Sự Thành Tín của Đức Chúa Trời

5,707 views

Nhấp vào nút play ►để nghe

Sự thành tín của Đức Chúa Trời

Trong nguyên tác của Thánh Kinh, “thành tín” có nghĩa là: vững chắc, thành thực, đáng tin cậy.

  • Vững chắc có nghĩa là không thay đổi, không biến cải trong bất kỳ trường hợp nào. Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta biết đó là bản tính của Đức Chúa Trời:

“…Chúa không hề biến cải, các năm Chúa không hề cùng.” (Thi Thiên 120:27)

Ta là Đức Giê-hô-va, Ta không hề thay đổi…(Ma-la-chi 3:6)

“Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.” (Gia-cơ 1:17)

  • Thành thực có nghĩa là không dối trá, không thất hứa trong bất kỳ trường hợp nào. Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta biết đó là bản tính của Đức Chúa Trời:

“Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6)

“Ngài là Đấng dựng nên trời, đất, biển, và mọi vật ở trong đó; Ngài giữ lòng thành thực đời đời.” (Thi Thiên 146:6)

“Vả, mọi người đều thuật lại thể nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9)

“Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.” (I Giăng 5:20)

Sự thành tín của Đức Chúa Trời chính là phẩm chất của Ngài cho nên sự thành tín của Ngài hoàn toàn độc lập, không tùy thuộc vào bất kỳ một điều gì. Khi đối xử với chúng ta, Ngài hoàn toàn thành tín vô điều kiện. Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta phải thành tín với Ngài thì Ngài mới thành tín với chúng ta. Điều đó được chính Ngài khẳng định trong II Ti-mô-thê 2:13 qua ngòi bút của Sứ Đồ Phao-lô:

“Nếu chúng ta không thành tín, thì Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.”

Hình ảnh của một đoá hoa xinh đẹp, thơm ngát mùi hương có thể dùng để minh họa về sự thành tín của Đức Chúa Trời. Phẩm chất của đoá hoa là xinh đẹp và thơm ngát. Chúng ta có thể nhìn ngắm vẻ đẹp và hít thở hương thơm của đoá hoa với lòng biết ơn và tôn trọng. Nhưng nếu chúng ta dày vò, làm tan nát đóa hoa thì dầu vẻ đẹp của đóa hoa đã bị chúng ta hủy hoại nhưng đóa hoa vẫn tiếp tục tỏa hương thơm cho chúng ta. Chúng ta có thể làm sỉ nhục sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (như khi chúng ta sấp mình thờ lạy các loài thọ tạo, thờ lạy các thần tượng hư không, và khi chúng ta phạm các điều răn của Chúa) nhưng sự thành tín của Ngài đối với chúng ta không hề thay đổi.

Khi chúng ta nói: “Đức Chúa Trời thành tín” là chúng ta nói đến sự kiện Đức Chúa Trời không thay đổi và thành thực. Chính vì Đức Chúa Trời thành tín, nghĩa là không thay đổi và thành thực với chương trình và ý định đời đời của Ngài khi Ngài dựng nên loài người cho nên Ngài đã không tiêu diệt loài người ngay sau khi loài người phạm tội. Trái lại, Chúa luôn luôn ban cho loài người cơ hội để ăn năn tội và Ngài đã chuẩn bị công cuộc cứu rỗi loài người ngay từ trước khi dựng nên loài người. Có thể nói, sự thành tín của Đức Chúa Trời được thể hiện qua sự nhơn từ và thương xót chẳng dứt của Ngài dành cho nhân loại:

“Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt; vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Sự thành tín Ngài là lớn lắm, mới luôn trong mỗi buổi sáng!” (Ca Thương 3:22, 23)

Lẽ ra, khi chúng ta phạm tội, Đức Chúa Trời với bản tính công chính của Ngài, có thể toàn quyền tiêu diệt chúng ta mà không cần ban cho chúng ta một cơ hội nào để ăn năn tội. Tuy nhiên, sự nhơn từ của Chúa đã cho chúng ta có thời gian để ăn năn tội, và sự thương xót của Chúa đã cung cấp cho chúng ta sự cứu rỗi, nghĩa là sự tha tội và làm cho chúng ta được sạch tội trong Đức Chúa Jesus Christ. Ngụ ngôn sau đây có thể minh họa về sự nhơn từ và thương xót của Đức Chúa Trời đối với nhân loại:

