Mong Chờ Chúa

956 views

YouTube: https://youtu.be/QzhGlYT8KsI

202202 Bài Giảng Trong Năm 2022
Mong Chờ Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Mong chờ Chúa tức là mong chờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là mong chờ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

Gần ba ngàn năm trước, tác giả của Thi Thiên 130 đã viết mấy lời thánh ca rất là tha thiết sau đây, để thể hiện lòng mong chờ Chúa của mình.

Tôi mong chờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Linh hồn tôi mong chờ.
Trong Lời của Ngài tôi hy vọng.
Linh hồn tôi mong chờ Chúa hơn những người lính canh mong chờ sáng! Thật, hơn những người lính canh mong chờ sáng.”
(Thi Thiên 130:5-6).

Người mong chờ Chúa là người nhận biết Chúa và thuộc về Chúa. Nhận biết Chúa nhưng không vâng phục Chúa thì không thuộc về Ngài; và đương nhiên là không có lòng mong chờ Chúa. Vì khi một người không thuộc về Chúa đối diện với Chúa là đối diện với sự phán xét và hình phạt, về mọi sự người ấy đã vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Một người nhận biết Chúa là vì Đức Chúa Trời đã đặt để sự tri thức đó trong lòng loài người, đồng thời đã thể hiện sự thực hữu và quyền phép của Thiên Chúa qua muôn loài thọ tạo. Không có người không nhận biết Chúa mà chỉ có người nhận biết Chúa nhưng cố ý không vâng phục Ngài. Lời Chúa đã khẳng định rõ như vậy.

Rô-ma 1:18-21

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà đè nén lẽ thật.

19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

Các tầng trời thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài. Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức được bày tỏ. Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ nào mà âm thanh của chúng không được nghe biết đến. [Mọi dân tộc đều nghe và hiểu được sự bày tỏ của các tầng trời về công trình sáng tạo và sự vinh quang của Thiên Chúa trong chính ngôn ngữ của họ. Rô-ma 1:19-20.]” (Thi Thiên 19:1-3).

Thật vậy, khi nhìn lên bầu trời với mặt trời, mặt trăng và vô số các ngôi sao; khi nhìn ra thế giới chung quanh với muôn loài sự sống; khi nhìn vào chính mình với sự hình thành lạ lùng của từng chi thể; một người không có học thức, thiếu hiểu biết, cũng có thể nhận biết sự thực hữu của một Đấng Toàn Năng và là Đấng Tạo Hóa của muôn loài.

Đấng Toàn Năng và là Đấng Tạo Hóa ấy đã tự bày tỏ chính mình Ngài qua những lời phán dạy của Ngài, do những người vâng phục Ngài ghi chép lại, gọi là Lời Chúa, tức là Thánh Kinh. Nhờ đó, khi một người nhận biết Chúa, đọc Lời Chúa, thì biết được Ngài là Chúa Tể của muôn loài; và biết được ý muốn của Ngài dành cho chính mình.

Lời Chúa khẳng định với loài người sự thực hữu của một Thiên Chúa Toàn Năng. Lời Chúa khẳng định với loài người rằng, Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài. Lời Chúa giúp loài người hiểu rằng, lương tâm đạo đức do Chúa đặt để trong mỗi người chính là sự công nhận và phản ánh Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, để qua đó, loài người có tiêu chuẩn sống an vui, hạnh phúc.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Lần thứ nhất được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17. Lần thứ nhì được chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21.

  • Điều răn thứ nhất: Chúa truyền cho loài người không được có các thần khác, ngoài Thiên Chúa; tức là không được tôn vinh, thờ phượng ai hay sự gì như là Thiên Chúa. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì loài được tạo dựng có bổn phận và chỉ có thể tôn vinh và thờ phượng Đấng đã tạo dựng ra mình mà thôi.

