Sống Đạm Bạc, Hầu Việc Chúa và Chịu Khổ Vì Danh Chúa

2,594 views

Tải xuống video tại đây: https://od.lk/fl/MV8yMDU5MDQwMF8

201906 Bài Giảng Trong Năm 2019
Sống Đạm Bạc, Hầu Việc Chúa và Chịu Khổ Vì Danh Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzc0OTQxNThf/201906_SongDamBacHauViecChuaVaChiuKhoViDanhChua.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201906-songdambachauviecchuavachiukhovidanhchua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/xkj449bgsw281x4/201906_SongDamBacHauViecChuaVaChiuKhoViDanhChua.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Trong những ngày đầu của năm mới 2019 này, chúng ta đã cùng nhau học về 12 ưu điểm và năm khuyết điểm của Hội Thánh, cùng với năm lời kêu gọi và cảnh cáo của Đức Chúa Jesus Christ dành cho Hội Thánh [1], [2], [3]. Qua Lời Chúa, chúng ta thấy trong số bảy Hội Thánh tại miền Tiểu Á vào thời của Sứ Đồ Giăng, là bảy Hội Thánh được Chúa dùng làm tiêu biểu cho Hội Thánh chung trải qua mọi thời đại, chỉ có Hội Thánh tại Si-miệc-nơ và Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi là không có khuyết điểm, không bị Chúa quở trách. Con dân Chúa thuộc hai Hội Thánh ấy đã thật sự sống đúng theo lời mà Đức Thánh Linh đã cậy Sứ Đồ Giăng viết ra:

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Nghĩa bóng của động từ “bước đi” trong Thánh Kinh luôn luôn có nghĩa là sống một nếp sống. Bước đi như Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là sống một nếp sống như chính Ngài đã sống, trong hơn 30 năm Ngài làm người ở giữa thế gian. Cuộc sống của Đức Chúa Jesus Christ là một cuộc sống không giàu có về vật chất. Chính Ngài đã tự phán về mình, như sau:

“Những con cáo có hang, những chim trời có ổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58).

Và bản thân Đức Chúa Jesus Christ đã chịu nhiều sự bắt bớ, bách hại; vì Ngài rao giảng Tin Lành và cứu giúp những người cần cứu giúp. Cuối cùng, Ngài đã bị bắt, bị sỉ nhục, bị đánh đập, và bị xử chết bằng cách bị đóng đinh trên cây thập tự.

Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về nếp sống đạm bạc, sốt sắng hầu việc Chúa của con dân Chúa tại Phi-la-đen-phi; và nếp sống đạm bạc, chịu khổ vì danh Chúa của con dân Chúa tại Si-miệc-nơ, vào cuối thế kỷ thứ nhất.

Nếp Sống Đạm Bạc, Sốt Sắng Hầu Việc Chúa

Danh từ Phi-la-đen-phi (Philadelpheia) có nghĩa là “tình yêu đối với anh chị em”. Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi rất xứng đáng để mang danh hiệu là “những người yêu anh chị em”; vì tình yêu họ dành cho Chúa và cho nhau. Dù đời sống của con dân Chúa tại Phi-la-đen-phi thời bấy giờ rất là thiếu nghèo về vật chất, nhưng họ không thiếu nghèo tình yêu chân thật, là điều mà họ đã nhận từ nơi Chúa. Họ vẫn trung tín với Chúa trong sự nghèo khổ vật chất, và họ vẫn đắc lực hầu việc Ngài.

Lời Chúa phán về sự trung tín và đắc lực hầu việc Chúa của họ đã được Sứ Đồ Giăng ghi lại, như sau:

“Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi những lời phán này của Đấng Thánh, Đấng Chân Thật, Đấng có chìa khóa của Đa-vít, Đấng mở thì không ai đóng, Đấng đóng thì không ai mở: Ta biết những việc làm của ngươi. Kìa, Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng nó; vì ngươi có ít năng lực mà ngươi vẫn giữ Lời Ta và vẫn không chối danh Ta.” (Khải Huyền 3:7-8).

