Video Chân Giả Luận: 23 Thế Nào Là Hiếu Thật

2,620 views

 

 

23 – Thế Nào Là Hiếu Thật

Hỏi: Việc thờ cúng tổ tiên là một việc làm tốt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc trên trước, tại sao phải bỏ đi?

Đáp: Thầy Tăng Tử, học trò của Khổng Tử, có nói rằng: “Giết trâu tế mộ chẳng bằng giết con gà, con heo lúc cha mẹ sinh tiền.” Người chết không có thể xác vật lý nên không ăn uống, không sinh hoạt như người sống. Chúng ta chẳng thể làm gì được cho ông bà, cha mẹ đã qua đời; có làm trâu mổ bò gì cũng là điều vô ích. Muốn thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, việc trước tiên là ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục. Kế tiếp là tôn kính và hiếu thuận, phụng dưỡng chu đáo đang lúc ông bà, cha mẹ còn sống; cho ăn con gà cũng đủ làm vui, hoặc nấu cho món ăn các vị ưa thích. Khi cha mẹ đau ốm thì chăm lo thuốc men chữa trị; khi cha mẹ buồn bã, cô đơn thì năng tới lui, thăm viếng, an ủi. Như vậy, mới thật sự là “hiếu thảo.” Đừng làm như những người lúc cha mẹ còn sinh tiền thì đối xử rất tệ bạc, nhưng đến khi cha mẹ qua đời thì làm lễ tang trọng thể, hàng năm tổ chức mâm giỗ linh đình để được tiếng là hiếu, nhưng cũng chỉ để những người sống ăn là chính, như tục ngữ có câu: “Sống một miếng chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi.” Thật lạ lùng lắm. Vả lại, hai phần ba dân số trên thế giới không bày tỏ tấm lòng hiếu thuận của họ như chúng ta đã làm, như: đốt giấy tiền vàng bạc tiễn đưa ông bà vào cõi chết, rải giấy tiền vàng bạc đầy đường khi đưa tang (mục đích hối lộ cho ma quỷ đừng hiếp đáp người mới chết), làm mâm giỗ linh đình hàng năm, làm hàng mã đốt cúng theo cho ông bà dùng… Họ thể hiện tấm lòng hiếu thảo một cách thiết thực hơn, điển hình như người Mỹ, hàng năm, họ dành riêng hai chủ nhật để mừng cha mẹ, là ngày “Lễ Phụ Thân” và ngày “Lễ Mẫu Thân.” Mục đích để con cháu ghi nhớ và bày tỏ tấm lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.

Người theo đạo Tin Lành thể hiện chữ “hiếu” theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời đã ban bố nơi điều răn thứ năm, có kèm theo lời hứa, sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, đoạn 5, câu 16: “Phải hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Giê-hô-va nghĩa là Đấng Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi). Người Tin Lành không làm bàn thờ, thắp đèn nhang nghi ngút hay tổ chức cúng giỗ hàng năm vì người Tin Lành hiểu rằng người chết không về ăn giỗ như người ta tin; mà người Tin Lành chỉ bày tỏ tấm lòng tôn quý ông bà cha mẹ mình qua những hành vi thiết thực hơn, như: đang khi cha mẹ còn sống, phụng dưỡng chu đáo, hiếu thuận cho vừa ý song thân. Nếu cha mẹ chưa tin nhận Đức Chúa Giê-xu, thì việc quan trọng và cần kiếp trên hết là phải hướng dẫn cha mẹ đến với Chúa qua hành động biểu lộ tấm lòng yêu thương của mình cho cha mẹ, nêu gương sáng của một con cái Chúa cho những người trong gia đình được biết, và kiên trì khuyên lơn cha mẹ tin nhận Cứu Chúa để linh hồn cha mẹ không phải sa vào hỏa ngục sau khi chết. Khi cha mẹ từ trần, việc tang lễ phải tùy theo hoàn cảnh và tình trạng của mỗi gia đình mà tổ chức cho hợp với lẽ phải trong tinh thần cần kiệm, không rườm rà, lãng phí. Không mời thầy bói, thầy tụng xem ngày giờ hoặc tìm long điểm huyệt, không nghe những lời bày vẽ mê tín để bày ra những lễ lạc rình rang, tốn kém…

Như vậy, thế nào mới gọi là hiếu thật? Theo lịch sử Việt Nam, trước đời nhà Đinh, tổ tiên của chúng ta cũng chỉ biết thờ “Trời” và hiếu kính cha mẹ theo cách tự nhiên. Về sau này, do chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau, kết hợp thêm với những suy luận cá nhân, dẫn đến việc thờ cúng lung tung cùng với đủ thứ lễ lạc rườm rà, gây biết bao nhiêu hao phí tiền của và sức lực của con cháu, như thế, thật không phải là hiếu. Hiếu thật là: nếu cha mẹ là người hiền, chúng ta phải học hỏi và phát huy những mặt tốt của cha mẹ, đó là “đạt hiếu” như Võ Vương đời xưa. Nếu cha mẹ không phải là người hiền, chúng ta cũng phải biết khắc phục và sửa chửa những sai lầm của cha mẹ như Vua Thuấn đời xưa, đó mới là “đại hiếu.”

Từ tấm lòng hiếu thảo ấy mà biết đối xử hợp tình hợp lý với anh em mình, giúp đỡ cho họ hàng, dòng tộc mình cùng tiến lên; từ đó nảy sinh thêm những thứ tình yêu bao la hơn và làm nên nghiệp lớn, trở nên người hữu ích cho xã hội và cho đất nước. Như thế, nếu đem so sánh việc hiếu là cúng tế tổ tiên với hiếu này thì sẽ thấy rõ ràng đâu là hiếu thật đâu là hiếu giả.