Hãy Cứ Nên Thánh

2,605 views

201903 Bài Giảng Trong Năm 2019
Hãy Cứ Nên Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em, {là} thánh,{thì} các anh chị em cũng {phải} nên thánh trong mọi cách ăn ở; bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh!” (I Phi-e-rơ 1:15-16).

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzUyNDUxNzNf/201903_HayCuNenThanh.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201903-haycunenthanh
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/v3c87hxtjsqc0gz/201903_HayCuNenThanh.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Trong ngày Sa-bát đầu tiên của năm mới Dương Lịch 2019 này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về lời kêu gọi: Hãy cứ nên thánh!

Chữ “thánh” trong Thánh Kinh khi dùng cho Thiên Chúa thì có nghĩa là: Hoàn toàn khác biệt, không giống bất cứ ai hay bất cứ vật gì. Thiên Chúa là thánh vì Ngài tự có và có mãi, hoàn toàn không bị giới hạn trên bất cứ phương diện nào. Còn bất cứ ai hay bất cứ vật gì ngoài Thiên Chúa cũng đều là loài thọ tạo, do Thiên Chúa dựng nên, và đều bị giới hạn bởi chính những định luật do Thiên Chúa đặt ra. Thiên Chúa là thánh còn có nghĩa là Ngài không chấp nhận bất cứ sự gì nghịch lại bản tính của Ngài. Tất cả những gì nghịch lại bản tính của Thiên Chúa đều bị gọi là tội lỗi. Nghĩa đen của tội lỗi là “trật mục tiêu”, như người bắn cung, bắn mũi tên không trúng hồng tâm; nghĩa bóng là sống một nếp sống trật ý muốn của Thiên Chúa. Sự nghịch lại bản tính của Thiên Chúa tức là sự “không có” những cái “có” của Thiên Chúa, như một người bị gọi là “nghèo” vì người ấy “không có” những cái “có” của người giàu. Thí dụ:

  • Thiên Chúa là tình yêu. Vậy, sự không có bản tính yêu thương là tội lỗi.

  • Thiên Chúa là thiện. Vậy, sự không có bản tính thiện là tội lỗi.

  • Thiên Chúa là thánh, tức Ngài ghét tội lỗi. Vậy, sự không có lòng ghét tội lỗi là tội lỗi.

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì Ngài dựng nên loài người theo hình và tượng của Ngài (Sáng Thế Ký 1:26), vì thế loài người là thánh, như Thiên Chúa là thánh. Chúng tôi xin trích dẫn phần sau đây trong bài giảng chú giải Sáng Thế Ký 1:26-31 về ý nghĩa của sự loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa:

Loài người được dựng nên giống như “hình” của Thiên Chúa, có nghĩa là được dựng nên với các đặc tính tốt lành như các đặc tính của Thiên Chúa. Đó là: yêu thương, công bình, và thánh khiết. Chữ “hình” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hình bóng” hay là “tiêu biểu cho.” Như khi chúng ta nói: Con sư tử tiêu biểu cho sự dũng mãnh! Con sư tử là hình ảnh của sự dũng mãnh! Thì câu ấy có nghĩa là nhìn vào con sư tử người ta có thể hiểu được thế nào là dũng mãnh, chứ không phải sự dũng mãnh có một hình thể giống như hình thể của con sư tử.

Loài người được dựng nên giống như “tượng” của Thiên Chúa là nói đến sự giống như hình thể của Thiên Chúa trong thân thể thiêng liêng là tâm thần cũng như trong thân thể vật chất là xác thịt. Ngày nay, với con mắt xác thịt chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa và các thiên sứ bằng con mắt xác thịt. Nhưng khi Thiên Chúa nhập thế làm người, thì chúng ta có thể nhìn thấy hình thể xác thịt của Thiên Chúa bằng con mắt xác thịt, và chúng ta có thể sờ chạm hình thể xác thịt của Ngài.

Có thể nói: Từ trong cõi đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Ngài một hình thể vật chất để xuất hiện trong thế giới vật chất mà Ngài sẽ tạo nên. Và Ngài đã tạo nên loài người với một thân thể vật chất giống như hình thể vật chất của Ngài mà Ngài đã chọn. Hình thể ấy được gọi là hình thể xác thịt của loài người [1].

Chúng ta có thể hiểu rằng, hình thể vật chất của Thiên Chúa là sự thể hiện hình thể thiêng liêng của Ngài. Vậy, khi chúng ta được vào trong thiên đàng với thân thể xác thịt đã được phục sinh hoặc biến hóa của chúng ta, chúng ta có thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời và của Đấng Thần Linh, nhưng không thể sờ chạm được bằng thân thể xác thịt của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy Ngôi Lời trong hình thể phục sinh của Đấng Christ và có thể sờ chạm thân thể xác thịt của Ngài bằng thân thể xác thịt của chúng ta. Còn việc chúng ta được kết hiệp với Ngài trong Lễ Cưới của Chiên Con là một sự mầu nhiệm mà chúng ta chưa thể hiểu được, nhưng chúng ta sẽ được kinh nghiệm.

Chúng ta sẽ luôn được nhìn thấy và tương giao với thân thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh bằng thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần.

Thánh Kinh gọi tất cả những ai đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là những thánh đồ. Vì họ đã được Đức Chúa Trời tha tội; Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội; và Đức Thánh Linh đổi mới linh hồn cùng tâm thần của họ, thánh hóa xác thịt của họ. Những thánh đồ của Chúa hiệp một với nhau thành Hội Thánh. Hội Thánh là tập thể của những người được ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và được Ngài kêu gọi phân rẽ ra khỏi thế gian, để làm những con trai và những con gái của Ngài, vui hưởng cơ nghiệp đời đời của Ngài, là mọi công trình sáng tạo của Ngài, từ thuộc thể cho đến thuộc linh. Vì thế, chữ “thánh” dùng cho con dân Chúa còn có nghĩa là: Được biệt riêng ra cho Thiên Chúa sử dụng, được biệt riêng ra cho mục đích mà Ngài đã định. Và chúng ta biết rất rõ, Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Trời:

  • Luôn yêu thương chúng ta, nên chỉ làm ra những gì tốt nhất cho chúng ta, để chúng ta được luôn vui sống trong hạnh phúc với Ngài: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).