Chúa phán bảo Sứ Đồ Giăng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi. Khi chúng ta học về sách Khải Huyền thì chúng ta đã biết danh từ “thiên sứ của Hội Thánh” được dùng để chỉ người giám mục trong Hội Thánh. Giám mục là một trưởng lão đại diện cho Hội Thánh và có trách nhiệm tổng quát về Hội Thánh. Mỗi Hội Thánh địa phương có một hoặc nhiều trưởng lão. Trong các trưởng lão sẽ có người được Chúa dùng làm người chăn bầy, tức là người cung cấp thức ăn thuộc linh cho con dân của Chúa trong Hội Thánh qua sự giảng dạy Lời Chúa. Kế đó, một trưởng lão có ơn về tổ chức và quản trị sẽ được Chúa dùng làm giám mục. Các trưởng lão còn lại thì chuyên việc chăm sóc và làm gương cho con dân Chúa trong Hội Thánh, hướng dẫn con dân Chúa trong các mục vụ của Hội Thánh.

Danh từ “thiên sứ” theo nghĩa đen trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là người được sai đi thi hành một nhiệm vụ; có thể dịch là “sứ giả”. Theo nghĩa rộng dùng để chỉ các thần linh do Thiên Chúa dựng nên, được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian để ban truyền hoặc thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, hoặc để cứu giúp những ai tin cậy Ngài. Thánh Kinh Việt ngữ dịch danh từ này thành “thiên sứ” theo tiếng Hán Việt, có nghĩa là “sứ giả của Trời”, để chỉ về các thần linh do Đức Chúa Trời sai đi. Riêng trong Khải Huyền đoạn 2 và 3 thì dùng để chỉ loài người, là bảy trưởng lão làm các giám mục trong bảy Hội Thánh địa phương tại miền Tiểu Á.

Những lời phán của Đấng Thánh, Đấng Chân Thật, Đấng có chìa khóa của Đa-vít chính là những lời phán của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Đấng Thánh vì Ngài là Thiên Chúa. Danh từ Đấng Thánh chỉ được dùng cho Thiên Chúa. Chữ “thánh” trong trường hợp này có nghĩa là hoàn toàn khác biệt, không giống bất cứ một loài thọ tạo nào về mọi phương diện. Thiên Chúa là thánh, là hoàn toàn khác biệt, vì Thiên Chúa tự có và có mãi. Chín đặc tính của Thiên Chúa không một loài nào có được: Toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn ái, toàn thánh, toàn chính, toàn chân, toàn thiện, và toàn mỹ [4].

Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Đấng Chân Thật vì Ngài có thật và Ngài luôn hành động đúng với bản tính của Thiên Chúa trong thân vị Thiên Chúa, đúng với bản tính của loài người trong thân vị loài người. Bản tính của loài người được nói ở đây là bản tính nguyên thủy tốt lành khi mới được Thiên Chúa dựng nên trong trường hợp của A-đam và Ê-va, và khi mới được Đức Chúa Trời sinh ra trong trường hợp của Đức Chúa Jesus. Đó là bản tính yêu thương, tôn kính, tin cậy, vâng phục Đức Chúa Trời, và thỏa lòng trong Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chân Thật nên Ngài không hề thay đổi:

“Đức Chúa Jesus Christ hôm qua, hôm nay vẫn là chính Ngài cho đến mãi mãi.” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Chìa khoá của Đa-vít: Ê-sai 22:22 ghi lại lời tiên tri về sự Chúa cất đi quyền cai trị của Sép-na trên Giê-ru-sa-lem và nhà Giu-đa, mà ban quyền ấy cho Ê-li-a-kim, con trai của Hinh-kia. Quyền cai trị ấy được gọi là “chìa khóa của nhà Đa-vít”:

“Ta sẽ để chìa khóa của nhà Đa-vít trên vai nó; nó sẽ mở mà không ai đóng; nó sẽ đóng mà không ai mở.” (Ê-sai 22:22).

Vua Đa-vít được Đức Chúa Trời ban cho quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên thuộc thể, và quyền cai trị ấy sẽ còn lại trong dòng dõi của Đa-vít cho đến đời đời:

“Ta đã lập giao ước với người được chọn của Ta. Ta đã thề với Đa-vít, tôi tớ của Ta: Ta sẽ lập dòng dõi của ngươi đến mãi mãi, và dựng ngai của ngươi đến đời đời.” (Thi Thiên 89:3-4).

“Ta đã một lần thề bởi sự thánh khiết của Ta. Ta sẽ không nói dối với Đa-vít: Dòng dõi của người sẽ còn mãi. Ngai của người như mặt trời trước Ta. Nó sẽ được vững lập mãi như mặt trăng, chứng nhân thành tín trên trời.” (Thi Thiên 89:35-37).

