Ham Sống Sợ Chết…

2,858 views

201901 Bài Giảng Trong Năm 2019
Ham Sống Sợ Chết và Ham Sống Nhưng Không Sợ Chết

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:8).

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzUyNDQ5NjJf/201901_HamSongSoChet.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201901-hamsongsochet
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/6ea32bio6599ld7/201901_HamSongSoChet.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Mỗi ngày đầu của một năm mới vừa đánh dấu cho sự bắt đầu của một năm mới, vừa đánh dấu cho một chặng đường mới của sự sống trong thân thể xác thịt này của chúng ta. Cho dù chúng ta đang ở bất cứ độ tuổi nào thì cứ mỗi ngày đầu của một năm mới cũng là dấu hiệu cho biết, chúng ta càng gần với ngày chết của mình và càng gần với ngày Đấng Christ trở lại càng hơn.

Hôm nay tôi xin được chia sẻ với Hội Thánh mấy điều suy ngẫm về hai câu nói: “Ham sống sợ chết” và “Ham sống nhưng không sợ chết”.

“Ham sống sợ chết” là một câu nói thường được dùng để chê cười những nguời vì sợ chết mà chịu nhục để được sống. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, có mấy ai tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của những người ham sống sợ chết, trước khi lên tiếng chê cười họ? Bản năng sinh tồn, là bản năng tránh nguy hiểm bằng mọi cách để bảo tồn sự sống, là sự do chính Thiên Chúa đặt để trong muôn loài vạn vật. Không có bản năng sinh tồn thì muôn loài sẽ sớm bị diệt chủng, vì không biết “sợ chết”. Chịu nhục để bảo tồn mạng sống không phải lúc nào cũng là điều xấu. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dạy cho các môn đồ của Ngài chịu nhục, để bảo tồn thân thể và mạng sống:

Nhưng Ta bảo các ngươi: Đừng chống cự kẻ dữ. Nhưng nếu ai tát má bên phải của ngươi {thì} ngươi hãy đưa luôn má bên kia.” (Ma-thi-ơ 5:39).

Vì khi kẻ ác, kẻ dữ mạnh sức hơn chúng ta, làm nhục chúng ta, mà chúng ta chống trả thì chúng ta chỉ gánh lấy sự thiệt hại càng hơn mà thôi. Nếu chúng ta vô cớ bị làm nhục thì chúng ta không thực sự bị sỉ nhục, nhưng chính kẻ làm nhục chúng ta mới bị sỉ nhục, vì đã vô cớ làm nhục một người công chính. Người công chính là người sống đúng theo luật pháp của Thiên Chúa, xem xét và nhận định mọi sự theo tiêu chuẩn của Lời Chúa. Chính Chúa của chúng ta cũng đã từng vô cớ bị sỉ nhục. Thánh Kinh chép:

Rồi, họ đã nhổ trên mặt Ngài, họ đã đấm Ngài, lại {có} những kẻ đã tát {má Ngài}…” (Ma-thi-ơ 26:67).

Tuy nhiên, con dân Chúa không được phạm tội để bảo tồn sự sống. Trong trường hợp kẻ dữ buộc chúng ta phải làm ra các việc nghịch lại Lời Chúa, thì chúng ta phải cậy ơn Chúa để cương quyết không làm, cho dù có bị đánh đập, tra tấn, tù đày, hay thậm chí bị giết chết. Thánh Kinh có ghi lại câu chuyện ba người thanh niên I-sơ-ra-ên thà chịu bị ném vào lò lửa hừng, hơn là quỳ lạy pho tượng đúc bằng vàng, do Vua Nê-bu-cát-nết-xa của đế quốc Ba-by-lôn cho làm ra (Đa-ni-ên 3). Những trang sử của Hội Thánh đã ghi lại hàng triệu cái chết của những con dân Chúa, là những người thà chết còn hơn sống mà chối bỏ đức tin trong Chúa.

Ngược lại với ham sống sợ chết là ham sống mà không sợ chết. Đó là câu dùng để gọi những người vì sự sống còn của bản thân mà không ngại dấn thân vào nguy hiểm, như trường hợp hàng triệu người được gọi là “Thuyền Nhân Việt Nam” (Vietnamese Boat People). Theo ước tính của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, sau khi quân cộng sản Bắc Việt hoàn toàn đánh chiếm quốc gia Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/04/1975, gần hai triệu người dân Nam Việt đã liều mình vượt biển, tìm tự do trong suốt hai thập niên, mà số người đến được bến bờ tự do chưa tới 800.000 người. Những Thuyền Nhân Việt Nam đã phải chịu sự bắt giam và bắn giết bởi công an biên phòng của chính quyền cộng sản Việt Nam; bị cướp bóc, hãm hiếp, bắt cóc, và giết chết bởi hải tặc Thái Lan; chịu đói, khát, bệnh tật khi tàu thuyền bị hỏng trôi dạt nhiều ngày trên biển hay bị lạc hướng; chịu chết khi sóng gió hoặc hải tặc làm cho chìm tàu… Những Thuyền Nhân Việt Nam ấy thật sự là những người ham sống nhưng không sợ chết.

Là con dân Chúa, chúng ta nên suy ngẫm hai câu “Ham sống sợ chết” và “Ham sống nhưng không sợ chết” về phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh, theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh.