  • Chỉ dùng chúng ta cho những việc lành: “Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

  • Khiến cho chúng ta ngày càng giống Đức Chúa Jesus Christ càng hơn: “Vì những ai Ngài đã biết trước, {thì} Ngài cũng đã định sẵn {để} giống như hình ảnh của con Ngài, {để} con ấy là con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Muốn luôn được ở trong tình yêu của Chúa và được mãi mãi sống hạnh phúc với Ngài thì chúng ta phải cứ tiếp tục nên thánh, tức là tiếp tục ở trong sự thánh hóa mà Đức Thánh Linh đang làm ra mỗi ngày trong chúng ta, khi chúng ta hết lòng đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa. Sự nên thánh khiến cho chúng ta kết những quả lành, đẹp lòng Chúa và đem lại ích lợi cho chúng ta cùng những người khác. Những quả lành ấy là những ưu điểm thay thế cho những khuyết điểm vốn có trong con người xác thịt từng sống trong tội của chúng ta. Những quả lành ấy là bản tính mới của mỗi con dân Chúa và cũng là bản tính chung của Hội Thánh. Trong Khải Huyền đoạn 2 và 3 có ghi lại 12 ưu điểm của Hội Thánh, do chính Đức Chúa Jesus Christ, xác nhận.

Mười Hai Ưu Điểm của Hội Thánh

1. Có tình yêu: (Khải Huyền 2:19) Là có tình yêu của Chúa. Chúa là tình yêu và ai vâng giữ Lời Ngài thì người ấy có Ngài và được thuộc về Ngài. Có Chúa tức là có tình yêu của Chúa.

Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài.” (I Giăng 2:5).

Bởi sự vâng giữ Lời Chúa mà chúng ta có thể yêu Chúa trên tất cả mọi sự và yêu người khác như chính mình, yêu anh chị em cùng Cha của chúng ta hơn chính mình.

Ngươi sẽ yêu Chúa, Đức Chúa Trời của ngươi với hết thảy tấm lòng của ngươi, với hết thảy linh hồn của ngươi, với hết thảy tâm trí của ngươi, với hết thảy sức mạnh của ngươi. Đó {là} điều răn thứ nhất. Và điều thứ hai {là} như thế này: Ngươi sẽ yêu kẻ lân cận của ngươi như chính ngươi. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều này.” (Mác 12:30-31).

Chẳng ai có tình yêu {nào} lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Một người vì bất cứ lý do nào, cố ý không vâng giữ Lời Chúa thì đương nhiên người ấy đã không kính yêu Chúa trên tất cả mọi sự. Người đã không kính yêu Chúa trên tất cả mọi sự thì không thể nào yêu người khác như chính mình hay hơn chính mình. Người không có tình yêu của Đức Chúa Trời chính là người không thuộc về Chúa:

Hỡi các con yêu dấu, chúng ta hãy yêu lẫn nhau; vì tình yêu thuộc về Đức Chúa Trời. Người nào yêu, thì được sinh bởi Đức Chúa Trời và biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là Tình Yêu.” (I Giăng 4:7-8).

Người ấy chỉ tin Chúa bằng lý trí và vẫn yêu chính mình hơn tất cả mọi sự, chỉ muốn sống theo ý riêng của mình hơn là tin cậy Chúa và vâng phục Chúa. Đến thời điểm của Chúa thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa người ấy ra và Đức Chúa Trời sẽ chặt bỏ người ấy:

Vậy, vì ngươi là hâm hẩm, không lạnh cũng không nóng, Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:16).

Bất cứ nhánh nào trong Ta {mà} không mang trái, {thì} Ngài chặt bỏ nó; và {nhánh nào} mang trái, {thì} Ngài tỉa nó, để nó mang nhiều trái hơn [Ê-sai 19:5].” (Giăng 15:2).

Có một điều chúng ta cần phải cẩn thận xem xét. Đó là có nhiều người lầm tưởng mình yêu Chúa hoặc yêu người khác như chính mình, thậm chí, hơn chính mình. Nhưng thật ra, họ chỉ yêu chính họ. Khi chúng ta đọc sách Giô-na, chúng ta thấy Tiên Tri Giô-na được Chúa sai đi đến thành Ni-ni-ve để nói tiên tri về sự Chúa sẽ diệt thành ấy. Nhưng, Giô-na đã không vâng lời Chúa, trái lại, ông đã tìm cách bỏ trốn. Vì ông không ưa dân thành Ni-ni-ve. Họ là kẻ thù của dân I-sơ-ra-ên và ông chỉ muốn họ bị Chúa diệt. Tuy nhiên, Giô-na đã không thể trốn khỏi mặt Chúa. Cuối cùng, ông đã phải đến thành Ni-ni-ve để nói tiên tri. Sau khi nghe lời tiên tri của Giô-na thì toàn thể dân thành Ni-ni-ve đều hạ mình ăn năn tội, và Chúa đã không tiêu diệt thành ấy. Giô-na thấy Chúa không diệt thành Ni-ni-ve theo lời mà ông đã tiên tri, thì ông bực tức. Nhưng Chúa đã dạy cho ông một bài học về sự thương xót. Nếu có ai hỏi Giô-na rằng, ông có yêu Chúa hơn tất cả mọi sự hay không, thì có lẽ ông đã trả lời rằng: Có! Cũng như ngày nay, nếu có ai hỏi quý ông bà anh chị em rằng, quý ông bà anh chị em có yêu Chúa hơn tất cả mọi sự hay không, thì chắc câu trả lời của quý ông bà anh chị em cũng sẽ là: Có! Nhưng câu trả lời đúng với sự thật hay không là điều mà chúng ta phải suy ngẫm.