Đức Chúa Jesus được sinh ra trong dòng dõi của Vua Đa-vít nên Ngài nắm quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên theo vương quyền của dòng Đa-vít:

“Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An. Sự thêm lên của quyền cai trị và sự bình an không ngừng trên ngai của Đa-vít và trên vương quốc của Ngài, để vững lập nó và bảo tồn nó trong sự chính trực và công bình, từ nay cho đến mãi mãi. Sự sốt sắng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân sẽ làm nên sự ấy.” (Ê-sai 9:6-7).

Vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ có chìa khóa của Đa-vít. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ không trực tiếp cai trị dân I-sơ-ra-ên thuộc thể, mà Ngài trực tiếp cai trị dân I-sơ-ra-ên thuộc linh. Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể sẽ lại được cai trị trực tiếp bởi Vua Đa-vít trong vương quốc của Đức Chúa Trời:

“Chúng nó sẽ ở trong đất mà Ta đã ban cho Gia-cốp, tôi tớ của Ta, nơi các tổ phụ của các ngươi đã ở. Chúng nó sẽ ở tại đó; chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó, cho đến mãi mãi. Đa-vít, tôi tớ của Ta {sẽ là} vua của chúng nó mãi mãi.” (Ê-xê-chi-ên 37:25).

Dân I-sơ-ra-ên thuộc linh là bất cứ những ai thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được nhập vào Hội Thánh, tức là được ở trong Đức Chúa Jesus Christ, bất kể họ thuộc dân tộc nào (Ê-phê-sô 2:11-22):

“Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Vậy, đối với Đức Chúa Jesus Christ, “chìa khoá của Đa-vít” có nghĩa là quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, tức là Hội Thánh, bao gồm quyền tiếp nhận người vào Hội Thánh và quyết trừ bỏ (dứt thông công công) người ra khỏi Hội Thánh. Trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài đã hứa với Sứ Đồ Phi-e-rơ, như sau:

“Ta sẽ trao cho ngươi những chìa khóa của Vương Quốc Trời. Bất cứ điều gì ngươi sẽ buộc trên đất, sẽ bị buộc trên trời. Bất cứ điều gì ngươi sẽ mở trên đất, sẽ được mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 16:19).

Quyền ấy, không trao riêng cho Sứ Đồ Phi-e-rơ, mà cùng trao cho những ai thuộc về Đấng Christ:

“Thật! Ta nói với các ngươi, bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất, sẽ bị buộc trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất, sẽ được mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 18:18).

Dựa vào văn mạch của Ma-thi-ơ đoạn 18 và Giăng 20:23 mà chúng ta hiểu, quyền buộc và mở là quyền cầm tội và tha tội. Cầm tội có nghĩa là vẫn xem ai đó là một tội nhân, và dứt người ấy ra khỏi sự thông công với Hội Thánh, khi người ấy không chịu thật lòng ăn năn tội. Tha tội có nghĩa là tiếp nhận sự ăn năn tội thật lòng của một người, tiếp nhận người ấy trở lại vào trong Hội Thánh:

“Bất cứ ai các ngươi tha những tội lỗi cho, đối với họ chúng được tha. Bất cứ ai các ngươi cầm giữ, họ bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).

Những chìa khóa của Vương Quốc Trời trong lời phán của Chúa vừa có nghĩa là thẩm quyền rao giảng Tin Lành, vừa có nghĩa là thẩm quyền tiếp nhận người vào trong Hội Thánh và trừ bỏ người ra khỏi Hội Thánh. Nơi nào Hội Thánh đến rao giảng Tin Lành thì nơi đó sẽ có người được cứu. Nơi nào Hội Thánh không đến rao giảng Tin Lành thì nơi đó sẽ có nhiều người bị hư mất, như Lời Chúa đã hàm ý:

“Vì hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ chưa tin? Nhưng làm sao họ tin Đấng mà họ chưa nghe đến? Nhưng làm sao họ nghe khi không có người rao giảng?” (Rô-ma 10:13-14).

Người nào đã bị Hội Thánh dứt thông công thì sau khi thật lòng ăn năn, phải thể hiện lòng ăn năn trước Hội Thánh để được Hội Thánh tiếp nhận trở lại. Nếu người nào vẫn còn tự ái không đúng, không chịu ăn năn, nhận lỗi trước Hội Thánh địa phương đã từng dứt thông công mình, thì người ấy vẫn chưa thật lòng ăn năn. Một Hội Thánh địa phương có thể vì không biết mà tiếp nhận người đã từng bị dứt thông công bởi Hội Thánh địa phương khác, khi người ấy chưa phục hòa với Hội Thánh địa phương đã dứt thông công người ấy. Nhưng trước Đấng Christ, là Đấng đã ban quyền buộc và mở, quyền tha tội và cầm tội cho Hội Thánh, thì người ấy vẫn ở trong tình trạng bị dứt thông công, cho đến khi người ấy hạ mình ăn năn, nhận lỗi trước Hội Thánh địa phương đã dứt thông công người ấy, để sự dứt thông công được Hội Thánh địa phương ấy thu hồi.

