Sự Yêu Thương và Sự Đoán Xét (2)

3,035 views

Sự Yêu Thương và Sự Đoán Xét
(Bấm vào đây để download toàn bài viết)

Phần 2: Đặc Tính và Kết Quả của Tình Yêu

Những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi LờiThánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012.

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download mp3

I Cô-rinh-tô 13:4-8 –  Đặc Tính của Tình Yêu

Trước hết, chúng ta cần phải nhớ rằng, I Cô-rinh-tô 13 nói về tình yêu của Chúa và tình yêu trong Chúa, tức là tình yêu agape. I Giăng 4:8 và 16 cho chúng ta biết: “Đức Chúa Trời là tình yêu” và câu 19 cho chúng ta biết “Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước.” Vì thế, để có thể hiểu và kinh nghiệm được I Cô-rinh-tô 13:4-8 thì một người phải tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là tiếp nhận chính Ngài. Có được Đức Chúa Trời tức là có được tình yêu, chỉ khi đó thì một người mới có thể yêu và hiểu được tình yêu.

I Cô-rinh-tô 13:4-8 nói về các đặc tính của tình yêu, tức là các đặc tính của Đức Chúa Trời và cũng là các đặc tính của những ai thuộc về Ngài. Như mặt trăng tiếp nhận ánh sáng của mặt trời rồi phản chiếu trên đất, con dân Chúa tiếp nhận tình yêu từ Đức Chúa Trời rồi chiếu sáng tình yêu của Đức Chúa Trời ra giữa thế gian (Ma-thi-ơ 5:14).

Tình yêu nhẫn nại; tình yêu nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, chẳng khoác lác, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghĩ đến sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu chẳng hề hư mất bao giờ.

·         Từ ngữ “nhẫn nại” vừa có nghĩa là sức kiên trì chịu đựng mọi sự nghịch lại với bản tính của mình để đạt được mục đích, vừa có nghĩa là sự kiên trì chịu đựng những vô lý, bất công người khác làm ra để có thể cảm hóa người ấy. Đức Chúa Trời thánh khiết và công chính đã và đang nhẫn nại đối với thế gian tội lỗi, dùng ơn cứu rỗi của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ để cảm hóa thế gian. Nhờ đó mà chúng ta mới có cơ hội để ăn năn tội và trở thành con dân của Chúa. Là con dân của Chúa, chúng ta cũng nhẫn nại với mọi người chung quanh chúng ta để có thể đưa họ đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Nhẫn nại không có nghĩa là không quở trách người có lỗi. Nhẫn nại cũng không có nghĩa là không bao giờ ngưng chịu đựng một người nào đó. Chúng ta nhẫn nại suốt cuộc đời mình và nhẫn nại với mỗi một người mà chúng ta gặp. Tuy nhiên, thời gian chúng ta nhẫn nại đối với mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo sự cho phép của Chúa. Trong Ma-thi-ơ 18:15-17 Chúa dạy chúng ta chỉ nhẫn nại với người phạm tội nghịch cùng chúng ta qua ba lần chúng ta cho người đó cơ hội nhận lỗi và ăn năn. Nếu sau ba lần bị quở trách mà người có tội không chịu ăn năn thì Chúa ra lệnh cho chúng ta phải xem người ấy như người không tin Chúa và là một người phạm tội trọng. Dầu chúng ta buộc phải thi hành kỷ luật với những người không chịu cải hối nhưng lòng chúng ta vẫn yêu thương họ và không truy cứu trách nhiệm về những việc bất công hay thiệt hại mà họ đã làm ra cho chúng ta. Đó là sự tha thứ!

