Đến với Tri Thức về Lẽ Thật

272 views

YouTube: https://youtu.be/_Uk1QOFmOUA

202402 Bài Giảng Trong Năm 2024
Đến với Tri Thức về Lẽ Thật
I Ti-mô-thê 2:1-7

Huỳnh Christian Timothy

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Ti-mô-thê 2:1-7

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người,

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

3 Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

5 Vì có một Thiên Chúa và có một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!

6 Đấng đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng trong đúng thời điểm của nó.

7 Vì lời chứng ấy, ta đã được chỉ định làm người rao giảng và sứ đồ, ta nói thật trong Đấng Christ, ta không nói dối, làm giáo sư cho các dân ngoại trong đức tin và lẽ thật.

Kính thưa Hội Thánh,

Trong mấy ngày đầu năm mới 2024 này, chúng ta đang cùng nhau suy ngẫm Lời Chúa trong I Ti-mô-thê. Trong dịp này, khi suy ngẫm I Ti-mô-thê 2:1-7 [1], tôi đã dừng lại, ngẫm nghĩ nhiều ở câu 4, là câu nói về sự Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật”. Vì trong lần suy ngẫm này của tôi, câu ấy đã được Đức Thánh Linh dùng để chỉ ra cho tôi biết một nan đề lớn trong Hội Thánh. Nan đề ấy đã có từ khi Hội Thánh được thành lập. Nan đề ấy sẽ vẫn tồn tại trong Hội Thánh cho tới ngày Đấng Christ đến. Bởi một lý do duy nhất: Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người quyền tự do lựa chọn và quyết định. Nếu một người chọn và quyết định không sống theo Lời Chúa thì không còn gì Đức Chúa Trời có thể làm được cho người ấy; ngoài việc sớm cất đi mạng sống của người ấy để người ấy không tiếp tục phạm tội mà bị hình phạt càng nhiều, trong ngày phán xét chung cuộc.

Nan đề lớn trong Hội Thánh mà Đức Thánh Linh chỉ ra cho tôi, qua I Ti-mô-thê 2:4, là có rất nhiều người tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa nhưng không chịu đến với tri thức về lẽ thật. Chính vì không chịu đến với tri thức về lẽ thật mà nhiều người sau khi tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, được tha tội, được làm cho sạch tội, được tái sinh thành người mới thì lại quay về sống trong tội. Lời của Đức Chúa Jesus phán với những người I-sơ-ra-ên đã tin Ngài, được ghi lại trong Giăng 8:31-32 như sau: “Nếu các ngươi cứ ở lại trong Lời của Ta, các ngươi thật là những môn đồ của Ta. Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi.”

Một người tin Đấng Christ là một người tin lời rao giảng và kêu gọi của Ngài, nhận mình là tội nhân, thật lòng ăn năn tội, tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài, và cứ ở lại trong Lời của Ngài. Cứ ở lại trong Lời của Ngài là cứ vâng theo mọi lời phán dạy của Ngài. Đó là phương cách mà người ấy đến với tri thức về lẽ thật. Tri thức ấy sẽ giải phóng người ấy ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, bao gồm những ham muốn bất chính, như: tham tiền, tham quyền, tham lợi, tà dâm, kiêu ngạo, tự ái không đúng, và mọi thú vui không đem lại ích lợi. Tất cả chúng là những sự thuộc về thế gian, dẫn đến sự hư mất đời đời. Tri thức về lẽ thật còn giúp cho một người thoát khỏi những tai ương, hoạn nạn, nghèo khổ về vật chất trong cuộc sống. Vì người hết lòng sống theo Lời Chúa luôn được Chúa ban ơn, bảo vệ, xuống đủ mọi thứ phước thiêng liêng từ các nơi trên trời (Ê-phê-sô 1:3). Đó là năng lực của tri thức về lẽ thật. Nếu một người không đến với tri thức về lẽ thật để có sự hiểu biết cần có mà áp dụng vào đời sống, thì người ấy sẽ nhanh chóng rơi trở lại vào nếp sống tội.

Trong ngụ ngôn gieo giống, Đức Chúa Jesus nói về hai loại người sau khi tin nhận Tin Lành đã mất đi đức tin, vì họ đã không cứ ở lại trong Lời của Ngài, không đến với tri thức về lẽ thật (Ma-thi-ơ 13:5-7, 20-22).

