Vương Quốc Trời – Đời Đời

1,096 views

YouTube: https://youtu.be/aP5Zqr2t2ig

202212 Bài Giảng Trong Năm 2022
Vương Quốc Trời
Vương Quốc Đời Đời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Trong hai bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về Vương Quốc Trời với thời kỳ Vương Quốc Nội Tại và thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về thời kỳ sau cùng của Vương Quốc Trời, là thời kỳ Vương Quốc Đời Đời, còn gọi là Vương Quốc Vĩnh Hằng.

Thật ra, cách gọi Vương Quốc Nội Tại, Vương Quốc Ngàn Năm, và Vương Quốc Đời Đời là để giúp chúng ta phân biệt ba thời kỳ của Vương Quốc Trời. Thực tế, Vương Quốc Trời chính là Vương Quốc Đời Đời kể từ khi nó xuất hiện trong lòng người. Vì sự cai trị của Đấng Christ trong lòng những người tin nhận Ngài từ đời này sang đời kia không hề chấm dứt.

Vương Quốc Đời Đời

Trong Thánh Kinh có nhiều chỗ tiên tri về Vương Quốc Đời Đời, nhưng Khải Huyền 21 và 22 là hai đoạn Thánh Kinh tiên tri về Vương Quốc Đời Đời với nhiều chi tiết nhất. Tuy vậy, suốt cả Thánh Kinh chỉ có hai chỗ dùng danh xưng Vương Quốc Vĩnh Hằng. Một lần trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu Ước và một lần trong tiếng Hy-lạp của Tân Ước.

Vương quốc của Ngài là Vương Quốc Vĩnh Hằng. Quyền cai trị của Ngài khắp từ đời này đến đời kia.” (Thi Thiên 145:13).

מלכות H4438 (vương quốc) כל H3605 (trọn vẹn) עלמים H5769 (vĩnh hằng)

Vì một lối vào rộng rãi sẽ ban cho các anh chị em để vào trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Chúa chúng ta và Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.” (II Phi-e-rơ 1:11).

την G3588 (mạo từ xác định) αιωνιον G166 (vĩnh hằng) βασιλειαν G932 (vương quốc)

Vĩnh hằng là còn hoài không dứt. Đời đời có nghĩa là từ đời này sang đời khác. Tất cả các lời tiên tri trong Thánh Kinh về Vương Quốc Vĩnh Hằng đều mô tả những sự kiện xảy ra từ đời này sang đời khác, được dịch sang tiếng Việt là “đời đời”. Như:

  • Ta sống đời đời.

  • Đấng Sống Đời Đời.

  • Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời. A-men!

  • Lời ca tụng, sự tôn quý, sự vinh quang và quyền lực thuộc về Đấng đang ngự trên ngai và Chiên Con cho tới đời đời!

  • Lời ca tụng, sự vinh quang, sự khôn sáng, lời cảm tạ, sự tôn quý, quyền lực, sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời. A-men!

  • Ngài sẽ cai trị cho tới đời đời.

  • Khói của sự đau khổ của chúng sẽ bay lên cho tới đời đời.

  • Và khói của nó bay lên cho tới đời đời!

  • Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

  • Và họ sẽ cai trị đời đời.

Chính vì thế mà chúng ta có thể gọi Vương Quốc Vĩnh Hằng là Vương Quốc Đời Đời. Một vương quốc mà trong đó đời này tiếp nối đời kia, còn mãi không dứt.

Từ ngữ “đời đời” với ý nghĩa là từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng gợi cho chúng ta một ý tưởng về sự rất có thể những người từ Vương Quốc Ngàn Năm vào trong Vương Quốc Đời Đời và con cháu của họ vẫn tiếp tục sinh con từ đời này sang đời khác. Có thể khả năng sinh con của mỗi người, nam lẫn nữ, sẽ chấm dứt khi người ấy được một ngàn tuổi. Vì nếu không có sự sinh sản thì sẽ không có thêm các đời, không có thêm các thế hệ. Và có lẽ bởi đó mà loài người sẽ đến sống trên những hành tinh trong khắp vũ trụ, trong trời mới. Vì các ngôi sao và hành tinh trong vũ trụ đã được Đức Chúa Trời ban cho muôn dân trên đất:

Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Chúng ta có thể hiểu rằng, dù trời cũ đất cũ sẽ nổ tung và cháy tan, nhưng những hạt vật chất tạo thành chúng vẫn còn. Từ trong đám bụi vật chất vô hình đó, trời mới đất mới sẽ được sáng tạo, theo mô hình của trời cũ đất cũ. Và khi ấy, chúng ta sẽ được chứng kiến sự sáng tạo trời đất vật chất, từ không ra có, của Thiên Chúa. Điều này khiến cho chúng ta hiểu ý nghĩa của mệnh đề “trái đất mà Ngài đã sáng lập còn mãi” trong Thi Thiên 78:69. Vì giống như thân thể xác thịt của loài người, dù có cháy tan thành các hạt vật chất sau hàng ngàn năm, vẫn được Ngài dựng mới lại với cùng một mô hình mà Ngài đã định cho mỗi người; thì trời cũ đất cũ cũng vậy.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, thân thể xác thịt được phục sinh hay được biến hóa của chúng ta sẽ không mang lấy hình dạng mà chúng ta vốn có trong đời này. Vì chúng ta đã được sinh ra trong sự phạm tội của loài người, nên hình dạng của chúng ta dù có xinh đẹp đến đâu cũng không bằng hình dạng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta. Đó là hình dạng không bị băng hoại từ trong lòng mẹ bởi sự phạm tội của ông bà cha mẹ chúng ta, và về sau, bởi sự phạm tội của chính chúng ta.

Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Vì thế, thân thể xác thịt mới của chúng ta sẽ vô cùng xinh đẹp và vinh quang, theo mô hình Đức Chúa Trời đã định sẵn cho mỗi người. Nhưng mức độ vinh quang của mỗi người mỗi khác, tùy thuộc vào những việc làm công chính của mỗi người khi còn sống trong đời này (Khải Huyền 19:8).

Riêng chỗ ngự của Thiên Chúa và chỗ ở của Hội Thánh là thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời, thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời sẽ từ tầng trời thứ ba dời xuống trên đất mới, và mãi mãi ở lại trên đất mới. Vì thế mà chúng ta có thể hiểu rằng, thời kỳ Vương Quốc Đời Đời cũng là lúc mà thế giới thuộc thể và thế giới thuộc linh kết hợp với nhau. Thế giới thuộc thể sẽ trở thành thế giới siêu vật chất với những định luật vật lý hoàn toàn mới.

Vũ trụ trong trời mới cũng có thể sẽ phát triển hoài cho tới đời đời. Nghĩa là các thiên hà với hàng tỉ hành tinh và ngôi sao sẽ tiếp tục hình thành mãi hoài không dứt. Thiên Chúa là sự sống. Thiên Chúa là vĩnh hằng. Thiên Chúa là toàn năng. Thiên Chúa là vô biên. Vì thế, sự kiện vũ trụ trong trời mới sẽ phát triển hoài cho tới đời đời không phải là điều không tưởng.

Chúng ta đã học biết rằng, sau khi Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc, trời cũ đất cũ của thế giới vật chất sẽ nổ tung và cháy tan, trước khi Cuộc Phán Xét Cuối Cùng xảy ra trong cõi thuộc linh. Chúng ta không biết cuộc phán xét này sẽ kéo dài trong bao lâu. Vì thế, chúng ta không biết rõ khoảng thời gian sẽ có giữa thời kỳ trời cũ đất cũ và thời kỳ trời mới đất mới. Cuộc Phán Xét Cuối Cùng sẽ bao gồm sự phán xét các thiên sứ phạm tội và những người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần hiểu rằng:

  • Các thiên sứ được ở trong thiên đàng, được diện kiến Thiên Chúa nên khi họ phạm tội, họ sẽ không có cơ hội ăn năn. Tất cả các thiên sứ phạm tội, đứng đầu là Sa-tan, sẽ bị hình phạt, đau khổ đời đời trong hỏa ngục.

