thái độ rất khắc khe khi ông nói: “Không có một kết quả nào của phép lạ được các nhà nghiên cứu biết đến với bằng chứng cụ thể dựa trên quan sát vô tư của y học.

Tưởng cũng nên nhắc lại Giáo sư Jean Lhermitte và Giáo sư R. P. Dubarle đều là những tín đồ Công giáo. Giả sử như nếu cả hai ông đều là người ngoại đạo thì chúng ta có thể đặt một dấu hỏi nho nhỏ về sự công bằng của hai ông. Vì thế thái độ rõ ràng của họ đối với hiện tượng chữa bệnh bằng nước thánh khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Cho dù bạn là người có đức tin hay không, với phương tiện khoa học hiện nay, nếu như có một ai đó nói với bạn là bạn đã được phép lạ chữa khỏi bệnh này, bệnh kia. Chắc chắn là bạn sẽ rất vui mừng, chắc chắn bạn sẽ đi gặp người thân, bác sĩ gia đình để loan báo tin mừng. Vị bác sĩ gia đình của bạn chắc chắn sẽ xin phép bạn để được kiểm tra bạn có hoàn toàn dứt bệnh hay không. Thái độ của vị bác sĩ có phải là thái độ thách thức với Chúa và phép lạ hay không? Khẳng định là không. Trái lại nếu đưa ra đươc bằng chứng mà không một ai có thể chối cãi được nó sẽ làm vinh hiển danh Chúa. Cho dù là dựa trên phương diện lương tâm nghề nghiệp hoặc trên mặt pháp lý. Vì thế thái độ từ chối kiểm chứng của những nhà “bác học” Công giáo đã từng bị nhiều Giáo sư, Bác sĩ lên án đó là hành động “vô lương tâm”, “lạm dụng đức tin.”

Để hiểu rõ hơn thái độ của các nhà khoa học Công giáo, tôi xin mời quí vị xem phần trình bày kế tiếp.

Thật vậy, không có một phép lạ nào được chứng minh một cách công khai bằng hồ sơ bệnh lý. Những người đau ốm, tật nguyền, những người khốn khổ. Họ vẫn hy vọng rằng sẽ có một ngày nào đó các “chuyên gia khoa học” của Giáo hội sẽ có sự kiểm chứng nghiêm khắc, rõ ràng, với chứng cứ không thể phủ nhận được trước những thành qủa chữa trị bởi phép lạ. Thế nhưng nếu Giáo hội làm như vậy thì chẳng khác gì “Lasciate ogni speranza” (tạm dịch: Từ bỏ tất cả hy vọng – Lời phát biểu của thi hào người Ý Durante degli Alighieri 1265-1321). Tiến sĩ Sendrail, một học giả Công Giáo, người đã từng nói: “Thật là sai lầm khi nhiều người chờ đợi trong hy vọng một ngày nào đó trong văn phòng nghiên cứu khoa học của Giáo hội xuất hiện một bản báo cáo nghiêm túc mang tính khoa học về sự chữa bệnh siêu nhiên của họ.” (Guérisons naturelles et guérisons miraculeuses (phương pháp chữa trị tự nhiên và chữa bệnh bằng phép lạ) tác giả Tiến sĩ Sendrail trích trong Bản tin của hiệp hội y tế quốc tế số ra tháng 7 năm 1949).

Giáo sư Lhermitte đã hồi đáp Giáo sư Tiến sĩ Sendrail như sau:

– Một trong những đồng nghiệp rất lỗi lạc của tôi, đã qua đời. Ông là một người có tâm hồn cao quí, một vị bác sĩ tài ba với lương tâm thật trong sáng. Khi tôi lấy danh nghĩa của Chủ tịch Hội Thánh Lu-ca đề nghị ông mở một cuộc hội thảo về vấn đề chữa bệnh bằng phép lạ của Lourdes, và công khai tuyên bố rằng ông đã được chính thức mời giữ trọng trách trong Uỷ ban kiểm chứng cho một trung tâm hành hương nổi tiếng hiện nay. Ông đã từ chối và trả lời tôi rằng “Nếu tôi là người kiểm tra những con bệnh mà người ta cho là đã được chữa lành bởi phép lạ thì Lourdes sẽ mất đi phép lạ.”