Về Phương Diện Thuộc Thể

Chúng ta ham sống cuộc sống mà Chúa đã ban cho chúng ta trong thân thể xác thịt hiện tại. Chúng ta ham sống cho đến ngày Đấng Christ trở lại, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Chúng ta không muốn kinh nghiệm cái chết của thân thể xác thịt. Chúng ta sợ cái chết của thân thể xác thịt, vì sau khi thân thể này chết đi, chúng ta không còn cơ hội tham dự mục vụ của Hội Thánh, không còn cơ hội thu thập càng hơn sự ban thưởng của Chúa dành cho chúng ta, qua những việc lành chúng ta làm ra trong cuộc đời này (I Cô-rinh-tô 3:10-14; Khải Huyền 22:12).

Đó là chúng ta ham sống sợ chết!

Tuy nhiên, khi phải chết để giữ vững đức tin của mình trong Chúa, để không chối bỏ danh Chúa, để không phạm tội nghịch lại các điều răn của Chúa, thì chúng ta không sợ chết. Trái lại, chúng ta vui mừng, bước vào trong sự chết. Lịch sử của Thánh Kinh đã ghi lại cảnh những con dân Chúa hát thánh ca khi bị lính La-mã ném vào đấu trường cho mãnh thú xé xác, vì họ đã kiên quyết không chối bỏ đức tin của mình trong Chúa. Sách Hê-bơ-rơ đã ghi lại tấm gương sáng của những người vì danh Chúa, vì ham muốn sự sống đời đời trong Chúa mà họ đã không sợ sự chết thuộc thể, như sau:

Hê-bơ-rơ 11:35-38

35 …có những người khác bị tra tấn {mà} không chịu nhận sự giải cứu, để họ được sự sống lại tốt hơn.

36 Có những người khác chịu sự chê cười, sự đánh đập, lại cũng chịu sự xiềng xích và sự lao tù nữa.

37 Họ đã bị ném đá, bị cưa xẻ, bị thử thách, bị giết bằng gươm; họ đã lưu lạc nay đây mai đó, trong những da chiên và da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp, bị ngược đãi.

38 Thế gian đã không xứng đáng đối với họ. Họ đã lưu lạc trong đồng vắng, {trên} núi và {trong} hang, trong những hầm {dưới} đất.

Nếu chúng ta được như vậy, thì đó là chúng ta ham sống nhưng không sợ chết, cũng không sợ khổ vì danh Chúa, vì đức tin của chúng ta trong Thiên Chúa.

Về Phương Diện Thuộc Linh

Chúng ta ham sự sống đời đời trong Đấng Christ, là sự sống an vui, hạnh phúc mãi mãi trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Mãi mãi được học biết về Thiên Chúa, về sự sáng tạo lạ lùng của Ngài, về sự mầu nhiệm của Lời Chúa. Chúng ta ham sự sống đời đời mà thân thể xác thịt của chúng ta sẽ được biến hóa hoặc được phục sinh cách mầu nhiệm, thành một thân thể siêu vật chất, như thân thể phục sinh của Đấng Christ. Đó là một thân thể có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn trong thế giới thuộc linh.

Chúng ta sợ sự chết thuộc linh vì sự chết thuộc linh là sự thực hữu cách đau khổ trong hỏa ngục, bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Khải Huyền 20:14-15). Bị hư mất đời đời tức là không còn cơ hội để ăn năn và được cứu. Xa cách mặt Chúa là không còn được Chúa xem đến và thương xót. Xa cách sự vinh quang của sức mạnh Ngài là không còn được Chúa giải cứu bởi sức toàn năng của Ngài.

Đó là chúng ta ham sống sợ chết. Ham sự sống đời đời và sợ sự chết đời đời về phương diện thuộc linh.

Nếu chúng ta thật sự ở trong Chúa thì chúng ta ham sống nhưng không sợ chết, dù là sự chết thuộc thể hay sự chết thuộc linh. Thật sự ở trong Chúa có nghĩa là chúng ta thật lòng hối tiếc vì mình đã phạm tội, tha thiết muốn từ bỏ tội, hoàn toàn tin cậy sự chết chuộc tội của Chúa, và hết lòng sống theo Lời Chúa.

Khi chúng ta đã thật sự ở trong Chúa, thì Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của chúng ta, ấn chứng cho chúng ta rằng, chúng ta đã có sự sống đời đời. Đã có sự sống đời đời có nghĩa là, cho dù chúng ta có phải trải qua sự chết của thân thể thì thân thể chúng ta sẽ sống lại và sống đời đời. Còn nếu chúng ta đang sống mà Đấng Christ đến thì chúng ta sẽ không trải qua sự chết thuộc thể. Chính vì thế mà chúng ta ham sống nhưng không sợ chết. Ham sự sống đời đời nhưng không sợ sự chết đời đời, vì chúng ta đã được ấn chứng rằng, sự chết đời đời không còn quyền trên chúng ta.

Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” (Ê-phê-sô 4:30).

Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta thì sẽ sống, cho dù đã chết rồi.” (Giăng 11:25).

Phước thay và thánh thay người được dự phần trong sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền trên những người như vậy, nhưng họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, và họ sẽ cai trị với Ngài trong một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:6).

Kính thưa Hội Thánh,

Là con dân chân thật của Chúa, luôn có đức tin trong Chúa, chúng ta là những người vừa ham sống sợ chết vừa ham sống nhưng không sợ chết trong cả hai phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh. Vì chúng ta có chính sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Sự sống của Thiên Chúa mãi mãi ở trong chúng ta và sự chết thuộc thể lẫn sự chết thuộc linh không còn quyền trên chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau vui hưởng năm mới 2019 này với lòng cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa, và cậy ân điển của Chúa để chúng ta luôn luôn: Sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa:

Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:8).

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ quý ông bà anh chị em cho đến mãi mãi. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/01/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Từng Mùa Xuân Chứa Chan Tình Cha”:
https://karaokethanhca.net/tung-mua-xuan-chua-chan-tinh-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet//bible. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.