Tội Lỗi

3,409 views

Nguồn gốc của mọi đau khổ, bất công là tội lỗi. Sức mạnh của tội lỗi là sự chết. Tội lỗi lấn chiếm, cai trị, khủng bố, và tiêu diệt những sự tốt lành trong thế giới của chúng ta. Tội lỗi không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, văn hóa, lãnh thổ, giai cấp. Tội lỗi không nhường bước trước một nỗ lực chống trả nào của loài người. Bao nhiêu tôn giáo, triết lý, luật pháp xưa nay của loài người không hề giải quyết được nan đề tội lỗi.

Sâu kín trong tâm tư của mỗi người đều kinh nghiệm được lẽ thật này:

Rô-ma 7:18-24

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn làm lành có trong tôi, nhưng tôi không tìm thấy năng lực để làm ra sự tốt lành.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện trong tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

24 Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?

Vậy, tội lỗi là gì? Tội lỗi từ đâu đến? Làm sao để loài người có thể thoát ra khỏi sức mạnh của tội lỗi?

I. Định nghĩa tội lỗi

Một cách tổng quát, tội lỗi là bất kỳ điều gì trái ngược với bản tính Thiên Chúa. Bản tính Thiên Chúa chính là sự vinh hiển của Ngài cho nên tội lỗi là sự thiếu hụt sự vinh hiển của Thiên Chúa:

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23).

Bản tính Thiên Chúa bao gồm sự Thánh Khiết, sự Công Chính, và Tình Yêu. Bản tính Thiên Chúa được biểu lộ qua các điều răn của Ngài. Sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, cho dù chỉ trong tư tưởng, là tội lỗi.

Thánh Kinh dùng chữ hamartia [1](αμαρτιαν266), nguyên nghĩa là “trật mục tiêu” để chỉ về tội lỗi. Khi một người bắn cung, bắn không trúng mục tiêu là hamartia. Cũng vậy, khi đời sống của một người không phản ánh sự vinh hiển của Thiên Chúa (không sống đúng với tiêu chuẩn Thánh Khiết, Công Chính, và Yêu Thương của Ngài) thì đời sống của người đó trật mục tiêu mà Thiên Chúa đã đặt ra, là phạm tội. Bởi vì, Thiên Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh của Ngài, phản chiếu sự vinh hiển của Ngài (Sáng Thế Ký 1:26-27; Thi Thiên 8:5).

II. Tính chất của tội lỗi

Tội lỗi có các tính chất như sau:

1. Tội là anomia [2] (ανομια458), có nghĩa là “bất chấp luật pháp”, là biết điều phải mà vẫn làm điều quấy, biết luật pháp mà vẫn vi phạm.

Ma-thi-ơ 7:23; 13:41; 23:28; 24:12; Rô-ma 4:7; 6:19; II Cô-rinh-tô 6:14; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:7; Tít 2:14; Hê-bơ-rơ 1:9; 8:12; 10:17; I Giăng 3:4.

Bản năng thứ nhất của loài người là bản năng làm điều mình thích; bởi thế, có những lúc người ta muốn đạp đổ truyền thống, thách thức luật pháp, và làm những điều cấm kỵ. Cho dù có người nào dám nói mình chưa bao giờ hành động phạm các điều răn của Thiên Chúa cũng không thể nói là mình không hề có ước muốn phạm tội.

2. Tội là parabasis [3] (παράβασις3847), nghĩa là “bước ngang qua lằn ranh”, là vượt ngang qua ranh giới giữa đúng và sai.

Rô-ma 2:23; 4:15; 5:14; Ga-la-ti 3:19; I Ti-mô-thê 2:14; Hê-bơ-rơ 2:2; 9:15.

Chúng ta có luôn luôn ở bên phải của lằn ranh giữa thành thật và giả dối không? Có một điểm không thành thật nhỏ bé nào trong đời sống của chúng ta chăng? Có phải chúng ta luôn luôn ở bên phải lằn ranh phân chia đúng, sai không? Có thật chúng ta không bao giờ dùng lời nói hoặc sự yên lặng để vặn cong, hoặc lẩn tránh, hoặc xuyên tạc sự thật chăng? Có phải chúng ta bao giờ cũng ở bên phải lằn ranh phân chia sự tử tế, lễ độ với tính ích kỷ và gắt gỏng không? Có phải không hề có một hành động tồi hoặc lời nói thiếu lễ độ nào trong đời sống chúng ta không? Khi tự hỏi những câu này, chắc chắn không ai dám tự hào là mình luôn luôn ở bên phải các lằn ranh.