Những lời nói táo bạo của vị Giáo sư y khoa gốc Công giáo đó đáng để cho chúng ta suy ngẫm hơn khi Giáo sư Lhermitte xin ông giải thích rõ hơn “Tại sao phép lạ lại biến mất?” Ông trả lời:

– Bởi vì tôi sẽ vũ trang bằng tất cả những thiết bị y khoa hiện đại nhất hiện nay trước khi đi “trung tâm của phép lạ”. Tôi sẽ đem những người đã được công nhận được chữa lành bệnh bằng phép lạ trong danh sách của Giáo hội ra để kiểm chứng một các nghiêm khắc, kỹ lưỡng từng người. Đồng thời sẽ truy cứu hồ sơ bệnh lý của họ trước khi họ được chữa lành bệnh để so sánh. Với phương thức làm việc công bằng, vô tư, có tổ chức, hợp lý và khoa học. Tôi tin chắc chắn tôi sẽ có trong tay những bằng chứng không thể nào tranh cãi được để chứng minh cho mọi người rõ về sự thật bí mật của phép lạ ở Lourdes.

Người đồng nghiệp nổi danh của Giáo sư Lhermitte giải thích thêm là ông sẽ đi tìm trong các bệnh viện những người mang trên mình những căn bệnh tương xứng với căn bệnh của những người được chữa lành bởi nước thánh của Lourdes. Ông nói:

– Tôi sẽ có một số lượng không nhỏ bệnh nhân với hồ sơ bệnh lý hẳn hòi cần phải được đưa về Lourdes để chữa bệnh. Tôi sẽ theo dõi tiến triển của từng bệnh nhân mỗi khi họ dùng nước thánh. Trầm ngâm một vài giây ngắn ngủi, vị đồng nghiệp của Giáo sư Lhermitte nói tiếp:

– Vâng, tôi chắc chắn sẽ không có một phép lạ nào xảy ra….(Nguồn: Vấn đề của phép lạ. Tác giả Giáo sư Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Người ta có thể tự hỏi với những lời nói thẳng thắn như vậy, tại sao vẫn còn có những người có thể tiếp tục đi rao truyền về phép lạ tại Lourdes (Lộ Đức) ?. Tại sao, Giáo hội một mặt tán thưởng, ca ngợi phép lạ ở Lourdes, mặc khác họ lại từ chối giới y khoa kiểm nghiệm những người bệnh theo phương thức khoa khọc hiện đại? Không những họ không cho kiểm nghiệm mà họ còn đả kích giới y khoa muốn được kiểm chứng hiện tượng phép lạ là những kẻ vô thần! Trong khi đó, cả nước Pháp đều biết Giáo sư Lhermitte là người Công giáo tốt!

Trên vấn đề lương tâm của một bác sĩ, đòi hỏi kiểm chứng của họ không có gì là phi lý cả. Để cho dư luận hiểu được rõ ràng hơn quan điểm của Giáo hội  đối với ý tưởng của ông và các
đồng nghiệp, Giáo sư J. Lhermitte đã nói thêm:

– Giáo hội phủ quyết mọi đề nghị của chúng tôi với lý do chúng tôi “không có thẩm quyền gì để phán xét Thiên Chúa”. Mặt khác, đề nghị của chúng tôi là một đề nghị “phủ nhận quyền năng chữa bệnh bằng phép lạ của Thiên Chúa.”

Cho dù Giáo hội có lên án gay gắt Giáo sư Jean Lhermitte cách mấy đi nữa, ông cũng vẫn được các vị Giáo sư y khoa, Giáo sư đạo đức học, các đồng nghiệp ủng hộ quan điểm của ông. Nhất là sau đó, họ đã tìm ra một người đã từng được phép lạ của Lourdes “ấn chứng.”