  • Điều răn thứ nhì: Chúa truyền cho loài người không được chạm hoặc đúc hình tượng của bất cứ loài sinh vật nào; không được thờ phượng hình tượng; và không được phục vụ các hình tượng. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì loài người đã được dựng nên như hình và tượng của Thiên Chúa, sao lại có thể sấp mình thờ lạy những vật do tay người làm ra và phục vụ chúng? Cho dù một hình tượng được làm ra để trang trí hay để lưu niệm ai đó hoặc sự gì đó, thì nó cũng có thể là cơ hội để có người thờ lạy nó. Điều này đã xảy ra khi Giáo Hội Báp-tít Nam Phương ở Mỹ cho dựng tượng của Billy Graham. Đã có người quỳ trước hình tượng đó.

 

Một người quỳ trước tượng của Billy Graham [1]

Chúa cũng cấm làm hình tượng để tiêu biểu cho Thiên Chúa. Mệnh lệnh cấm làm hình tượng của các loài sinh vật, cấm thờ lạy các tạo vật đã được Lời Chúa dạy rõ như sau:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-19

15 Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình, vì các ngươi không thấy một hình dạng nào trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, từ nơi giữa lửa phán với các ngươi, tại Hô-rếp;

16 kẻo các ngươi làm bại hoại cho mình, và làm một hình chạm nào, hình dạng của tà thần nào, hình thể của người nam hay người nữ,

17 hình thể của con thú nào đi trên đất, hình thể của vật nào có cánh bay trên trời,

18 hình thể của loài côn trùng nào bò trên đất, hình thể của con cá nào ở trong nước dưới đất.

19 Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.

Trong 12 điều đáng rủa sả Chúa truyền dạy cho dân I-sơ-ra-ên, điều đứng đầu là sự chạm tượng hoặc đúc tượng. Vì nó đem lại cớ vấp phạm cho nhiều người, bởi nó cám dỗ và tạo cơ hội cho nhiều người thờ phượng và hầu việc hình tượng.

Đáng rủa sả thay kẻ nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15).

  • Điều răn thứ ba: Chúa truyền cho loài người không được dùng danh Chúa cách vô ích. Đó là gọi danh Ngài theo thói quen, như cách kêu “Trời” trong tiếng Việt, cách kêu “my God” trong tiếng Anh; như cách dùng danh Ngài để thề dối hoặc nói dối; như cách dùng danh Ngài để giễu cợt… Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì một người có hiểu biết sẽ không làm như vậy đối với danh của cha mẹ mình, huống chi là danh của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng cầm quyền trên muôn loài vạn vật.

  • Điều răn thứ tư: Chúa truyền cho loài người nhớ đến ngày Sa-bát và thánh hóa nó. Ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy, ngày cuối cùng trong một tuần. Đó là ngày Thiên Chúa đã ban phước cho và dùng làm ngày để loài người và các loài gia súc được nghỉ ngơi sự lao động của thân thể xác thịt. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì thân thể loài người và gia súc cần được nghỉ ngơi, sau sáu ngày lao động vất vả.

  • Điều răn thứ năm: Chúa truyền cho loài người hiếu kính cha mẹ. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Cho dù cha mẹ tốt hay xấu thì cũng là bậc sinh thành của một người; không bởi cha mẹ thì một người không thể thực hữu. Vì thế, một người có bổn phận tôn kính cha mẹ qua sự vâng phục cha mẹ, nếu ý muốn của cha mẹ không nghịch lại các điều răn của Chúa. Một người cũng cần giúp đỡ cha mẹ trong mọi sự, khi sống chung với cha mẹ. Khi cha mẹ già, cần được chăm sóc thì kẻ làm con phải hết lòng phụng dưỡng. Nhưng sẽ không chiều lòng cha mẹ điều gì khiến cho mình hoặc cha mẹ vi phạm các điều răn của Chúa. Thí dụ: Không đưa cha mẹ đi đến các đền thờ tà thần để cha mẹ thờ phượng tà thần.

  • Điều răn thứ sáu: Chúa truyền cho loài người không phạm tội giết người. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì loài người đã được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài. Ngay cả rủa sả người khác cũng là điều Chúa cấm.