3. Tội là paraptoma [4] (παράπτωμα3900) có nghĩa là “trượt chân té ngã”, là không giữ được tư thế công chính.

Ma-thi-ơ 6:14, 15; 18:35; Mác 11:25, 26; Rô-ma 4:25; 5:15-18, 20; 11:11, 12; II Cô-rinh-tô 5:19; Ga-la-ti 6:1; Ê-phê-sô 1:7; 2:1, 5; Cô-lô-se 2:13; Gia-cơ 5:16.

Chúng ta “trượt chân té ngã” khi chúng ta buột miệng lỡ lời; khi chúng ta bị lôi cuốn bởi một thôi thúc của cảm xúc hay đam mê nào đó, mà chúng đã chiếm quyền kiểm soát, đoạt mất sự tự chủ của chúng ta trong một phút giây khiến cho chúng ta hành động sai lầm cách nông nổi. Người tốt nhất trong chúng ta cũng sẽ “trượt chân té ngã” nếu chúng ta không cẩn thận đề phòng.

III. Nguồn gốc, hậu quả, và hình phạt của tội lỗi

Tội lỗi là một huyền nhiệm. Vì tội lỗi là huyền nhiệm cho nên trong đời này chúng ta không thể hiểu thấu được nguồn gốc, tính chất, và hậu quả của tội lỗi. Điều chúng ta biết chắc đó là:

– Mỗi chúng ta là một tội nhân. Chúng ta là tội nhân không phải vì chúng ta phạm tội nhưng vì trong chúng ta có bản chất tội khiến cho chúng ta phạm tội;
– Tội lỗi đem đến đau khổ, bất công, và sự chết;
– Dù gắng sức như thế nào, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi.

Thiên Chúa là Thánh Khiết, là Thiện! Vì Thiên Chúa là Thiện cho nên mọi sự Ngài dựng nên đều là Thiện. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng là Công Chính cho nên đối với thiên sứ và loài người Ngài đều ban cho họ ý chí tự do. Thiên sứ và loài người hoàn toàn được tự do chọn lựa vâng phục Thiên Chúa hoặc khước từ Ngài. Khi ý chí tự do bị lạm dụng để khước từ Thiên Chúa thì sự Ác phát sinh. Tất cả sự Ác xưa nay trong lịch sử của thiên sứ và loài người đều là sản phẩm của tội lỗi. Hành động khước từ Thiên Chúa là tội lỗi, tạo ra sự Ác. Hình phạt đương nhiên của tội lỗi là đau khổ và sự chết.

Bằng thể văn ẩn dụ, Thánh Kinh cho biết tội lỗi bắt nguồn từ Sa-tan (Ê-xê-chi-ên 28:11-15; Ê-sai 14:12-15). Sa-tan là một thiên sứ trưởng được Thiên Chúa dựng nên để phục vụ Ngài. Sa-tan được dựng nên một cách tốt lành, trọn vẹn như bao loài thọ tạo khác cho đến khi sự kiêu ngạo dấy lên trong lòng khiến cho Sa-tan muốn chiếm quyền của Thiên Chúa và dấy loạn.

Với tinh thần phản loạn đó, Sa-tan đã cám dỗ các thiên sứ khác và loài người đi vào con đường không vâng phục Thiên Chúa. Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã phạm tội cho nên toàn thể loài người đều mang lấy bản chất tội.

Thiên Chúa không tạo nên tội lỗi và sự chết, nhưng với bản tính Công Chính khi Ngài ban cho thiên sứ và loài người ý chí tự do thì Ngài cũng phải cho phép tội lỗi và sự chết xảy ra. Nếu tội lỗi (sự chối bỏ, chống nghịch Thiên Chúa) không được phép xảy ra thì không có ý chí tự do thật. Nếu tội lỗi xảy ra mà không có hình phạt là sự chết thì không thỏa mãn sự Công Chính của Thiên Chúa.

Đối với loài người có hai hình thức của sự chết mà Thánh Kinh gọi là sự chết thứ nhất và sự chết thứ hai.

1. Sự chết thứ nhất, bao gồm sự chết của tâm linh và thể xác:

– Về tâm linh, là sự chấm dứt mối tương giao giữa loài người với Thiên Chúa, loài người không còn biết vâng phục, thờ phượng Thiên Chúa (sự chết của tâm thần); là sự chấm dứt mối tương giao giữa loài người với nhau, loài người không còn khả năng yêu thương nhau (sự chết của linh hồn), (Ê-sai 1:15; 59:1, 2; Rô-ma 1:18-32).