Đấng mở thì không ai đóng, Đấng đóng thì không ai mở: Với uy quyền tuyệt đối của Chúa, Ngài là Đấng đóng và mở, không riêng gì vương quốc I-sơ-ra-ên mà cả Vương Quốc Trời. Không ai, không một thế lực nào, dù là của các tôn giáo, của các chính quyền loài người, hay của Sa-tan có thể chống lại được thẩm quyền của Ngài. Ngay cả khi Sa-tan dùng sự chết để hù dọa đức tin của con dân Chúa, như xưa kia nó đã từng giết chết mười đứa con của ông Gióp, đã từng ném ba người bạn của Đa-ni-ên vào lò lửa hừng, và ném chính Đa-ni-ên vào hang sư tử… thì Sa-tan cũng không thể đóng được cánh cửa cứu rỗi, cánh cửa của Vương Quốc Trời, cánh cửa của sự rao giảng Tin Lành đã được chính Đức Chúa Jesus Christ mở ra. Lời Chúa khẳng định, các cửa của âm phủ, tức đủ loại hình thức của sự chết, cũng không thể thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Mặt khác, một khi Chúa đã đóng thì không ai có thể mở. Chúa đã đích thân đóng cánh cửa của con tàu Nô-ê trong Cơn Nước Lụt. Chúa sẽ đích thân đóng cánh cửa cứu rỗi, cánh cửa của Vương Quốc Trời, đối với những ai có tội mà không chịu ăn năn.

Ta biết những việc làm của ngươi: Chúa biết nếp sống của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi. Chúa biết những sự hầu việc Chúa của họ. Danh từ “những việc làm” trong câu này bao gồm hết thảy những gì mà họ đã làm ra mỗi ngày trong cuộc sống. Lời Chúa đã dạy:

“Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Vì thế, mỗi một hành động trong đời sống của chúng ta cũng đều là hầu việc Chúa. Ngay cả việc tắm rửa cũng là sự hầu việc Chúa, vì chúng ta giữ sạch đền thờ của Thiên Chúa. Ngay cả việc vợ chồng quan hệ tình dục với nhau cũng là sự hầu việc Chúa, vì chúng ta thi hành mệnh lệnh của Chúa về sự sinh sản, làm cho đầy dẫy đất; và chúng ta đem sự vui thỏa đến cho một con dân của Chúa, là chồng hay vợ của chúng ta.

Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng nó: Chúa biết con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi dù thiếu nghèo về vật chất nhưng họ trung tín và sốt sắng hầu việc Ngài, không mòn mỏi. Vì thế, Chúa ban cho họ một cơ hội lớn, tiêu biểu bằng sự đặt trước họ một cửa đã mở mà không ai có thể đóng. Cánh cửa mở tiêu biểu cho sự được đi vào: Đi vào các môi trường hầu việc Chúa; và đi vào trong vương quốc của Ngài, sau khi hoàn thành công việc Chúa giao cho trong đời này. Con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi đã được Ngài ban cho cơ hội tiếp tục sống nếp sống sốt sắng, trung tín hầu việc Chúa; và họ sẽ cùng nhau bước vào trong Vương Quốc Trời; mà không ai có thể ngăn trở họ.

Vì ngươi có ít năng lực mà ngươi vẫn giữ Lời Ta và vẫn không chối danh Ta: Danh từ “năng lực” được dùng trong câu này có nghĩa đen là sức mạnh và khả năng để làm việc. Sức mạnh và khả năng này bao gồm: sức khoẻ của thân thể xác thịt; sự khôn sáng trong tâm trí; các phương tiện vật chất, như của cải, địa vị, danh tiếng, học thức, tài năng…

Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc sống của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ nhì, là khoảng thời gian Chúa phán những lời trong Khải Huyền 3:7-13 về họ. Nhưng qua lời phán của Chúa, chúng ta có thể hiểu, họ là những người khó nghèo về vật chất; không có quyền thế, danh tiếng, hay sự khôn sáng theo xác thịt trong xã hội thời bấy giờ. Họ là những người tiêu biểu cho điều Đức Thánh Linh phán dạy qua Sứ Đồ Phao-lô:

“Hỡi các anh chị em! Hãy xem sự kêu gọi của các anh chị em, rằng không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng nhiều người quyền thế, chẳng nhiều người sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại của thế gian, để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu của thế gian, để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ của thế gian, những sự bị khinh chê, cùng những sự không có, để làm cho những sự có ra không có; để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 1:26-29).

