Hỏi & Đáp: Ân Điển, Dâng Hiến, Dâng Con Làm Của Lễ Thiêu

3,058 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Chào Anh Tim, nguyện ân điển thiên thượng & bình an trong Chúa Jesus Christ chúng ta cùng tình yêu vận hành trong Đức Thánh Linh phủ bao anh Tim cùng gia đình. XIn anh giúp tôi xác định 3 lẽ thật sau:

1. Khi thời điểm nào là lúc chúng ta sống hoàn toàn trong ân điển của Chúa Jesus Christ?

2. Dâng hiến thời đại Tân ước (Ân điển) có bắt buột không?

3. Trong II Các vua 3:1-27 có sự kiện vua Mô áp bắt con mình kế vị dâng làm của lễ thiêu tại trên vách thành, thì Đức giê hô va lại nổi giận cùng I-sơ-ra-ên? Đó là dâng lễ thiêu cho đối tượng nào và tại sao?

Rất cảm ơn anh Tim.


Đáp:

1. Thời điểm ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ban cho nhân loại là khi Ngài hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá, khi bức màn trong đền thờ bị xé hai. Thời điểm mỗi cá nhân hoàn toàn sống trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là khi cá nhân ấy hoàn toàn để cho Đấng Christ làm chủ mình. Câu hỏi minh họa sau đây giúp cho chúng ta hiểu khi nào thì một người hoàn toàn sống trong ân điển của Chúa.

Trời mưa tầm tả. Có ba cái thùng để giữa sân. Thùng thứ nhất chứa đầy cát. Thùng thứ nhì thì ½ thùng chứa cát. Thùng thứ ba hoàn toàn trống không. Sau cơn mưa, thùng nào hứng được nhiều nước nhất?

Nếu nước mưa là ân điển của Đức Chúa Jesus Christ tuôn đổ cách dư dật trên đời sống của con dân Chúa, mỗi cái thùng là tấm lòng của mỗi con dân Chúa; cát là những sự thuộc về thế gian được con dân Chúa ưa thích và chất chứa trong lòng; thì một người có tấm lòng như thế nào sẽ được sống hoàn toàn trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ?

Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ không chỉ là sự tha tội và làm cho sạch tội những ai ở trong Ngài, mà còn là sự bình an thế gian không có được, và sức toàn năng để thắng mọi cám dỗ, tội lỗi, nghịch cảnh, làm được tất cả những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai ở trong Đấng Christ.

2. Trong thời Tân Ước không còn sự dâng hiến 1/10 vì mục đích của sự dâng 1/10 là để nuôi các thầy tế lễ Lê-vi và chi phí cho mục vụ trong đền thờ. Trong thời Tân Ước, thân thể mỗi con dân Chúa là đền thờ Thiên Chúa và mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Trong thời Tân Ước cũng không còn việc dâng hiến sinh tế chuộc tội, dâng hiến các tế lễ cảm tạ lên Chúa; vì các sự dâng hiến đó là hình bóng cho sự chuộc tội mà Đấng Christ sẽ làm ra cho nhân loại và hình bóng cho các việc lành mà con dân Chúa sẽ làm ra trong danh Chúa trong Thời Ân Điển.

  • Sự dâng sinh tế chuộc tội thì Đấng Christ đã làm một lần đủ cả trên thập tự giá.

  • Sự dâng các lễ vật để tôn vinh và cảm tạ Chúa đã được thay thế bằng sự dâng chính thân thể của mỗi con dâng Chúa: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1); và thay thế bằng việc dâng các việc lành, lời tôn vinh, xưng danh của Chúa ra: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miệng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Khi chúng ta dâng thân thể mình lên Chúa thì tất cả những gì chúng ta làm ra, đều thuộc về Chúa cả. Từ đó, chúng ta trở thành người quản trị của nhà Đức Chúa Trời “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa” (I Phi-e-rơ 4:10). Chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp cho chúng ta biết phân phối tài sản, sức khỏe, thời gian Chúa đặt để trong tay của chúng ta, theo ý Chúa. Đối với người dạy Đạo cho mình thì chia sẻ tiền bạc, sản vật với người đó, theo sự dẫn dắt của Chúa: “Kẻ nào mà người ta dạy Đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó” (Ga-la-ti 6:6).

3. Câu II Các Vua 3:27 trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống là: “Người bèn bắt thái tử, là kẻ phải kế vị mình, dâng làm của lễ thiêu tại trên vách thành. Bèn có cơn thạnh nộ nổi phừng cùng I-sơ-ra-ên; thì họ lìa khỏi vua Mô-áp, và trở về xứ mình.” Mệnh đề: “cơn thạnh nộ nổi phừng cùng I-sơ-ra-ên,” (King James Version: “And there was great indignation against Israel,”) trong nguyên ngữ cũng có thể dịch là: “Sự mất tinh thần lớn trong dân I-sơ-ra-ên.”

Vua Mô-áp dâng con trai mình làm của lễ thiêu là dâng cho thần Kê-móc, là một tà thần của dân Mô-áp (I Các Vua 11:7). Hành động đó được thi hành ngay trên vách thành, trước sự chứng kiến của liên quân I-sơ-ra-ên, Giu-đa, và Ê-đôm, khiến cho:

  • xảy ra sự mất tinh thần trong liên quân, vì họ thấy quyết tâm chiến đấu cho đến mạng sống cuối cùng của vua Mô-áp, nên họ rút lui; hoặc

  • xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa quân Giu-đa và Ê-đôm đối với quân I-sơ-ra-ên không muốn tiếp tục cuộc vây thành nữa, vì họ thấy bất nhẫn trước hành động của vua Mô-áp;

  • quân I-sơ-ra-ên và Giu-đa sợ sẽ bị họa lây mà Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống trên dân Mô-áp vì hành động dâng con cho tà thần của Vua Mô-áp, nên họ rút quân, khiến dân Ê-đôm cũng rút theo.

Đây không thể là sự tức giận của Đức Chúa Trời đối với liên quân, vì liên quân tấn công theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời (3:19) và không có trách nhiệm trong việc dâng người làm của lễ thiêu cho tà thần của vua Mô-áp.

Huỳnh Christian Timothy
17.9.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/folder/18qyns4flqfbj/2013_hoidap