Giô-na là người tin Chúa và kính sợ Chúa. Có lẽ ông nghĩ rằng, ông yêu Chúa! Nhưng ông đã không yêu Chúa hơn chính ông. Nếu ông yêu Chúa hơn chính ông thì ông đã chọn vâng lời Chúa và vui mừng đồng ý với tất cả những gì Chúa làm ra. Thật ra, Giô-na chỉ yêu chính cái tôi của ông, yêu sự cảm xúc, sự nhận định, ý muốn, và sự quyết định của mình. Nhiều người quá yêu cái tôi của mình mà sẵn sàng hủy diệt ngay chính mạng sống của mình. Chúng ta biết có nhiều người chọn tự tử khi họ không đạt được ý muốn của họ.

Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng là một người tự nghĩ rằng, ông yêu Chúa hơn tất cả mọi sự, sẵn sàng chết vì Ngài. Trước giờ Chúa bị bắt, ông đã khẳng khái thưa với Chúa: “Dù tôi phải chết với Ngài, tôi sẽ chẳng chối Ngài” (Ma-thi-ơ 26:35). Các môn đồ khác nghe thấy vậy, thì cũng nói theo Phi-e-rơ.

Thế nhưng, chuyện gì đã xảy ra? Chỉ vì sợ một người tớ gái mà Phi-e-rơ đã đành lòng chối rằng, ông không biết Chúa! Còn các môn đồ khác, ngoại trừ Sứ Đồ Giăng, đều bỏ trốn, khi thấy Chúa xuôi tay, chịu bị bắt! Chúng ta hãy dừng lại đây để suy nghĩ về chính mình. Có phải, mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta vẫn đối xử với Chúa tương tự như vậy? Chúng ta cố ý làm nghịch lại Lời Chúa vì sợ ai đó hơn sợ Chúa, hay vì yêu ai đó, yêu sự gì đó hơn yêu Chúa. Nếu là vậy thì tất cả chỉ vì: Chúng ta vẫn còn yêu mình trên hết mọi sự!

Tình yêu chân thật đối với Chúa là yêu điều Chúa yêu, ghét điều Chúa ghét; đồng ý với tất cả những gì Chúa phán dạy, những gì Chúa làm ra; sốt sắng làm theo Lời Chúa trong sự vui mừng. Vui mừng vì được vinh dự làm theo Lời Chúa. Vui mừng vì có cơ hội làm cho Chúa vui lòng.

Tình yêu chân thật đối với người khác là sẵn sàng hy sinh để giúp cho người mình yêu luôn được hạnh phúc trong Chúa; có cơ hội sửa đổi các khuyết điểm và ăn năn tội; có phương tiện thăng tiến, đạt đến địa vị và giá trị cao nhất mà Chúa đã định cho người ấy. Hạnh phúc trong Chúa khác với hạnh phúc của thế gian. Hạnh phúc trong Chúa là có đức tin trong Chúa, là tin Chúa, tin cậy Chúa, và vâng phục Chúa. Vì thế, giúp cho người mình yêu luôn được hạnh phúc là giúp cho người mình yêu biết Chúa, tin Chúa, tin cậy Chúa, và vâng phục Chúa.

2. Giữ mình thánh khiết: (Khải Huyền 3:4) Là không phạm tội, tức không vi phạm bất cứ một điều răn nào của Thiên Chúa; không chấp nhận sự phạm tội của người khác; không thỏa hiệp với những sự tội lỗi trong thế gian; không đến gần những hình tượng, những bàn thờ và đền thờ các tà thần; không mang ách chung với những kẻ chẳng tin; không tiếp xúc với những kẻ rao giảng tà giáo:

II Cô-rinh-tô 6:14-18

14 Chớ mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Bởi vì sự công bình với sự không công bình có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Có sự hiệp ý nào giữa Đấng Christ với Bê-li-an? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị và là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Có sự đồng thuận nào giữa đền thờ của Thiên Chúa với các thần tượng? Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân Ta.

17 Bởi vậy, Chúa phán: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, các ngươi hãy phân rẽ, đừng đụng đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi.

18 Ta sẽ làm Cha của các ngươi, các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái của Ta. Chúa Toàn Năng phán.

Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.” (Tít 3:10).

Ngày nay, với các phương tiện truyền thông đại chúng và công nghệ thông tin mạng, chúng ta rất dễ phạm sự ô uế. Ngay cả trên các trang mạng xã hội như facebook, chúng ta cũng có thể phạm sự ô uế khi buông mình vào sự giễu cợt tầm phào, nói lời thô tục; bắt chước người thế gian dùng những từ ngữ ngọng nghịu, làm mất đi phẩm chất cao quý của ngôn ngữ mà Chúa đã ban cho chúng ta. Đó là chưa kể sự xem những hài kịch mà diễn viên luôn miệng kêu “Trời”; ghé mắt vào những hình ảnh khêu gợi tà dâm…

3. Chịu đựng sự khốn khổ, nghèo nàn, khó nhọc trong đời sống theo Chúa: (Khải Huyền 2:2, 9) Là chịu đựng những nghịch cảnh Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của chúng ta, để rèn luyện đức tin của chúng ta, để dùng chúng ta làm gương cho những người khác, và để ban phước cho những ai tiếp trợ chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ và Sứ Đồ Phao-lô là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo để sống đời sống thanh đạm:

…Những con cáo có hang, những chim trời có ổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58).

{Các anh chị em} hãy bắt chước tôi cũng như tôi {bắt chước} Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

II Cô-rinh-tô 11:23-28

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Vâng! Tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là người hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều khi tôi gần phải bị chết;

24 năm lần bị người Do-thái đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;

25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với những anh chị em cùng Cha giả dối;

27 chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói và khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

28 Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.

Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô, một người sống thanh đạm, chịu khổ trong khi hầu việc Chúa, để dạy cho con dân Chúa khắp nơi, trong mọi thời đại, về nếp sống đạm bạc trong Chúa:

I Ti-mô-thê 6:6-11

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; {và} chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, {rơi vào} nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, {là} những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

11 Nhưng, hỡi con, {là} người của Đức Chúa Trời! Hãy tránh khỏi những sự đó mà theo đuổi sự công bình, lòng tin kính, đức tin, tình yêu, sự nhẫn nại, và sự nhu mì.

Hãy nhớ rằng, chúng ta chỉ sống tạm một thời gian ngắn trong cuộc đời này, để chuẩn bị cho tương lai của chúng ta trong Vương Quốc Trời. Hãy lo thu trữ của cải còn lại đời đời ở trên trời, thay vì lo làm giàu, thu trữ tiền bạc, của cải vật chất trong thế gian này:

Hãy bán gia tài của các ngươi mà ban sự thương xót. Hãy sắm cho mình những túi không hư, kho tàng không thất thoát ở trên trời, nơi không có kẻ trộm đến gần, cũng không có sâu mọt làm cho hư nát. Vì kho tàng của các ngươi ở đâu, {thì} lòng của các ngươi cũng ở đó.” (Lu-ca 12:33-34).

Thay vì tham muốn sự giàu có, chúng ta hãy tận dụng thời gian, công sức, của cải Chúa ban cho vào trong sự tiếp trợ lẫn nhau, dâng hiến vào các mục vụ của Hội Thánh. Đó là chúng ta sống theo tinh thần của Lu-ca 12:33-34 và I Ti-mô-thê 6:6-11. Hãy nhớ, Chúa của chúng ta và các sứ đồ của Ngài đã sống một đời sống đạm bạc trên đất. Và hãy ghi nhớ lời tiên tri của Chúa trong Ma-thi-ơ 25:31-46 về phần đã định cho những người yêu thương cứu giúp anh chị em cùng đức tin cùng với phần đã định cho những người không có tình yêu thương.

4. Có ít sức mà vẫn giữ vững đức tin, vâng theo Lời Chúa, không chối danh Chúa: (Khải Huyền 3:8) Một người đi theo Chúa, trước hết là bởi sự tự do lựa chọn của người ấy. Người ấy nhận biết Chúa và bằng lòng từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Cái quyết định từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa đó hoàn toàn do ý muốn và sức riêng của một người. Và cũng chỉ khi đó thì Chúa mới tiếp nhận người ấy. Kể từ đó, người ấy vẫn sống bằng sức mình, nhưng khi cần thì được Chúa ban ơn và thêm sức.

Có ít sức không phải chỉ nói về sức mạnh của thân thể xác thịt, mà còn bao gồm cả sự thiếu kém về các phương diện vật chất, danh tiếng, học thức, gia thế, địa vị trong xã hội… Đức Chúa Trời luôn chọn những người yếu sức để làm nên những công việc lớn của Ngài:

I Cô-rinh-tô 1:26-29

26 Hỡi các anh chị em! Hãy suy xét rằng, ở giữa các anh chị em là những người đã được gọi, không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng nhiều người quyền thế, chẳng nhiều người sang trọng.

27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu của thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh;

28 Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ của thế gian, những sự bị khinh chê, cùng những sự không có, để làm cho những sự có ra không có;

29 để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.

Thực tế, những người nghèo dễ giữ đức tin trong Chúa hơn là những người giàu. Vì người nghèo không có gì để mất, để bỏ khi đi theo Chúa. Vì sự dâng hiến của người nghèo dù rất ít nhưng lại bằng cả tài sản của người giàu. Chúng ta cần suy ngẫm câu chuyện người đàn bà góa dâng hiến (Mác 12:42-44; Lu-ca 21:1-4).

Những ai đang ở trong hoàn cảnh thiếu thốn, thấp kém trong xã hội, hãy vui mừng, bình an, sống thánh khiết theo Lời Chúa; biết rằng mình là người được chọn của Đức Chúa Trời. Chỉ cần chúng ta hết lòng sống theo Lời Chúa thì Ngài sẽ ban thêm sức cho chúng ta những khi chúng ta cần, để chúng ta luôn đứng vững trong đức tin.

5. Vững vàng và nhẫn nại trong đức tin: (Khải Huyền 2:19) Là luôn đứng vững trong mọi sự thử thách, bền lòng chịu đựng nghịch cảnh mà chờ đợi sự tiếp trợ và giải cứu của Chúa, không hề nghi ngờ sự thành tín của Chúa, nhưng luôn bám chặt vào mọi lời hứa của Chúa, ghi nhớ những lời khích lệ của Đức Thánh Linh:

Các anh chị em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy can đảm, hãy mạnh mẽ!” (I Cô-rinh-tô 16:13).

Hãy châm rễ và xây dựng nên trong Ngài! Hãy vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ! Hãy dư dật trong sự cảm tạ!” (Cô-lô-se 2:7).

Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại. Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.” (Gia-cơ 1:3-4).

