Tội Kiêu Ngạo

178 views

YouTube: https://youtu.be/X0Dbm7txyKM

202408 Bài Giảng Trong Năm 2024
Bài Giảng Dành Cho Thiếu Niên
Tội Kiêu Ngạo

Huỳnh Christian Timothy

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Các cháu thiếu niên thân mến,

Theo Thánh Kinh, kiêu ngạo là thổi phồng một sự thật để khoe mình, tức là nói dối dựa trên một sự có thật. Thí dụ, một người chỉ học hết lớp 8 nhưng khoe rằng, mình đã tốt nghiệp trung học. Thí dụ, một người chưa đọc hết Thánh Kinh nhưng khoe rằng, mình đã đọc xong trọn bộ Thánh Kinh nhiều lần.

Kiêu ngạo còn là khoe ra một điều gì thuộc về mình để tỏ ra rằng, mình hơn người khác và xem thường người khác. Như: khoe sự giàu có, tài sản, sắc đẹp, sự thông minh, bằng cấp, địa vị, khả năng chuyên môn…

Kiêu ngạo còn là cho rằng, sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình là đúng hơn hoặc có giá trị hơn sự hiểu biết và kinh nghiệm của người khác.

Kiêu ngạo còn là cho rằng, mình tài giỏi, không cần sự giúp đỡ của người khác, kể cả sự giúp đỡ từ Thiên Chúa. Chính vì thế mà có nhiều người cho rằng, họ sống đạo đức, làm nhiều điều thiện nên không cần tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Sự kiêu ngạo khác với sự khoác lác. Sự khoác lác là sự hoàn toàn dối trá, lấy không làm có, để khoe mình. Thí dụ, không học đại học mà khoe rằng, mình tốt nghiệp đại học. Thí dụ, xuất thân từ một gia đình nghèo mà khoe rằng, mình được sinh ra trong một gia đình giàu có.

Mục đích của sự kiêu ngạo và của sự khoác lác đều là khoe mình, tỏ ra mình hơn người, để được người khác khen mình, phục mình, và để có thể tỏ ra thái độ trên trước người khác, nên chúng thường đi chung với nhau và có chung một nền tảng là sự nói dối.

Đức Chúa Trời ghét sự kiêu ngạo và Ngài đã khẳng định như vậy, trong Thánh Kinh:

Ngài quở trách kẻ kiêu ngạo bị rủa sả, kẻ lầm lạc các điều răn của Ngài.” (Thi Thiên 119:21).

Bất cứ ai kiêu ngạo trong lòng là sự gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Dù tay trong tay, nó sẽ chẳng không bị phạt. [Tay trong tay có nghĩa là liên kết với người khác.]” (Châm Ngôn 16:5).

Kẻ kiêu ngạo bị rủa sả” là kẻ kiêu ngạo bị Đức Chúa Trời rủa sả. Bị Đức Chúa Trời rủa sả là bị Đức Chúa Trời lên án và phạt vì phạm tội.

Kẻ lầm lạc các điều răn của Ngài” là kẻ không sống theo nhưng sống nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa.

Kiêu ngạo trong lòng” là có ý tưởng kiêu ngạo, chưa thể hiện thành lời nói hoặc hành động. Đó là sự Thiên Chúa gớm ghiếc, vì nó dẫn đến sự phạm nhiều tội khác, nghịch lại các điều răn của Ngài.

Tay trong tay” là một thành ngữ trong tiếng Hê-bơ-rơ của người I-sơ-ra-ên. Thành ngữ là một câu nói không dùng theo nghĩa đen nhưng dùng theo nghĩa bóng. Thành ngữ “tay trong tay” hàm ý, nắm tay liên kết với người khác, được nhiều người ủng hộ.

Người kiêu ngạo dù cho có được nhiều người ủng hộ, ưa thích thì vẫn không thoát khỏi sự đoán phạt của Thiên Chúa.

Trong lứa tuổi thiếu niên, các cháu cũng có thể phạm tội kiêu ngạo. Các cháu phạm tội kiêu ngạo khi các cháu nói không đúng sự thật về mình để được tiếng khen. Các cháu phạm tội kiêu ngạo khi các cháu làm bất cứ điều gì với mục đích tỏ ra mình tài giỏi hơn người khác, khôn sáng hơn người khác, có giá trị hơn người khác. Các cháu phạm tội kiêu ngạo khi các cháu xem thường người khác, không xem người khác là tôn trọng hơn mình, vì bất cứ lý do gì.

