Hỏi & Đáp: Ba-ra-đi, Sự Cứu Rỗi, Giải Phẩu Thẩm Mỹ

3,621 views

Bấm vào đây để tải xuống bài viết này

Hỏi:

Có vài thắc mắc, nhờ admin giải thích cho:

1- Chúa hứa với tên trộm “Hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong Baradi,” nhưng sau đó Chúa lại xuống âm phủ (theo bài tín điều các sứ đồ). Sự kiện nầy trái nghịch quá. Thí dụ như tôi mời admin đến nhà chơi, nhưng khi admin đến nhà thì tôi lại đi vắng, điều nầy thật khó chịu.

2- Có một người tin nhận Chúa, nhưng mỗi năm chỉ đi nhà thờ nhóm lại đôi ba lần, MS của tôi giảng dạy rằng người đó sẽ không được cứu vì tấm lòng thờ phượng đó và vì đời sống không được tái sanh. Tôi cho rằng giảng dạy vậy là sai: Vì khi người vừa tin nhận Chúa thì cùng lúc họ cũng được tái sanh, họ vẫn được cứu vì sự cứu rỗi là món quà cho đi không lấy lại, bởi sự tin nhận chứ không bởi việc làm,  nhưng họ bị mất phần ân điển và bị sửa phạt, Chúa không thể để cho họ bị hành phạt.

3/ Theo tôi được biết rõ sự thờ phượng của người Công giáo (vì thực tế tôi thấy cách họ thờ phượng). Vậy họ có nhận được sự cứu rỗi không? (Vì tôi cũng thấy nhiều phép lạ Chúa làm trên đời sống của họ).

Xin đọc :http://vtc.vn/321-337278/suc-khoe/sinh-con-sau-2-nam-mang-bau.htm

4/ MS của tôi dạy rằng: không được xóa nốt ruồi, tàn nhang hay là dị tật gì trên mặt hay trên cơ thể, vì Chúa tạo sao để vậy, đó là ý muốn tốt lành của Chúa. Tôi thấy khó chấp nhận vì rằng: Nếu làm đẹp cho tà ý ( bơm ngực, độn mông, nâng mũi…) là không tốt. Nhưng nếu hàm răng hô thì phải niềng, lưỡi ngọng thì hằng ngày phải tập nói cho chuẩn, cận thị bẩm sinh thì phải nhanh chóng chữa trị, chậm trễ sẽ bị mù, nốt ruồi to như đồng tiền thì phải tiểu phẫu…

Rất mong chờ giải thích của admin sớm . Nếu được admin cho tôi xin trang web hay tập nào có chứa các câu giải đáp thắc mắc để học hỏi thêm. Tôi cũng được đọc 306 câu của Diệp Dung và 60 câu của thư viện Tin lành.

Kính.

Đáp:

Trước hết, chúng ta cần chấp nhận lẽ thật này: Có những điều Thánh Kinh không trực tiếp công bố nhưng dạy dỗ một cách gián tiếp. Thí dụ: Thánh Kinh không hề công bố về “Thiên Chúa Ba Ngôi” nhưng Thánh Kinh xác định: “Chỉ có một Thiên Chúa,” “Đức Chúa Trời là Thiên Chúa,” “Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa,” “Đức Thánh Linh là Thiên Chúa.” Những lẽ thật đó dẫn đến giáo lý: “Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện qua ba thân vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh.”

Để có thể hiểu biết sự dạy dỗ của Thánh Kinh về một chủ đề, nhiều lúc chúng ta cần phối hợp những sự dạy dỗ khác nhau trong Thánh Kinh.

1. Để giải đáp câu hỏi thứ nhất của bạn, trước hết chúng ta hãy xem xét câu chuyện người giàu và người nghèo tên La-xa-rơ do Đức Chúa Jesus Christ kể và được ghi lại trong Lu-ca 16:19-31. Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ, đây không phải là ngụ ngôn. Trong tất cả các ngụ ngôn do Đức Chúa Jesus Christ kể, không bao giờ Chúa đặt tên cho các nhân vật, vì câu chuyện chỉ là một ví dụ để giúp người nghe hiểu biết lẽ thật mà Chúa đang giảng dạy. Trong câu chuyện người giàu và người nghèo thì Chúa nói rõ,tên của người nghèo là La-xa-rơ, vì thế, đây không phải là ví dụ hay ngụ ngôn, mà đây là câu chuyện có thật.