– Về thể xác, là sự bệnh tật, già yếu, và trở về cát bụi (Sáng Thế Ký 2:17; 3:19; Hê-bơ-rơ 9:27).

Sau khi sự chết của thể xác xảy ra thì linh hồn của loài người bị giam vào âm phủ, chờ ngày thể xác được gọi sống lại và ra ứng hầu trước toà án lớn của Thiên Chúa để nhận lãnh án phạt về mọi việc làm tội lỗi của mình. Sau khi nhận lãnh án phạt từ Thiên Chúa thì loài người đi vào sự chết thứ hai, là hỏa ngục.

2. Sự chết thứ hai, bao gồm sự chết của tâm linh và thể xác:

– Về tâm linh, là sự đời đời xa cách mặt Thiên Chúa, và sự vinh quang của sức mạnh Ngài, nghĩa là xa cách đời đời quyền phép cứu rỗi của Tin Lành (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Rô-ma 1:16).

– Về thể xác, là sự đau khổ đời đời trong lửa của hoả ngục (Khải Huyền 20:11-15; 21:8).

IV. Sự tha tội và làm cho sạch tội

Thánh Kinh không đề cập đến sự tha tội và làm cho sạch tội của Thiên Chúa đối với Sa-tan và các thiên sứ phạm tội. Toàn bộ Thánh Kinh chỉ tập trung vào ân điển của Thiên Chúa dành cho loài người về sự tha thứ mọi tội lỗi của loài người qua sự chuộc tội và sự làm cho loài người được sạch tội qua sự tái sinh.

1. Sự tha tội: được thực hiện bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cho toàn thể nhân loại.

2. Sự làm cho sạch tội: được thực hiện bởi sự tiếp tục tha tội qua huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và bởi sự tái tạo tâm thần, linh hồn, và thể xác của người được tha tội.

Điều kiện để được Thiên Chúa tha tội và làm cho sạch tội là (1) thật lòng ăn năn tội, (2) tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi, (3) và vâng giữ Lời Chúa. Đây là ba mặt của một vấn đề; thiếu một trong ba yếu tố này, chúng ta không nhận được sự cứu rỗi. Ba yếu tố này của sự cứu rỗi tương ứng với ba yếu tố trong sự vinh hiển của Thiên Chúa:

– Thiên Chúa là Thánh Khiết nên Ngài đòi hỏi chúng ta phải ăn năn tội (Ma-thi-ơ 3:2).

– Thiên Chúa là Công Chính nên Ngài cung cấp giải pháp chuộc tội cho chúng ta (I Giăng 1:7).

– Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài bảo toàn sự sống cho chúng ta qua lời của Ngài (Giăng 6:63).

Không ăn năn tội thì không nhận được sự tha tội. Ăn năn tội và tin nhận sự tha tội nhưng không vâng giữ Lời Chúa thì không có sự sống đời đời. Đức tin không thể hiện bằng hành động thì tự nó sẽ chết đi cũng như thể xác không có hơi thở (Gia-cơ 2:14, 17, 26). Đức Chúa Jesus phán dạy rất rõ về sự kiện những người tin nhận Chúa phải “cứ ở trong Chúa” và “lời của Chúa cứ ở trong họ” để đời sống đức tin của họ có kết quả tốt. Người nào ở trong Chúa mà không có kết quả thì sẽ bị trừ bỏ (Giăng 15:1-7). Đức tin trong Đấng Christ phải được thể hiện bằng hành động vâng lời, thực hành những sự dạy bảo của Chúa:

“Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus dành cho người ăn năn tội là: “Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn!” (Ma-thi-ơ 3:8; Lu-ca 3:8).

Một người chỉ có thể ăn năn tội và tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa đang khi còn sống trong thân xác tội lỗi này. Một khi hơi thở tắt đi, thân thể trở về cùng bụi đất, linh hồn bị giam vào âm phủ thì không còn cơ hội. Thánh Kinh dạy rõ: sau sự chết chỉ còn sự phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27); và “hiện nay là thì thuận tiện!…hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2b).

Sự tha tội và làm cho sạch tội là ân điển (ơn ban cho người không đáng nhận lãnh) của Thiên Chúa ban cho loài người bởi sự nhân từ và thương xót vô biên của Ngài. Thiên Chúa không tạo nên tội lỗi và không có trách nhiệm về sự loài người phạm tội.

