Của Lễ Sống

3,620 views

 I. Sự thương xót của Đức Chúa Trời

Trước hết, Phao-lô nhân danh sự thương xót của Đức Chúa Trời để khuyên các tín hữu dâng thân thể của họ lên Chúa. Chữ “dâng” mà Phao-lô dùng ở đây, trong nguyên tác là “hy sinh,” là bỏ đi mạng sống. Những độc giả đầu tiên của thư Rô-ma hiểu rất rõ ý nghĩa của từ ngữ “hy sinh” này. Trong bối cảnh văn hóa thời bấy giờ, người Do-thái lẫn người ngoại, ít nhiều gì cũng từng chứng kiến cảnh tượng những con thú bị hy sinh trên bàn thờ. Trong một ý nghĩa nhất định, khi đã hy sinh trên bàn thờ thì sinh vật được dùng làm của lễ phải bị giết, và sau đó thân xác bị thiêu đốt trong lửa.

Một người khi tình nguyện biến mình thành sinh tế để dâng lên Đức Chúa Trời thì người đó hiểu rằng mình tình nguyện hy sinh, tình nguyện chết. Nhưng khi một người đã chết trong Chúa thì sẽ được Ngài làm cho sống lại vì Chúa là Đức Chúa Trời “nhân từ, thương xót” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6), “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).

Câu chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác là hình bóng về một người được dâng lên cho Đức Chúa Trời như một của lễ sống và thánh (Sáng Thế Ký 22). Đối với Áp-ra-ham, từ khi ông quyết tâm vâng theo mệnh lệnh của Chúa thì Y-sác đã chết. Tuy nhiên, ông dâng Y-sác với đức tin tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời, rằng: “Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại” và Thánh Kinh ghi rõ: “cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình” (Hê-bơ-rơ 11:19).

Ngày hôm nay, bởi sự nhân từ, thương xót rất lớn của Đức Chúa Trời và bởi quyền năng siêu việt của Ngài, mà những ai dâng chính thân thể mình lên Chúa, đều được Ngài biến người ấy thành một của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ngài.

II. Của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời

Khi Đức Chúa Trời xưng ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, thì Ngài muốn chứng tỏ cho chúng ta biết:

– Ngài là Đức Chúa Trời của những ai tuyệt đối tin cậy Ngài như Áp-ra-ham.

– Ngài là Đức Chúa Trời của những ai dâng chính mình lên Ngài như Y-sác.

– Ngài là Đức Chúa Trời của những ai dù xấu xa, gian trá nhưng biết ăn năn và tìm cầu Chúa như Gia-cốp.

Ngày xưa, Y-sác đã bị trói lại, đặt lên bàn thờ như một sinh tế, nhưng Đức Chúa Trời đã khiến cho Y-sác được sống và biến thành của lễ sống đầu tiên trong lịch sử của loài người, làm hình bóng cho sự tình nguyện dâng thân thể mình làm của lễ chuộc tội cho nhân loại của Đấng Christ. Ngày nay, ai tình nguyện dâng chính thân thể mình lên cho Đức Chúa Trời sẽ được Ngài biến người ấy thành của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ngài. Sự dâng hiến thân thể mình lên cho Đức Chúa Trời nói lên: lòng ăn năn thống hối chân thành, quyết tâm từ bỏ tội của chúng ta cùng với đức tin tuyệt đối vào trong sự nhân từ, thương xót, và quyền phép của Đức Chúa Trời; rằng, Ngài sẽ khiến cho chúng ta được sống lại một con người mới với nếp sống thánh khiết, thuộc riêng về Ngài để làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta (I Phi-e-rơ 1:3; Ê-phê-sô 2:10).

Của lễ sống là của lễ sinh sôi, nảy nở, kết quả cho Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 13:23). Của lễ thánh, là của lễ dành riêng cho Đức Chúa Trời, thuộc về Ngài (I Phi-e-rơ 2:9). Một của lễ sống và thánh đương nhiên là một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, một của lễ được Ngài ưa thích. Đức Chúa Trời ưa thích chúng ta dùng thân thể mình để làm sáng danh Ngài (Giăng 15:8; I Cô-rinh-tô 6:20), để đem tình yêu và Tin Lành cứu rỗi của Ngài đến cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19).