Theo Đức Chúa Jesus Christ thì trong âm phủ lúc bấy giờ có hai khu vực khác nhau, cách nhau bằng một vực sâu:

  • Khu vực dành cho các thánh đồ của Chúa, nơi có sự an ủi.
  • Khu vực dành cho những kẻ không thuộc về Chúa, nơi có sự khổ hình.

Vực sâu trong âm phủ có lẽ là nơi giam các thiên sứ bị phạm tội: “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét” (II Phi-e-rơ 2:4); mà một ngày kia, trong thời đại nạn, sẽ được Đức Chúa Trời thả ra, lên trên mặt đất để làm khổ những người theo Anti-Christ  (Khải Huyền 9:1-11). Đó cũng là nơi Sa-tan sẽ bị giam lại trong một ngàn năm (Khải Huyền 20:1-3).

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá, thân thể xác thịt của Ngài được chôn trong lòng đất ba ngày ba đêm, nhưng linh hồn và tâm thần của Ngài thì đi vào âm phủ. Thánh Kinh không ghi chi tiết việc Đức Chúa Jesus Christ vào âm phủ sau khi chết, nhưng qua sự trình bày của Thánh Kinh chúng ta hiểu rằng:

  • Sau khi chết, Đức Chúa Jesus Christ đã vào trong âm phủ để công bố sự đắc thắng của chương trình cứu chuộc nhân loại cho các thiên sứ phạm tội đang bị giam trong vực sâu:

“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng được sống trong tâm thần. Bởi (tâm thần) đó, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn được cứu qua nước” (I Phi-e-rơ 3:18-20)

So sánh với bản dịch sát nghĩa “Literal Translation of the Holy Bible:” “Because even Christ once suffered concerning sins, the just for the unjust, that He might bring us to God; indeed being put to death in the flesh, but made alive in the Spirit; in which also, going in to the spirits in prison, He then proclaimed to disobeying ones, when once the long-suffering of God waited in the days of Noah, an ark having been prepared, into which a few, that is, eight souls, were saved through water. “

Các thần linh (spirits) ở trong ngục là các thiên sứ phạm tội bị giam như II Phi-e-rơ 2:4 đã đề cập. Họ bị giam vì dám tự ý nhập vào những người đàn ông để kết hôn với phụ nữ thời trước cơn nước lụt, nhằm làm băng hoại “dòng dõi của người nữ” (Sáng Thế Ký 3:15), phá hoại chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời. Các thiên sứ phạm tội, theo Sa-tan chống nghịch Chúa thì không bị giam vào vực sâu. Tà linh (các thiên sứ phạm tội) chỉ có thể nhập vào một người nếu người đó cho phép hoặc thông công với chúng, như trường hợp các thầy bùa, thầy pháp, phù thủy, những người đồng bóng, bói khoa… nhưng nếu chúng tự ý nhập vào một người thì sẽ bị nhốt vào vực sâu. Đó là lý do các tà linh nhập vào một người ở thành Giê-ra-sê, khi gặp Đức Chúa Jesus Christ đã nài xin Ngài đừng khiến chúng nó phải xuống vực sâu (Lu-ca 8:31).

Con người được Thiên Chúa dựng nên là một linh hồn, có thân thể xác thịt để tương giao với thế giới vật chất và có một thân thể thuộc linh, gọi là tâm thần, để tương giao với thế giới thuộc linh. Sau khi linh hồn rời khỏi thể xác, thể xác trở về với bụi đất, tâm thần về lại nơi Đức Chúa Trời, còn linh hồn thì vào trong âm phủ để chờ ngày phán xét. Trong thời Cựu Ước, những ai có đức tin nơi Đức Giê-hô-va và sống theo điều răn của Ngài thì sau khi chết sẽ ở bên phía được an ủi trong âm phủ, còn gọi là Ba-ra-đi (vườn vui thỏa); những ai không tin cậy và không sống theo điều răn của Đức Giê-hô-va thì sau khi chết sẽ ở bên phía bị khổ hình. Sự khổ hình ở đây là sức nóng của âm phủ chứ chưa phải là hình phạt cho mỗi tội lỗi họ đã làm ra, vì chưa đến ngày phán xét.

Khi Đức Chúa Jesus Christ chết, Ngài giao tâm thần lại trong tay Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha đã cho phép linh hồn của Ngài ở trong tâm thần (thân thể thuộc linh) đó mà xuống âm phủ để công bố sự đắc thắng của Tin Lành Cứu Rỗi đã được tiên tri trong Sáng Thế Ký 3:15.