Nhưng cái lưỡi thì không người nào có thể trị phục được nó. Nó là một vật dữ không thể bị trị phục, đầy dẫy những chất độc giết chết. Bởi nó chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.” (Gia-cơ 3:8-9).

Và Chúa cũng dạy chúng ta hãy làm cho người khác điều chúng ta muốn người khác làm cho mình.

Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

Chúng ta muốn những người khác tôn trọng danh dự, nhân phẩm, và mạng sống của mình thì chúng ta cũng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, và mạng sống của họ, bất kể họ là những ai.

  • Điều răn thứ bảy: Chúa truyền cho loài người không ngoại tình. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Ngoại tình là người độc thân quan hệ tình dục với chồng hay vợ của người khác; hoặc người đã có vợ hoặc có chồng mà quan hệ tình dục với người không phải là vợ hay chồng của mình [2]. Không một ai muốn cho vợ hay chồng của mình ngoại tình. Không một xã hội văn minh nào lại chấp nhận sự ngoại tình. Thực tế, Lời Chúa dạy rằng: “Lòng ghen dữ như âm phủ” (Nhã Ca 8:6).

  • Điều răn thứ tám: Chúa truyền cho loài người không trộm cắp. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Vì trộm cắp là ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Không một ai muốn người khác trộm cắp của mình. Không một xã hội nào chấp nhận sự trộm cắp.

  • Điều răn thứ chín: Chúa truyền cho loài người không nói chứng dối, nghịch người khác. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Sự làm chứng dối, nghịch lại người khác, cho dù là vì bất cứ lý do gì, cũng là trước hết tự mình đánh mất nhân phẩm của mình, kế tiếp là cư xử bất công với người khác, khi mình không muốn bị cư xử bất công.

  • Điều răn thứ mười: Chúa truyền cho loài người không tham muốn những gì thuộc về người khác. Đó là một điều vô cùng hợp lý và là đạo đức. Tham muốn là ham muốn một cách bất chính. Sự ham muốn là bản tính Chúa đặt để trong loài người. Nhưng ham muốn không đúng với các điều răn của Chúa thì trở thành tham muốn. Không ai muốn người khác tham muốn những gì thuộc về mình. Lòng tham muốn khiến cho người ta vi phạm các điều răn của Chúa để thỏa mãn những sự tham muốn của mình. Và như vậy là làm hại người khác và là cư xử bất công đối với người khác.

Như vậy, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời chính là lương tâm Chúa ban cho loài người để loài người sống bình an, hạnh phúc với nhau, trong thế giới do Chúa tạo dựng. Chỉ vì loài người vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà cuộc sống mới đầy đau khổ và bất công.

Một người cần nhận biết Chúa và vâng phục Chúa để được thuộc về Chúa.

Người thuộc về Chúa là người sau khi nhận biết Chúa, đã hoàn toàn tin nhận Thánh Kinh là Lời Chúa và hoàn toàn vâng phục Chúa. Sự vâng phục Chúa thể hiện qua sự hối tiếc vì đã phạm tội, tức là đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời; thật lòng mong muốn chấm dứt sự phạm tội; và hết lòng tin vào Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Tin vào Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời là tin rằng, vì quá yêu loài người mà Thiên Chúa đã nhập thế làm người, mang tên Jesus, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người.

Chỉ có những ai thuộc về Chúa thì mới tôn kính Chúa, yêu quý Ngài, và mong chờ Ngài đến để hoàn thành sự cứu rỗi cho thân thể xác thịt của mình.