Chúng ta vững vàng trong đức tin là nhờ chúng ta thật lòng tin Chúa và tin cậy Chúa. Tin rằng Ngài yêu chúng ta trên hết mọi sự và Ngài sẽ không bao giờ cho phép điều xảy ra cho chúng ta mà không ích lợi cho chúng ta, miễn là chúng ta không phạm tội. Tin cậy Chúa là tin chắc Chúa chính là Đấng cứu giúp và giải quyết mọi nhu cầu, mọi nan đề của chúng ta, chờ đợi Ngài hành động trong thời điểm của Ngài. Áp-ra-ham đã để lại tấm gương sáng cho chúng ta về sự vững vàng trong đức tin. Đức Thánh Linh nói về đức tin của Áp-ra-ham và sự áp dụng cho chúng ta, như sau:

Rô-ma 4:16-25

16 Vậy nên, từ đức tin này mà bởi ân điển lời hứa là chắc chắn cho hết thảy dòng dõi, không chỉ những ai theo luật pháp mà cả những ai theo đức tin của Áp-ra-ham, người là tổ phụ của hết thảy chúng ta,

17 như đã chép: Ta đã lập ngươi làm cha của nhiều dân tộc! Trước Đấng mà ông tin, {là} Thiên Chúa, Đấng làm sống kẻ chết và gọi những sự không có như chúng đã có rồi, [Sáng Thế Ký 17:5]

18 ông cứ tin vào sự trông cậy khi chẳng còn lẽ trông cậy, mà ông trở nên cha của nhiều dân tộc, theo lời đã phán: Dòng dõi ngươi sẽ như thế ấy!

19 Không yếu kém trong đức tin, ông chẳng quan tâm đến thân thể đã hao mòn của mình, khi ông đã gần trăm tuổi, cũng không {quan tâm} đến tử cung hao mòn của Sa-ra.

20 Ông chẳng lưỡng lự về lời hứa của Đức Chúa Trời vì chẳng tin, nhưng mạnh mẽ trong đức tin, tôn vinh Đức Chúa Trời,

21 và tin chắc rằng, điều gì Ngài đã hứa, Ngài cũng có quyền làm ra.

22 Vì vậy, điều ấy được xem là sự công bình cho ông.

23 Nhưng {lời ấy} chẳng phải chỉ chép cho một mình ông về sự ông được xem {là công bình}.

24 Nhưng cũng cho chúng ta nữa, những người sẽ được xem {là công bình} nếu chúng ta tin nơi Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta, sống lại từ trong những kẻ chết.

25 Ngài đã bị nộp vì những lỗi lầm của chúng ta, và đã được làm cho sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.

6. Lao nhọc trong sự hầu việc Chúa mà không mòn mỏi: (Khải Huyền 2:3) Là chuyên tâm trong mọi mục vụ của Hội Thánh, không để sự khó nhọc làm cho nản lòng:

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa! Hãy biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích!” (I Cô-rinh-tô 15:58).

…hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta nói sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa, nhưng mỗi ngày chúng ta đã dành ra bao nhiêu thời gian để dự phần trong các mục vụ của Hội Thánh?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, từ khi chúng ta tin Chúa đến nay, chúng ta đã dự phần như thế nào về mục vụ giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh tại địa phương của chúng ta? Nếu chúng ta thật sự sống vì Chúa và chết vì Chúa thì chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian, công sức cho công việc của nhà Chúa là Hội Thánh, trong suốt khoảng thời gian chúng ta đi theo Chúa, cho đến nay?

Chúng ta có đang hầu việc Chúa hay không? Chúng ta có đang lao nhọc hầu việc Chúa hay không?

7. Sốt sắng trong sự hầu việc Chúa ngày càng hơn: (Khải Huyền 2:19) Chẳng những con dân chân thật của Chúa lao nhọc trong sự hầu việc Chúa cách không mòn mỏi mà họ ngày càng sốt sắng càng hơn; như người thi đấu trong một cuộc chạy đua, gắng hết sức trong đấu trường để được giải thưởng:

chẳng lui đi trong sự sốt sắng; tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa;” (Rô-ma 12:11).

Khi gặp thuận cảnh thì chúng ta rất dễ dàng lao nhọc trong sự hầu việc Chúa mà không mòn mỏi. Nhưng khi gặp nghịch cảnh: thiên tai, chiến tranh, bạo quyền, bệnh tật… thì chúng ta có thể vẫn cứ sốt sắng trong sự hầu việc Chúa hay không? Hãy nhớ rằng, mỗi một sự chúng ta hết lòng làm ra trong cuộc đời này thì mọi kết quả của chúng đều sẽ còn lại cho đến đời đời.

I Cô-rinh-tô 3:10-15

10 Theo ân điển Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng, mà người khác xây cất lên trên. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất lên trên {nền đó} như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nếu có người {lấy} vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày {đến} sẽ công bố {nó}; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm giá trị công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai xây cất cứ còn lại {thì} người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy {thì} người ấy sẽ bị tổn thất, nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, dường như qua lửa vậy.

Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.” (II Phi-e-rơ 3:14).

Chúng ta có thể không mòn mỏi trong sự hầu việc Chúa nhưng chúng ta có thể hầu việc Chúa mà không sốt sắng. Sự sốt sắng khi làm việc có được là vì chúng ta yêu thích việc mình làm. Chúng ta yêu thích việc mình làm khi chúng ta hiểu rõ cách làm việc, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, kết quả, và sự ích lợi của việc mình làm. Lời Chúa là Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu rõ mỗi việc chúng ta làm trong Chúa. Nhờ siêng năng đọc, suy ngẫm Lời Chúa mà chúng ta hiểu rõ mọi sự trong đời sống của chúng ta. Vì, như tác giả Thi Thiên 119 đã công bố:

Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi, và ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).

Khi chúng ta yêu thích sự hầu việc Chúa của mình thì chúng ta chẳng những không mỏi mệt mà còn luôn sốt sắng và vui mừng trong sự hầu việc Chúa.

8. Bị ma quỷ bách hại mà vẫn giữ vững đức tin: (Khải Huyền 2:10) Kẻ thù hung hãn nhất của con dân Chúa là ma quỷ. Ma quỷ ghét Chúa và ghét những ai thuộc về Chúa, nên chúng nó luôn tìm đủ mọi cách để hãm hại con dân Chúa. Lời Chúa chép rõ:

“Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8).