Có một tên trộm vào trộm trong nhà của một quan tòa nhưng bị phát hiện nên bỏ chạy. Trong khi bỏ chạy tên trộm đã làm rơi vở chiếc bình cổ quý giá của quan tòa  mà hắn đã trộm được. Khi nhân viên an ninh bắt được tên trộm và giải đến trước mặt quan tòa, tên trộm nhận tội và cam lòng chịu phạt. Tuy nhiên, quan tòa là người có lòng nhơn từ nên ra lệnh cho nhân viên an ninh thả tên trộm được tự do và ông khuyên hắn nên từ bỏ nếp sống tội lỗi để quay về với nếp sống lương thiện.

Tên trộm mừng rỡ, cúi đầu tạ ơn quan tòa và quay lưng, bước ra cửa. Tuy nhiên, khi ra đến cửa, tên trộm bỗng quay lại, đến trước mặt quan tòa và nói:

– Kính thưa quan tòa, tôi rất cảm kích lòng nhơn từ của ngài vì đã tha thứ cho tôi, ban cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, tôi cũng không dám dấu diếm quan tòa rằng: Ra khỏi nơi đây, tôi vẫn phải tìm cách để ăn trộm nơi khác bởi vì không một ai thuê mướn tôi làm việc mà vợ tôi bị bệnh, con tôi không có thức ăn đã mấy ngày nay…

Quan tòa nhìn thẳng vào mắt tên trộm và hỏi:

– Nếu có người thuê mướn anh thì anh có chịu làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình của mình kh6ng?

– Thưa quan tòa, đó là điều tôi khao khát và tìm kiếm, nếu được như vậy thì tôi sẽ nắm chắc lấy cơ hội.

Quan tòa ra lệnh cho người nhà đem ra một số tiền trao cho tên trộm, và nói:

– Anh hãy cầm số tiền này về lo thuốc men cho vợ của anh và mua thức ăn cho gia đình anh. Khi nào vợ của anh hết bệnh, anh hãy đến đây gặp người quản gia của ta để nhận công việc làm vườn. Anh sẽ được trả lương đủ để chăm sóc gia đình anh.

Tên trộm vô cùng ngạc nhiên nhưng mừng rỡ cúi mình cảm tạ sự thương xót của quan tòa và tiếp nhận số tiền cứu mạng. Sau khi tên trộm rời khỏi, nhân viên an ninh là người đã bắt tên trộm, bước đến trước mặt quan tòa và xin phép được lên tiếng. Anh nói:

– Thưa quan tòa, tôi rất kính phục lòng nhơn từ và thương xót ngài đã dành cho tên trộm. Tuy nhiên, lẽ ra ngài phải thi hành sự công chính của pháp luật là xét xử tên trộm và hắn phải nhận lấy hình phạt mà pháp luật đã quy định.

Quan tòa đưa tay trấn an nhân viên an ninh rồi từ tốn nói:

– Với tội trạng của tên trộm này thì một là hắn phải bồi thường chiếc bình cổ đã bị vỡ theo giá trị hiện hành, hai là hắn phải đóng phạt năm ngàn đồng vào công quỹ hoặc phải chịu tù khổ sai một tháng. Ta không đòi tên trộm phải bồi thường chiếc bình cổ và sáng mai ta sẽ xuất ra năm ngàn đồng để đóng tiền phạt cho hắn. Như vậy, chẳng còn có sự đoán phạt nào cho tên trộm vì hắn đã tiếp nhận sự nhơn từ và thương xót của ta và ta đã trả giá cho tội phạm của hắn.

lòng nhơn từ, quan tòa đã tha thứ cho tên trộm để hắn có cơ hội làm lại cuộc đời nhưng tên trộm không thể tự mình làm lại cuộc đời cho đến khi quan tòa có lòng thương xót hắn, giúp cho hắn phương tiện để trở thành một con người mới với một nếp sống mới. Tuy nhiên, lòng nhơn từ và thương xót không thể bỏ qua sự công chính của pháp luật cho nên quan tòa đã bằng lòng gánh thay cho tên trộm mọi hậu quả phát sinh bởi việc làm sai trái của hắn. Đó cũng là điều mà Đức Chúa Trời đã làm đối với nhân loại. Quan tòa trong ngụ ngôn có thể chỉ ban cho tên trộm một cơ hội duy nhất nhưng Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta rất nhiều cơ hội để tiếp nhận sự nhơn từ và thương xót của Ngài.