Họ đã thật lòng yêu Chúa và vui sống nếp sống đạm bạc trong Chúa. Họ đã không ham muốn sự giàu có nhưng thỏa lòng trong sự có ăn, có mặc (I Ti-mô-thê 6:8) mà sốt sắng, trung tín hầu việc Chúa.

Giữ Lời của Chúa tức là sống đúng theo lời dạy của Ngài, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Không chối danh Chúa tức là không vì bất cứ một điều gì mà phạm tội, làm sỉ nhục danh Chúa.

Ngày nay, có nhiều con dân Chúa ở các quốc gia nghèo, chậm phát triển, không giàu có về vật chất; nhưng họ giàu có về đức tin và tấm lòng yêu kính Chúa như con dân Chúa tại Phi-la-đen-phi thời xưa.

Trong vòng quý ông bà anh chị em, ai là người cảm thấy mình nghèo về vật chất, thiếu sự khôn sáng của xác thịt, không có sức khoẻ về thể chất, không có tài năng gì đặc biệt, nhưng thật lòng tin Chúa, yêu Chúa, và hết lòng sống theo Lời Chúa, thì hãy biết rằng, quý ông bà anh chị em sẽ được Chúa khen thưởng, như Ngài đã khen thưởng Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi. Quý ông bà anh chị em hãy vui mừng, dâng lời cảm tạ Chúa, và tiếp tục bước đi theo Ngài, sống như Ngài đã sống! Chắc chắn, khi Chúa đến, quý ông bà anh chị em sẽ được ra đi với Ngài.

Nếp Sống Đạm Bạc, Chịu Khổ Vì Danh Chúa

Danh từ “Si-miệc-nơ” (Smurna) ra từ danh từ “một dược” (smurna), là tên của một thành phố Hy-lạp thuộc miền Tiểu Á. Một dược là một loại hương liệu quý, là chất nhựa của cây một dược, có vị cay và đắng, nhưng có mùi thơm nồng; thường được dân Trung Đông dùng để tẩm liệm xác chết. Để lấy nhựa cây một dược, người ta phải tạo ra các vết cắt trên thân cây. Vì thế, một dược tiêu biểu cho sự đau đớn và sự chết. Danh từ Si-miệc-nơ rất thích hợp để gọi con dân Chúa sống tại thành phố Si-miệc-nơ vào thời bấy giờ; vì họ nghèo khổ về vật chất mà còn bị ma quỷ bách hại. Ma quỷ đã dùng tay chính quyền của loài người để bách hại Hội Thánh tại Si-miệc-nơ, ném nhiều con dân Chúa vào trong tù ngục.

Lời Chúa phán về sự chịu khổ của họ được Sứ Đồ Giăng ghi lại, như sau:

“Ta biết những việc làm của ngươi, sự khốn khổ và sự nghèo nàn của ngươi – nhưng ngươi là giàu có – và Ta biết sự phạm thượng của những kẻ xưng rằng, chúng là người Do-thái, nhưng chúng không phải mà chúng là hội của Sa-tan. Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném những người thuộc về các ngươi vào trong tù, để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống!” (Khải Huyền 2:9-10).

Thêm vào sự nghèo khó về vật chất như con dân Chúa tại Phi-la-đen-phi, con dân Chúa tại Si-miệc-nơ còn chịu sự chê bai, dè bỉu của những người trong các tổ chức tôn giáo, mạo xưng là Hội Thánh của Chúa; và bị Sa-tan mượn tay chính quyền, tấn công mãnh liệt, bỏ tù nhiều người trong số họ.

Ta biết những việc làm của ngươi, sự khốn khổ và sự nghèo nàn của ngươi: Cũng như đối với Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, Chúa biết nếp sống của con dân Chúa tại Si-miệc-nơ. Ngài biết họ đã bị bách hại khủng khiếp như thế nào, nhưng họ vẫn trung tín chịu khổ vì danh Ngài như thế nào.

