Hỏi & Đáp: Thắc Mắc về Lê-vi Ký 12 & 15

1,173 views

Tải xuống bài viết tại đây:
https://od.lk/f/MV8yNDU2ODk2MzNf

Hỏi:

Thắc mắc về sự người nữ phải dâng của lễ chuộc tội trong Lê-vi Ký đoạn 12 và 15. Tại sao người nữ khi có kinh nguyệt và sinh con thì bị xem là ô uế và sau khi có kinh nguyệt hoặc sinh con thì phải dâng của lễ chuộc tội; còn người nam khi xuất tinh hay bị di tinh cũng bị cho là ô uế nhưng sau đó thì không cần dâng của lễ chuộc tội, ngoại trừ khi bị bệnh lậu mủ?

Đáp:

Chúng ta đã biết, các bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua các chất dịch ra từ cơ thể của loài người: nước bọt, nước mũi, nước tiểu, tinh dịch, máu, mủ. Vì thế luật về sự tinh sạch và sự ô uế của thời Cựu Ước chính là luật vệ sinh để giúp dân I-sơ-ra-ên có đời sống khỏe mạnh, ít bị các chứng bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, tất cả những sự ô uế thuộc thể đều tiêu biểu cho sự ô uế thuộc linh, tức là sự phạm lỗi và phạm tội. Phạm lỗi là sơ xuất nên vi phạm các thể lệ, quy định, trong giao tiếp, sinh hoạt mỗi ngày, là những sự không nghịch lại Lời Chúa. Phạm tội là sự cố ý vi phạm các điều răn của Chúa. Tất cả những sự thanh tẩy thuộc thể đều tiêu biểu cho sự thanh tẩy thuộc linh. Nước rửa tiêu biểu cho Lời Chúa. Của lễ chuộc tội tiêu biểu cho sự hy sinh của Đấng Christ. Của lễ thiêu tiêu biểu cho sự Đấng Christ phục hòa loài người với Đức Chúa Trời.

Sự có kinh nguyệt và sự sinh con của phụ nữ liên quan đến việc xuất huyết nên người phụ nữ cần được biệt riêng để tránh sự có thể lây nhiễm bệnh qua máu của mình đến người khác.

Sự có kinh nguyệt là kết quả của sự trứng không thụ thai, khi đó, trứng không thụ thai và chất máu chuẩn bị cho sự nuôi dưỡng thai được thải ra khỏi cơ thể. Trong máu có sự sống (Lê-vi Ký 17:11), sự sống trong máu kinh nguyệt là sẵn sàng cho sự lưu truyền mầm sống đã bị nhiễm tội. Vì thế, sau mỗi kỳ kinh nguyệt hay sau khi sinh con, phụ nữ thời Cựu Ước phải dâng của lễ chuộc tội. Của lễ chuộc tội trong trường hợp này không phải vì người nữ đã phạm tội gì, mà là một sự nhắc nhở đến đặc tính di truyền của tội lỗi trong máu. Sự sinh con bao gồm sự di truyền mầm sống bị nhiễm tội từ tổ phụ của loài người. Người phụ nữ sinh con cần dâng sinh tế chuộc tội không phải vì sự sinh con là một tội lỗi mà là sự nhiễm tội di truyền trong đứa con được sinh ra cần được cứu chuộc.

“Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Kèm theo của lễ chuộc tội còn có của lễ thiêu. Của lễ thiêu tiêu biểu cho sự cầu xin được phục hòa với Đức Chúa Trời, tức là xin được Ngài tha tội và tiếp nhận trở lại vào địa vị con dân của Ngài.

Sự xuất tinh hay sự di tinh của người nam không liên quan đến máu. Trong tinh dịch của người nam có dòng giống của loài người nhưng trong tử cung của người nữ mới có máu để di truyền sự sống, vì sự sống ở trong máu. Chính vì thế mà A-đam gọi Ê-va là “mẹ của mọi sự sống”:

“Loài người gọi tên vợ là Ê-va, vì nàng là mẹ của mọi sự sống. [Ê-va có nghĩa là người ban sự sống. Sự sống ở đây là chỉ về sự sống của dòng dõi loài người.]” (Sáng Thế Ký 3:20).

Bệnh lậu mủ (gonorrhoea) bị xem là sự hình phạt của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ phạm tội. Tương tự như vậy là bệnh phong hủi. Vì thế, thời Cựu Ước, người bị bệnh lậu mủ hoặc bệnh phong hủi, sau khi hết bệnh, phải dâng của lễ chuộc tội.

Trong thời Tân Ước, con dân Chúa chỉ cần tắm rửa sạch sẽ mỗi khi xuất tinh, di tinh, hoặc sau khi có kinh nguyệt, sau khi sinh con để giữ vệ sinh. Không cần phải dâng của lễ chuộc tội hay của lễ thiêu. Vì Đấng Christ đã làm điều đó một lần đủ cả. Nhưng mỗi ngày hai bận, sáng và chiều, con dân Chúa dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời. Thân thể của con dân Chúa đã được Đức Chúa Trời thánh hóa, có Đức Thánh Linh ngự bên trong. Phụ nữ khi có kinh nguyệt vẫn cần tránh quan hệ tình dục suốt bảy ngày. Sau khi sinh con, tùy theo sinh con trai hay con gái vẫn cần tránh quan hệ tình dục trong 40 ngày (khi sinh con trai) hoặc 80 ngày (khi sinh con gái) vì lý do vệ sinh và bảo vệ sức khỏe. Thời gian bảy ngày trong kỳ kinh nguyệt hoặc thời gian 40 ngày hay 80 ngày sau khi sinh con là thời gian cơ thể của người nữ cần được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
13/06/2021