III. Sự thờ phượng phải lẽ

Chúng ta thường nghĩ rằng: đi nhà thờ, hát thánh ca, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, nghe giảng… là thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là những hành động bên ngoài của thể xác, biểu hiệu cho sự thờ phượng thật trong tâm thần của chúng ta, hoặc là những hành động giả hình nếu trong lòng chúng ta không thật sự thờ phượng Chúa. Một người rất có thể có đời sống vô cùng “ngoan đạo” nhưng trong lòng không hề có sự tôn kính, thờ phượng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus phán:

“Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:23, 24)

Một người thật sự tôn kính, thờ phượng Chúa là một người được Đức Chúa Trời ưa thích. Thờ phượng Chúa bằng tâm thần nghĩa là trong chúng ta tuyệt đối không còn một thần tượng nào, kể cả thần tượng hóa chính mình, không còn ham mến thế gian cùng những gì thuộc về thế gian, mà chỉ có duy nhất sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Một người thật sự tôn kính Chúa là một người tình nguyện dùng chính thân thể mình làm của lễ dâng lên Đức Chúa Trời. Người đó tha thiết sống cho Chúa, khao khát sớm được vào trong cõi đời đời với Chúa, đến nổi thế gian và những gì thuộc về thế gian không còn vướng bận trong tâm trí của người nữa. Thờ phượng Chúa bằng lẽ thật là thờ phượng Chúa theo như sự chỉ dạy của Ngài trong Thánh Kinh và bằng tấm lòng chân thật.

Chữ “thờ phượng phải lẽ” trong nguyên tác có nghĩa là sự thờ phượng được chấp nhận. Hành động dâng thân thể mình làm của lễ sống cho Đức Chúa Trời là hành động thờ phượng Đức Chúa Trời mong đợi nơi con dân Ngài và là hành động thờ phượng Đức Chúa Trời cao cả nhất mà một người có thể thực hiện.

IV. Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa…

Bí quyết và cũng là điều kiện duy nhất để một người có thể dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh cho Đức Chúa Trời là “đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình.

Sự đổi mới của tâm trí chúng ta là do Đức Chúa Trời chủ động. Ngài làm công việc tái sinh chúng ta và nhờ sự tái sinh đó mà tâm thần (spirit) của chúng ta được tương giao với Chúa khiến cho tâm trí (mind) của chúng ta hiểu biết thánh ý của Chúa trên đời sống của chúng ta. Khi đã có sự hiểu biết về Chúa qua tâm trí đã được Chúa đổi mới của chúng ta, chúng ta cần đi đến quyết định (will). Hoặc là chúng ta quyết định cứ làm theo đời này như bao nhiêu người không biết Chúa, hoặc là chúng ta quyết định thay đổi nếp sống theo sự hiểu biết của tâm trí mình. Sự thay đổi nếp sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa chính là sự biến hóa mà Thánh Kinh đề cập trong Rô-ma 12:2.

Một người đã quyết định không còn làm theo đời này nhưng thay đổi nếp sống theo sự hiểu biết về Chúa trong tâm trí mình có thể chọn lựa tự mình cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Chúa hoặc chọn lựa dâng hiến thân thể mình lên Chúa để Ngài toàn quyền sử dụng.

Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ thì chúng ta được Chúa tha tội, được Chúa tái sinh; nhưng chỉ khi chúng ta dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời thì chúng ta mới được đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta được tái sinh, được vào nước trời vì tin nhận Chúa nhưng chúng ta chỉ được đầy dẫy Thánh Linh và được sống sung mãn khi chúng ta hoàn toàn dân hiến thân thể mình lên Chúa.

 Kết luận

Chúng ta sẽ không bao giờ có thể thờ phượng Chúa, sống cho Chúa, và hầu việc Chúa một cách phải lẽ, đẹp lòng Chúa cho đến khi chúng ta dâng thân thể của chúng ta làm của lễ sống và thánh lên Chúa. Đức Chúa Trời cũng không chấp nhận một của lễ nào khác của chúng ta cho đến khi chúng ta dâng chính thân thể mình làm của lễ đẹp lòng Ngài. Dâng thân thể của mình cho Chúa là không để cho thân thể của mình làm bất cứ một điều gì không đẹp ý Chúa, và luôn luôn hết sức làm những gì đẹp lòng Chúa, theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Thân thể chúng ta dâng lên Chúa được Chúa biến thành đền thờ, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong thân thể chúng ta (Giăng 14:23; I Cô-rinh-tô 6:19), và đó là sự thờ phượng phải lẽ Đức Chúa Trời mong đợi nơi chúng ta.

Đức Chúa Trời đã tái sinh chúng ta, trao cho chúng ta năng lực và thẩm quyền để bắt phục thân thể mình, vậy nên, chúng ta hãy biến hóa thân thể mình thành đồ dùng của sự công bình. Khi chúng ta hoàn toàn đầu phục Chúa từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác, chúng ta sẽ kinh nghiệm được thánh ý tốt lành, trọn vẹn, và thỏa lòng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta.

Huỳnh Christian Timothy
22/07/2007