Điều Răn: Thần Khác

3,004 views

Điều Răn: Thần Khác

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3).

“Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.” Đó là điều răn thứ nhất Đức Chúa Trời truyền cho dân I-sơ-ra-ên, được lập lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:7, và được giảng giải trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5: “Ngươi sẽ hết lòng mình, hết linh hồn mình, hết sức mình mà yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi.” Gần một ngàn năm trăm năm sau, Đức Chúa Jesus đã lập lại sự giảng giải ấy, khi Ngài đến thế gian trong thân xác loài người để giãi bày về Đức Chúa Trời cho nhân loại.

Chữ “thần” trong mệnh lệnh trên đây, trong nguyên tác là Ê-lô-him, được dịch là “Thiên Chúa” trong Sáng Thế Ký 1:1 và nhiều nơi khác. Như vậy, điều răn thứ nhất có nghĩa là: “Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có Thiên Chúa khác.”

Vì chỉ có một Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho nên chỉ có Ngài là Đấng Tạo Hóa, là cội nguồn của muôn loài vạn vật, là Thiên Chúa, và xứng đáng cho muôn loài vạn vật thờ phượng chỉ một mình Ngài, sự vinh hiển chỉ thuộc về một mình Ngài. Ngài đã phán về chính mình Ngài như sau:

“…Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài Ta không có Thiên Chúa nào khác.” (Ê-sai 44:6).

“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ấy là danh Ta. Ta chẳng nhường sự vinh quang của Ta cho một ai khác, cũng không nhường sự tôn vinh của Ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8).

Lịch sử cho thấy rằng loài người đã tạo ra vô số các thần linh và sấp mình thờ lạy các thần linh do chính mình tạo ra. Riêng chỉ trong Ấn Độ Giáo đã có trên một triệu thần linh; và nếu kể đến tục thờ lạy tổ tiên của các dân tộc thì loài người có đến hàng tỉ tỉ thần linh.

Tại Việt Nam, một người ăn mày khi sống bị nhiều người khinh khi, bỏ mặc cho chết đói, hay một tên ăn trộm khi sống bị nhiều người ghét bỏ, nguyền rủa, nhưng khi chết đi có thể trở thành một thần linh và được cả làng thờ phượng, phong cho chức Thành Hoàng, là một hình thức Thiên Chúa của một làng. Thậm chí, ngay cả những ống bình vôi đựng vôi ăn trầu, hay những cái kiềng bếp, những cục đất sét kê nồi bị vứt bỏ ở gốc đa đầu làng cũng trở thành những thần linh trong tín ngưỡng của người Việt Nam.

Từ chỗ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa để làm con Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:27; Lu-ca 3:38) và cai trị vạn vật (Sáng Thế Ký 1:28), loài người đã sấp mình thờ lạy những thần tượng vô tri, vô giác, những tà linh, những điểu, thú, côn trùng, đồng loại, và chính các dục vọng của mình, làm nhục hình ảnh của Thiên Chúa ở trong mình (Rô-ma 1:18-32).

Phân loại các giả thần

Dù loài người đã sáng tạo ra nhiều thần linh khác nhau để tôn lên làm Thiên Chúa, nhưng những thần linh nhân tạo ấy có thể được xếp loại như sau:

  • Thần Tài,
  • Thần Tình,
  • và Thần Tôi.

1. Thần Tài

Truyền Đạo 10:19 chép rằng: “Có tiền bạc thì ứng cho mọi sự”. Đó là nhận định của một người khôn ngoan, quyền thế, và giàu có nhất trong thế gian đang thời của ông: Vua Sa-lô-môn. Thực tế cuộc sống hàng ngày cho chúng ta thấy, quả thật tiền bạc cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề; ngay cả trong các công tác hầu việc Chúa cũng cần đến tiền bạc; trong sự dâng hiến cho Chúa cũng sử dụng đến tiền bạc. Như vậy, tự bản thân tiền bạc không phải là điều xấu; nhưng từ chỗ quản trị tiền bạc, sử dụng tiền bạc, cho đến chỗ ham muốn tiền bạc và nương cậy vào tiền bạc là một khoảng cách rộng lớn như khoảng cách giữa thiên đàng và hoả ngục.

Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 6:6-10 răn dạy chúng ta như sau:

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Loài người ham mê tiền bạc đến nỗi đã tạo ra Thần Tài để thờ lạy. Thần Tài không có nghĩa đơn giản chỉ là tiền bạc mà còn là phương tiện tạo ra tiền bạc, trong đó có công ăn, việc làm, tri thức, kỹ năng của chúng ta, những người có thế lực, và tất cả những gì tiền bạc có thể mang đến cho chúng ta. Khi chúng ta xem tiền bạc, phương tiện tạo ra tiền bạc, và những thứ do tiền bạc đem lại là trên hết trong đời sống của chúng ta là chúng ta đang tôn thờ Thần Tài. Người kém trí tôn thờ Thần Tài qua hình tượng, bàn thờ. Người đa trí tôn thờ Thần Tài bằng cách hối lộ, tham nhũng.

Đức Chúa Jesus phán: “Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc sẽ hiệp với người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể làm nô lệ của Thiên Chúa và của Ma-môn.” (Ma-thi-ơ 6:24; Lu-ca 16:13). Ma-môn trong câu phán này là Thần Tiền Bạc, Thần Tài.

2. Thần Tình

Thần Tình ở đây bao gồm tình cảm chân chính giữa loài người với nhau lẫn những đam mê tình dục bất chính.

Những tình cảm chân chính giữa loài người với nhau như tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha mẹ con cái, tình nghĩa anh chị em, tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa chủ tớ, tình nghĩa đồng hương… luôn luôn được Thánh Kinh đề cao nhưng cũng chính Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, chúng ta không thể xem các tình cảm đó cao trọng hơn tình cảm của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Trong thực tế, nếu chúng ta đặt tình yêu Thiên Chúa cao trọng hơn tất cả các tình cảm khác thì chính tình yêu Thiên Chúa trong chúng ta khiến cho chúng ta được đầy trọn tình yêu đến từ Chúa và chúng ta sẽ yêu người khác bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu chúng ta. Đó là tình yêu đích thực được mô tả trong I Cô-rinh-tô 13.

Nhiều khi chúng ta yêu người khác hơn yêu Chúa mà chúng ta không biết. Bất cứ vì một người nào mà chúng ta bê trễ bổn phận của chúng ta với Chúa, như bỏ qua hoặc đi trễ trong sự nhóm lại để học hỏi Lời Chúa và thờ phượng Chúa, như chiều theo người đó mà làm những việc chúng ta biết rõ là không đẹp ý Chúa, không đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh… là chúng ta đã tôn thờ Thần Tình trong lòng chúng ta. Chúa phán rất rõ ràng: “Ai yêu cha hay mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai yêu con trai hay con gái hơn Ta thì không đáng cho Ta.” (Ma-thi-ơ 10:37).

Thần Tình còn là những đam mê tình dục bất chính như gian dâm, ngoại tình kể cả gian dâm và ngoại tình trong tư tưởng, như lén lút xem các văn hóa phẩm tình dục làm băng hoại nhân phẩm qua phim, ảnh, sách, báo, hoặc Internet. Thần Tình ngày nay còn được tôn thờ và đề cao qua các phong trào đồng tính luyến ái, thậm chí công khai xâm nhập vào trong các Hội Thánh, đến nỗi một vài giáo hội lớn cho phép những người đồng tính luyến ái làm người chăn và giám mục.