Nhưng ngươi là giàu có: Con dân Chúa tại Si-miệc-nơ nghèo nàn về vật chất trong đời này nhưng họ giàu có trong đời sau. Vì họ biết thu chứa của cải trên trời, theo lời phán dạy của Chúa:

“Đừng thu chứa của cải trên đất cho các ngươi; nơi có mối mọt và sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm đào khoét và lấy trộm. Nhưng hãy thu chứa của cải trên trời cho các ngươi; nơi chẳng có mối mọt, cũng chẳng có sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm chẳng đào khoét cũng chẳng lấy trộm. Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng của các ngươi cũng sẽ ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:19-21).

Ta biết sự phạm thượng của những kẻ xưng rằng, chúng là người Do-thái, nhưng chúng không phải mà chúng là hội của Sa-tan: Tại Si-miệc-nơ thời bấy giờ có nhà hội của những người Do-thái theo Do-thái Giáo. Những người Do-thái tại Si-miệc-nơ đã nói phạm đến Đức Chúa Jesus và đức tin của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Si-miệc-nơ. Những người ấy hãnh diện họ là con cháu của Áp-ra-ham, tôn thờ một Thiên Chúa chân thật, có giao ước với Thiên Chúa; và họ chê cười những người Hy-lạp tin nhận Thánh Kinh của họ nhưng lại tôn thờ Đức Chúa Jesus, tin Ngài là Đấng Christ, tức Đấng Mê-si-a được hứa trong Cựu Ước, Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu làm Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.

Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ nhìn biết rằng, những người Do-thái ấy chỉ là dân I-sơ-ra-ên về phần xác thịt. Họ vô tín, không tin và không làm theo Lời Chúa. Họ sống trong tội; biến sự tôn thờ Thiên Chúa thành một thứ tôn giáo, chỉ thi hành các hình thức lễ nghi mà không thờ phượng Thiên Chúa bằng thần trí và lẽ thật. Lời Chúa phán về họ hơn 400 năm trước đó, đã được Tiên Tri Ma-la-chi ghi lại trong Ma-la-chi đoạn 1, vẫn là tình trạng thuộc linh của họ vào thế kỷ thứ nhất. Chính vì thế, họ thuộc về Sa-tan; và hội của họ bị Chúa gọi là hội của Sa-tan, hội của những kẻ chống nghịch Thiên Chúa.

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ: Con dân Chúa là những người được Chúa kêu gọi phải chịu khổ vì danh Chúa mỗi ngày. Họ phải hứng chịu những sự đau khổ, bất công do thế gian làm ra trên họ, như thế gian đã làm ra trên Chúa của họ. Chúa gọi đó là sự vác thập tự giá của mỗi người để bước đi theo Chúa mỗi ngày. Chính Chúa đã nhiều lần lặp lại lời kêu gọi ấy:

“Ai không vác thập tự giá của mình mà theo sau Ta, thì không đáng cho Ta.” (Ma-thi-ơ 10:38).

“Rồi, Đức Chúa Jesus phán với các môn đồ của Ngài: Ai muốn đến theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Ma-thi-ơ 16:24).

“Rồi, Ngài gọi dân chúng với các môn đồ của Ngài, phán với họ: Ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Mác 8:34).

“Rồi, Ngài phán với hết thảy {mọi người}: Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

“Còn ai không vác thập tự giá của mình mà đến, theo Ta, {thì} không được làm môn đồ của Ta.” (Lu-ca 14:27).

Đức Thánh Linh cũng đã qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, khẳng định rằng, con dân Chúa được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa, theo gương của Đức Chúa Jesus Christ:

“Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Kìa, Ma Quỷ sẽ ném những người thuộc về các ngươi vào trong tù, để các ngươi chịu thử thách: Trong thế gian có ba thế lực: Thế lực của Thiên Chúa; thế lực của loài người; và thế lực của ma quỷ, bao gồm Sa-tan và các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Chúa. Thế lực của Thiên Chúa bao trùm trên tất cả. Chỉ khi Thiên Chúa cho phép thì loài người và ma quỷ mới có thể thi hành thế lực của mình. Dù thế lực của ma quỷ rất lớn và mạnh hơn thế lực của loài người, nhưng ma quỷ không có quyền áp đặt loài người phải làm theo ý của chúng nó, ngoại trừ những người đã bán mình làm nô lệ cho ma quỷ. Ma quỷ thường mượn thế lực của loài người để hãm hại con dân Chúa; điển hình là ma quỷ lạm dụng thế lực của các chính quyền. Trong những ngày cuối cùng, Sa-tan sẽ lập ra một chính quyền toàn cầu, đứng đầu bởi một người, mà Thánh Kinh gọi là “con thú”, tức AntiChrist, kẻ chống nghịch Đấng Christ.