Đó là một người đàn ông trên ba mươi tuổi đã được uỷ ban kiểm định của Giáo hội ở Lourdes công nhận là đã được trị lành bệnh. Sau khi gặp gỡ Giáo sư Jean Lhermitte, vì thấy các vết thương vẫn còn trên thân thể nên ông ta đồng ý để cho các vị bác sĩ kiểm tra một cách kỹ lưỡng hơn. Người này bị cách ly trong một phòng kín của bệnh viện. Những vết thương trên thân thể của ông đều được dán băng keo khử trùng có đóng dấu, ghi rõ ngày, giờ thay băng, sát trùng. Kết quả thử nghiệm máu đều bình thường. Sau vài ngày, vết thương từ từ biến mất, bệnh nhân không còn cảm thấy đau đớn nữa! Các bác sĩ đưa đến kết luận người đàn ông này bị một bệnh ngoài da bình thường chứ không phải là bệnh ung thư như uỷ ban kiểm định của Giáo hội đã từng phô trương.

Theo Giáo sư Jean Lhermitte thì đó chỉ là một trường hợp rất hiếm hoi có người đồng ý cho họ kiểm chứng. Bởi vì đa số các bệnh nhân chữa trị bằng nước thánh đều từ chối không cho họ kiểm tra và cũng không tiết lộ danh tánh người bác sĩ gia đình theo dõi bệnh tình của họ. Tuy nhiên, chỉ cần vài trường hợp như người đàn ông trên ba mươi tuổi kia, mà các nhà “bác học” của uỷ ban kiểm định đã khẳng định ông ta bị “ung thư” và được chữa lành đã bị các vị bác sĩ ngoài uỷ ban đánh đổ lập luận “chữa bệnh bằng sức mạnh siêu nhiên của nước thánh”. (Vấn đề của phép lạ. Tác giả Giáo sư Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Sự kiểm tra các người được tuyên bố đã được chữa lành bệnh bởi “nước thánh” và “phép lạ” đó là quyền tự do tuyệt đối của Giáo sư bác sĩ Lhermitte. Động cơ khiến ông hành động như vậy chẳng qua chỉ là lương tâm của một vị lương y. Mặc dù là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo, ông đã cương quyết không để cho người ta lợi dụng đức tin để làm điều bại hoại tôn giáo. Chính ông và các vị đồng nghiệp đã vạch trần sự lừa bịp của “hiện tượng thần bí”, được dàn dựng bởi Giáo hội trong nhiều năm liền.

Trong cương vị Giáo sư đại học y khoa Paris, ông luôn sẵn sàng khám nghiệm những người từng được uỷ ban kiểm tra của giáo hội khẳng định hoàn toàn dứt bệnh bằng những phương tiện hiện đại thời bấy giờ. Nhưng tiếc thay, giáo hội không ủng hộ ông, những người được trị bệnh bằng kỳ tích thần bí của Lourdes không mấy ai dám đến gặp ông.

Không phải chỉ riêng những nhà khoa học thế hệ sau Giáo sư Jean Lhermitte đặt nghi vấn về sự kiện giáo hội từ chối sự kiểm định của đại học y khoa mà ngay cả các nhà nghiên cứu, các sử gia cũng có cùng thắc mắc.

1/ Tại sao uỷ ban kiểm định của Giáo hội từ chối sự hợp tác của đại học y khoa?

2/ Tại sao không một bệnh nhân được xác định đã chữa lành bệnh nào dám đi gặp Giáo sư Jean Lhermitte để kiểm tra?

Giáo sư Jean Lhermitte đã từng chua chát nói với các đồng nghiệp và các học trò của ông là “Chắc hẳn giáo hội sợ chạm phải lòng tự ái của Đức bà Maria nếu khoa học nhúng tay vào.”