Trong công tác rao giảng Tin Lành, Chúa cũng đã truyền cho chúng ta rằng, hễ ai từ chối không muốn nghe Tin Lành thì chúng ta hãy bỏ họ mà đi. Họ sẽ gánh lấy trách nhiệm về sự hư mất của chính họ: “Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chơn các ngươi. Quả thật, ta nói cùng các người, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy” (Ma-thi-ơ 10:14). Mệnh lệnh đó của Chúa còn được ghi lại thêm hai lần trong Mác 6:11, Lu-ca 9:5 và Lu-ca 10:10-11. Đặc biệt, trong Lu-ca 10:10-11 Chúa dạy bảy mươi môn đồ được Ngài sai đi phải ra giữa chợ mà công bố sự khước từ nghe Tin Lành của một thành phố. Phao-lô và Ba-na-ba đã áp dụng lời Chúa dạy khi họ đối diện với sự cứng lòng của những người Do-thái tại thành An-ti-ốt: “Hai người đối cùng họ phủi bụi nơi chơn mình, rồi đi đến thành Y-cô-ni” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:51). Ai có thể nói là hai ông không nhẫn nại? Hội Thánh ngày nay cần phải bắt chước Phao-lô và Ba-na-ba trong sự vâng theo mệnh lệnh của Chúa.

Chúa dạy chúng ta rao giảng bất luận gặp thời hay không gặp thời nhưng Chúa không dạy chúng ta nài nỉ, kéo ép hay dùng tâm lý học khiến cho người ta tin Chúa. Làm ơn cho một người vì họ có nhu cầu và chúng ta có lòng thương là việc tốt nhưng làm ơn nhằm mục đích lấy lòng người ta để người ta vị nể mình mà tin Chúa là sai. Khi làm như vậy chúng ta đã vô tình cho rằng Tin Lành không có quyền phép để cứu người mà việc làm lấy lòng của chúng ta mới có quyền phép để cứu người! Và thật ra, sự tin Chúa như vậy không cứu ai hết! Câu Thánh Kinh II Ti-mô-thê 4:2 trong Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi;” Chữ “nài khuyên” khiến cho người đọc hiểu lầm là khi giảng Đạo phải “năn nỉ” người ta tin Chúa. Tuy nhiên, dịch cho đúng nghĩa thì sẽ là: “Hãy giảng Đạo, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, sửa trị, kêu gọi, cứ dạy dỗ chẳng thôi.” Chúng ta cần kêu gọi người nghe Đạo tin nhận Đạo nhưng chúng ta không cần phải nài nỉ họ!

Tình Yêu nhẫn nại nghĩa là tình yêu có sức kiên trì chịu đựng mọi sự nghịch lại với bản tính của mình, chịu đựng những vô lý, bất công đến từ người khác hoặc hoàn cảnh để đạt được mục đích tốt đẹp đã đặt ra.

·         Từ ngữ “nhân từ” có nghĩa là cư xử tốt với mọi người. Không phải là làm ra vẻ cư xử tốt mà là hành động tốt thật sự phát xuất từ đáy lòng. Nhân từ hay cư xử tốt có nghĩa là luôn luôn làm ơn cho người khác, đặt quyền lợi của người khác trước quyền lợi của mình một cách tự nguyện, vô điều kiện. Đức Chúa Trời luôn luôn nhân từ. Các Thi Thiên luôn nhắc đến điệp khúc: “Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời!” Ngài: “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Ngài “lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ” (Lu-ca 6:35). Kẻ bạc là kẻ vô ơn, kẻ dữ là kẻ làm ra những điều nghịch lại điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 5:45 Chúa cũng dạy chúng ta nhân từ một cách trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời. Nhân từ không có nghĩa là không thi hành kỷ luật mà là khi cần thiết thì thi hành kỷ luật với lòng đau thương để bảo vệ sự công chính. Sự Kiện Đức Chúa Trời hy sinh Con Một của Ngài để thế gian được thoát khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi là hành động nhân từ vô bờ bến của Ngài. Sự kiện Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi để đưa mọi người đến sự ăn năn tội cũng là hành động nhân từ vô bờ bến của Ngài. Sự nhân từ của Thiên Chúa vượt mọi hiểu biết của cả thiên sứ và loài người, và còn lại cho đến đời đời!

Tình yêu nhân từ có nghĩa là luôn luôn làm ơn cho người khác, đặt quyền lợi của người khác trước quyền lợi của mình một cách tự nguyện, vô điều kiện. Lòng nhân từ bao gồm sự ân cần quở trách, sửa phạt những kẻ có lỗi để cải hóa họ.