Các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn: Từ ngữ “mười ngày” thường được dùng để chỉ một khoảng thời gian ngắn, như được dùng trong Sáng Thế Ký 24:55, I Sa-mu-ên 25:38, Đa-ni-ên 1:12-15. Nhưng con số mười là con số tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mười phân vẹn mười!” “Chín người mười ý!”

Mười ngày hoạn nạn có thể là một khoảng thời gian gặp hoạn nạn kéo dài đúng mười ngày, mà cũng có thể là sự hoạn nạn sẽ đến đầy trọn trong một khoảng thời gian ngắn.

Hãy trung tín cho đến chết: Mục đích của sự Chúa cho phép hoạn nạn xảy ra trong đời sống của con dân Chúa, là để thử thách đức tin của họ. Vì thế, Chúa khuyên họ hãy trung tín trong cơn hoạn nạn; và thời gian của sự trung tín là “cho đến chết”. Câu này hàm ý, có nhiều con dân Chúa sẽ bị bách hại, hoạn nạn, và chịu khổ cho đến chết. Vì đó là ý muốn của Chúa dành cho họ. Nếu họ trung tín cho đến chết thì họ được ở lại trong sự cứu rỗi và được sự ban thưởng lớn. Nếu họ không trung tín cho đến chết thì họ bị mất đi sự cứu rỗi. Điều khiến cho chúng ta an tâm chịu khổ là lời hứa của Chúa về những sự thử thách và cám dỗ:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Thật vậy, chỉ có sự cám dỗ phát xuất từ trong chính tấm lòng của chúng ta, vì chúng ta ưa thích tội lỗi, mới có thể nắm giữ được chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi.

Với lời khuyên: “Hãy trung tín cho đến chết”, chúng ta hiểu rằng, nhiều khi, sự Chúa mở đường cho chúng ta ra khỏi sự thử thách chính là sự chết của thân thể xác thịt này.

Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống: Mão sự sống là phần thưởng dành riêng cho những ai đứng vững trong mọi sự thử thách, trung tín cho đến chết (Gia-cơ 1:12; Khải Huyền 2:10).

Mão sự sống khác với sự sống đời đời.

Sự sống đời đời là ân điển, tức là ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Đấng Christ, và giữ các điều răn của Thiên Chúa [5], không quay về sống trong tội. Sự sống đời đời trở thành nội tại tính của mỗi con dân Chúa, tức là đặc tính thuộc về bên trong thân thể của mỗi người: nếu một người là con dân Chúa thì trong người ấy có sự sống đời đời.

Mão sự sống là phần thưởng dành cho những ai chịu khổ vì danh Chúa, đứng vững trong mọi sự thử thách, thậm chí chịu chết vì danh Chúa. Mão sự sống tiêu biểu cho vinh dự và thẩm quyền cai trị. Mão sự sống trở thành ngoại tại tính của người trung tín với Chúa trong mọi sự thử thách, tức là đặc tính ở bên ngoài thân thể của người nhận lãnh bổn phận và trách nhiệm Chúa giao phó. Có thể những người được Chúa ban cho mão sự sống là những người được ban cho sự hiểu biết những mầu nhiệm của sự sống, và được đồng trị với Đấng Christ về phương diện điều hành các nguyên tắc bí ẩn của sự sống.

Hoàn cảnh của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Si-miệc-nơ vào thời của Sứ Đồ Giăng cũng là hoàn cảnh của con dân Chúa thời nay trong các quốc gia Hồi Giáo, hoặc chuyên chính, như các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản: Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam…

Kính thưa Hội Thánh,

Lẽ thật về nếp sống của con dân chân thật của Chúa là:

1. Con dân Chúa phải biết thỏa lòng trong nếp sống đạm bạc về vật chất, không ham muốn được giàu có, theo Lời Chúa dạy:

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; {và} chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, {rơi vào} nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, {là} những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Nếu đẹp ý Chúa thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sự giàu có về vật chất, để chúng ta dùng đó làm phương tiện hoàn thành những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10), là những việc cần đến sự giàu có về vật chất để hoàn thành.