Ma quỷ sẽ tìm cách lường gạt, cám dỗ chúng ta để chúng ta phạm tội mà chống nghịch Chúa. Khi sự lường gạt và cám dỗ không có tác dụng trên chúng ta thì ma quỷ sẽ hù dọa. Chúng ta cần hiểu và nhớ điều này: Ma quỷ không thể nào đụng đến chúng ta, nếu không có sự cho phép của Chúa. Hãy nhớ lại câu chuyện của ông Gióp. Lời Chúa đã hứa chắc với chúng ta:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ giữ gìn ngươi khỏi mọi sự dữ. Ngài sẽ giữ gìn linh hồn của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ giữ gìn sự ra và sự vào của ngươi, từ nay cho đến mãi mãi.” (Thi Thiên 121:7-8).

Vì thế, chúng ta hãy an lòng trước sự hù dọa, tấn công của ma quỷ, kể cả khi Chúa cho phép nó làm thiệt hại chúng ta, dùng tay loài người bách hại chúng ta. Không có sự cho phép của Chúa thì một con chim sẻ cũng không thể rơi xuống đất (Ma-thi-ơ 10:29), huống hồ gì chúng ta là những người đã được Đấng Christ dùng mạng sống của Ngài để chuộc về, đưa vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời?

9. Dù sống giữa nơi Sa-tan cai trị nhưng vẫn giữ vững đức tin: (Khải Huyền 2:13) Có những con dân Chúa sống giữa một địa phương đã hoàn toàn bị dâng hiến cho ma quỷ. Tại địa phương ấy, có nhiều đền thờ tà thần đã được xây dựng để phụng thờ ma quỷ. Phần lớn chính quyền địa phương đứng về số đông dân chúng; thậm chí, các viên chức của chính quyền đều là những người thờ lạy tà thần. Trong hoàn cảnh như vậy, đương nhiên con dân Chúa tại những nơi đó phải chịu sự kỳ thị bởi những kẻ thờ tà thần và sự bách hại đức tin sẽ rất lớn. Sa-tan sẽ tận dụng những người tôn thờ nó để bách hại con dân Chúa.

Theo nghĩa rộng thì ngày nay tất cả con dân Chúa đều đang sống trong một nơi do Sa-tan cai trị, tức là thế gian này. Vì cả thế gian này đang bị khống chế bởi Sa-tan. Thánh Kinh gọi Sa-tan là Đức Chúa Trời của đời này:

“Nhưng nếu Tin Lành của chúng tôi đã bị che khuất là đã bị che khuất trong những kẻ bị hư mất, trong những kẻ chẳng tin mà Đức Chúa Trời của đời này [Sa-tan] đã làm mù lý trí của họ, kẻo sự sáng chói của Tin Lành Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời, chiếu sáng họ.” (II Cô-rinh-tô 4:4).

Nhưng nếu con dân Chúa hết lòng tin cậy Chúa thì sẽ được đắc thắng. Lời Chúa đã hứa rõ:

“Hỡi các con cái bé nhỏ, các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã thắng được họ rồi, vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian.” (I Giăng 4:4).

Đấng ở trong con dân Chúa chính là Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh an ủi, cầu thay, dẫn dắt, và ban sự khôn sáng cho con dân Chúa, ban mọi ân tứ cần thiết để con dân Chúa đứng vững trong cuộc chiến thuộc linh. Khi cần, thì chính Đấng Christ sẽ ban thêm ân điển và sức mạnh từ ngài, để chúng ta đứng vững và làm được mọi sự (II Cô-rinh-tô 12:9; Phi-líp 4:13).

Sự đắc thắng được nói đến ở đây không có nghĩa là sự đắc thắng trong thân thể xác thịt này, mà là sự đắc thắng thuộc linh, đắc thắng quyền lực của Sa-tan. Vì cho dù Sa-tan đã tận dụng sức mạnh và sự khôn sáng của nó, nó vẫn không có thể khiến cho con dân Chúa mất đức tin. Cho dù, với sự cho phép của Đức Chúa Trời, Sa-tan có giết chết con dân Chúa thì họ cũng vẫn vui mừng đi vào sự chết với đức tin trong Chúa, chứ không chối bỏ Ngài. Và như vậy, họ đã thắng Sa-tan và làm tôn vinh danh Chúa.

10. Thử nghiệm những người giảng dạy Lời Chúa: (Khải Huyền 2:2) Có biết bao nhiêu người tự xưng là giáo sư, tiên tri, người chăn, sứ đồ của Đấng Christ; nhưng thật ra, họ chỉ là những sói đội lốt chiên, là những tôi tớ của Sa-tan, mạo danh làm tôi tớ của Chúa (II Cô-rinh-tô 11:14). Ngay từ trước khi thành lập Hội Thánh, Đức Chúa Jesus Christ đã cảnh cáo các môn đồ của Ngài:

“Hãy coi chừng những tiên tri giả, {là} những kẻ mang lốt chiên đến với các ngươi, nhưng bề trong chúng là những chó sói hay cắn xé. Các ngươi sẽ nhận biết chúng bởi những trái của chúng. Có bao giờ {người ta} hái những trái nho từ những bụi gai, hay là những trái vả từ những bụi tật lê? Vậy, mỗi cây tốt sinh trái tốt nhưng cây xấu sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây xấu cũng không thể sinh trái tốt.” (Ma-thi-ơ 7:15-18).

Bông trái của một người là việc làm của người ấy. Vậy, sự thử nghiệm những người giảng dạy Lời Chúa là xem xét việc làm của họ, nếp sống của họ, xem có đúng Lời Chúa hay không. Nhưng trên hết, là sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Vì chắc chắn, một con dân chân thật của Chúa, có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể, sẽ nhận biết ai là người thật và ai là người giả.

Có hai loại người giả:

  • Người giảng đúng Lời Chúa nhưng sống không đúng Lời Chúa, đó là người giả hình. Người như vậy có sự tin Chúa và hiểu biết Lời Chúa, nhưng không có sự vâng phục Chúa. Người như vậy sống theo ý riêng của mình, tìm kiếm sự vinh quang cho bản thân mình.