·         Nhẫn nại và nhân từ có liên quan mật thiết với nhau. Lòng nhẫn nại và nhân từ còn đến mãi mãi nhưng sự thể hiện cho mỗi đối tượng thì có giới hạn, tùy theo thái độ đáp ứng của đối tượng. Khi sự nhẫn nại kết thúc thì sự nhân từ cũng kết thúc. Dù Đức Chúa Trời nhẫn nại và nhân từ nhưng Ngài cũng từng hủy diệt cả thế gian, ngoại trừ gia đình Nô-ê tám người, bằng cơn lụt lớn toàn cầu khi loài người đã phạm tội đến mức không còn có thể ăn năn. Dầu vậy, Ngài cũng dành cho họ 120 năm để ăn năn. Một ngày không còn bao lâu nữa, Đức Chúa Jesus Christ sẽ phán xét và tận diệt mọi kẻ ác trong thế gian. Khi đó, Ngài sẽ dành ra bảy năm để ban cơ hội cho những ai có lòng ăn năn được đến với sự cứu rỗi của Ngài. Trong ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đó, Tin Lành sẽ được thiên sứ bay giữa trời rao truyền cho muôn dân, muôn nước trên đất (Khải Huyền 14:6). Thánh Kinh tiên tri trước là sẽ có vô số người ăn năn tội và tin nhận Tin Lành trong giai đoạn đó, dù họ phải trá giá bằng chính mạng sống của họ trước sự bắt bớ của chính quyền toàn cầu do Anti-Christ (kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ) thống lãnh. Nhẫn nại và nhân từ không bao giờ có nghĩa là bao che và bỏ qua tội lỗi mà chỉ có nghĩa là cư xử tốt với những kẻ có tội, tạo cơ hội và chờ đợi một thời gian nhất định cho họ cải hối.

·         Từ ngữ “ghen tỵ” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có ba nghĩa: (1) Ghen tức: bị hun đốt bởi lòng cạnh tranh, mà sinh ra thù nghịch hoặc giận dữ. (2) Ghen ghét: bực tức, khó chịu rồi sinh ra thù ghét khi thấy kẻ khác được chú ý hơn mình, bất kể là về mặt nào. (3) Ghen tranh: ham muốn dành về cho mình điều gì đó, ai đó một cách mãnh liệt, bất chấp thủ đoạn.

Đức Chúa Trời là Đấng hay ghen (Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “kỵ tà” là không đúng nghĩa) [1] nhưng Ngài không ghen tỵ. “Ghen” có nghĩa là bực tức, khó chịu làm cho mình đau khổ nhưng không sinh ra thù ghét hoặc ý muốn hãm hại ai cả. Dù đến một lúc phải thi hành kỷ luật, hình phạt kẻ có lỗi không chịu cải hối, như người chồng phải ly dị người vợ tà dâm, thì lòng ghen cũng không phát sinh ra sự thù ghét. Từ ngữ “Thiên Chúa là Đấng hay ghen” nói lên tình yêu tha thiết Ngài dành cho con dân của Ngài và Ngài muốn con dân của Ngài yêu thương Ngài cũng tha thiết như vậy. Thiên Chúa ghen khi con dân của Ngài chạy theo tà thần. Hình ảnh người vợ phản bội chồng đi ngoại tình với phường vô loại thường được Chúa dùng để minh họa sự con dân Chúa từ bỏ thờ phượng Chúa để đi thờ phượng các tà thần. Đức Chúa Trời không ghen tỵ và con dân Chúa cũng không thể ghen tỵ; vì không ghen tỵ, tức là không ghen tức, không ghen ghét, không ghen tranh là đặc tính của tình yêu.

·         Từ ngữ “khoác lác” được dùng trong I Cô-rinh-tô 13:5 có nghĩa là dùng những lời nói, điệu bộ, hành động nhằm phô bày mình một cách không trung thực để người khác thán phục mình hoặc tin tưởng mình. Thí dụ, mình chưa tốt nghiệp trung học mà trong lời nói, điệu bộ, hành động đều có ý khiến cho người khác tưởng là mình đã tốt nghiệp đại học. Hoặc là mình tốt nghiệp từ một đại học không nổi tiếng nhưng lúc nào cũng tỏ ra cho người khác tưởng là mình tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng. Nói cách khác, “sự khoác lác” là sự dối gạt về giá trị thật của mình để người khác thán phục hoặc tin tưởng mình. Ngược lại với sự khoác lác là sự trung thực bày tỏ về mình.