Chương trình và ý định đời đời của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là:

  • Ngài dựng nên loài người để làm con của Ngài (Lu-ca 3:38; Giăng 1:12; II Cô-rinh tô 6:18; Khải Huyền 21:7).
  • Ngài ban cho loài người sự sống đời đời (Tít 1:2; I Giăng 2:25; 5:11, 13) [2].
  • Ngài ban cho loài người được cai trị đời đời (Khải Huyền 22:5).

Cho dù loài người không xứng đáng vì đã phạm tội với Đức Chúa Trời nhưng Ngài vẫn thành tín, ban cho loài người cơ hội để ăn năn tội và trở về đầu phục Chúa, được làm con của Ngài, được sống đời đời trong tình yêu và sự giàu có vô lượng vô biên của Ngài..

Thánh Kinh nói nhiều đến sự nhơn từ và sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với loài người. Riêng Vua Đa-vít, trong Thi Thiên 103 đã ghi lại những vần thơ tuyệt mỹ như sau:

“Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va!

Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!

Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va,

Chớ quên các ân huệ của Ngài.

Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi,

Chữa lành mọi bịnh tật ngươi,

Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát,

Lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.”

Nước Trung Hoa thời xưa, dưới chế độ quân chủ, các hoàng đế thường có thói quen ban “Kim Bài Miễn Tử” cho những người được hoàng đế yêu quý hoặc có công với hoàng đế. Kim Bài Miễn Tử là một cái thẻ bằng vàng, có chạm huy hiệu của hoàng đế trên đó và có khắc hai chữ “miễn tử,” có nghĩa là miễn cho tội chết. Người có Kim Bài Miễn Tử trong tay khi phạm phải tội chết có thể đưa kim bài ra để được khỏi chết. Tội chết được tha nhờ có Kim Bài Miễn Tử nhưng tội sống, như: bị cách chức, bị tịch thu tài sản, bị lưu đày đi phương xa… vẫn có thể được thi hành nếu không có sự ân xá của hoàng đế. Chúng ta là con dân của Chúa, được Chúa lấy sự nhơn từ và thương xót của Ngài (vinh dự và quý trọng hơn Kim Bài Miễn Tử của các hoàng đế rất nhiều) làm mão triều đội cho chúng ta; nhờ đó, dầu chúng ta thảy đều phạm tội nhưng chưa bị tuyệt mà còn có cơ hội để ăn năn, và nếu chúng ta chịu thật lòng ăn năn, xưng tội với Ngài, thì:

“… Ngài là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác!” (I Giăng 1:9)

Trên một phương diện khác, Đức Chúa Trời cũng có chương trình và ý định đời đời dành cho những người không chịu ăn năn tội, không chịu tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Đối với những người như vậy, Đức Chúa Trời vẫn giữ sự thành tín của Ngài, nghĩa là Ngài sẽ hình phạt họ tùy theo những việc họ làm.

“Như khói tỏa thể nào, Chúa sẽ làm tan chúng nó thể ấy; Như sáp tan chảy trước lửa làm sao, những kẻ ác sẽ bị diệt trước mặt Đức Chúa Trời làm vậy.” (Thi Thiên 68:2)

“Đến ngày tận thế cũng như vầy: Các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 13:49, 50)

Thế nào là “kẻ ác?” Kẻ ác là những người cứ tiếp tục sống trong tội lỗi, trái nghịch với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa:

“Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ. Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn. Vì anh em phải biết rõ rằng: kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 5:3-5)

“Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8)

Kẻ ác không phải chỉ là những người không hề tin nhận Chúa nhưng kẻ ác cón chính là những người xưng nhận mình là con dân Chúa, tôi tớ Chúa nhưng thật ra, trong lòng họ không hề kính sợ và vâng phục Chúa. Họ là những người giả hình, nhân danh Chúa làm đủ mọi thứ để tìm tư lợi, đặc biệt là những người tự xưng là tôi tớ Chúa, tự tạo lập riêng một giai cấp cho mình như những người Pha-ri-si thời xưa mà Chúa đã lên án trong Ma-thi-ơ 23. Lời Chúa đã phán trước về họ như sau:

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23)

Đức Chúa Trời sẽ thành tín, báo trả kẻ ác cách xứng đáng với sự gian ác của họ như Ngài đã tuyên phán nếu họ không chịu ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Kết luận

Sự thành tín của Đức Chúa Trời tức là lòng nhơn từ và thương xót của Ngài đối với chúng ta luôn tươi mới trong mỗi buổi sáng. Sự tươi mới ở đây không phải mới vì Đức Chúa Trời đổi mới, vì Ngài là Đấng không hề thay đổi, nhưng mới là vì mỗi ngày chúng ta được kinh nghiệm thêm một phương diện khác của lòng nhơn từ và thương xót của Chúa. Lòng nhơn từ và thương xót của Đức Chúa Trời là vô lượng, vô biên, đến nỗi cho dù một con ốc bé nhỏ có thể bò đi khắp lòng đại dương đi chăng nữa nhưng chúng ta với sự sống đời đời vẫn không thể nào nếm trải hết được mọi phương diện của sự nhơn từ và thương xót của Đức Chúa Trời. Mỗi buổi sáng, khi thức dậy, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về sự thành tín của Ngài và biết chắc rằng Ngài sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác, miễn là chúng ta cứ ở trong Ngài. Nguyện Chúa giúp cho chúng ta có thể sống trung tín với Ngài cho đến chết; vì chỉ có trung tín với Chúa cho đến chết chúng ta mới báo đáp được phần nào sự thành tín của Ngài và mới nhận được mão triều thiên của sự sống (Khải Huyền 2:10).

Đối với những ai chưa tiếp nhận sự nhơn từ và thương xót của Chúa, nghĩa là chưa chịu dứt khoát từ bỏ tội lỗi để tiếp nhận sự tha tội và làm cho sạch tội của Đức Chúa Trời, xin đừng chần chờ, hãy đến với sự cứu rỗi của Chúa ngay hôm nay, ngay trong giây phút hiện tại. Không ai có thể bảo đảm được mình còn có cơ hội để thở hơi thở kế tiếp. Một khi hơi thở tắt đi, linh hồn rời khỏi thể xác thì không còn cơ hội để tiếp nhận sự nhơn từ và thương xót của Đức Chúa Trời:

“Nơi âm phủ chẳng ngợi khen Ngài được, và sự chết chẳng tôn vinh Ngài được; những kẻ đã xuống mồ rồi chẳng còn trông cậy sự thành thực của Ngài nữa. Duy kẻ sống, kẻ sống mới hay tôn vinh Ngài, như tôi làm ngày nay; kẻ làm cha sẽ cho con cái mình biết sự thành thực của Ngài.” (Ê-sai 38:18, 19)

Đức Chúa Trời thành tín trong sự cứu chuộc những ai tin nhận Ngài nhưng Ngài cũng thành tín trong sự đoán phạt những ai chối bỏ Ngài.

Ghi chú và tham khảo

[1] Nguồn: http://www.e-sword.net/bibles.html

  • Bản dịch sát nghĩa Anh ngữ “Young’s Literal Translation:”

3:22  The kindnesses2617 of Jehovah!3068 For3588 we have not3808 been consumed8552, For3588 not3808 ended3615 have His mercies.7356

3:23  New2319 every morning,1242 abundant7227 is thy faithfulness.530

  • Nguyên tác Hê-bơ-rơ “Tanach,” đọc từ phải sang trái:

  3:22  חסדי2617  יהוה3068  כי3588  לא3808  תמנו8552  כי3588  לא3808  כלו3615  רחמיו׃7356  

  3:23  חדשׁים2319  לבקרים1242  רבה7227  אמונתך׃530  

[2] Ma-thi-ơ 19:29; 25:46; Lu-ca 18:30; Giăng 3:15, 16, 36; 4:14; 5:24; 6:27, 40, 47, 54, 58; 10:28; 17:2; I Ti-mô-thê 1:16; Hê-bơ-rơ 9:15.

Huỳnh Christian Timothy
06/01/2008