Loại người thứ nhất, khi đức tin bị thử thách thì không thể chịu khổ để theo Chúa. Đức Chúa Jesus đã dùng hình ảnh hạt lúa rơi nhằm vùng đất sỏi đá, nảy mầm, mọc lên cây lúa nhưng không có rễ bám sâu vào đất để tiêu biểu cho loại người này. Khi mặt trời lên, thì cây lúa bị ánh nắng làm cho khô héo và chết. Ánh nắng của mặt trời vốn giúp cho các loài thực vật tăng trưởng nhưng trở thành lý do khiến cho cây lúa non bị chết. Những sự thử thách Đức Chúa Trời cho phép xảy ra trong đời sống của con dân Chúa là để giúp họ tăng trưởng trong Chúa. Nhưng nếu họ không có tri thức về lẽ thật thì họ sẽ oán trách Chúa và ngã lòng, mất đức tin.

Những người không thể chịu khổ vì danh Chúa là những người không biết đến lẽ thật này: Con dân Chúa được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa.

Họ đã làm cho vững linh hồn của các môn đồ, khuyên cứ ở lại trong đức tin; và rằng, chúng ta phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22).

Đừng khiếp sợ trong bất cứ sự gì bởi những kẻ chống nghịch. Thực tế, sự ấy đối với chúng nó là một chứng cớ của sự bị hư mất, nhưng đối với các anh chị em là một chứng cớ của sự cứu rỗi; và sự ấy là từ Thiên Chúa. Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài, có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.” (Phi-líp 1:28-30).

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi phải vì các anh chị em mà cảm tạ Đức Chúa Trời luôn luôn. Điều đó là phải lắm, vì đức tin của các anh chị em rất tấn tới, và tình yêu của mỗi người trong hết thảy các anh chị em đối với nhau càng thêm lên. Để cho chính chúng tôi cũng được vinh hiển trong các anh chị em giữa các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhẫn nại và đức tin của các anh chị em trong mọi sự bách hại và khó khăn mà các anh chị em đang chịu đựng. Đó là chứng cớ về sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, để các anh chị em được kể xứng đáng cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời, bởi đó mà các anh chị em chịu khổ.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3-5).

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.” (I Phi-e-rơ 4:19).

Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Loại người thứ nhì, vì lo lắng về các nhu cầu vật chất trong cuộc sống, hoặc vì quá ham muốn làm giàu mà dần dần đức tin bị chết đi. Đức Chúa Jesus đã dùng hình ảnh hạt lúa rơi nhằm bụi gai, nảy mầm, mọc lên cây lúa nhưng bị gai lấn ép để tiêu biểu cho loại người này. Bụi gai che khuất ánh nắng, hút hết chất dinh dưỡng nên cây lúa bị nghẹt ngòi mà chết đi. Vì không có sự tri thức về lẽ thật mà một người cứ lo lắng về đời này và cứ ham muốn sự giàu có, dẫn đến sự mất đức tin.

Những người cứ lo lắng về đời này và ham muốn làm giàu là những người không biết đến lẽ thật này: Đức Chúa Trời hứa quan phòng đời sống của con dân Chúa và Đức Thánh Linh khuyên con dân Chúa phải thỏa lòng khi có ăn, có mặc, đừng ham muốn làm giàu.

Ma-thi-ơ 6:31-34

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc: Chúng ta sẽ uống gì? Hoặc: Chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha trên trời của các ngươi biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo những việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Trong thực tế, suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, có biết bao nhiêu người tin Chúa mà không cứ ở lại trong Lời của Ngài nên họ đã không đến với tri thức về lẽ thật. Chính vì thế mà họ cùng nhau tạo ra nhiều giáo hội, giáo phái mang danh Chúa, giảng dạy những điều không đúng với lẽ thật. Mặc dù phần nhiều các tổ chức tôn giáo ấy rao giảng đúng về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng họ không giảng dạy các lẽ thật khác của Lời Chúa cho người tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Vì những người ở trong các giáo hội đã không biết đến các lẽ thật khác ngoài lẽ thật về sự chết chuộc tội của Đấng Christ, khi họ không đến với tri thức về lẽ thật.

Dưới đây là vài trường hợp điển hình.