Từ ngữ “khoe mình” được dùng trong I Cô-rinh-tô 1:31 “Hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa;” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có nghĩa là: tỏ ra sự tôn trọng của mình một cách trung thực. Dầu là phô bày những điều tốt đẹp của mình một cách trung thực, con dân Chúa vẫn phải làm điều đó “trong Chúa” tức là phô bày theo các nguyên tắc của Thánh Kinh; đó là: việc phô bày đem lại ích lợi, làm gương tốt, làm tôn vinh danh Chúa, và được thực hiện với lòng biết ơn Chúa đã ban cho mình những điều tốt lành. Sự khoe mình trong Chúa của con dân Chúa là làm chứng về ơn phước Chúa, tức là thuật lại cho người khác nghe những điều lạ lùng Chúa làm ra trên đời sống mình và qua chính mình. Sự khoe mình trong Chúa không phải chỉ thể hiện qua lời nói mà còn hiện thực qua nếp sống mỗi ngày của chúng ta.

Đức Chúa Trời không khoác lác nhưng Ngài khoe mình, tức là Ngài tự bày tỏ rất trung thực về chính mình Ngài, nhờ đó mà thế gian có thể hoàn toàn tin cậy vào mọi lời phán của Ngài. Con dân Chúa cần từ bỏ sự khoác lác và luôn khoe mình trong Chúa. Tình yêu không bao giờ khoác lác.

·         Từ ngữ “kiêu ngạo” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có nghĩa là “thổi phồng lên.” Sự kiêu ngạo khác với sự khoác lác. Sự khoác lác hoàn toàn dối trá không dựa trên lẽ thật còn sự kiêu ngạo thì thổi phồng lẽ thật; và mục đích của cả hai đều là để người ta tôn trọng hoặc tin tưởng mình. Sự kiêu ngạo còn một ý nữa là tự cho rằng mình hơn người khác. Kiêu ngạo là xem thường người khác và thổi phồng lẽ thật để phục vụ cho lòng ham muốn hư vinh của xác thịt.

Đức Chúa Trời không kiêu ngạo vì Ngài vốn là cao siêu tuyệt đối, vượt trên cả muôn loài và khác với muôn loài. Con dân Chúa không nên kiêu ngạo để tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác mà trái lại phải xem mọi người là tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3). Con dân Chúa luôn học tập sự nhu mì và khiêm nhường của Chúa theo lời kêu gọi của Ngài: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

Tình yêu chẳng kiêu ngạo vì yêu là phục vụ và hạ mình xuống để nâng người mình yêu lên, như Đức Chúa Con đã tự hạ mình xuống để nâng những ai có lòng cải hối và tin cậy nơi Ngài lên địa vị thánh đồ và con cái của Thiên Chúa.

·         Từ ngữ “làm điều trái phép” có nghĩa là làm những điều nghịch lại tiêu chuẩn đã định. Tiêu chẩn đã định tức là điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh.

Đức Chúa Trời không bao giờ làm nghịch lại tiêu chẩn của Ngài, vì thế, con dân Chúa cũng không thể làm nghịch lại tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, cho dù là vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ cảnh ngộ nào. Thậm chí, từ ngàn xưa đến nay, biết bao nhiêu con dân Chúa đã thà mất đi mạng sống của mình hơn là làm ra một điều trái phép.

Tình yêu không làm điều trái phép, vì yêu là tin và làm theo mọi điều răn và luật pháp của Dức Chúa Trời.

·         Từ ngữ “kiếm tư lợi” trong  nguyên ngữ Thánh Kinh có nghĩa là chỉ tìm kiếm chính mình, chăm sóc chính mình, bỏ mặc nhu cầu của người khác. Kiếm tư lợi tức là ích kỷ và thường là làm hại đến quyền lợi của người khác, gạt gẫm người khác. Những sự mua bán gian lận điển hình cho sự kiếm tư lợi. Kiếm tư lợi còn có nghĩa là vì hạnh phúc của chính mình mà có thể làm bất cứ điều gì miễn sao mình được vui sướng.