  • Loài người phạm tội nhưng được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội ăn năn. Từ thời A-đam cho tới cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, mỗi người đều được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội ăn năn và thờ phượng Ngài. Những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đức Chúa Trời thì sẽ được cứu ra khỏi hình phạt của sự phạm tội, nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Những ai không ăn năn tội, hoặc ăn năn tội nhưng không tin nhận Đức Chúa Trời thì sẽ bị hình phạt, đau khổ đời đời trong hỏa ngục, chung với các thiên sứ phạm tội.

  • Hồ lửa, tức hỏa ngục, là nơi được dựng nên để làm chỗ hình phạt các thiên sứ phạm tội. Chỉ vì loài người không nhận lấy cơ hội Đức Chúa Trời ban cho để ăn năn tội và tin nhận Ngài, thờ phượng Ngài mà loài người mới bị hình phạt chung với các thiên sứ.

Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.” (Ma-thi-ơ 25:41).

  • Hội Thánh sẽ dự phần phán xét trong sự phán xét chung cuộc, kể cả phán xét các thiên sứ phạm tội:

Các anh chị em chẳng biết rằng, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ sao? Huống chi những việc đời này?” (I Cô-rinh-tô 6:3).

Sau Cuộc Phán Xét Cuối Cùng thì Đức Chúa Trời sẽ dựng nên trời mới đất mới; rồi, thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời sẽ từ trời giáng xuống trên đất. Qua sự diễn tả về thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời trong Khải Huyền 21 mà chúng ta hiểu rằng, cấu trúc của thành là các vật liệu siêu vật chất. Vì chúng là các loại vàng, đá quý, thủy tinh nhưng ở trong tầng trời thứ ba là cõi thuộc linh, thì chúng mang các đặc tính khác với các loại vật liệu hiện tại trên đất. Điển hình là vàng và các loại đá quý siêu vật chất có tính trong suốt như thủy tinh. Có thể thành đã không do ai xây dựng, nhưng đã được sáng tạo bởi lời phán của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu rằng, từ trong cõi đời đời quá khứ, ngay cả trước khi các thiên sứ được tạo thành, Thiên Chúa đã sáng tạo thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời để làm nơi ngự của Ngài. Nhưng Ngài cũng đã định sẵn, đó sẽ là chỗ ở đời đời của Hội Thánh. Đức Chúa Jesus đã gọi đó là “nhà của Cha Ta” và Ngài đã hứa sẽ đem Hội Thánh vào ở trong đó với Ngài.

Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2-3).

Động từ “sắm sẵn” không nên hiểu là tiến trình xây dựng, mà nên hiểu là sự Đấng Christ sắp xếp ai ở chỗ nào trong thiên đàng, theo chức vụ của họ, dựa trên tấm lòng yêu kính, vâng phục Chúa và sự hầu việc Chúa của mỗi người khi còn ở trong cuộc đời này.

Qua các lời tiên tri trong Khải Huyền, chúng ta biết rằng:

  • Trên đất mới, biển sẽ không còn nữa nhưng có thể các ao, hồ, sông, suối vẫn có khắp nơi trên mặt đất. Đất mới sẽ lớn hơn đất cũ rất nhiều mà lại không có biển thì đất mới sẽ có thể chứa rất là nhiều người (Khải Huyền 21:1).