Giáo Hội Công Giáo rao giảng về sự chết chuộc tội của Đấng Christ nhưng dạy rằng, bà Ma-ri, mẹ của Chúa, đồng công trong ơn cứu rỗi; dạy rằng, sau khi chết, người tin Chúa vẫn phải vào ngục luyện tội để chịu khổ cho tới khi được sạch tội thì mới được vào thiên đàng; dạy rằng, cầu nguyện, đọc kinh, tham dự lễ, làm việc lành có thể giúp rút ngắn thời gian ở ngục luyện tội. Khi giảng dạy như vậy, Giáo Hội Công Giáo đã phủ nhận các lẽ thật của Lời Chúa.

Nếu bà Ma-ri đồng công với Đức Chúa Jesus Christ trong sự cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi, thì loài người phải được cứu nhờ danh của bà Ma-ri và của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng Thánh Kinh dạy rằng:

Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Nếu người tin Chúa sau khi chết phải vào ngục luyện tội, chịu khổ cho tới khi sạch tội thì sự chết của Đức Chúa Jesus đã không hoàn toàn rửa sạch tội cho loài người. Nhưng Thánh Kinh dạy rằng, sự chuộc tội của Đấng Christ là một lần đủ cả:

Hê-bơ-rơ 7:24-27

24 Nhưng Ngài còn lại cho đến mãi mãi, nên Ngài có chức thầy tế lễ không hề đổi thay.

25 Bởi đó, Ngài cũng có thể cứu toàn vẹn những ai nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

26 Vì thầy tế lễ thượng phẩm như thế thích hợp cho chúng ta, Ngài thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi những kẻ có tội, được làm cho cao hơn các tầng trời.

27 Đấng không cần mỗi ngày dâng sinh tế như các thầy tế lễ thượng phẩm, trước vì những tội của chính họ, sau vì những tội của dân chúng. Vì Ngài đã làm việc đó một lần đủ cả, khi dâng chính mình Ngài.

Các Giáo Hội Ân Tứ, các Giáo Hội Ngũ Tuần dạy về Tin Lành Thịnh Vượng. Họ dạy rằng, người thực sự tin Chúa sẽ được Chúa ban phước vật chất, sức khỏe, và sự giàu có; dạy rằng, Chúa muốn con dân Chúa được thịnh vượng, giàu có, khỏe mạnh để chứng tỏ phước lành của Ngài; dạy rằng, sự nghèo khó là kết quả của sự thiếu đức tin, và sự bệnh tật là kết quả của sự phạm tội. Nhưng Thánh Kinh đã dạy rõ, con dân Chúa phải thỏa lòng khi có ăn, có mặc, không nên ham muốn sự giàu có, như đã chép trong I Ti-mô-thê 6:6-10.

Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Trời có thể cho phép Sa-tan khiến cho con dân Chúa bị bệnh để thử thách đức tin của họ. Gióp đoạn 1 và đoạn 2 dạy rõ về lẽ thật này. Bản thân Sứ Đồ Phao-lô đang khi rao giảng Tin Lành cũng bị bệnh. Ép-ba-phô-đích là người được Hội Thánh tại Phi-líp gửi đến Rô-ma để chăm sóc Phao-lô, khi Phao-lô bị tù, cũng từng bị bệnh gần chết. Chắc chắn, Phao-lô và Ép-ba-phô-đích bị bệnh không phải vì họ phạm tội.

Nhiều giáo phái trong Giáo Hội Kháng Cách (Protestant Church) và Giáo Hội Tin Lành (Evangelical Church) dạy rằng, người được cứu một lần thì được cứu vĩnh viễn (Once Saved Always Saved). Có nghĩa là khi một người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì người ấy được cứu và sẽ không bao giờ mất đi sự cứu rỗi, dù cho người ấy quay lại sống trong tội. Nhưng Thánh Kinh đã dạy rất rõ ràng:

Hê-bơ-rơ 6:4-8

4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,

6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.

7 Vì đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho họ, những người cày xới nó, thì nhận phước từ Đức Chúa Trời.

8 Nhưng nếu nó sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và gần sự nguyền rủa. Sự cuối cùng của nó là vào trong sự thiêu đốt.

Hê-bơ-rơ 10:26-31

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước mà bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

30 Vì chúng ta biết Đấng đã phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán vậy. Lại phán: Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35-36; Thi Thiên 135:14]

31 Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!

II Phi-e-rơ 2:19-22

19 Trong khi chúng nó hứa sự tự do cho họ thì chính chúng nó làm nô lệ cho sự hư hại; vì có sự gì đã thắng hơn người thì người là nô lệ cho sự đó.