Thiên Chúa không tìm kiếm tư lợi, trái lại, vì hạnh phúc của loài người mà Ngài đã hy sinh những điều cao quý nhất của mình. Đức Chúa Cha đã ban cho thế gian Con Một của Ngài. Đức Chúa Con đã hy sinh sự bình đẳng của mình với Đức Chúa Cha để nhập thế làm người chết thay cho nhân loại. Đức Thánh Linh không màng đến con người xác thịt vẫn còn có thể phạm tội, mà ngự vào trong thân thể của chúng ta để dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta. Là con dân Chúa chúng ta không còn kiếm tư lợi, tức là không còn sống cho mình nữa mà là để Chúa sống trong chúng ta và chúng ta sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). “Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:7, 8).

Tình yêu chẳng kiếm tư lợi vì tình yêu ban cho hơn là nhận lãnh (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35).

·         Từ ngữ “nóng giận” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có nghĩa là bị làm cho giận, chỉ được dùng đến hai lần, một lần trong I Cô-rinh-tô 13:5 mà chúng ta đang tìm hiểu và một lần trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16 khi nói về việc khắp thành A-thên thờ lạy thần tượng làm cho tâm thần của Sứ Đồ Phao-lô nóng giận. Từ ngữ “nóng giận” này khác với từ ngữ “giận” trong Ê-phê-sô 4:26 “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn.” Chúa không cấm chúng ta giận mà Chúa chỉ muốn chúng ta không phạm tội đang khi giận và không giận cho đến khi mặt trời lặn. Chính Chúa cũng giận khi thấy người ta biến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem thành ra nơi buôn bán, gạt gẫm.

Ý nghĩa của mệnh đề “tình yêu chẳng nóng giận” là: tình yêu không nóng giận vì bị khiêu khích, bị chọc giận. Thành ngữ có câu: “giận mất khôn!” và một trong các chiến thuật Sa-tan dùng trong khi tấn công con dân Chúa là chiến thuật chọc giận. Người dễ nóng giận khi bị khiêu khích là người không có sự tiết độ, một trong những đặc tính của trái Thánh Linh (Ga-la-ti 6:22). Nóng giận có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, dẫn đến sự phạm tội.

Chúa giận nhưng không ai có thể khiêu khích, chọc cho Ngài giận để hành động nghịch lại bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài. Chúng ta có thể xem, hành vi hôn Chúa của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trong khi dẫn lính đến bắt Chúa là một trong những cách Sa-tan dùng để chọc giận Chúa; nhưng Chúa đã không nóng giận trước cái hôn dùng làm dấu phản bội của ông. Là con dân Chúa chúng ta nhờ vào kết quả của Thánh Linh Chúa trong chúng ta mà tiết độ trong mọi sự. Mỗi hoàn cảnh “bị chọc giận” Chúa cho phép xảy đến với chúng ta là để chúng ta tự đo lường kết quả Trái Thánh Linh trong chúng ta.

Tình yêu không nóng giận vì bị khiêu khích nhưng tình yêu sẽ nóng giận trước những sự bất công, gian ác, nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

·         Từ ngữ “nghi ngờ sự dữ” trong Bản Dịch Truyền Thống cần phải sửa lại là “nghĩ đến sự dữ” cho đúng với nguyên ngữ của Thánh Kinh. Nghi ngờ sự dữ chỉ là một phương diện của nghĩ đến sự dữ. Một người có thể không nghi ngờ sự dữ cho một người khác nhưng vẫn có thể nghĩ đến những sự dữ mà mình muốn làm hoặc nghĩ đến những sự dữ mà mình muốn chúng xảy ra cho kẻ thù của mình. Sự dữ là tất cả những gì trái nghịch lại với tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Một vài sự dữ điển hình cho những sự dữ mà người ta thường nghĩ đến, là: tư tưởng về các sự tà dâm, ngoại tình; tư tưởng về những sự dối gạt; tư tưởng về những sự độc ác muốn làm ra cho kẻ thù. Nghĩ đến sự dữ còn gọi là nghĩ ác. Nghĩ ác dẫn đến những lời nói ác là những lời rủa sả, và những hành động ác.