Một trong những trường hợp khủng khiếp khác bị Giáo sư Jean Lhermitte phát hiện đó là trường hợp của một người bị bệnh lao phổi. Người bệnh khai báo như sau “Sau khi uống nước thánh dưới bầu trời nắng chói chan, tôi cảm nhận một luồng khí mát chảy trong thân thể tôi. Tôi cảm thấy khoẻ khoắn, cơn ho bỗng ngừng, đờm trong cổ chợt tan. Tôi có cảm giác khoẻ hẳn.”

Với câu kết “khoẻ hẳn”, con bệnh đã trở thành “chiếc cúp vàng” của các chuyên gia giám định thuộc Giáo hội. Sau khi thực hành sơ khám họ khẳng định bệnh lao đã dứt tuyệt nọc. Báo chí của giáo phận Lourdes phấn khởi đưa tin! Nhờ vậy mà đoàn bác sĩ của giáo sư J. Lhermitte đã tìm đến người bệnh. Một cuộc tái khám đã được diễn ra với phương tiện khoa học hiện đại của thời bấy giờ như: khám nghiệm đờm, nước bọt. Chụp hình phổi bằng quang tuyến v.v… Kết quả thật là thê lương, hình phổi đã bày ra trước mắt mọi người một lỗ thủng to trên phổi bệnh nhân.

Tưởng cũng nên nhắc lại cho đến trước khi trụ sinh được khám phá và hoàn thiện vào thập niên 1950, bệnh lao được coi là một bệnh nan-y nguy hiểm.

Khi hội đồng kiểm nghiệm của giáo hội bị Giáo sư J. Lhermitte chất vấn về lỗ thủng trên phổi bệnh nhân, họ đã trả lời với ông rằng: “đó là dấu vết mà Đức mẹ vô nhiễm nguyên tội đã để lại như ấn chứng nạn nhân đã từng bị bệnh lao và đã từng được Đức bà chữa lành“! Một câu trả lời tuyệt vời…

Như chưa mãn nguyện với câu trả lời, uỷ ban kiểm định y khoa của Giáo hội bổ xung như sau:

– Quí vị đồng nghiệp (ám chỉ đoàn Bác sĩ của Giáo sư J. Lhermitte) nên hiểu rằng chúng tôi đi trong lẽ phải của đức tin. Chúng tôi không cần được trang bị những phương tiện khoa học của quí vị. Chúng tôi cũng không muốn hành tội các tín đồ đã được chữa lành bệnh bởi
phép màu của “Đức Mẹ Nguyên Nhiễm Vô Tội” phải trải qua các cuộc khám nghiệm phức tạp. Chúng tôi cũng không cần tra xét hồ sơ bệnh lý của từng người. Chúng tôi chỉ cần biết những người đến đây đã được Đức bà hiển linh chữa lành mọi thứ bệnh. Khoa học có quyền gì để phán xét quyền năng của Đấng tối cao? Và chúng ta cũng không ai có thẩm quyền để phán xét Thiên Chúa.

Với những hồi đáp như vậy của Giáo hội, Giáo sư J. Lhermitte còn gì nữa để nói! (Nguồn:Vấn đề của phép lạ. Tác giả Giáo sư Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Để bảo vệ cho “đức tin” của tín đồ đi hành hương đến Lourdes. Giáo hội không ngần ngại mời những nhà triết học, thần học công giáo lừng danh như Blondel, R. P. Liege, Dubarle, Bouillard cùng nhiều đại diện có trình độ rất cao của Giáo hội để đương đầu với Giáo sư J. Lhermitte và với tất cả mọi dư luận chống đối sự kiện “phép lạ” của Lourdes. Vũ khí lý luận của họ dựa trên chiêu bài: “Phép lạ là một ân sủng và là một thực trạng không thể kiểm chứng được” (Nguồn:Vấn đề của phép lạ.  Giáo sư Jean Lhermitt, trang 142).