20 Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu.

21 Vì thà chúng nó không biết đường công chính, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó.

22 Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.

Hầu hết các giáo hội mang danh Chúa bác bỏ việc con dân Chúa phải tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy, là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Quý ông bà, anh chị em có thể vào xem các bài biện giáo về ngày Sa-bát mà chúng tôi đã đăng trên mạng, để đến với tri thức về ngày Sa-bát và thấy sự vô lý của những kẻ bác bỏ sự tôn thánh ngày Sa-bát [2].

Nhiều người tin nhận Chúa nhưng không đến với tri thức về lẽ thật nên họ thờ phượng Thiên Chúa theo các truyền thống sai trật Lời Chúa của các giáo hội. Họ thản nhiên gọi ngày họ mừng Đức Chúa Jesus được sinh ra làm người là ngày Christmas. Họ chúc nhau “Merry Christmas” mà họ không biết Merry Christmas có nghĩa là: mừng sự chết của Đấng Christ! Tôi xin trích dẫn phần dưới đây trong bài “Christmas: Sự Thật về Christmas” đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com [3]

[Trích:]

Vào năm 1038, không rõ vì nguyên cớ nào, “Lễ Sinh Nhật Đấng Christ” biến thành Christmas trong Anh ngữ [8] và cho đến nay, đã trở thành danh xưng quốc tế, khắp nơi trên thế giới gọi ngày 25 tháng 12 là Christmas. Ngoại trừ một số nước Hồi Giáo, các nước khác trên thế giới đều công nhận Christmas là ngày lễ chính thức của quốc gia.

Vì sao, lễ kỷ niệm sinh nhật của Chúa mà không gọi là “Christ’s Birthday” lại gọi là Christmas? Christmas viết tắt từ “Christ’s Mass”. Chữ “Mass” là danh từ người Công Giáo dùng gọi sự giết chết một nạn nhân để dâng lên Đức Chúa Trời. Như vậy, “Christmas” có nghĩa là “Sự Đấng Christ bị giết để dâng lên Đức Chúa Trời”. Trang 537 của bộ Bách Khoa Từ Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia) định nghĩa “Mass” như sau: “Trong luật pháp của Cơ-đốc, sự tế lễ tối cao là Mass. Hành động thờ phượng tối cao nhất thiết bao gồm sự dâng hiến một nạn nhân lên Đức Chúa Trời, sự dâng hiến được thực hiện bởi một người xứng đáng, như một thầy tế lễ, (và) sự hủy diệt của nạn nhân” [9]. Các linh mục Công Giáo cử hành “Mass” mỗi ngày để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi họ cử hành “Mass” là họ “hủy diệt Đấng Christ” để dâng lễ lên Đức Chúa Trời. Cho nên, người Công Giáo tin rằng sau khi linh mục đọc kinh thì bánh và rượu nho [10] biến thành thịt và máu thật của Chúa. Trong ý nghĩa đó, các linh mục Công Giáo “giết” Chúa Jesus mỗi ngày trên bàn thờ, sau đó ăn thịt “thật” và uống huyết “thật” của Chúa, phần còn dư lại thì đem khóa kín trong tủ thờ!

[Hết trích.]

Quý ông bà, anh chị em cũng nên đọc thêm bài “Christmas: Sự Thật Hiển Nhiên về Christmas”. Bài này cũng đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com [4].

Tương tự như vậy, những người tin Chúa trong các giáo hội tổ chức mừng sự phục sinh của Đấng Christ vào Chủ Nhật đầu tiên, theo sau tiết xuân phân. Ngày này thường rơi vào trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 25 tháng 4 Dương Lịch. Họ gọi lễ mừng sự phục sinh của Đấng Christ là Lễ Easter và họ chúc nhau: Happy Easter. Họ không biết “Easter” là tên một nữ tà thần trong thần thoại của dân Đức và Chủ Nhật sau tiết xuân phân là sinh nhật của nữ tà thần Easter. Tại sao con dân Chúa lại gọi ngày lễ mừng Đấng Christ phục sinh là Lễ Easter? Tại sao con dân Chúa không tổ chức mừng Đấng Christ phục sinh vào đúng ngày Chúa phục sinh mà tổ chức vào ngày dân ngoại mừng sinh nhật của nữ tà thần? Tại sao con dân Chúa không chúc nhau vui mừng Chúa phục sinh mà chúc nhau vui mừng Easter? Quý ông bà, anh chị em có thể đọc bài “Easter: Huyền Thoại về Easter” đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com [5]. Và xin đọc bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” để biết con dân Chúa nên kỷ niệm sự Chúa phục sinh vào ngày nào. Bài này đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com/thanhoc [6].