  • Người giảng không đúng Lời Chúa và cũng không sống đúng Lời Chúa, đó là người giả danh tôi tớ của Chúa. Họ không hề tin Chúa mà chỉ lợi dụng danh Chúa để trục lợi.

Chúng ta nên ghi nhớ và học theo gương của những người Bê-rê: Luôn đối chiếu lời giảng dạy của bất cứ ai với Thánh Kinh, để tìm xem người ấy có rao giảng Lời Chúa cách chân thật hay không (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Nếu người Bê-rê vào thời Phao-lô chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước mà có thể đối chiếu với lời Phao-lô giảng, để biết ông giảng đúng Thánh Kinh, thì ngày nay chúng ta còn có phước hơn họ. Vì chúng ta có trọn trong tay Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước. Ngày xưa, muốn đọc Thánh Kinh, người ta phải vào các nhà hội hoặc chỉ những người giàu có mới có được Thánh Kinh ở trong nhà. Vì các bản Thánh Kinh được chép bằng tay rất công phu. Giá thuê mướn chép tay một bản Thánh Kinh có thể bằng tiền lương lao động một năm. Ngày nay, chúng ta có sẵn vài cuốn Thánh Kinh in thành sách ở trong nhà và trong máy vi tính, máy điện thoại thì có các phiên bản điện tử. Nếu chúng ta không biết dùng Lời Chúa để thử nghiệm những người rao giảng Lời Chúa thì có phải chúng ta là những người vô cùng ngu dại?

Phần lớn những người rao giảng Lời Chúa ở trong các giáo hội là những kẻ giả hình và giả danh. Dù là người giả thuộc loại nào thì họ cũng là những kẻ đáng thương; vì nếu họ không ăn năn kịp lúc thì họ sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Khi chúng ta đã dùng Lời Chúa để thử nghiệm và nhận biết những kẻ giả hình và giả danh, thì chúng ta hãy kêu gọi họ ăn năn. Nếu họ không ăn năn thì chúng ta phải tránh xa họ:

Giu-đe 1:17-25

17 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy nhớ lấy những lời mà trước đây các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đã nói.

18 Thế nào họ đã nói với anh chị em rằng, trong thời kỳ sau rốt, sẽ có những kẻ hay nhạo báng, là những kẻ bước theo lòng tham muốn không tin kính của chúng nó.

19 Chính những kẻ ấy là những kẻ tự gây phe đảng, sống động mà không có thần quyền. [Chết thuộc linh, phần thể xác vẫn hoạt động mà phần tâm thần không còn nhận biết Thiên Chúa.]

20 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy tự lập trên đức tin rất thánh của mình, cầu nguyện trong thánh linh,

21 Hãy giữ chính mình anh chị em trong tình yêu của Thiên Chúa, trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời.

22 Hãy cảm thông đối với một số người. Hãy phân biệt. [Phân biệt người yếu đuối với người cố tình sống trong tội.]

23 Và, với những kẻ khác hãy cứu họ với lòng sợ hãi, kéo họ ra khỏi lửa; ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.

24 Nguyện Đấng có thể giữ gìn anh chị em khỏi sa ngã và khiến anh chị em đứng trước mặt vinh quang Ngài cách rất vui mừng, không chỗ trách được,

25 là Thiên Chúa Thông Sáng Có Một, Đấng Giải Cứu của chúng ta, được sự vinh quang và uy nghi, thế lực và quyền phép, hiện nay và cho đến đời đời! A-men.

Xin đọc và nghe bài giảng chú giải Giu-đe 1:17-25 trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

11. Ghét những kẻ theo tà giáo: (Khải Huyền 2:6) Chữ “ghét” trong Thánh Kinh được dùng với hai nghĩa. Nghĩa đen là cảm giác không thích, không ưa một cách mạnh mẽ. Lòng ghét thường dẫn đến những phản ứng hay hành động nghiêm trọng. Nghĩa dùng trong thành ngữ chỉ sự so sánh là ưa thích, yêu quý kém hơn [3], như:

“Ta yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau”. (Rô-ma 9:13). Có nghĩa là Chúa yêu Ê-sau kém hơn Gia-cốp.

“Ai đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em của mình, và chính sự sống của mình, thì người ấy không được làm môn đồ của Ta.” (Lu-ca 14:26). Có nghĩa là con dân Chúa yêu người thân của mình kém hơn là yêu Chúa.

Là con dân Chúa thì chúng ta yêu những gì Chúa yêu và ghét những gì Chúa ghét. Chữ ghét dùng trong trường hợp đối với tội lỗi và những kẻ theo tà giáo là với nghĩa đen. Chúng ta không ưa, không thích một cách mạnh mẽ tội lỗi và những kẻ theo tà giáo. Những kẻ theo tà giáo vừa là những kẻ rao giảng tà giáo vừa là những kẻ tin theo tà giáo (có khi bản thân kẻ rao giảng tà giáo không tin lời họ rao giảng). Ngay từ buổi ban đầu của Hội Thánh, cũng đã có những tiên tri giả trong dân chúng và những giáo sư giả trong Hội Thánh:

“Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.” (II Phi-e-rơ 2:1).

Trong tất cả những sự tác hại đến Hội Thánh thì tác hại lớn nhất đối với Hội Thánh là tà giáo. Vì tà giáo là sự thêm vào Lời Chúa, hoặc bớt đi Lời Chúa, hoặc bẻ cong Lời Chúa. Chính hành động thêm, bớt, hoặc bẻ cong Lời Chúa đã là tội trọng, tội phạm thượng Thiên Chúa. Vì Chúa đã làm cho Lời Chúa được tôn cao hơn cả danh Chúa (Thi Thiên 138:2).