Để bảo vệ cho lý thuyết của họ, Tiến sĩ Sendrail của Giáo hội đã mạnh dạn tuyên bố “Phép lạ là chứng cớ của đức tin, là một sự lựa chọn. Trong tất cả các buổi hội nghị hoặc thảo luận mang tính cách khoa học đều không có quyền chen vào giữa tình thương vô cùng tận của đấng tối cao với lời khẩn cầu của mỗi cá nhân“. Tháng 05 năm 1958, khi ông Jean Cotereau đưa ra một nhận định “Cuối cùng, cơ bản của vấn đề là phép lạ chỉ có thể xảy ra cho những kẻ đã sẵn tin vào nó” được đăng trên nguyệt san Tự Do Tư Tưởng (L’Idée Libre). Ông Jean Cotereau đã bị nhà triết học Công Giáo Sendrail đả kích không tiếc lời. Ông Jean Cotereau đã nhận được những mỹ hiệu đến từ những vị đại diện của Giáo hội như: vô thần, tay sai của satan, đầu óc nông cạn, v.v…

Dưới chế độ quân chủ không ai có thể dành được quan điểm bảo hoàng của các vị Vua và những người được hưởng lợi bởi chế độ. Các vị đại diện của Giáo hội nói riêng và các vệ tinh bay chung quanh cái thái dương hệ Giáo hội cũng thế. Ngày nào Giáo hội còn tồn tại, còn trả lương cho họ thì việc họ bảo vệ tín điều của Giáo hội là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Trong chiến tranh, người ta bất chấp thủ đoạn để dành phần thắng cũng là chuyện bình thường nhất là khi mà quyền lợi, thế lực của họ bị đe doạ. Đôi khi họ còn sẵn sàng miệt thị cá nhân để cho đối phương rút lui vì sợ bị ê mặt bởi những ngôn từ không mấy đẹp. Thậm chí, trở thành mù quáng như trường hợp khi các vị đại diện Giáo hội bị các vị bác sĩ đặt vấn đề nếu như họ bị bệnh, họ sẽ đi khám bác sĩ hoặc cầu nguyện bà Maria? Câu trả lời rất hãi hùng là “Đương nhiên là chúng tôi sẽ cầu xin Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội và cầu xin Bernadette Soubiroux khẩn cầu giúp chúng tôi” (sic!) (Nguồn sách Bộ sưu tập bách niên (Album du Centenaire), xuất bản năm 1958.)

Càng đi sâu vào vấn đề, càng tìm đọc nhiều tư liệu điều tra về hiện tượng Lộ-Đức (Lourdre) chúng ta càng thấy bức màn sương mù bao bọc lấy nó càng lúc càng dày dặc. Qua quá trình hơn 152 năm kể từ khi màn kịch Lộ-Đức mở màn, chúng ta có thể khẳng định một điều là những con người có chút hiểu biết đều coi đó như là một loại “buôn thần, bán thánh”! Tiếc thay vẫn còn có người tin vào nó. Nhờ vậy mà 150 năm sau, tuy đức tin nơi phép lạ đã suy yếu nhiều nhưng thương mại của thị xã Lourdes vẫn cứ phát triển.

Sau nhiều năm tranh cãi về vấn đề “Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội” mặc dù các nhà khoa học từ từ rút lui nhưng Giáo hội vẫn không tha thứ cho họ! Giáo hội đã có những bài báo qui chụp những người phản đối hiện tượng Lourdes như những kẻ vô thần, bọn người xấu, những kẻ bất hạnh v.v… trong suốt hơn 100 năm. Sau này, Giáo hội còn cho ra đời rất nhiều học thuyết, để bảo vệ cho Lourdes. Giáo hội đã đưa những con người như Linh mục Dominique Peyramale, Bernadette Soubirous lên hàng thánh thần Thậm chí các tư liệu về người cha mê bài bạc, bị bắt tù hai năm vì tội ăn cắp. Người mẹ chết vì nghiện rượu. Người em bị bắt quả tang ăn cắp nến cũng biến mất như một “phép lạ” trong hồ sơ tư pháp của thị xã!! Tượng của họ được dựng lên ở nhiều nơi trong thị xã Lourdes. Thậm chí trong các mặt hàng lưu niệm của Lourdes cũng không thiếu tượng chạm của Bernadette Soubirous.