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình về sự con dân Chúa sau khi tin nhận sự cứu rỗi đã không đến với tri thức về lẽ thật nên bị các giáo hội mang danh Chúa dẫn đi sai lạc Lời Chúa. Điều nghiêm trọng là nếu con dân Chúa không đến với tri thức về lẽ thật thì họ sẽ bị nô lệ cho các giáo hội, không sống đúng theo Lời Chúa, đức tin sẽ bị mất, và bản thân của họ quay về sống trong tội. Kết quả cuối cùng là họ sẽ bị trật phần ân điển, tức là không được ở trong sự cứu rỗi, sẽ bị hư mất đời đời.

Làm thế nào để đến với tri thức về lẽ thật?

Sự đến với tri thức về lẽ thật là sự ban cho vô điều kiện của Thiên Chúa. Vì Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Trong I Ti-mô-thê 2:1-7, Phao-lô đã không dùng danh xưng Đức Chúa Trời mà dùng danh xưng Thiên Chúa. Điều đó hàm ý, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Xin quý ông bà, anh chị em đọc lại bài “Lời Giới Thiệu về Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời” đã được đăng trên khu mạng thanhkinhvietngu.net [7] để biết sự khác biệt giữa danh xưng Thiên Chúa và danh xưng Đức Chúa Trời trong nguyên ngữ của Thánh Kinh.

  • Đức Chúa Trời muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật nên Ngài đã ban ơn cứu rỗi và Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, cho loài người.

  • Đức Chúa Jesus Christ muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật nên Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá, làm sinh tế chuộc tội cho loài người; và rao giảng về ý muốn của Đức Chúa Trời đối với loài người.

  • Đấng Thần Linh muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật nên Ngài tác động trong họ để họ hiểu và tin nhận Tin Lành. Ngài tác động trong nhiều người để họ ghi chép Thánh Kinh, bày tỏ mọi lẽ thật cho loài người. Ngài ban sự thông sáng cho những ai thật lòng tìm kiếm lẽ thật để họ hiểu biết đúng Thánh Kinh và Ngài ban cho họ năng lực và sự khôn sáng để họ áp dụng sự hiểu biết ấy vào trong đời sống.

Được cứu rỗi là được cứu ra khỏi hình phạt và sức mạnh của tội lỗi bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Sự được cứu rỗi không phải là sự ban cho vô điều kiện của Đức Chúa Trời, như một số giáo hội giảng dạy, mà là sự ban cho kèm theo hai điều kiện. Thứ nhất là thật lòng ăn năn tội, tức là đau đớn vì đã phạm tội và không muốn phạm tội nữa. Thứ nhì là hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nghĩa là không dựa vào bất cứ sự gì khác hơn là sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá, để được Đức Chúa Trời tha tội và được Đấng Christ làm cho sạch tội. Người được cứu rỗi thì không còn phải trả giá cho sự phạm tội của mình; đồng thời thoát khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, vì đã được Đấng Christ rửa sạch bản tính tội. Người ấy hoàn toàn có năng lực không phạm tội.

Ngay sau khi được cứu rỗi, một người cần đến với tri thức về lẽ thật. Tri thức là sự hiểu biết không đến bởi học tập hay kinh nghiệm mà là sự hiểu biết tự nhiên trong thần trí, do Thiên Chúa ban cho và khai sáng trong mỗi người. Sự hiểu biết do học tập là học thức. Sự hiểu biết do quan sát và kinh nghiệm là kiến thức. Sự tổng hợp tri thức, học thức, và kiến thức là trí thức. Người biết áp dụng trí thức vào đời sống là người có ý thức.