2. Con dân Chúa dù ở trong hoàn cảnh nào cũng sốt sắng hầu việc Chúa; và ý thức rằng, mỗi một việc mình làm ra đều là hầu việc Chúa. Vì chúng ta sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa; mọi việc chúng ta làm đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

“Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

3. Con dân Chúa sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa. Chúa đã chịu khổ vì chúng ta và để lại cho chúng ta gương chịu khổ. Chúa kêu gọi chúng ta hãy chịu khổ mà theo Ngài. Đức Thánh Linh dạy cho chúng ta biết, sự chịu khổ khi theo Chúa giúp cho chúng ta không phạm tội. Và chúng ta có lời hứa rằng, sau khi chúng ta tạm chịu khổ thì Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta nên trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập. Và nếu chúng ta cứ kiên trì trong sự chịu khổ vì danh Chúa thì chúng ta sẽ được đồng trị với Ngài:

“Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta, thì các anh chị em cũng phải trang bị cho chính mình cùng một tâm trí; vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi, để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:1-2).

“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang đời đời của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa mỗi một chúng ta, an ủi chúng ta, khích lệ chúng ta, và thêm sức cho chúng ta, để chúng ta hoàn tất hành trình vào trong Vương Quốc Đời Đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/02/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/hay-cu-nen-thanh

[2] https://timhieutinlanh.com/nam-khuyet-diem-cua-hoi-thanh

[3] https://timhieutinlanh.com/loi-keu-goi-va-canh-cao-cua-dang-christ

[4] Trích từ: https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh

  • Toàn ái: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu muôn loài vạn vật và Ngài là nguồn của tình yêu. Vì Ngài là tình yêu nên Thiên Chúa ban cho loài người và các thiên sứ, là những tạo vật thượng đẳng, quyền tự do lựa chọn cùng với trách nhiệm về sự lựa chọn.
  • Toàn thánh: Thiên Chúa là thánh. Ngài riêng biệt và độc lập, khác với muôn loài thọ tạo. Ngài tự có và có mãi. Vì Ngài là thánh nên Thiên Chúa không chấp nhận bất cứ điều gì nghịch lại ý muốn của Ngài. Sự nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa, như Ngài đã bày tỏ trong Thánh Kinh, là tội lỗi.
  • Toàn chính: Thiên Chúa là công chính. Ngài không tư vị một ai. Mọi phán quyết của Ngài là công bình. Vì Ngài là công chính nên Thiên Chúa phải hình phạt tội lỗi.
  • Toàn năng: Thiên Chúa làm được mọi sự. Thiên Chúa có thể làm ra sự ác nhưng Ngài chọn không làm ra sự ác. Vì Ngài là toàn năng nên Thiên Chúa làm tất cả những sự tốt lành cho con dân của Ngài, và không ai có thể chống lại Thiên Chúa mà không bị Ngài đánh hạ.
  • Toàn tri: Thiên Chúa biết hết mọi sự. Vì Ngài là toàn tri nên không có sự gì có thể giấu kín trước Ngài, ngay cả những ý nghĩ kín giấu trong lòng người và cả những việc chưa xảy ra.
  • Toàn tại: Thiên Chúa có mặt khắp nơi, nhưng Ngài không ở trong mọi sự. Ngài chỉ ở trong thân thể của những người thuộc về Ngài. Vì Ngài là toàn tại nên không ai có thể trốn được Thiên Chúa.
  • Toàn thiện: Thiên Chúa không làm ra những sự ác và không chấp nhận những sự ác. Những sự ác là những sự nghịch lại bản tính và ý muốn của Thiên Chúa. Vì Ngài là toàn thiện nên những ai tin cậy Thiên Chúa thì được sống bình an và hạnh phúc trong vương quốc của Ngài.
  • Toàn chân: Thiên Chúa hoàn toàn chân thật, không hề dối trá và không chấp nhận sự dối trá. Vì Ngài là toàn chân nên Thiên Chúa có đến đời đời và Ngài không bao giờ thay đổi; mọi lời hứa của Thiên Chúa đều sẽ được Ngài hoàn thành trong thời điểm Ngài đã định.
  • Toàn mỹ: Thiên Chúa là uy nghi, tốt đẹp, và là nguồn của mọi sự tốt đẹp. Vì Ngài là toàn mỹ nên trong vương quốc của Thiên Chúa mọi sự đều xinh đẹp tuyệt vời.

[5] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua

Karaoke Thánh Ca: “Hãy Hát Ca Ngợi Chúa”:
https://karaokethanhca.net/hay-hat-ca-ngoi-chua

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet//bible.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.