Dù Đức Chúa Trời hình phạt kẻ có tội mà không cải hối nhưng Đức Chúa Trời không hề nghĩ ác. Lời phán của Ngài được ghi lại trong Giê-rê-mi 29:11 như sau: “…Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa…” Là con dân Chúa chúng ta phải nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời để “đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 10:5). Khi đó, “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jesus Christ.” (Phi-líp 4:7). Khi lòng và ý tưởng chúng ta được giữ gìn trong Đấng Christ thì chúng ta không còn nghĩ đến sự dữ, không còn nghĩ ác.

·         Từ ngữ “điều không công bình” có nghĩa là điều không đúng theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh. “Mọi sự không công bình đều là tội… “ (I Giăng 5:17).

Đức Chúa Trời không vui về những sự tội lỗi và Ngài cũng không vui khi kẻ ác bị hình phạt. “Chúa Giê-hô-va phán rằng: Thật vậy, Ta không vui đâu về sự chết của kẻ phải chết, vậy các ngươi hãy xây lại, mà được sống” (Ê-xê-chi-ên 18:32). Con dân Chúa không thể vui khi thấy sự bất công xảy ra, nhất là khi thấy anh chị em trong Chúa sống nghịch lại Lời Chúa.

Tình yêu không thể nào vui về điều không công bình vì tình yêu chỉ vui trong lẽ thật. Lẽ thật là Lời Chúa (Giăng 17:17). Lẽ thật cũng chính là Chúa (Giăng 14:6). Tình yêu vui trong Chúa và vui trong Lời Chúa.

·         Từ ngữ “che chở” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có nghĩa đen là che chở như một nóc nhà và nghĩa bóng là gìn giữ và  bảo vệ tất cả những gì trong trách nhiệm. Từ ngữ này không có nghĩa là bao che cho tội lỗi được tiếp tục phát triển. Tình yêu của một người trong Chúa gìn giữ và bảo vệ tất cả những gì thuộc về Lời Chúa và Hội Thánh của Ngài. Như mái nhà phải chống chỏi với sức tàn phá của nắng, mưa, giông, gió… để gìn giữ và bảo vệ mọi sự ở trong nhà, mỗi con dân Chúa cũng phải chống chỏi với sự tàn phá và bách hại từ tà giáo, giáo sư giả, tiên tri giả, người chăn giả, con chiên giả… để bảo vệ những gì thuộc về Lời Chúa và Hội Thánh Chúa. Mỗi một sự che chở đều có một cái giá phải trả và sự che chở phải bao gồm mọi sự Chúa đã trao vào trong trách nhiệm của chúng ta. Động cơ của sự che chở là Tình Yêu: Yêu Chúa và yêu người.

Hành động bao che, dung túng cho tội lỗi hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa không thể so sánh với sự bao che của tình yêu. Sự bao che, dung túng tội lỗi là đồng lỏa với kẻ phạm tội và vi phạm sự công chính của Thiên Chúa; trong khi sự che chở của tình yêu là gìn giữ, bảo vệ những điều chân thiện mỹ của Lời Chúa và con dân Chúa khỏi mọi hành động tội lỗi.

·         Từ ngữ “tin” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là cùng một từ ngữ được dùng trong Giăng 3:16 “Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” Ý nghĩa trọn vẹn của chữ “tin” là: “công nhận và làm theo.” Công nhận mà không làm theo thì không phải là tin mà chỉ là đồng ý. Thí dụ, có một nhà hảo tâm tuyên bố rằng trước 6 giờ chiều hôm nay, hễ ai bước qua cổng biệt thự của ông sẽ được ông tiếp đãi như khách quý và tặng cho một lượng vàng. Như vậy, chỉ những ai tin và bước qua cổng biệt thự của nhà hảo tâm trước 6 giờ chiều mới nhận được sự thực hiện lời hứa của ông. Những ai tin mà không làm theo lời tuyên bố hoặc làm theo mà không đúng, như bước qua cổng biệt thự sau 6 giờ chiều, thì không thể nhận được gì từ nơi nhà hảo tâm.