Lẽ thật là Thiên Chúa và mỗi một ý muốn của Thiên Chúa. Khi Đức Chúa Jesus xưng Ngài là lẽ thật thì Ngài hàm ý, Ngài là Thiên Chúa và Thiên Chúa thật sự nhập thế làm người để giãi bày lẽ thật về Thiên Chúa và lẽ thật về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người. Hầu hết ý muốn của Thiên Chúa liên quan đến loài người đã được chính Ngài thể hiện qua Lời của Ngài là Thánh Kinh. Vì thế, Thánh Kinh còn được gọi là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

Phương cách duy nhất để một người đến với tri thức về lẽ thật là người đó phải tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, rồi đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo. Người chưa thật lòng ăn năn tội, chưa hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì không thể nào đến với tri thức về lẽ thật trong Thánh Kinh. Vì người ấy không thể hiểu được các lẽ thật trong Thánh Kinh. Lẽ thật trong Thánh Kinh chỉ có thể hiểu được khi được chính Đức Thánh Linh giãi bày trong tâm thần của loài người.

I Cô-rinh-tô 2:6-14

6 Tuy nhiên, chúng tôi giảng sự khôn sáng giữa những người trọn vẹn. Nhưng chẳng phải sự khôn sáng của đời này, cũng không phải của những kẻ cai trị của đời này, là những sự vô ích.

7 Nhưng chúng tôi giảng sự khôn sáng của Thiên Chúa trong sự mầu nhiệm. Là sự kín giấu mà Đức Chúa Trời đã định sẵn trước các thời đại cho sự vinh quang của chúng ta.

8 Sự ấy không ai trong những kẻ cai trị của đời này biết. Vì nếu họ biết, họ đã không đóng đinh Chúa của Sự Vinh Quang trên thập tự giá.

9 Nhưng, như có chép rằng: Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, cũng chưa nổi lên trong lòng người những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai yêu Ngài. [Ê-sai 64:4]

10 Đức Chúa Trời đã bởi Đấng Thần Linh của Ngài bày tỏ cho chúng ta. Vì Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.

11 Vì ai trong loài người biết những sự của loài người, ngoại trừ tâm thần của loài người ở trong người ấy? Cũng vậy, những sự của Đức Chúa Trời không người nào biết, ngoại trừ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.

12 Nhưng chúng ta chẳng nhận lãnh đấng thần linh của thế gian mà nhận lãnh Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời để chúng ta biết những sự đã ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời.

13 Những sự ấy chúng ta cũng không nói trong những lời mà sự khôn sáng của loài người đã dạy, nhưng nói trong những lời mà thánh linh đã dạy, giãi bày những sự thiêng liêng bởi những lời thiêng liêng.

14 Con người thuộc thể không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại. Người ấy cũng không thể hiểu được chúng, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.

Cũng chính vì thế mà những ai chưa dứt bỏ lòng ham muốn những sự thuộc về thế gian, không có lòng khao khát tri thức về lẽ thật thì sẽ không nhận được tri thức về lẽ thật.

Biết bao nhiêu người mỗi ngày cầu nguyện với Chúa nhưng Chúa không nghe họ vì lòng họ vẫn ham muốn những sự thuộc về thế gian, thay vì khao khát suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo. Là con dân Chúa nhưng họ vẫn lo lắng về các nhu cầu trong cuộc sống, vẫn ham muốn làm giàu, dấn thân vào những sự làm ăn, mua bán theo phong cách của người không tin Chúa. Là con dân Chúa nhưng họ chiều theo ý muốn của những người thân không tin Chúa hoặc tin Chúa mà không sống theo Lời Chúa, như: ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cháu… thay vì tôn Chúa làm thánh trong họ và cẩn thận làm theo Lời Chúa trong mọi sự. Là con dân Chúa mà nếp sống của họ không khác người không tin Chúa, tức là sống cho mình, cho người thân của mình thay vì sống cho Chúa và chịu khổ vì danh Chúa.

Đã có người được Chúa đem ra khỏi đời sống khốn khổ vì người thân không tin Chúa, được tự do thờ phượng Chúa, được hưởng các ơn phước của Chúa, được sống chung và thông công vui thỏa với các anh chị em trong Chúa, nhưng sau đó lại quay về, làm nô lệ cho những người thân không tin Chúa. Vì thế đời sống của họ trở nên khốn khổ, thiếu thốn, bệnh tật, thường xuyên bị ma quỷ tấn công, quấy phá. Người chọn sống theo ý riêng, từ bỏ sự ban phước và giải cứu của Chúa thì làm sao còn được Chúa đáp lời kêu cầu?