Có ba tà giáo lớn mạnh nhất hiện nay là:

  • Tà giáo chối bỏ không công nhận ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát và không vâng giữ ngày Sa-bát. Hầu hết các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa đều rao giảng tà giáo này. Một số các giáo hội giữ ngày Sa-bát như Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm và các phong trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ thì lại giảng dạy các tà giáo khác.

  • Tà giáo nói tiếng lạ và đặt tay té ngã trong các giáo phái Ân Tứ, Ngũ Tuần của các giáo hội Tin Lành lẫn Công Giáo, Anh Giáo, và Chính Thống Giáo.

  • Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ, tin và thờ lạy một thần linh gọi là “Đức Chúa Trời Mẹ”.

Ngoài ra, còn có những tà giáo khác như:

  • Tà giáo phủ nhận sự trung thực của Thánh Kinh, tin vào một loại “Thánh Kinh” khác, do người sáng lập giáo hội biên soạn, như tà giáo Mọt-môn (Mormon).

  • Tà giáo chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, chối bỏ cả thân vị lẫn thần tính của Đức Thánh Linh, điển hình là Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân.

  • Tà giáo Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Roots), kêu gọi quay về các nghi thức thờ phượng Chúa trong thời Cựu Ước và kêu gọi dùng tiếng Hê-bơ-rơ để gọi danh Thiên Chúa lẫn danh của Đức Chúa Jesus.

Lời Chúa dạy cho chúng ta cách thức đối xử với những kẻ rao giảng tà giáo và theo tà giáo như sau:

“Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.” (Tít 3:10).

“Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con. Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy.” (II Giăng 9-10).

Và như trong Giu-đe 1:23 đã dạy, chúng ta nên ghét cả những gì đã bị xác thịt của những kẻ theo tà giáo làm cho ô uế.

12. Không dung túng những kẻ ác: (Khải Huyền 2:2) Kẻ ác là kẻ phạm tội, tức vi phạm một hay nhiều điều răn của Chúa. Trong Hội Thánh, kẻ ác là kẻ trở lại phạm tội mà không chịu ăn năn. Lời Chúa đã dạy rõ về hai trường hợp phạm tội trong Hội Thánh, mà nếu người phạm tội không chịu ăn năn thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy:

  • Trường hợp 1: Hội Thánh phải dứt thông công những người có lỗi với các anh chị em trong Hội Thánh mà không chịu ăn năn:

“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, {thì} hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, {thì} ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình. Nếu người không nghe {ngươi}, hãy đem thêm với ngươi một hoặc hai người, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15]. Nếu người không chịu nghe họ, {thì} hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, {thì} hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế.” (Ma-thi-ơ 18:15-17).

  • Trường hợp 2: Hội Thánh phải dứt thông công những người cứ sống trong tội:

“Bởi vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao? Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội {họ}. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 5:12-13).

Nếu Hội Thánh không dứt thông công những kẻ có tội trong Hội Thánh mà không chịu ăn năn, thì Hội Thánh phạm tội dung túng kẻ ác. Sau khi một người đã bị Hội Thánh dứt thông công mà ai trong Hội Thánh vẫn giữ thông công với người bị dứt thông công, thì người ấy trở thành kẻ ác, và cũng đáng bị trừ bỏ khỏi Hội Thánh.

Kính thưa Hội Thánh,

Trên đây là 12 ưu điểm hay đức tính của Hội Thánh do chính Đức Chúa Jesus Christ liệt kê trong Khải Huyền đoạn 2 và 3. Chúng tôi xin liệt kê như sau:

1. Có tình yêu (Khải Huyền 2:19)

2. Giữ mình thánh khiết (Khải Huyền 3:4)

3. Chịu đựng sự khốn khổ, nghèo nàn, khó nhọc trong đời sống theo Chúa (Khải Huyền 2:2, 9)

4. Có ít sức mà vẫn giữ vững đức tin, vâng theo Lời Chúa, không chối danh Chúa (Khải Huyền 3:8)

5. Vững vàng và nhẫn nại trong đức tin (Khải Huyền 2:19)

6. Lao nhọc trong sự hầu việc Chúa mà không mòn mỏi (Khải Huyền 2:3)

7. Sốt sắng trong sự hầu việc Chúa ngày càng hơn (Khải Huyền 2:19)

8. Bị ma quỷ bách hại mà vẫn giữ vững đức tin (Khải Huyền 2:10)

9. Dù sống giữa nơi Sa-tan cai trị nhưng vẫn giữ vững đức tin (Khải Huyền 2:13)

10. Thử nghiệm những người giảng dạy Lời Chúa (Khải Huyền 2:2)

11. Ghét những kẻ theo tà giáo (Khải Huyền 2:6)

12. Không dung túng những kẻ ác (Khải Huyền 2:2)

Chúng ta hãy dành thời gian trong những ngày đầu năm mới 2019 này, để suy ngẫm, cảm tạ Chúa, và xin Chúa giúp cho mình, cho Hội Thánh tại địa phương của mình có đủ cả 12 đức tính.

Trong ngày Sa-bát đầu tiên của năm 2019, chúng tôi xin kính gửi đến Hội Thánh lời kêu gọi của Chúa, được chép trong I Phi-e-rơ 1:15-16:

Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em, {là} thánh,{thì} các anh chị em cũng {phải} nên thánh trong mọi cách ăn ở; bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh!” (I Phi-e-rơ 1:15-16).

Mong rằng, lời này sẽ giúp cho chúng ta luôn tỉnh thức, giữ mình, để cứ nên thánh trong cuộc sống mỗi ngày, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ.

Chúng tôi kính chúc Hội Thánh một năm mới hoàn toàn sống thánh khiết trong tình yêu, ân điển, và sự thông công của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/01/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-giu-de-906504_giu-de-17-25/

[3] https://thanhkinhvietngu.net/thanh-ngu-trong-thanh-kinh/

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Xuân Đến Trong Lòng”
https://karaokethanhca.net/chua-xuan-den-trong-long/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.