Hiện nay, người thuộc về Chúa đã được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ban cho năng lực để sống theo Lời Chúa. Linh hồn là bản ngã và tâm thần là thân thể thiêng liêng của người ấy đã được Chúa dựng nên mới. Thánh Kinh gọi là đã được tái sinh bởi Đức Chúa Trời. Nhưng thân thể xác thịt thì chỉ mới được thánh hóa để trở thành công cụ làm ra những việc lành cho Chúa. Thân thể xác thịt vẫn đang ở trong sự chết và một ngày kia sẽ phải chết đi, tức là bị phân rẽ khỏi linh hồn và tâm thần, trở về với bụi đất, là các nguyên tố vật chất mà Đức Chúa Trời đã dùng để tạo ra nó. Trong ngày Đức Chúa Jesus trở lại giữa chốn không trung để đem những ai thuộc về Ngài ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế, thì thân thể xác thịt của những người thuộc về Chúa mới được dựng nên mới. Tức là được tái sinh thành một thân thể siêu vật chất, bất tử. Khi đó, thân thể xác thịt của những người thuộc về Chúa mà đã tan rã thành bụi đất vì sự chết sẽ được sống lại; thân thể xác thịt của những người thuộc về Chúa còn đang sống sẽ được biến hóa. Lời Chúa đã khẳng định như vậy.

Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.” (I Cô-rinh-tô 15:51-53).

Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho tới kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17).

Đó là lý do và mục đích mà những người thuộc về Chúa mong chờ Chúa.

Trở lại với lời thánh ca trong Thi Thiên 130:5-6, chúng ta có thể đồng cảm với tác giả về sự rung động trong linh hồn của ông khi ông hướng về Chúa, mong chờ Ngài.

Tôi mong chờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Linh hồn tôi mong chờ.
Trong Lời của Ngài tôi hy vọng.
Linh hồn tôi mong chờ Chúa hơn những người lính canh mong chờ sáng! Thật, hơn những người lính canh mong chờ sáng.”
(Thi Thiên 130:5-6).

Danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là danh xưng của Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị. Quý ông bà anh chị em có thể đọc loạt bài giảng về Thiên Chúa trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [3] để biết các lẽ thật về Thiên Chúa. Dưới đây là phần trích dẫn nói về lẽ thật một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị [4].

[Trích:]

Ba thân vị Thiên Chúa phân công với nhau trong sự sáng tạo và tể trị muôn loài. Mỗi thân vị phụ trách một phương diện, nhưng thân vị nào cũng có thể thay thế và làm tròn công việc của thân vị khác, vì cả ba thân vị đồng tự có, đồng có mãi, đồng bản thể, đồng bản tính, đồng quyền, hiệp một, mà Thánh Kinh gọi là Thiên Chúa có một.

Thân vị Đức Chúa Trời đại diện cho Thiên Chúa về mặt thẩm quyền trong sự quy định mọi luật pháp, đón nhận sự đầu phục, thờ phượng, hầu việc của muôn loài thọ tạo, và thiết lập các giao ước với loài người. Ngài là Cha trên trời của tất cả những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Thân vị Ngôi Lời đại diện cho Thiên Chúa về mặt hành động trong sự sáng tạo, giãi bày về Thiên Chúa cho loài người, thi hành sự cứu chuộc cho loài người, và cai trị muôn loài thọ tạo. Ngài là Cha Đời Đời của muôn loài thọ tạo vì Ngài trực tiếp sáng tạo ra chúng. Ngài là Cha Đời Đời ở giữa những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Ngài.

Thân vị Đấng Thần Linh đại diện Thiên Chúa về mặt năng lực trong sự sáng tạo, bảo tồn, ban năng lực cho muôn loài thọ tạo, và điều khiển muôn loài thọ tạo. Ngài là Thiên Chúa, là Cha thiêng liêng ngự trong thân thể của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài giúp cho loài người được tương giao mật thiết với Thiên Chúa, thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa.

[Hết trích.]

Tôi mong chờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Mong chờ Chúa tức là mong chờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Đấng tự có và có mãi, Thiên Chúa Toàn Năng của chúng ta.

Linh hồn tôi mong chờ.” Sự mong chờ Chúa xuất phát từ trong tận cùng bản ngã của những người thuộc về Chúa. Đó chính là sự khát vọng cao cả nhất của linh hồn.

Trong Lời của Ngài tôi hy vọng.” Sự mong chờ Chúa là niềm hy vọng dựa trên các lời hứa của Chúa, đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Sự mong chờ Chúa tha thiết và mãnh liệt vô cùng, trong sự biết chắc rằng, Chúa sẽ đến.