3. Thần Tôi

Trong thế gian này có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu Thần Tôi. Thần Tôi là chính cái bản ngã tội lỗi của mỗi người. Khi chúng ta chưa biết Chúa, chúng ta sống chết cho bản ngã của mình và rất mực tôn thờ nó. Thần Tôi xuất hiện dưới hai hình thức: lòng tự ái và lòng kiêu ngạo.

a) Lòng tự ái khác xa với lòng tự trọng. Tự trọng là không làm bất cứ một điều gì khiến cho hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta bị sỉ nhục. Còn tự ái là tự mình yêu chính mình, không muốn cho bất kỳ ai làm thương tổn đến mình. Lòng tự ái tự nó không có gì sai trái, vì Chúa dạy chúng ta hãy yêu người khác như chúng ta yêu chúng ta. Nhưng khi lòng tự ái bị điều khiển bởi bản ngã tội lỗi thì nó khiến cho chúng ta đặt mình lên trên trước người khác thậm chí đặt mình lên trên cả Đức Chúa Trời, và khi đó, nó biến thành Đức Chúa Trời của chúng ta.

Vì lòng tự ái mà có sự ganh tị, bè phái, chia rẽ trong Hội Thánh. Nhiều người bất chấp thủ đoạn, bất chấp hậu quả, nhất quyết hành động miễn sao lòng tự ái xác thịt của mình được thỏa mãn. Có người vì tự ái mà đã giết người. Cũng có người vì tự ái mà tự sát, mong rằng cái chết của mình sẽ đem lại đau khổ cho người đã làm mình đau khổ!

Chúa không bảo chúng ta thôi yêu thương chính mình nhưng dạy chúng ta cũng yêu người lân cận như chúng ta yêu chúng ta vậy. Vì thế, Chúa dạy chúng ta hãy xem người khác là tôn trọng hơn mình, dẫn dắt nhau với sự tôn trọng, và đối với Chúa thì chúng ta hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Chúa, (Phi-líp 2:3; Rô-ma 12:10; Lu-ca 9:23).

b) Lòng kiêu ngạo là tội đứng hàng đầu trong các thứ tội. Vì kiêu ngạo mà Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa; vì kiêu ngạo mà A-đam và Ê-va muốn bằng Thiên Chúa; vì kiêu ngạo mà nhiều người cho rằng mình đạo đức, thánh thiện, không cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; vì kiêu ngạo mà nhiều người cho rằng mình hiểu biết về Chúa đến mức không cần phải học hỏi từ ai khác hết; vì kiêu ngạo mà nhiều người cho rằng Chúa phán trực tiếp với mình, không cần đến Thánh Kinh nữa; vì kiêu ngạo mà nhiều người không tiếp nhận những sự khuyên răn, quở trách từ người khác mà đòi chính Đức Chúa Trời trực tiếp phán dạy họ! Vì kiêu ngạo mà nhiều người bất chấp các thẩm quyền Chúa đã lập ra trong Hội Thánh hoặc tự giành lấy các chức vụ trong Hội Thánh mà Chúa không hề ban cho mình…

Một người trong thế gian có thể đắc thắng được tiền bạc, vật chất, và các thứ tình cảm nhưng không thể đắc thắng được lòng tự ái và lòng kiêu ngạo. Trong Chúa, chúng ta sẽ đắc thắng khi chúng ta chịu mặc lấy Đấng Christ, vì Ngài có lòng nhu mì và khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:29).

Kết luận

Điều răn: “Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3) là điều răn không chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên mà là cho muôn loài thọ tạo, bao gồm cả thiên sứ, loài người, những vật thấy được lẫn những vật không thấy được. Ngay cả cõi thiên nhiên cũng âm thầm tôn thờ Thiên Chúa:

“Các tầng trời thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài. Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức được bày tỏ. Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ nào mà âm thanh của chúng không được nghe biết đến.” (Thi Thiên 19:1-3).

Chúng ta hãy nhờ Đức Thánh Linh tra xét lòng của chúng ta, chỉ ra cho chúng ta những thần khác đang còn chễm chệ trên ngôi lòng của chúng ta và xin lửa của Đức Thánh Linh thiêu đốt hết tất cả những thần tượng ấy.

Lời Chúa phán:

“Ngươi hãy giữ hết mọi lời Ta phán với ngươi. Chớ nhắc đến danh các thần khác; chớ cho nghe danh đó ở nơi miệng ngươi ra.” (Xuất Ê-díp-tô-ký 23:13).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

25/02/2007