Tội lỗi (Phần 1): Định nghĩa

5,652 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

Định nghĩa của tội lỗi

Căn cứ vào những sự dạy dỗ của Thánh Kinh, chúng ta có thể định nghĩa tội lỗi như sau: Tội lỗi là sự thể hiện bất kỳ một tư tưởng, thái độ, hoặc hành động nào không theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh. Ngài là Thiện! Ngài là Tình Yêu! Đức Chúa Trời dựng nên loài người và thế gian để loài người sinh sống trong đó không phải vì Ngài cần có loài người hay thế giới vật chất. Đức Chúa Trời sáng tạo không phải bởi nhu cầu vì Đức Chúa Trời là trọn vẹn, Ngài không có nhu cầu. Ngài sáng tạo vì sự đầy tràn của vinh hiển Ngài, hay nói cách khác: sự vinh hiển vô biên của Ngài làm phát sinh ra muôn loài tạo vật. Vì Ngài là Thiện, là Tình Yêu cho nên Ngài đặt ra các quy luật để bảo vệ và phát triển công trình sáng tạo của Ngài trong sự thiện hảo và yêu thương của Ngài. Đó là những quy luật về vật lý và hóa học giúp cho việc phát triển, và bảo tồn thế giới vật chất. Đó là những quy luật về thuộc linh và đạo đức giúp cho việc phát triển và bảo tồn những quan hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời và giữa loài người với nhau.

Khi loài người nuôi dưỡng ý tưởng, hoặc có thái độ, hành động nghịch lại với các quy luật của Đức Chúa Trời là loài nguời tự chọn chống nghịch lại Tình Yêu và Sự Thiện, tức chống nghịch Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không tạo ra Sự Ác. Ngài là Thiện, vì thế bất kỳ điều gì chống nghịch lại Đức Chúa Trời tức là chống nghịch Sự Thiện, và đó là Sự Ác. Tội lỗi là sự thể hiện của Sự Ác.

Bản chất của tội lỗi 

Dù tội lỗi mang rất nhiều sắc thái khác nhau nhưng xét về bản chất thì tội lỗi có thể được chia thành ba phương diện như một gốc cây chia thành ba nhánh lớn, trên mỗi nhánh lớn có vô số nhánh nhỏ và hoa, lá, quả:

1. Phương diện thứ nhất: Chống nghịch Đức Chúa Trời. Nghĩa là không chấp nhận thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời tin có Đức Chúa Trời nhưng không chấp nhận thẩm quyền của Ngài. Kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời nhận biết sự thực hữu và các quy luật của Đức Chúa Trời nhưng chọn không vâng phục Ngài. Theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì một người “vô thần” là một người “sống như là không có Đức Chúa Trời,” người ấy biết chắc có Đức Chúa Trời nhưng chối bỏ Ngài chứ không phải người ấy thật sự không tin có Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời xác nhận qua lời của Ngài là Thánh Kinh, rằng: Ngài đã mạc khải cho loài người bằng nhiều cách về sự thực hữu của Ngài và đặt để các quy luật của Ngài trong lương tâm họ.

Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng. Cho nên Đức Chúa Trời đã phó họ sa vào sự ô uế theo lòng ham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa, vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men.” (Rô-ma 1:19-25)

“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.” (Rô-ma 2:15)

Những tội lỗi mang tính chống nghịch Đức Chúa Trời là những tội vi phạm các điều răn từ thứ nhất cho đến đến thứ tư:

“(1) Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. (2) Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. (3) Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. (4) Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-11)

2. Phương diện thứ nhì: Không yêu thương người khác như chính mình. Nghĩa là đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người khác. Đức Chúa Trời muốn chúng ta yêu thương người khác như chính mình, làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình:

“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12; xem thêm Lu-ca 6:31)

“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” (Giăng 13:34)

“Hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 19:19; 22:39; Mác 12:31, 33)

“Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:3, 4)

Những tội lỗi mang tính không yêu thương người khác là những tội vi phạm các điều răn từ thứ tư đến thứ mười:

“(4) Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh. (5) Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho. (6) Ngươi chớ giết người. (7) Ngươi chớ phạm tội tà dâm. (8) Ngươi chớ trộm cướp. (9) Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. (10) Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.” Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-17)

Khi chúng ta bắt người nhà hoặc người giúp việc của chúng ta phải làm việc trong ngày thứ bảy để phục vụ cho quyền lợi của chúng ta là chúng ta đã cướp đi quyền nghỉ ngơi mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ.