Linh hồn tôi mong chờ Chúa hơn những người lính canh mong chờ sáng! Thật, hơn những người lính canh mong chờ sáng.” Tác giả của Thi Thiên 130 đã ví sánh lòng mong chờ Chúa của ông như lòng mong chờ sáng của những người lính canh. Trong quân đội, phiên gác sau cùng, từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng là phiên gác vừa mỏi mệt nhất, vì phải thức trong khoảng thời gian ngủ ngon nhất, mà cũng vừa nguy hiểm nhất, vì kẻ thù thường tấn công vào khoảng thời gian ấy. Người lính canh của phiên gác cuối biết chắc, buổi sáng sẽ đến, và khi buổi sáng đến thì sự mệt mỏi và nguy hiểm sẽ qua. Vì thế, người ấy khao khát, mong chờ ánh bình minh.

Tác giả của Thi Thiên 130 khao khát Chúa đến để giải cứu ông và dân tộc của ông, là dân I-sơ-ra-ên, ra khỏi những sự đau khổ và nguy hiểm trong cuộc sống. Tác giả và dân tộc của ông đang đau khổ và đang ở trong tình trạng nguy hiểm; vì họ đang ở trong những vực sâu hậu quả của sự phạm tội. Tình trạng đó được thể hiện trong câu 1 và câu 8.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ôi! Từ những vực sâu tôi cầu khẩn Ngài.” (Thi Thiên 130:1).

Chính Ngài sẽ chuộc I-sơ-ra-ên khỏi mọi sự gian ác của người.” (Thi Thiên 130:8).

Sự mong chờ Chúa của tác giả Thi Thiên 130 là sự mong chờ Thiên Chúa đến để cứu chuộc dân I-sơ-ra-ên; tức là mong chờ sự đến của Đấng Mê-si-a. Nghĩa là mong chờ sự đến lần thứ nhất của Đấng Christ. Ngày nay, sự mong chờ Chúa đối với con dân Chúa trong Hội Thánh là sự mong chờ Đấng Christ trở lại, bao gồm các nghĩa như sau:

Mong chờ Chúa là mong chờ Đấng Christ trở lại để đem chúng ta vào thiên đàng; tự kết hiệp thân thể xác thịt của Ngài với thân thể xác thịt của chúng ta, để chúng ta được nên một với ngài và nên một với Thiên Chúa, cho tới đời đời; dẫn chúng ta đến những nguồn nước sống (Khải Huyền 19:7-9; 7:17). Những nguồn nước sống là mọi Lời Chúa và mọi năng lực của Chúa nuôi sống chúng ta từ thuộc thể đến thuộc linh.

Mong chờ Chúa là mong chờ được mặt đối mặt với Cha Yêu Thương ở trên trời của chúng ta là Đức Chúa Trời. Đấng sẽ tự Ngài lau ráo mọi nước mắt của chúng ta, kể cả những giọt nước mắt đổ ra vì vui mừng và hạnh phúc (Khải Huyền 7:17).

Mong chờ Chúa là mong chờ được nhìn thấy Đấng Thần Linh trong bản thể của Ngài trước Đức Chúa Trời và Chiên Con, được tiêu biểu bằng “bảy ngọn đèn lửa đang cháy” (Khải Huyền 4:5).

Nguyện Chúa sớm ban cho chúng ta được thỏa nguyện sự mong chờ Chúa của chúng ta.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/01/2022

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/biengiao/dieu-ran-thu-nhi-va-billy-graham/

[2] Chữ “ngoại tình” trong tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng Hy-lạp đều dùng để chỉ về sự một người có vợ hay chồng mà quan hệ tình dục với người không phải vợ hay chồng của mình; và một người không có vợ hay chồng mà quan hệ tình dục với chồng hay vợ của người khác. Ngoài ra thì gọi là phạm tà dâm. Trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp không dùng chữ “ngoại” như trong tiếng Việt.

[3] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-11_su-binh-quyen-va-phan-quyen-giua-ba-ngoi-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Yêu Chúa”
https://karaokethanhca.net/long-con-yeu-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/