Hình vẽ Bernadette Soubirous và Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội trên tường của Thánh Đường Lourdes cũng là biểu tượng của thị xã Lourdes được trưng bày mỗi mùa hành hương. Nguồn Viện bảo tàng Lourdes

Bệ thờ Bernadette Soubirous trong Thánh đường Lourdes.Nguồn G. Baldocchi

Giáo hội đã huy động tất cả mọi phương tiện truyền thông, quyền lực trong tay họ để bảo vệ luận điểm, quyền lợi, sự độc quyền của Giáo hội tại Lourdes bất chấp ý kiến của dư luận. Không cần chứng minh thật giả của hiện tượng Bernadette Soubirous và “Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội”. Không cần phải xét nghiệm nước Thánh tốt hay xấu cho sức khoẻ.  Họ vẫn cứ cương quyết bảo vệ, quảng cáo sự nhiệm màu của “nước thánh” thực chất chỉ là nước mạch đã có từ lâu đời trong hang động Massabielle bất chấp sự phản đối của khoa học, bất kể hậu quả đã gây ra cho những nạn
nhân mà đa phần là những con người mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao.

Trong một hội nghị về “Phép lạ của Lourdes”. Bác sĩ Sendrail tuyên bố một câu đã tạo nên sự kinh hoàng trong giới y học lúc bấy giờ. Ông nói:

– Chúng ta là bác sĩ, chúng ta cần phải nghiên cứu, học hỏi sự thần kỳ của phép lạ ở Lourdes để làm giàu cho kiến thức y-học của chúng ta, để chúng ta biết thêm rằng quyền năng của đấng tối cao vượt qua tất cả. Chúng ta cần phải khuyên nhủ bệnh nhân của chúng ta nên đến Lourdes để xin “Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội” ban phước, chữa lành những căn bệnh đang hành hạ họ. (Nguồn: Médecine et merveilleux (Y khoa và điều huyền diệu) tác giả Tiến sĩ Sendrail Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1957).

Chú thích: bài thuyết trình của Bác sĩ Sendrail được đăng trên nguyệt san “Tự Do Tư Tưởng” (L’Idée Libre) số 14/1956. Có nghĩa là gần một năm trước khi được đưa vào sách “Y khoa và điều huyền diệu” của Bác sĩ Sendrail xuất bản năm 1957.

Lời tuyên bố trên của Bác sĩ Sendrail đã gây không ít sóng gió trong xã hội thời bấy giờ. Họ cho rằng Bác sĩ Sendrail là một nhà khoa học, một y-sĩ mà lại có phát biểu vô trách nhiệm. Luận điểm của ông không những chỉ bị đả kích bởi những nhà khoa học mà còn bị khiển trách bởi chính những người thuộc phe Công giáo. Trong bài viết phản hồi của Giáo sư J. Lhermitte, ông nói:

– Lời tuyên bố của Bác sĩ Sendrail là phản khoa học và phi đức tin. Về vấn đề phản khoa học tôi không cần phải đào sâu thêm chi tiết. Riêng về vấn đề phi đức tin, tôi thiết tưởng Bác sĩ Sendrail cần xem lại điều 159 nói về đức tin và khoa học của sách Giáo Lý Công Giáo. (điều 159 283 2293 Ðức tin và khoa học: “Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ hai bên thực sự mâu thuẫn nhau : Ðấng mặc khải các mầu nhiệm và thông ban đức tin, cũng chiếu rọi ánh sáng khôn ngoan xuống tâm trí con người, Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật” (x. Cđ Va-ti-can I:DS 3017). Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù không ý thức, họ như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng” (GS 36, 2). Chú thích của người viết).