Thí dụ minh họa: Nhà bào chế thuốc chỉ tạo ra thuốc để chữa bệnh, cứu người chứ không tạo ra thuốc độc để giết người. Nhưng khi người tiêu thụ không vâng theo lời chỉ dẫn của nhà bào chế, trộn lẫn một số thuốc nào đó lại với nhau thì làm phát sinh ra thuốc độc có sức mạnh giết chết người. Không một tòa án hay không một lương tâm nào có thể tuyên bố rằng nhà bào chế thuốc đã chế ra thuốc độc cho nên phải chịu trách nhiệm về sự ngộ độc của người tiêu thụ. Mặc dù nhà bào chế thuốc không có trách nhiệm trong sự ngộ độc của người tiêu thụ nhưng vì đoán trước sự ngộ độc có thể xảy ra cho nên tình nguyện bào chế sẵn một phương thuốc giải độc cho những ai muốn được giải độc. Phương thuốc đó được tặng không cho người ngộ độc, nhà bào chế gánh chịu hết mọi chi phí. Tuy nhiên, người ngộ độc cần phải: (1) công nhận mình ngộ độc, muốn được chữa lành, (2) tin và nhận phương thuốc giải độc của nhà bào chế, (3) vâng theo sự hướng dẫn của nhà bào chế trong sự sử dụng thuốc giải độc. Thiếu một trong ba yếu tố trên đây, người ngộ độc không thể được giải cứu.

Kết luận

Khi một người phạm tội thì ở trong tình trạng mà Thánh Kinh gọi là opheilema [5] (ὀφείλημα3783), có nghĩa là “nợ”, là “không làm tròn bổn phận” (Ma-thi-ơ 6:12; Rô-ma 4:4). Không có một người nào đủ can đảm xưng rằng mình đã làm tròn bổn phận đối với người và đối với Trời. Đó là sự trọn lành, loài người không thể đạt đến đang khi còn sống trong thân xác đã hư hoại vì tội lỗi.

Hiện nay, những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, và vâng phục Ngài đều được Ngài tha tội và tái sinh tâm linh (tâm thần và linh hồn – spirit and soul). Vì được tha tội nên chúng ta không còn bị đoán phạt, chúng ta được thoát khỏi lửa hỏa ngục (Rô-ma 8:1). Vì được tái sinh tâm thần nên chúng ta nhận biết Chúa, nghe tiếng Chúa, và thờ phượng Chúa. Vì được tái sinh linh hồn nên chúng ta biết yêu thương, tha thứ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn sống trong thân xác đã nhiễm tội cho nên vẫn có những lúc chúng ta “trượt chân” hoặc “bước ngang qua lằn ranh” và trở thành những kẻ “bất chấp luật pháp”. Chúng ta chưa trọn vẹn nhưng nhờ ân điển của Thiên Chúa (II Cô-rinh-tô 12:9; Phi-líp 4:13) chúng ta đang ở trên tiến trình đạt đến sự trọn vẹn; chúng ta đang “trở nên” trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48).

Một ngày kia, khi Đức Chúa Jesus trở lại, Ngài sẽ khiến cho thân xác chúng ta được sống lại hoặc được biến hóa, nghĩa là được dựng nên mới trong thân xác, thì sự cứu rỗi của chúng ta được hoàn thành, là lúc chúng ta đạt đến sự trọn vẹn, và được ở cùng Chúa luôn luôn! (Hê-bơ-rơ 9:28; I Phi-e-rơ 1:3-5; I Cô-rinh-tô 13:10; 15:35-58; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; 5:23, 24).

Huỳnh Christian Timothy
Tucson, Arizona

15/10/2006

Chú thích:

[1] Hamartia phát âm là “ham-ar-tee’-ah”

[2] Anomia phát âm là “an-om-ee’-ah”

[3] Parabasis phát âm là “par-ab’-as-is”

[4] Paraptoma phát âm là “par-ap’-to-mah”

[5] Opheilema phát âm là “of-i’-lay-mah”

Tham khảo:

1. Textus Receptus Greek New Testament, (www.e-sword.org).

2. Thayer’s Greek Definitions, (www.e-sword.org).

3. Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, Dictionaries of the Hebrew and Greek Words of the Original, James Strong, (Hendrickson Publishers, ISBN 0-917006-01-1).

4. Dictionary of Theological Terms, Alan Cairns, (Ambassador Emerald International, 2002)

5. Wycliffe Bible Dictionary, Charles F. Pfiffer, Howard F. Vos, John Rea, (Hendrickson Publishers, 2003).

6. Baker Theological Dictionary of the Bible, Edited by Walter A. Elwell, (Baker Books, 1996).