Đã có người biết rằng, phải phân rẽ khỏi những người thân không tin Chúa hay tin Chúa mà không sống theo Lời Chúa, nhưng họ lại không nỡ phân rẽ. Vì thế, cuộc sống của họ cứ tiếp tục ở trong sự khốn khổ, phải làm nô lệ cho người thân, và thường xuyên bị ma quỷ tấn công, quấy phá. Người chọn sống theo ý riêng, không chịu phân rẽ khỏi những kẻ chẳng tin theo mệnh lệnh của Chúa (II Cô-rinh-tô 6:14-18) thì làm sao còn được Chúa đáp lời kêu cầu?

Ngày Đấng Christ đến đã rất gần, thời gian còn lại không nhiều, sao con dân Chúa không buông bỏ những sự thuộc về xác thịt, những sự thuộc về thế gian để hết lòng sống cho Chúa?

Thử hỏi những người tin Chúa nhưng chưa thực hiện các lời sau đây thì làm sao có thể ra đi với Đấng Christ, khi Ngài đến để đón Hội Thánh:

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Chính Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định:

Ai đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em của mình, và chính sự sống của mình, thì người ấy không được làm môn đồ của Ta. Còn ai không vác thập tự giá của mình mà đến, theo sau Ta, thì không được làm môn đồ của Ta.” (Lu-ca 14:26-27).

Chẳng phải ai nói với Ta: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì người ấy sẽ vào trong Vương Quốc Trời. Nhưng người làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Rô-ma 14:7-8 và Ga-la-ti 2:20 là ý muốn của Đức Chúa Trời cho mỗi một người xưng nhận mình là con dân Chúa. Lu-ca 14:26-27 là điều kiện Đức Chúa Jesus đặt ra cho những ai muốn làm môn đồ của Ngài. Chỉ khi một người thực hiện các lời ấy thì người ấy mới có thể đến với tri thức về lẽ thật, qua sự đọc, suy ngẫm Thánh Kinh ngày đêm và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Nếu không, sự đọc và suy ngẫm Thánh Kinh của người ấy chỉ là sự hiểu biết trên bề mặt của chữ nghĩa mà không thể nào đạt đến sự sâu nhiệm của Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Sự hiểu biết như vậy không giúp ích gì.

Quý ông bà, anh chị em có muốn rằng, mỗi một ngày trong năm mới 2024 này, quý ông bà, anh chị em sẽ sống cho Chúa, chết cho Chúa, đặt Chúa làm trên hết trong đời sống mình, chịu khổ mà đi theo Chúa hay không? Nếu có thì quý ông bà, anh chị em hãy đến với Chúa, xin Chúa ban năng lực cho mình, và bắt đầu ngay từ hôm nay. Đối với những ai vẫn mỗi ngày sống cho Chúa và chết cho Chúa, tôi cầu xin Đức Chúa Trời của sự bình an cứ tuôn đổ mọi ơn phước của Ngài trên quý ông bà, anh chị em; và dùng quý ông bà, anh chị em làm gương sáng cho những anh chị em khác trong Hội Thánh.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
13/01/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/suyngam/timothy-i-ti-mo-the-21-7/

[2] https://timhieutinlanh.com/cac-bai-lien-quan-den-ngay-sa-bat/

[3] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[4] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-hien-nhien-ve-christmas/

[5] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[6] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[7] https://www.thanhkinhvietngu.net/loi-gioi-thieu-ve-thanh-kinh-viet-ngu-ban-dich-ngoi-loi/

[8] The Online Catholic Encyclopedia: http://www.newadvent.org/cathen/03724b.htm

[9] “In the Christian law, the supreme sacrifice is that of the Mass. The supreme act of worship consists essentially in an offering of a worthy victim to God, the offering made by a proper person, as a priest, the destruction of the victim.” The Catholic Encyclopedia, R.C. Broderick, 1975 ed., Nihil Obstat, Richard J. Sklba, Censor Librorum. Imprimatur, Archbishop William E. Cousins, Milwaukee, WI.

[10] Công Giáo dùng rượu nho trong Lễ Mi-sa. Một số giáo phái thuộc các Giáo Hội Cải Chánh và Tin Lành cũng dùng rượu nho trong Tiệc Thánh. Ma-thi-ơ 26:29 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus cho biết thức uống được dùng trong Tiệc Thánh đầu tiên do Chúa thiết lập là “nước trái nho”, tức là trái nho được ép cho ra nước để uống như cách thức ép nước mía của người Việt Nam.

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Yêu Con Mãi”
https://karaokethanhca.net/ngai-yeu-con-mai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.