Mẹ Tròn Con Vuông

2,118 views

 

Kính thưa Hội Thánh,

Người Việt, người Trung Quốc, và người Hàn Quốc có thói quen chúc phước cho các bà mẹ mang thai là được “mẹ tròn con vuông”. Vậy, “mẹ tròn con vuông” có nghĩa gì? Có liên quan gì đến ngoại giáo? Con dân Chúa có nên chúc nhau “mẹ tròn con vuông” hay không?

“Mẹ tròn con vuông” là một thành ngữ. Là thành ngữ thì không thể diễn giải theo nghĩa đen. “Mẹ tròn con vuông” có nghĩa là trong sự sinh con, người mẹ và đứa con đều được bình an, khỏe mạnh, nhất là đứa con không bị khuyết tật về tâm trí hoặc thể xác. Nhưng sao lại là “mẹ tròn con vuông”?

Từ xưa, người Việt đã có quan niệm triết học, cho rằng, bầu trời hình tròn, mặt đất hình vuông (với bốn góc: đông, tây, nam, bắc). Vì thế, hình tròn và hình vuông tiêu biểu cho hai thái cực mà thái cực nào cũng trọn vẹn. Khi đặt hình vuông trong hình tròn hoặc hình tròn trong hình vuông thì chúng ta có được hình ảnh tiêu biểu cho sự hòa hợp và trọn vẹn. Trời tròn đất vuông tiêu biểu cho sự hòa hợp của trời đất, âm dương. Từ đó, người Việt có cách nói:

  • Sự việc được vuông tròn.
  • Ý nguyện được vuông tròn.
  • Kết quả được vuông tròn.
  • Tình nghĩa được vuông tròn.
  • V.v..

Và có câu chúc: “Mẹ tròn con vuông”.

Sao không nói: “Mẹ vuông con tròn”? Vì trời cao hơn đất, trời che chở đất; mẹ lớn hơn con, mẹ sinh ra con; nên hình tròn của trời được dùng cho mẹ và hình vuông của đất được dùng cho con. Mẹ và con khác nhau nhưng đều được bình an, trọn vẹn.

Cũng từ tư tưởng triết học trời tròn đất vuông đó mà ra câu chuyện bánh dày (hình tròn) và bánh chưng (hình vuông). Câu chuyện bánh dày và bánh chưng không xuất phát từ mê tín dị đoan hay giáo lý của một ngoại giáo nào, cho dù câu chuyện có thể chỉ là giả sử. Câu chuyện bánh dày và bánh chưng có khoảng 1.600 năm trước Công Nguyên. Như vậy, tại Việt Nam, tư tưởng triết học trời tròn đất vuông đã có từ trước đó.

Tại Trung Quốc, mãi đến thời Đông Chu (từ 720 TCN) mới có khái niệm trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương). Và mãi đến thời Chiến Quốc (476 TCN) thì khái niệm đó mới được triển khai trong học thuật. Người Hàn Quốc có thể tiêm nhiễm khái niệm trời tròn đất vuông từ Trung Quốc, nhưng người Việt thì đã có khái niệm trời tròn đất vuông trước Trung Quốc hàng ngàn năm.

Hình thể tròn, vuông, tam giác đều và các hình biến dạng từ ba loại hình này đều do Thiên Chúa tạo ra. Ý nghĩa trọn vẹn của hình tròn, hình vuông, và hình tam giác đều không liên quan gì đến mê tín dị đoan, mà chỉ là sự nhận thức Chúa ban cho loài người. Hãy hình dung hình tròn bên trong hình tam giác đều, hình vuông bên trong hình tròn. Chúng ta có trời bao phủ đất và tất cả đều ở trong sự trọn vẹn của Thiên Chúa (hình tam giác đều tiêu biểu cho sự trọn vẹn của Thiên Chúa).

Vì thế, con dân Chúa có thể dùng câu “mẹ tròn con vuông” để chúc nhau; cũng như dùng các câu nói có nhóm chữ “được vuông tròn” (nghĩa là được trọn vẹn, được như ý).

Tương tự như thế, chúng ta có thể nói:

  • Lòng con luôn hướng về Chúa như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời.
  • Con nguyện sống thánh khiết trong cuộc đời này như những hoa sen mọc giữa đầm lầy.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
19/09/2020