  • Sau khi phục sinh từ trong những kẻ chết, Đức Chúa Jesus Christ đã đem linh hồn của các thánh đồ trong phía Ba-ra-đi của âm phủ (trong đó có linh hồn của tên trộm bị đóng đinh bên phải của Ngài) về nơi thiên đàng với Ngài:

“Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Và ban các ơn cho loài người. Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ờ dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự” (Ê-phê-sô 4:8-10).

Như vậy, trong ngày Chúa và tên trộm tắt hơi trên thập tự giá thì linh hồn của Chúa và của tên trộm đều ở trong âm phủ. Sau khi Chúa phục sinh, thì Ngài đã đem linh hồn tên trộm và các thánh đồ thời Cựu Ước vào trong thiên đàng với Ngài.

2. Thánh Kinh không bao giờ dạy: “Sự cứu rỗi là món quà cho đi không bao giờ lấy lại.” Sự cứu rỗi đúng là sự ban cho bởi ân điển của Đức Chúa Trời nhưng để có thể nhận lấy sự cứu rỗi thì phải đáp ứng với điều kiện của Đức Chúa Trời. Điều kiện đó là: ăn năn tội, (tức là hối hận vì đã làm ra tội và quyết tâm không làm ra tội nữa), và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, (nghĩa là không dựa vào bất cứ một điều gì khác hơn là sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, để được tha tội và làm cho sạch tội). Người thật lòng ăn năn tội thì sẽ không tiếp tục sống trong tội. Người vẫn sống trong tội, cho dù có chức vụ “mục sư” đi chăng nữa, vẫn là một người chưa có sự cứu rỗi.

Người chưa thật lòng ăn năn tội thì không thể được tái sinh, nhưng người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức được tái sinh, tức là được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ dùng huyết Ngài rửa sạch bản chất tội, và được Đức Thánh Linh ban cho Thánh Linh để có năng lực sống theo các điều răn của Đức Chúa Trời.

Sự tái sinh và sự sống đời đời là hai điều khác nhau. Một người nhận được sự tái sinh khi thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng một người chỉ nhận được sự sống đời đời khi người ấy trung tín sống theo Lời Chúa cho đến chết. Xin xem phần trích dẫn sau đây từ bài “Sự Phán Xét của Đức Chúa Trời:”


Rô-ma 2:7 Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời.

Rô-ma 2:8 Nhưng cơn giận và sự thịnh nộ thật dành cho những ai bởi lòng toan tính và không vâng phục lẽ thật mà vâng phục sự không công bình.

Sự phán xét của Đức Chúa Trời không chỉ dành riêng cho những kẻ phạm tội, mà còn để khen thưởng những người làm ra những việc lành. Sự làm lành được khen thưởng là sự bền lòng làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Từ ngữ “bền lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “liên tục nhẫn nại.” Mục đích của sự làm lành là tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, tức là tìm kiếm tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Đức Chúa Trời cùng chính mình Ngài. Phần thưởng ban cho những người bền lòng làm lành là: sự sống đời đời.

Chỉ có những ai đã được tha tội, được làm cho sạch tội, được ban cho Thánh Linh, tức là đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng phục Chúa, mới có thể làm ra những việc lành. Những ai đã được dựng nên mới nhưng không hết lòng vâng phục Chúa, thì sẽ chỉ làm ra những việc dữ mà thôi.

Tại đây, chúng ta còn thấy rõ lẽ thật này: Sự sống đời đời không phải là sự ban cho vô điều kiện mà là phần thưởng dành riêng cho những ai bền lòng trong sự làm lành. Chúng ta được cứu rỗi để làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo;” không phải chúng ta được cứu rỗi để tiếp tục sống trong tội lỗi, tiếp tục vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Ngay cả trong sự cứu rỗi của chúng ta cũng có điều kiện, đó là: chúng ta phải có lòng ăn năn, muốn từ bỏ tội lỗi và chỉ tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Để có sự cứu rỗi, chúng ta chỉ cần ăn năn tội và tin nhận điều Đức Chúa Jesus Christ đã làm cho chúng ta, vì thế, Thánh Kinh chép: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu.” Để có sự sống đời đời, chúng ta phải bền lòng làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Nhiều nơi trong Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, chúng ta nhận được sự sống đời đời bởi sự thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa qua các việc làm đẹp ý Chúa:

Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn(Ma-thi-ơ 19:17).

Hễ ai vì danh Ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:29).

Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Đấng Thần Linh, sẽ bởi Đấng Thần Linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:8).

Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến” (I Ti-mô-thê 6:12).

Hãy giữ mình trong sự yêu mến Thiên Chúa, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 1:21).

Đối với những kẻ có lòng toan tính và không vâng phục lẽ thật, trái lại vâng phục sự không công bình, thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ cơn giận và sự thịnh nộ của Ngài. Lòng toan tính được nói đến ở đây là sự tính toán sắp đặt và gắng sức hành động sao cho Đạo và đời, bề nào cũng có lợi, bất kể là việc làm đó có đẹp lòng Chúa hay không. Lòng không vâng phục lẽ thật là lòng không chịu làm theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Lòng vâng phục sự không công bình là lòng vâng phục tội lỗi, vì “mọi sự không công bình đều là tội” (I Giăng 5:17).


Người được cứu là được cứu ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi nhưng nếu sau đó lại trở về sống trong tội lỗi thì sẽ bị hư mất đời đời:

“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt”(Hê-bơ-rơ 6:4-10)

“Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao”(Hê-bơ-rơ 10:26-29)?

Tất cả những ai không sống thánh khiết sau khi được cứu, ngay cả những người được Chúa giao cho chức vụ cao trong Hội Thánh mà không trung tín, thì cũng bị hư mất đời đời:

Ma-thi-ơ 13:42 “và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 22:13 “Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chơn nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 24:51 “Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 25:30 “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Khải Huyền 21:8 “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.”

Một người sau khi được tái sinh mà không hề “đi nhà thờ” bao giờ vẫn có sự sống đời đời nếu người đó sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa. Sự “đi nhà thờ” tức là tham dự những sinh hoạt trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa (mà phần lớn là những sinh hoạt nghịch lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh, tiêm nhiễm các thói tục của ngoại giáo, chú trọng các nghi thức bên ngoài, mà không có lòng chân thật thờ phượng Chúa) không phải là điều Thánh Kinh dạy.

3. Công Giáo hay Tin Lành cũng đều hư mất như nhau nếu không thật lòng ăn năn tội, từ bỏ tội, tin nhận chỉ một mình sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và nên thánh, tức là hết lòng sống và thờ phượng Chúa theo Lời Chúa. Quyền năng, phép lạ, sự chữa lành có thể đến từ tà linh. Trong cung điện Vua Pha-ra-ôn, các thuật sĩ cũng làm ra các phép lạ. Ngày cuối cùng, trong thời đại nạn, Sa-tan cũng ban cho tôi tớ của nó năng lực làm ra nhiều phép lạ, thậm chí gọi lửa từ trời thiêu đốt những ai không thờ lạy con thú. Lời Chúa dạy rõ:

“Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào Vương Quốc Trời đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi những kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta”(Ma-thi-ơ 7:15-23)!

4. Chúa chỉ cấm:

  • vì kẻ chết mà cắt thịt mình
  • xăm vẽ trên mình
  • cắt râu và tóc (theo lối các thầy tế lễ ngoại giáo)

“Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xăm vẽ trên mình: Ta là Đức Giê-hô-va”(Lê-vi Ký 19:2).

“Chớ cắt mé tóc mình cho tròn, và chớ nên phá khóe râu mình”(Lê-vi Ký 19:27).

Chúa không tạo nên chúng ta với những khuyết tật trên thân thể của chúng ta. Mọi khuyết tật trên thân thể của chúng ta là hậu quả của tội lỗi. Việc giải phẩu thẩm mỹ không vì mục đích khiêu dâm, gợi dục, hoặc không cần thiết (như sửa mũi thấp thành mũi cao, sửa mắt một mí thành hai mí) không phải là điều tội lỗi, nhất là trong hoàn cảnh tai nạn hoặc dị dạng bẫm sinh. Quan điểm cho rằng Chúa tạo ra chúng ta với những khuyết tật trên cơ thể của chúng ta là quan điểm bị ảnh hưởng tác phẩm “Sống Theo Đúng Mục Đích,” và là một quan điểm sỉ nhục Chúa. Chỉ riêng trường hợp người mù từ khi mới sinh là việc Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để chứng minh thần tính của Đấng Christ.

Thật là phạm thượng nếu bảo rằng, một đứa bé được sinh ra trong sự mù lòa, (vì cha mẹ của chúng phạm tội tà dâm, bị mang bệnh giang mai), là ý muốn tốt lành của Chúa, không cần phải giải phẩu để cho đứa bé có thể sáng mắt.

Huỳnh Christian Timothy
12.08.2012