3. Phương diện thứ ba: Không vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Sự chống nghịch Đức Chúa Trời, sự không yêu thương người khác đều là những sự không vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có những sự vi phạm lời của Đức Chúa Trời không phát xuất từ tấm lòng chống nghịch Chúa hoặc tấm lòng không yêu thương người khác. Thực tế, cũng có nhiều khi vì sốt sắng hầu việc Chúa, vì quá yêu thương người khác mà chúng ta vi phạm lời của Đức Chúa Trời. Những lời của Chúa mà chúng ta thường vi phạm, phần lớn liên quan đến sự thánh khiết, sự trung tín, và sự thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Dưới đây là một vài liệt kê tiêu biểu:

a) Không dâng mình cho Chúa:

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:1, 2)

b) Không trung tín nhóm họp thờ phượng Chúa và thông công với nhau:

“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:25)

c) Không cử ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột:

“Tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29; xem thêm 21:25)

d) Không tránh sự tà dâm (những hoạt động tình dục ngoài quan hệ vợ chồng):

“Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt. Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài. Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình. Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:15-20)

e) Không phân rẽ với người chẳng tin:

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Chúa các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy.” (II Cô-rinh-tô 6:14-18)

f) Không từ bỏ sự tham lam tiền bạc và vật chất:

“Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5)

“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn mà đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:6-10)

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17)

Đặc tính của tội lỗi

1. Có tính di truyền: Thánh Kinh cho biết, ngoại trừ A-đam, Ê-va, và Đức Chúa Jesus, mỗi một người được sinh ra trong thế gian đều là tội nhân. A-đam và Ê-va vì phạm tội mà trở thành tội nhân nhưng chúng ta là tội nhân vì chúng ta đã mang bản chất tội lưu truyền từ tổ phụ.

“Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5)

“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” (Rô-ma 5:12)

“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội.” (Rô-ma 5:19a)

2. Có tính phổ cập: Tội lỗi không phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, giới tính, tri thức, hay giai cấp xã hội.

“Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9)

“Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10-12)

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23)

“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” (Rô-ma 5:12)

“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội.” (Rô-ma 5:19a)

3. Có quyền năng bắt phục tội nhân: Tội nhân không có quyền chống cự lại hoặc thoát ra khỏi tội lỗi.

“Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy. Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:14-24)

Sự thể hiện của tội lỗi

Tội lỗi xuất hiện dưới ba hình thức:

1. Trong tư tưởng: Một người có thể không bao giờ có thái độ và hành động tội lỗi nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng tội lỗi trong tư tưởng.

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy làm sạch hết điều ác trong lòng ngươi, hầu cho ngươi được cứu. Ngươi nuôi những ý tưởng gian ác trong lòng cho đến chừng nào?” (Giê-rê-mi 4:14)

“Hỡi đất, hãy nghe: Nầy, ta sẽ khiến tai vạ đến trên dân nầy, tức là quả báo của ý tưởng nó, vì nó chẳng chăm nghe lời ta, và đã bỏ luật pháp ta.” (Giê-rê-mi 6:19)

“Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” (Ma-thi-ơ 5:28)

Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn.” (Ma-thi-ơ 5:19)

2. Qua Thái độ: Một nguời có thể không nuôi dưỡng tội lỗi trong tư tưởng, không hành động tội lỗi nhưng vẫn phạm tội qua thái độ khinh xuất gây cho người khác phạm tội hoặc dẫn đến những sự phạm tội ngoài ý muốn của chính mình.

“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Cô-rinh-tô 6:12)

“Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm.” (I Cô-rinh-tô 8:9)

“Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.” (I Cô-rinh-tô 8:13)

“Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” (I Cô-rinh-tô 10:23)

3. Bằng Hành động: Sự thể hiện cao nhất của tội lỗi là bằng hành động.

“Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” (Rô-ma 1:29-32)

Kết luận

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là sự chiếu sáng sự nhân từ, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài. Ý muốn của Đức Chúa Trời luôn luôn thể hiện sự vinh hiển của Ngài. Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là tiếp nhận sự vinh hiển của Ngài. Tội lỗi là sự thể hiện bất kỳ một tư tưởng, thái độ, hoặc hành động nào không theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời cho nên tội lỗi khiến cho tội nhân thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bản chất của tội lỗi là chống nghịch Đức Chúa Trời, không yêu thương người khác như chính mình, và không vâng phục lời Chúa. Tội lỗi có tính di truyền, có tính phổ cập, và hoàn toàn chế ngự tội nhân. Mọi nổ lực của loài người không thể giải thoát loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.

Huỳnh Christian Timothy
09/09/20
07