  • Thành thánh từ trời giáng xuống trên đất có hình dáng là một khối vuông như Nơi Rất Thánh của Đền Thờ Thiên Chúa thời Cựu Ước. Nhưng mỗi chiều của thành thánh, kể cả chiều cao, là 12.000 phu-lông, tương đương 2.200 km (một phu-lông tương đương 185 mét), theo thước đo của loài người. Điều này cho thấy, trái đất mới phải có kích thước lớn hơn kích thước của trái đất cũ rất nhiều để có thể chứa được thành thánh. Xin xem hình minh họa [1]. Chúng ta có thể hiểu rằng, với chiều cao 2.200 km thì thành có thể được chia ra thành nhiều tầng. Nếu trung bình mỗi tầng cao 100 mét thì chúng ta sẽ có 22.000 tầng; mà mỗi tầng rộng 4.840.000 km2. Đó là diện tích rộng gần bằng 15 lần diện tích của nước Việt Nam (331.698 km2); hoặc rộng khoảng 1/2 diện tích của nước Mỹ (9.372.610 km2). Cũng có thể, trong thành, ngoài khu vực ngai của Thiên Chúa, nơi ngự của Thiên Chúa, và sân thủy tinh trước ngai, nơi muôn dân đến ra mắt Thiên Chúa, là có chiều cao trọn vẹn của thành, thì phần còn lại, là nơi ở của Hội Thánh sẽ được chia thành nhiều tầng. (I Các Vua 6:20; Khải Huyền 21:15-17).

  • Thành thánh có tường lớn và cao với mười hai cổng, chia đều ba cổng ở mỗi hướng đông tây nam bắc. Mỗi cổng là một hạt châu nguyên khối. Tại các cổng có mười hai thiên sứ. Chúng ta hiểu đây là các thiên sứ giữ nhiệm vụ canh gác có tính cách lễ nghi, tỏ ra sự oai nghiêm của thành chứ không có nghĩa là bảo vệ an ninh. Vì trong Vương Quốc Đời Đời sẽ không có tội lỗi, không có kẻ xấu, kẻ gian. Trên các cổng có viết các tên là tên của mười hai chi tộc thuộc con cháu của I-sơ-ra-ên. (Khải Huyền 21:12-13; 21).

  • Bốn phía tường thành có 12 nền, trên 12 nền đó là tên của 12 sứ đồ của Đấng Christ. Có thể dưới mỗi cổng thành là một nền. Mỗi nền làm bằng một loại đá quý. Số đo của tường thành là 144 cu-bít, khoảng 66 mét (một cu-bít tương đương 45,72 cm). Nhưng chúng ta không biết đó là chiều cao hay bề dày của tường thành. Có thể đó là kích thước của cả chiều cao lẫn bề dày của tường thành. Tên của sứ đồ thứ mười hai có lẽ là Phao-lô, không phải Ma-thia. Vì Phao-lô là sứ đồ được chính Đấng Christ kêu gọi, còn Ma-thia là sứ đồ được các sứ đồ khác chọn để thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. (Khải Huyền 21:14, 17, 19-20).

  • Trong thành không có Đền Thờ Thiên Chúa, vì Đức Chúa Trời và Chiên Con là Đền Thờ. Nói cách khác, con dân Chúa bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, trực tiếp thờ phượng Thiên Chúa ngay trước ngai của Thiên Chúa nên không cần có Đền Thờ nữa. Danh từ Chiên Con được dùng để chỉ thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời trong xác thịt loài người đã hoàn thành sự cứu chuộc đời đời cho loài người. Chúng ta hiểu rằng, sau khi thân thể xác thịt của Đấng Christ phục sinh thì Thiên Chúa Ngôi Lời mãi mãi thực hữu trong thân thể xác thịt phục sinh ấy, tiêu biểu cho sự hiệp một đời đời giữa Thiên Chúa và loài người. Trong cõi đời đời, danh xưng Chiên Con vẫn tiếp tục được dùng để gọi thân thể xác thịt của Thiên Chúa Ngôi Lời, để loài người mãi mãi nhớ đến tình yêu và sự hy sinh của Thiên Chúa dành cho loài người. (Khải Huyền 21:22).

  • Thành không cần ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Trong thành và có lẽ khu vực chung quanh thành không có ban đêm. Vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng nó và Chiên Con là đèn của thành. (Khải Huyền 21:23, 25; 22:5).

  • Cổng thành sẽ không hề đóng. Vua và dân chúng của các quốc gia được tự do ra vào thành (Khải Huyền 21:24-26).

  • Có một con sông tinh khiết của nước sự sống, trong như thủy tinh, từ nơi ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Con sông tiêu biểu cho Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Nước sự sống của con sông tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa ra từ Đấng Thần Linh, ban cho mọi con dân Chúa và đem lại sức sống cho muôn loài thọ tạo. (Khải Huyền 22:1).