Trong phần kết của bài viết, Giáo sư J. Lhermitte nói thêm với lời lẽ rất cứng rắn:

– Tôi thách thức Bác sĩ Sendrail hoặc bất kỳ ai trong ủy ban kiểm định, các nhà biện giáo Công giáo chỉ cho tôi xem một tín điều trong Giáo Lý Công Giáo hoặc một câu trong Kinh Thánh cấm tín đồ đến gặp thầy thuốc để xin chữa, khám bệnh. Tôi xin nhấn mạnh câu “thầy thuốc” đồng nghĩa với từ “Bác sĩ” bây giờ. (Nguồn Le Problème des Miracles (Vấn đề của phép lạ)tác giả Jean Lhermitte. Nhà xuất bản Gallimard, Paris Năm 1956).

Năm 1957, khi Bác sĩ Sendrail cho xuất bản cuốn sách “Y khoa và điều huyền diệu”. Người đọc sẽ thấy Bác sĩ Sendrail hoàn toàn im lặng trước mọi sự tấn công của dư luận. Và cũng không hề trả lời câu hỏi của Giáo sư J. Lhermitte.

Ảnh chụp hang động nơi Bernadette thấy “Đức mẹ nguyên nhiễm vô tội” xuất hiện, cũng là nơi mà Bernadette “bứt cỏ” để ăn và “nước thánh” tuôn trào bởi phép lạ. Xin lưu ý có con sông chảy ngay cạnh hang động nơi nước thánh phun.
(Nguồn: ảnh của người viết)

Trong suốt 100 năm, tính từ khi có hiện tượng hiện hình của “Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội” năm 1858 cho đến năm 1958 là năm mà tất cả các nhà hùng biện Công giáo hoặc các nhân chứng đã hoàn toàn qua đời và Giáo Sư Jean L’hermitte, cũng ra đi vào ngày 24 tháng giêng năm 1959 hưởng thọ 82 tuổi. Cuộc bút chiến chỉ tạm ngừng lại trong hai cuộc đại chiến thứ nhất (1914-1918), đại chiến thứ hai (1939-1945) và vài năm sau đại chiến để tái kiến thiết.

Thế nhưng, Giáo hội lại không ngừng nghỉ trong khoảng thời gian đó! Họ vẫn tiếp tục ra sức để “truyền bá” phép lạ, hiện tượng lạ của Lourdes

Trong suốt 100 năm, tính từ khi có hiện tượng “hiện hình” của “Đức Mẹ nguyên nhiễm vô tội” năm 1858 cho đến năm 1958 là năm mà tất cả các nhà hùng biện Công giáo hoặc các nhân chứng đã hoàn toàn qua đời và Giáo Sư Jean L’hermitte, cũng ra đi vào ngày 24 tháng giêng năm 1959 hưởng thọ 82 tuổi. Cuộc bút chiến chỉ tạm ngừng lại trong hai cuộc đại chiến thứ nhất (1914-1918), đại chiến thứ hai (1939-1945) và vài năm sau đại chiến để tái kiến thiết.

Thế nhưng, Giáo hội lại không ngừng nghỉ trong khoảng thời gian này! Họ vẫn tiếp tục tranh thủ ra sức để truyền bá phép lạ, hiện tượng lạ của Lourdes. Giáo hội đã tung các bài viết bởi các nhà hùng biện về Lourdes lên các tờ báo của Giáo hội, thân với Giáo hội.

Rất nhiều câu chuyện được thêu dệt và phóng đại mà vì hoàn cảnh chiến tranh nên  không có ai trong thời điểm đó có thời gian để phản bác những mẫu truyện hoang đường của Giáo hội. Trong thời gian đi tìm tư liệu từ các thư viện ở Paris, Lourdes. Tôi rất ngạc nhiên khi tìm thấy rât nhiều bài viết của Giáo hội liên quan đến phép lạ ở Lourdes trong thời gian hai cuộc đại chiến thế giới. Cũng có rất nhiều văn phẩm chứng minh những sự việc xảy ra ở Lourdes đều bị đánh phá mãnh liệt trong thời điểm này. Thí dụ:

Jean de Bonnefon (Nguồn sách Plume d’aigle ou langue de vipère
(Lông chim ưng và lưỡi độc xà) tác giả Édouard Bouyé)