Sự kiêu ngạo là tội lỗi dẫn đến nhiều sự phạm tội khác. Vì thế, Lời Chúa đã dạy rõ:

Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

Sự bại hoại” là sự sụp đổ của đời sống, sự đời sống bị hủy diệt, bao gồm sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Vì nếu một người không ăn năn, không chừa bỏ sự kiêu ngạo thì người ấy sẽ tiếp tục làm ra nhiều sự phạm tội. Mà hậu quả của sự phạm tội là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Tinh thần tự cao” là ý tưởng tự cho mình là cao trọng hơn người khác, muốn người khác phải thán phục mình, phải tôn cao mình. Đó chính là khởi đầu của sự kiêu ngạo.

Sự sa ngã” là sự ngã vào trong sự phạm tội.

Lời Chúa cũng dạy rằng:

“Sự kiêu ngạo của một người sẽ làm hạ người ấy xuống; nhưng người có thần trí khiêm nhường sẽ được sự tôn trọng.” (Châm Ngôn 29:23).

Sự kiêu ngạo của một người khiến cho người ấy bị người khác ghét. Khi sự thật được phơi bày, cho thấy, người ấy không có giá trị như lời đã khoe thì người ấy sẽ bị chê cười. Đó là ý nghĩa của sự người kiêu ngạo bị hạ xuống vì sự kiêu ngạo của mình.

Thần trí là sự hiểu biết và suy tưởng trong tâm thần. Người có thần trí khiêm nhường là người không bao giờ khoe mình cách dối trá để được tiếng khen. Người ấy cũng không đặt mình là trên trước người khác, không xem mình là đáng tôn trọng hơn người khác. Người ấy sẵn sàng học hỏi từ người khác, nhận sự giúp đỡ, góp ý từ người khác. Người ấy gắng sức làm tốt mọi việc để tạo niềm vui cho chính mình, đem lại ích lợi cho chính mình và người khác; không phải để tỏ ra mình tài giỏi hơn người khác. Người có thần trí khiêm nhường như vậy sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng.

Muốn làm một điều gì tốt và ích lợi để được khen không phải là kiêu ngạo. Chỉ khi nào khoe khoang, cho mình giỏi hơn người khác mới là kiêu ngạo. Thí dụ, các cháu cố gắng học thuộc câu gốc, chép câu gốc mỗi ngày, và ghi lại sự mình suy ngẫm về Lời Chúa để được cha mẹ và Ban Chăm Sóc khen thì đó không phải là kiêu ngạo. Đó là làm tốt việc phải làm để đem niềm vui và sự ích lợi đến cho chính mình và cho nhiều người. Nhưng sau khi được điểm cao, các cháu khoe rằng, mình giỏi nhất trong Ban Thiếu Niên, tất cả các bạn khác không ai bằng mình. Thì đó là sự kiêu ngạo.

Ông mong rằng, sau buổi nhóm này, các cháu có thể phân biệt thế nào là gắng sức làm tốt mọi việc để được khen thưởng và thế nào là khoe mình vì kiêu ngạo.

Sau buổi nhóm hôm nay, các cháu hãy tìm nơi yên tĩnh, một mình đến với Chúa, xin Chúa nhắc cho các cháu nhớ, còn có lần nào các cháu kiêu ngạo mà chưa xưng tội với Chúa. Khi Chúa nhắc đến đâu thì các cháu xưng tội với Chúa đến đó và xin Chúa giúp các cháu không tái phạm.

Nguyện các cháu luôn được thánh hóa bởi Lời Chúa. Nguyện sức toàn năng của Chúa giúp các cháu không cố ý phạm bất cứ một tội nào, nhất là tội kiêu ngạo. Nguyện Đức Chúa Trời giữ cho các cháu luôn vững vàng đức tin, hết lòng sống theo Lời Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện Ngài ban cho các cháu một năm mới Âm Lịch 2024 luôn xuất sắc trong sự học Lời Chúa, chép câu gốc, học thuộc lòng câu gốc, và sốt sắng trả lời các câu hỏi, ca hát tôn vinh Chúa trong các buổi nhóm thiếu niên. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
11/02/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.