Đức Chúa Trời “tin mọi sự” có nghĩa là Ngài công nhận và làm theo tất cả những gì đúng theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công bình của Ngài đã được thể hiện trong Thánh Kinh. Đức Chúa Trời “tin mọi sự” có nghĩa là Ngài công nhận và đáp ứng những gì chúng ta kêu cầu, trình dâng, và làm ra trong tiêu chuẩn của Ngài. Là con dân Chúa chúng ta cần “tin mọi sự” trong Lời Chúa, tức là công nhận và làm theo mọi điều Chúa phán dạy, được ghi chép trong Thánh Kinh; đồng thời chúng ta công nhận và đáp ứng tất cả những gì mà các anh chị em của chúng ta nói và làm trong tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

Tình yêu tin mọi sự có nghĩa là tình yêu công nhận và làm theo mọi lời phán của Đức Chúa Trời; đồng thời công nhận và đáp ứng tất cả những lời nói và hành động đúng theo lời Chúa của bất cứ ai.

·         Từ ngữ “trông cậy” có nghĩa là mong muốn và chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Đức Chúa Trời trông cậy toàn bộ ý muốn và chương trình của Ngài được hiện thực để con dân của Ngài được vui sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài. Con dân Chúa và muôn vật cũng trông cậy điều đó: “Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời” (II Cô-rinh-tô 5:2). “Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy” (Rô-ma 8:22, 23). Đó là sự trông cậy phước hạnh (Tít 2:13) và là sự trông cậy trọn vẹn: “Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra” (I Phi-e-rơ 1:13).

Tình yêu trông cậy mọi sự có nghĩa là tình yêu mong muốn và chờ đợi tất cả những gì Chúa hứa trong Thánh Kinh được Ngài làm cho ứng nghiệm; đồng thời mong muốn và chờ đợi tất cả những việc làm đúng với Lời Chúa của con dân Chúa.

·         Từ ngữ “nín chịu:” Từ ngữ này khác với từ ngữ “nhẫn nại.” Trong khi “nhẫn nại” có nghĩa là chậm lại việc hình phạt kẻ có lỗi thì “nín chịu” nói đến sức mạnh chịu đựng bất công và nghịch cảnh cho đến cuối cùng, cho đến khi đạt được mục đích.

Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, cho nên, không có điều gì Ngài không thể chịu đựng. Nhưng khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu giới hạn trong xác thịt thì Ngài đã nín chịu mọi nghịch cảnh cho đến khi hoàn thành sự cứu rỗi nhân loại. Con dân Chúa chỉ có thể nín chịu bằng ân điển của Chúa: “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:9). Nhờ đó mà con dân Chúa có thể đồng thanh với Sứ Đồ Phao-lô: “Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự” (Phi-líp 4:13).

I Phi-e-rơ 4:8 – Kết Quả của Tình Yêu

“Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu chân thật; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.”

Tình yêu chân thật là tình yêu được mô tả trong I Cô-rinh-tô 13:4-8 trên đây. Mệnh đề: “vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi” không có nghĩa là tình yêu bao che và dung túng cho vô số tội lỗi. Từ ngữ “che đậy” trong nguyên tác của Thánh Kinh có nghĩa là: (1) che đậy sự hiểu biết về một điều gì đó; (2) làm cho một điều gì đó không thể hiện thực. Như vậy, “tình yêu che đậy vô số tội lỗi” có nghĩa là: (1) tình yêu khiến cho người ta không hiểu biết cách thức phạm tội, vì thế người ta không thể phạm tội; (2) nhờ đó, tình yêu khiến cho biết bao nhiêu tội lỗi không thể xảy ra.

Một ngày kia, Thiên Chúa của tình yêu sẽ làm mới lại tất cả muôn vật. Kẻ ác, sự dữ, tội lỗi và hậu quả của tội lỗi sẽ bị nhốt đời đời trong hồ lửa (Khải Huyền 20:10-15); và đối với tất cả con dân Chúa, Ngài “sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi” Khải Huyền 21:4). Đó là lúc kết quả của tình yêu đã kết thành trọn vẹn.