Năm 1906, nhà văn, nhà báo, thị trưởng thị xã Calvinet ông Jean de Bonnefon (1866-1928) cho phát hành một cuốn sách có tựa đề là “Lộ Đức và những ông chủ” (Lourdes et ses tenanciers). Ông kêu gọi hãy đóng cửa khu bảo tồn Lourdes vì ông đã chứng minh được tất cả những huyền thoại được xây dựng ở Lourdes đều là kịch bản của sự lừa đảo. Trong nhiều năm liền, tác phẩm của ông đã gây chấn động trong dư luận, không một lời phản bác nào từ phía Giáo hội cũng như các cơ quan ngôn luận Công giáo, thân Công giáo. Bất chợt, sau khi ông qua đời, thỉnh thoảng có bài viết đả kích ông nhưng phải đợi đúng vào thời điểm đại chiến thứ II khoảng hơn 10 năm sau, các bài viết chống đối ông đã ra đời một cách dồn dập. Thậm chí người ta còn lên án ông là “bịp bợm”! Nhiều tờ báo thân giáo hội đã tìm và đưa ra những chứng cứ việc ông lên án hiện tượng Lộ Đức là sai!

Đương nhiên là ông Jean de Bonnefon phải chấp nhận mình sai! Bởi người chết làm sao có thể cãi lại với người sống trong thế giới người sống?

Văn hào Émile Zola (1840-1902). Một nhà văn được những người cùng thế hệ của ông coi ông như là một người trực tính, công bằng, có uy tín. Những năm cuối cùng của cuộc đời, ông nổi danh với tác phẩm  “J’Accuse…!” (Tôi lên án) khi dấn thân vào vụ điều tra để minh oan cho một sĩ quan Pháp tên Drefus. Khi đó, ông đã đánh đổi sinh mạng của mình để sống một cuộc sống lưu vong ở Luân-Đôn chỉ vì muốn bảo vệ sự công bằng cho sĩ quan Dreyfus, một người mà ông không hề quen biết.

Tháng 8 năm 1892, khi ông đến Lourdes để viết sách về “thánh địa” này, ông đã đi gặp các người được uỷ ban kiểm tra của Giáo hội xác định đã được chữa lành bệnh bởi nước Thánh. Ông lưu ý trường hợp của Marie Lebranchu. Bà bị lao phổi ở giai đoạn cuối cùng. Ông đã theo dõi rất sát trường hợp của bà Marie Lebranchu. Trong bài viết của ông. Ông viết:

– Khi đi xe lửa trở về Paris, bệnh lao phổi của Marie Lebranchu tái phát, bà chết ngay sau khi xuống xe!

Marie Lebranchu(Nguồn sách Les phenomènes PSI, tác giả Lionel Hubert)

Sau khi ông Émile Zola qua đời (1902) nhiều bài viết đã được tung ra để hạ uy tín của ông, thậm chí gần 60 năm sau vẫn còn có sách, báo lên án ông là “con buôn thời sự”. (Nguồn các sách: Miséricorde divine (Chúa nhân từ) tác giả Linh Mục giáo phận Burkina Faso, Marie Jean. Les phenomènes PSI, tác giả Lionel Hubert).

Giấy chứng nhận Marie Lebranchu chết năm 1921, không hề có đóng dấu hoặc chữ ký thị thực của cơ quan hành chính. (Nhà xuất bản L’Harmattan. Paris 2002. Trang 52)

Thậm chí người ta còn đưa ra rất nhiều bằng chứng để đả kích ông thí dụ một văn kiện chứng minh Marie Lebranchu chết năm 1921 chứ không phải năm 1892. Mẫu giấy đó có giá trị pháp lý không? Tôi dành phần này cho các bạn đọc tự phán xét. Lưu ý, phóng ảnh được trích từ sách: Le fait religieux notamment le miracle chez Zola. Foi et raison, tác giả Pierre Ouvrand. Nhà xuất bản L’Harmattan. Paris 2002. Trang 52. Có vết cạo sửa ở mục do tôi gạch đỏ.

Hết