  • Giữa đường phố của thành và con sông có Cây Sự Sống. Cây ấy ra mười hai loại trái và ra trái mỗi tháng. Mười hai loại trái hàm ý mười hai hương vị khác nhau. Những lá của cây được dùng trong sự phục vụ của các quốc gia. Sự phục vụ của các quốc gia là sự các quốc gia thờ phượng Thiên Chúa. Rất có thể, các nhánh lá của Cây Sự Sống được dân chúng của mỗi quốc gia cầm trong tay để tôn vinh Thiên Chúa, tỏ lòng biết ơn Ngài đã ban sự sống đời đời cho họ, mỗi khi họ vào thành thờ phượng Thiên Chúa. Một số bản dịch Thánh Kinh dịch là “sự chữa lành” nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì nghĩa đen của danh từ này là sự có mặt trong sự phục vụ, như sự có mặt của tôi tớ bên cạnh chủ. Và trong Vương Quốc Đời Đời thì không còn có bệnh tật, nên dịch là chữa lành thì không đúng. Cây Sự Sống có thể cao hơn cả chiều cao của thành, nghĩa là cao hơn 2.200 km và tàn lá của nó có thể bao phủ cả diện tích của thành. Trái của nó sẽ đủ cho muôn dân trong Vương Quốc Trời. Cây Sự Sống tiêu biểu cho Đấng Christ. Vì Ngài là sự sống và sự sống lại. Mệnh đề “ra trái mỗi tháng” giúp cho chúng ta hiểu rằng, thời gian với các đơn vị: ngày, đêm, tuần lễ, tháng, và năm vẫn có trong cõi đời đời. Trong Thánh Kinh, mỗi tháng bắt đầu vào ngày trăng mới, là ngày tái khởi đầu chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ mặt trăng và chữ tháng là cùng một chữ. Thi Thiên 104:19 cho chúng ta biết, Thiên Chúa đã làm nên mặt trăng để đánh dấu các mùa và mặt trời để đánh dấu các ngày. Ngoài ra, Thánh Kinh cho chúng ta biết, những kẻ ở trong hồ lửa phải chịu đau khổ cả ngày lẫn đêm, chứng tỏ, ngày và đêm vẫn có trong cõi đời đời (Khải Huyền 22:2; Giăng 11:25; Khải Huyền 20:10).

  • Trong Vương Quốc Đời Đời, Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của con dân Chúa. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa; vì những sự cũ đã qua rồi. Hội Thánh sẽ cùng Đấng Christ cai trị vương quốc cho tới đời đời (Khải Huyền 21:4; 22:5).

Có một câu trong Khải Huyền có thể khiến người đọc hiểu lầm. Đó là Khải Huyền 22:15.

Bên ngoài thành là những chó, những thầy pháp, những đĩ đực, những kẻ giết người, những kẻ thờ thần tượng, cùng bất cứ những kẻ nào ưa thích và làm ra sự dối trá.” (Khải Huyền 22:15).

Trạng từ “bên ngoài” (G1854) có nghĩa là không được ở trong thành. Ý nghĩa của Khải Huyền 22:15 không phải là những kẻ đó sẽ được sống trên đất mới, bên ngoài vách của thành thánh. Vì Khải Huyền 21:8 đã khẳng định, chỗ của những kẻ ấy là trong hồ lửa.

Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Khi suy ngẫm về quyền cai trị của Hội Thánh trong Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời, chúng ta phải ghi nhớ rằng, khi ấy, chúng ta đã được kết hiệp cách mầu nhiệm với Đấng Christ qua Lễ Cưới Chiên Con. Vì thế, trong cả hai thời kỳ, chúng ta đều cai trị toàn thể thế giới thuộc thể và thuộc linh, tức là toàn bộ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Thế giới thuộc thể là trời đất vật chất và muôn vật trong chúng. Thế giới thuộc linh là tầng trời thứ ba, tức thiên đàng, với muôn loài thọ tạo trong thiên đàng, kể cả các thiên sứ; cùng với âm phủ, bao gồm vực sâu không đáy và hồ lửa.

Trời cũ đất cũ của thế giới vật chất sẽ qua đi và trời mới đất mới sẽ được Thiên Chúa sáng tạo. Nhưng thiên đàng và âm phủ là thế giới thuộc linh thì không qua đi. Thiên đàng không hề bị ô uế bởi sự phạm tội của thiên sứ hoặc loài người, nên cứ y nguyên, không cần làm mới lại, không cần dựng mới lại. Riêng âm phủ thì có sự thay đổi. Trước thời kỳ Vương Quốc Đời Đời thì âm phủ chia thành bốn khu vực. Khu vực hồ lửa; khu vực tạm giam linh hồn những người không tin nhận Thiên Chúa; khu vực tạm trú của linh hồn các thánh đồ trước khi Đấng Christ phục sinh; và khu vực vực sâu không đáy, nơi tạm giam các thiên sứ đã phạm tội nhập vào loài người trước Cơn Lụt Lớn. Nhưng trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời thì hồ lửa sẽ bao trùm cả âm phủ.

Trong Vương Quốc Đời Đời, thành thánh Giê-ru-sa-lem đã hạ xuống đất, Thiên Chúa sẽ không còn ngự trong thiên đàng, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, thiên đàng vẫn còn đó và rất có thể sẽ là nơi ở đời đời của mười hai đạo quân thiên sứ của Đức Chúa Trời. Trong Vương Quốc Đời Đời sẽ không có những kẻ phản nghịch, vì tất cả những kẻ phản nghịch, dù là thiên sứ hay loài người thì đã bị giam cầm trong hồ lửa. Vì thế, các thiên sứ sẽ không còn làm nhiệm vụ chiến đấu với các tà linh, hoặc bảo vệ con dân Chúa. Họ cũng sẽ bước vào sự yên nghỉ đời đời, vui hưởng phần của họ trong Vương Quốc Đời Đời. Chúng ta có thể hiểu rằng, trong thiên đàng cũng xinh đẹp và đầy dẫy các loài thọ tạo như trái đất trong buổi đầu sáng thế. Và thiên đàng có kích thước ít nhất cũng bằng kích thước của đất mới để chứa được thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Trong Vương Quốc Đời Đời, với vô số hành tinh và các ngôi sao trong vũ trụ, với khả năng loài người sẽ cứ mãi thêm nhiều và sẽ đến sống trong khắp các hành tinh, Vương Quốc Trời sẽ là một vương quốc liên hành tinh. Địa cầu sẽ trở thành thủ đô của Vương Quốc Trời.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài. Lời Chúa chẳng những dẫn chúng ta đến sự cứu rỗi mà còn ban cho chúng ta sự hy vọng phước hạnh về tương lai của chúng ta. Trong sự giới hạn của ngôn ngữ loài người, chúng ta chỉ đọc biết phần nào về Vương Quốc Đời Đời qua Thánh Kinh. Thực tế, Vương Quốc Đời Đời sẽ huy hoàng và vĩ đại hơn bất cứ sự suy tưởng nào có thể có trong chúng ta. Lời Chúa đã dạy:

Nhưng, như có chép rằng: Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, cũng chưa nổi lên trong lòng người những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai yêu Ngài. [Ê-sai 64:4]” (I Cô-rinh-tô 2:9).

Chúng tôi mong rằng, Lời Chúa khích lệ quý ông bà anh chị em, thêm sự vững vàng cho đức tin của mỗi người, làm dấy lên sự xôn xao, ngóng đợi ngày Đấng Christ đến trong tâm thần của quý ông bà anh chị em. Và đó chính là động cơ mà cũng là năng lực để chúng ta chịu khổ vì danh Chúa, sống thánh khiết theo Lời Chúa, trung tín trong đức tin cho tới ngày Đấng Christ đến.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/02/2022

Ghi Chú

[1] http://tourofheaven.com/eternal/new-jerusalem/size.aspx

Karaoke Thánh Ca: “Đời Người”
https://karaokethanhca.net/doi-nguoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/